Từ giữa tháng 6, hàng ngàn quân lính
Ấn Độ và Trung Quốc đã đối mặt gườm nhau tại cao nguyên Doklam là biên
giới giữa 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Nếu hai bên không tìm được
giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt thì có thể dẫn đến một cuốc chiến
tranh khốc liệt. Trong khi đó thì chiến tranh lạnh đã bắt đầu diễn ra
tại Ấn Độ Dương qua các trận diễn tập hải chiến do Ấn Độ tổ chức với sự
tham gia của Mỹ và Nhật.
Diễn tập Malabar 2017 diễn ra trong vịnh Bengal từ ngày 10 đến 17 tháng
7. Cuộc tập trận hải quân này bắt đầu từ 1992 giữa Ấn Độ và Mỹ cho tới
khi Hoa Kỳ quyết định đình chỉ sau khi Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân vào năm
1998. Tới năm 2002 thì mới tiếp tục lại sau vụ tấn công khủng bố ngày
11 tháng 9 vào hai tòa nhà ở New York. Từ những cuộc thao dợt căn bản
chống tàu ngầm và tiếp vận trên biển, cuộc diễn tập ngày càng phát triển
quy mô và đa dạng hơn.
Trong năm 2006, tam quốc đồng minh Mỹ, Nhật và Úc bắt đầu thành lập cơ
chế đối thoại an ninh. Năm 2007 đánh dấu một sự kiện quan trọng. Hải
trận Malabar mở rộng không chỉ giữa Ấn Độ và Mỹ mà còn có sự tham gia
của hải quân Úc, Singapore và Nhật quy tụ tổng cộng có 25 tàu chiến tham
gia tập trận trong vịnh Bengal. Cũng trong thời điểm này, Thủ Tướng
Shinzo Abe đề nghị là Mỹ, Nhật, Úc và Ấn nên tiến hành thành lập cơ chế
an ninh dân chủ kim cương liên kết 4 quốc gia dân chủ để đối phó với
Trung Quốc. Bốn bên tham gia đối thoại an ninh lần thứ nhất bên lề Hội
Nghị Thượng đỉnh ASEAN vào ngày 25/5/2007 tại Manila.
Trung Quốc liền phản ứng mạnh mẽ và chính thức gửi công hàm ngoại giao
đặt vấn đề là có phải tứ quốc muốn thành lập ''trục dân chủ'' hoặc tiểu
NATO tại châu Á để kiềm chế Trung Quốc theo tư duy chiến tranh lạnh hay
không? Úc là nước đầu tiên quỵ ngã trước áp lực của Bắc Kinh. Tân Thủ
Tướng Kevin Rudd sau chuyến công du Trung Quốc và hội đàm với Dương
Khiết Trì lúc đó là Ngoại Trưởng đã đơn phương quyết định rút Úc ra khỏi
''tứ nhân bang''. Trục kim cương mới vừa ló dạng đã vụt tan biến.
Diễn tập Malabar thường được tổ chức trong khu vực Ấn Độ Dương nhưng
diễn ra ngoài khơi vùng biển Nhật Bản gần quần đảo Okiwana (nơi sinh của
môn võ lừng danh Không Thủ Đạo) vào những năm 2007, 2009, 2011 và 2014.
Hải quân Nhật được mời tham dự vào các cuộc tập trận này. Tới năm 2015
thì Nhật chính thức trở thành thành viên thường trực của Malabar sau
nhiều nỗ lực đẩy mạnh quan hệ ngoại giao giữa New Delhi và Tokyo.
Malabar 2016 được tổ chức gần khu vực Biển Đông bao gồm 22 tàu chiến và
hơn 100 máy bay chiến đấu. Tuy không nói rõ nhưng giới trong cuộc ai
cũng biết mục tiêu chính của cuộc tập trận này là săn lùng và tiêu diệt
tàu ngầm Trung Quốc.
Từ khi Trịnh Hòa một thái giám đạo Hồi từ Vân Nam đưa đoàn tàu đi thám
hiểm xuyên qua Ấn độ Dương trong thế kỷ 15, Trung Quốc chỉ lo tập trung
sức mạnh quân sự trên đại lục. Hải quân Trung Quốc không phải là đối thủ
của Hải Quân Hoàng Gia Nhật nên bị Nhật dễ dàng khống chế và xâm chiếm
trong Đệ Nhị Thế Chiến. Cho tới thập niên 80 thì hải quân Trung Quốc chỉ
được coi là nước nâu không có tầm xa. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ
thì Trung Quốc mới bắt đầu triển khai lực lượng hải quân trước là tại
Biển Đông và bây giờ tới Ấn Độ Dương nơi mà Ấn Độ xem là ao nhà.
Hơn 60% số lượng dầu hỏa đi ngang Ân Độ Dương từ các giếng dầu ở Trung
Đông đến Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á. Sau khi hoàn tất các
công trình xây đảo nhân tạo và trang bị phương tiện quân sự nhằm kiểm
soát Biển Đông, Trung Quốc đang giương nanh vuốt ra Ấn Độ Dương thể hiện
qua việc thành lập căn cứ quân sự Djibouti tại châu Phi. Sáng kiến Đới
Lộ cùng với nỗ lực xây dựng chuỗi căn cứ tại Pakistan và Bangladesh là 2
quốc gia đối nghịch với Ấn Độ có nguy cơ tạo ra căng thẳng hoặc dẫn đến
đụng độ trong tương lai.
Từ năm 2001, Ấn Độ đã thành lập Trung Tâm Chỉ Huy Hải Quân Viễn Đông
(Far Eastern Naval Command hoặc FENC) tại quần đảo Andaman và Nicobar để
theo dõi sự xâm nhập của tàu ngầm Trung Quốc. FENC là trung tâm chỉ huy
đầu tiên và duy nhất của Ấn Độ kết hợp quân đội với lực lượng hải quân
và không quân gồm có 4 căn cứ không quân, 2 căn cứ hải quân, một đoàn
tàu chiến 15 chiếc và 2 lữ đoàn. FENC cho biết là từ năm 2013, tàu ngầm
Trung Quốc đã tiến vào Ấn Độ Dương ít nhất 6 lần. Có khi tàu chiến của
Trung Quốc cũng ghé vào cảng của Sri Lanka và Pakistan.
Không chỉ có Ấn Độ mà Úc cũng quan ngại về tham vọng của Trung Quốc. Úc
kiểm soát địa thế chiến lược trên quần đảo Christmas và Cocos và có đặt
phương tiện thu thập tin tình báo về sự di chuyển của tàu chiến và tàu
ngầm trong khu vực. Sau khi Thủ Tướng Kevin Ruud quay mặt với đồng minh
thì chính quyền Liên Đảng đã tìm cách xoay trục trở lại. Cụ thể là vào
năm 2015, Bộ Trưởng Quốc Phòng Kevin Andrews trong một phiên họp tại Mỹ
công khai thú nhận là quyết định của Ruud rút Úc ra khỏi quan hệ tứ quốc
là một sai lầm chiến lược. Cũng từ đó, Úc đã nhiều lần ngỏ ý muốn trở
lại tham gia tập trận Malabar. Vào tháng 4 năm nay, Thủ Tướng Úc Malcolm
Turnbull thực hành chuyến công du Ấn Độ thành công siết chặt quan hệ an
ninh và chiến lược giữa hai nước. Trong tháng 5, Bộ Trưởng Quốc Phòng
TNS Marise Payne chính thức công bố là Úc rất mong muốn gia nhập cơ chế
đối thoại an ninh bốn bên gồm có Mỹ, Nhật, Ấn và Úc. Từ đầu năm nay, Bộ
Quốc Phòng Úc đã chính thức gửi thư xin phép được gửi tàu chiến tham
gia với tư cách là quan sát viên trong cuộc thao dợt Malabar vào tháng 7
này với ý định tham gia và trở thành thành viên thường trực từ năm
2018. Nhưng Ấn Độ đã khước từ và chỉ cho phép lính hải quân Úc lên tàu
chiến của họ để quan sát.
Tại sao Ấn Độ lại có quyết định như vậy? Có hai lý do chính. Thứ nhất là
không muốn làm tăng thêm sự căng thẳng trong quan hệ Ấn - Trung vốn
đang trong tình trạng khó khăn. Trung Quốc đang ngăn cản Ấn Độ gia nhập
vào Nhóm cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group) vì muốn kiềm chế
khả năng phát triển kỹ nghệ hạt nhân của Ấn Độ. Hơn nữa, Pakistan đang
dần trở thành đồng minh của Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Pakistan đều có
tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ tố cáo Trung Quốc vi
phạm chủ quyền khi sáng kiến Đới Lộ dẫn đến quan hệ hợp tác với Pakistan
đi qua Kashmir khu vực mà Ân Độ và Pakistan có tranh chấp chủ quyền.
Tuy không có can dự gì tới Biển Đông nhưng Ấn Độ đã nhiều lần lên tiếng
kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng luật quốc tế và cụ thể là Phán
Quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ kiện Đường 9 Đoạn ban hành vào tháng 7
năm 2016. Đây là một cái tát vào mặt của Trung Quốc vì ngụ ý Bắc Kinh
không có thái độ trách nhiệm biết tôn trọng luật pháp. Ngoài ra, Ấn Độ
là quốc gia láng giềng lớn nhất không gửi một đại diện nào tham dự diễn
đàn Đới Lộ tại Bắc Kinh vào tháng 5 vừa qua.
Lý do thứ hai là Ấn Đội vẫn chưa quên sự phản bội của Kevin Ruud. New
Delhi lo ngại là Canberra quá bị lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
Chỉ một ít áp lực là Úc có thể thay đổi lập trường. Hoặc ít nhất Úc
phải trải qua một giai đoạn thử thách chớ đâu thể muốn đi muốn ở lúc nào
cũng được. Thật ra, quan hệ quốc phòng song phương giữa Ấn và Úc đã có
nhiều tiến triển đáng kể. Hai nước bắt đầu thao dợt hải quân chung vào
năm 2015 trong vịnh Bengal gọi là AUSINDEX. Diễn tập AUSINDEX lần thứ
hai mới vừa kết thúc trong ba ngày từ 17 tới 19 tháng 6 vừa qua tại Tây
Úc. Canberra và New Delhi cũng đã đồng ý là nguyên cả lực lượng quân đội
hai nước sẽ thao dợt chung vào năm 2018. Úc đã tháo gỡ rào cản bán
uranuium cho Ấn Độ và ủng hộ Ấn Độ gia nhập vào Nhóm cung cấp hạt nhân.
Diễn tập Malabar 2017 có tầm vóc khá lớn. Lần đầu tiên, Nhật đưa hàng
không mẫu hạm Izumo mà Nhật gọi là tàu chở trực thăng vì Hiến Pháp chủ
hòa xuống Ấn Độ Dương để tham gia tập trận cùng với Ấn Độ và Mỹ. Thủ
Tướng Abe đang từng bước cởi trói quân đội gợi lại hình ảnh viễn chinh
của quân đội Thiên Hoàng. Không chỉ tập trung vào công tác phòng vệ tại
Biển Hoa Đông mà quân đội Nhật sẽ bắt đầu mở rộng địa bàn hoạt động tại
Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nếu Úc trở thành thành viên Malabar
thường trực sau 2018 thì hình bóng của Liên Minh Tứ Quốc hoặc trục kim
cương dân chủ sẽ dần rõ nét mở ra một chương chiến tranh lạnh mới tại
châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét