Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và tổng thống Nga Vladimir
Putin. Ảnh chụp lúc thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức, 7/07/2017. REUTERS/Carlos Barria/File Photo
Chỉ hơn một năm sau khi bị cho là đã nỗ lực can thiệp vào cuộc
bầu cử tổng thống Mỹ để giúp cho ông Trump - một người từng không che giấu quan
điểm thán phục Putin - đắc cử tổng thống, thực tế hiện nay đối với chủ nhân điện
Kremlin rất chua chát : Quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi đến mức chưa từng thấy từ nhiều
thập niên qua.
Trong bài phân tích công bố ngày 30/07/2017, nhật báo Mỹ New
York Times cho rằng tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng hy vọng là Hoa Kỳ thời
tổng thống Trump sẽ đổi thái độ với Matxcơva, và sẽ đối xử với Nga theo như
mong muốn của ông Putin, tức là như một siêu cường giống như thời Liên Xô trước
đây, hay ít ra là như một đại cường, có tiếng nói cần phải tôn trọng trên các hồ
sơ lớn, từ Syria cho đến châu Âu.
Theo bà Angela Stent, giám đốc chương trình nghiên cứu Âu Á,
Nga và Đông Âu tại Đại Học Georgetown (Mỹ), « Một trong những mục tiêu lớn nhất
của Putin là bảo đảm sao cho Nga được đối xử như thể họ vẫn là Liên Xô, một cường
quốc hạt nhân mà nước khác phải nể trọng và sợ hãi… Và ông Putin nghĩ rằng mục
tiêu đó có thể đạt được nhờ vào ông Trump. »
Hy vọng đó tuy nhiên đã biến thành ảo vọng, mà dấu hiệu rõ rệt
nhất chính là luật trừng phạt Nga vừa được Quốc Hội lưỡng viện Mỹ nhất trí
thông qua hồi tuần trước, một đạo luật được coi là có tác dụng trói tay tổng thống
Trump trong quan hệ với Nga, có thể là trong nhiều năm tới đây.
Quyết định được ông Putin loan báo công khai trên truyền
hình Nga ngày 30/07, buộc Mỹ giảm hơn 700 nhân viên ngoại giao Mỹ và nhân viên
người Nga làm việc cho đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nga, sẽ không làm cho tình hình
khá hơn.
Một mục tiêu của ông Putin là thông qua một chính quyền
Trump thân thiện hơn, thúc đẩy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, không chỉ
riêng của Mỹ, mà cả của châu Âu, đang đè nặng trên nước Nga từ sau vụ Matxcơva
thôn tính Crimée.
Thế nhưng, các biện pháp trừng phạt lại được chính Mỹ tăng
cường, và ông Donald Trump dù có muốn giảm nhẹ cũng khó mà làm được. Theo nhật
báo The New York Times, một khi các biện pháp chế tài nhắm vào Nga được ban
hành - điều mà ông Trump buộc phải làm - và biến thành luật, các biện pháp này
thường được duy trì nhiều năm.
Sau cùng, tâm lý chung hiện nay ở Washington là thái độ cảnh
giác với các hành động của Nga. James B. Comey, nguyên là giám đốc FBI trước
khi bị ông Trump cách chức, đã nói trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện rằng các
cuộc tấn công vào cuộc bầu cử năm ngoái chỉ là một sự khởi đầu, và người Nga sẽ
còn tiếp tục hành động như vậy.
James R. Clapper Jr., cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ cũng
cùng nhận định, và tỏ ý lo ngại thêm trước việc nước Nga của Putin đang đẩy mạnh
trở lại chương trình hiện đại hóa quân đội và nhất là năng lực hạt nhân chiến
lược của họ.
Đây chính là một rủi ro vì hiện nay, giữa hai quân đội Nga
và Mỹ hầu như không có đối thoại. Trong bối cảnh cả hai lực lượng Nga và Mỹ đều
hoạt động gần các nước Baltic, và ngoài khơi bờ biển châu Âu, nguy cơ xẩy ra sự
cố và tính toán sai lầm rất cao.
Tóm lại, đối với tờ New York Times, Vladimir Putin đã đặt cược
trên Donald Trump, nhưng có nguy cơ bị trắng tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét