Việc hãng Repsol
ngưng hoạt động tại một dự án ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ
quyền nhưng Trung Quốc cho là vùng tranh chấp, đang thu hút sự chú ý
quốc tế.
BBC Tiếng Việt phỏng vấn phóng viên Bill Hayton, tác giả bài viết VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông về một số vấn đề liên quan tới sự kiện này:
BBC Tiếng Việt: Theo nghiên cứu của ông thì vị trí chính xác của dự án Repsol nằm ở đâu, cách bao xa tính từ đảo chính là đảo Trường Sa?
Bill Hayton: Repsol
hiện đang có một số dự án dầu khí khác nhau tại Việt Nam. Dự án vừa
phải ngưng là nằm trong Lô 136-03, ở rìa đông nam của vùng Việt Nam
tuyên bố là Đặc quyền Kinh tế. Các bạn xem bản đồ dưới đây để biết vị
trí chính xác.
Bản quyền hình ảnh
Other
Một nguồn tin nói với tôi rằng tại khu vực lô
136-03, người ta đã tìm được khí tự nhiên và một ít dầu, nhưng công tác
khoan vẫn chưa đạt tổng độ sâu (Total Depth). Nguồn tin này cho biết
chính phủ Việt Nam đã gây áp lực, muốn Talisman-Vietnam phải tìm lý do
kỹ thuật nào đó để có cớ ngưng sớm việc khoan tìm dầu.
Tuy nhiên,
phía Talisman nói với giới chức Việt Nam rằng giếng khoan hoàn toàn
tốt, không có lý do kỹ thuật nào cản trở công việc hết. Cuối cùng, chính
phủ đã ra lệnh cho nhà thầu này phải chấm dứt hoạt động chừng một tuần
trước khi mũi khoan theo kế hoạch sẽ đạt tổng độ sâu.
BBC Tiếng Việt: Nếu như
nó nằm quanh khu vực Bãi Tư chính, thì liệu điều đó có đồng nghĩa với
việc chúng ta đang chứng kiến tình trạng căng thẳng hồi 2014, khi mà có
một số nguồn tin nói rằng các tàu thuyền Trung Quốc cũng đã tiếp cận các
cụm khu vực nhà giàn do Việt Nam xây dựng ở cùng khu vực không?
Bill Hayton: Tôi không rõ chuyện này.
BBC Tiếng Việt:Trong bài viết, khi dùng
cụm từ "các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa" trong câu "giới
lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng
Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo
Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò", ông muốn nói cụ thể tới
các căn cứ nào?
Bill Hayton: Nguồn tin của tôi không nêu chi tiết.
BBC Tiếng Việt: Vị trí của lô khai thác khí đốt này nằm hoàn toàn trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam? Và theo Công ước Liên Hiệp quốc thì Việt Nam có quyền khai thác tài nguyên tại đó?
Bill Hayton: Nếu
diễn giải theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp quốc UNCLOS thì đúng
vậy. Những logic mà phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực đưa ra hồi
năm ngoái cũng xác nhận điều này, tuy nói một cách chặt chẽ thì phán
quyết này chỉ có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines.
Trung Quốc chưa bao giờ nêu rõ cơ sở để họ đưa ra các đòi hỏi đó. Một số
người nói rằng Bắc Kinh đòi hỏi dựa trên các quyền lịch sử ở khu vực,
một số người khác nói họ tuyên bố vùng Đặc quyền Kinh tế dựa vào quần
đảo Trường Sa như một cụm khu vực. Cả hai lập luận này đều không phù hợp
với UNCLOS và cả hai đều bị Tòa Trọng tài bác bỏ.
BBC Tiếng Việt: Một
số chuyên gia đã nêu câu hỏi về khả năng Việt Nam phải bồi thường cho
đối tác dầu khí Tây Ban Nha. Theo những gì ông biết thì liệu đây có phải
là điều sẽ xảy ra đối với trường hợp Repsol không?
Bill Hayton: Khó
để nói nếu ta không nắm được nội dung hợp đồng ký kết giữa hai bên.
Tuy nhiên, Repsol đã chi một khoản tiền lớn cho Talisman và đã chi thêm
nhiều triệu đô la vào việc thăm dò ở Lô 136-03. Có con số ước tính đưa
ra rằng Repsol và các hãng hoạt động trước đó đã đầu tư khoảng 300 triệu
đô la vào khu vực này.
BBC Tiếng Việt: Có ý
kiến cho rằng lịch họp của Đại hội Đảng Trung Quốc có thể là một yếu tố
khiến Hải quân Trung Quốc hạn chế các hoạt động tại Biển Đông nhằm
tránh đối đầu với các nước như Việt Nam. Ông có nghĩ là cái nhìn này vẫn
đúng ở thời điểm hiện tại?
Bill Hayton: Nếu là tuần trước thì tôi cũng nghĩ vậy. Vào thời điểm này thì tôi không còn chắc nữa.
**
Bill Hayton ngoài công việc tại BBC News còn là nhà
nghiên cứu tại Viện Chatham House, một thinktank hàng đầu về chính trị
quốc tế tại London. Ông đã xuất bản hai cuốn sách 'The South China Sea:
the struggle for power in Asia' (2014) và 'Vietnam: rising dragon' (2010).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét