Tổng thống Mỹ Donald Trump (G) cùng với con rể Jared Kushner
(T) và con trai cả Donald Trump Jr., tại đại học Hofstra, New York, ngày
26/09/2016. REUTERS/Joe Raedle
Điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ, Donald
Junior, con trai cả của tổng thống Mỹ, khẳng định cuộc gặp với nữ luật sư Nga
Natalia Veselniskaya vào ngày 09/06/2016 tại tòa tháp Trump ở New York chỉ nhằm
mục đích « nghiên cứu đối phương ».
Lời biện bạch « tìm hiểu đối phương » được đội ngũ luật sư bảo
vệ gia đình Trump và chính cả tổng thống Donald Trump đưa ra cho thấy một « tục
lệ », được gọi thân mật là « oppo », trong bất kỳ cuộc vận động tranh cử nào tại
Hoa Kỳ.
Theo bài viết « Các chuyên gia bới móc tại Hoa Kỳ » của Libération (27/07/2017), đây là cách thu thập thông tin bất lợi trong quá khứ nhằm làm suy yếu đối thủ chính trị.
Theo bài viết « Các chuyên gia bới móc tại Hoa Kỳ » của Libération (27/07/2017), đây là cách thu thập thông tin bất lợi trong quá khứ nhằm làm suy yếu đối thủ chính trị.
Những lời đồn đại hay những vụ tai tiếng lớn điểm xuyết
trong các đợt tranh cử thường là kết quả « khám phá » của các nhóm « nghiên cứu
đối phương » và sau đó được tuồn cho truyền thông.
Libération đưa ra vài dẫn chứng, như trường hợp George W.
Bush từng bị bắt vì lái xe trong tình trạng say xỉn năm 1976 được ban vận động
tranh cử của Al Gore tiết lộ chỉ 5 ngày trước cuộc bầu cử. Đội ngũ của Obama từng
tiết lộ John Edwards, ứng viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ năm
2008, chi 400 đô la để cắt tóc. Hay vẫn đội ngũ của Obama tiết lộ năm 2012,
Mitt Romney chi bộn tiền để xây thang máy dành riêng cho xe hơi trong ngôi biệt
thự bên bờ biển California.
Trong bối cảnh các ứng viên đưa ra những tuyên bố hay hứa hẹn
khi vận động tranh cử, những tiết lộ này có thể tàn phá nghiêm trọng hình ảnh của
một ứng viên. Theo khẳng định của thám tử tư Larry Zilliox, « vấn đề chỉ ở chỗ
lựa chọn thời điểm và bối cảnh mà thôi » vì « tất cả mọi người đều làm như thế
» và mục đích không phải nhằm loại đối thủ khỏi cuộc chơi mà làm suy yếu đối thủ.
Tuy nhiên, vẫn theo vị thám tử tư này, những thông tin được
cho là bất lợi cho đối thủ phải được sử dụng một cách cẩn trọng vì đó có thể là
con dao hai lưỡi bật lại người tung tin. Từ bầu cử cấp địa phương đến tổng thống
hay Quốc Hội và thống đốc, các nhóm vận động tranh cử đều bí mật sử dụng « những
người săn tin ». Tracy Sefl, một nhà điều tra từng làm việc cho nhiều ứng viên
của đảng Dân Chủ như John Kerry và Hillary Clinton, lấy ví dụ « đối với cuộc bầu
cử tổng thống, mỗi ứng viên có đến 25 người tìm tin. Một nhóm phụ trách về lưu
trữ truyền hình, một nhóm về lưu trữ của tòa… ».
Công việc của họ không có gì là khó : xem xét tỉ mỉ các hồ
sơ sở hữu bất động sản, lý lịch tư pháp, tổng kết kinh doanh hay bảng khai thuế,
tìm kiếm thông tin trên các mạng xã hội, lục lại những bài diễn văn hay lời
trích trong báo chí để tìm ra những điểm bất đồng. « Tất cả những nguồn thông
tin trên đều công khai và chính thức… Một ứng viên có thể nói những điều người
đó muốn về đối thủ nhưng tất cả phải có bằng chứng », theo khẳng định của bà
Tracy Sefl.
Tùy theo bản chất của thông tin, các nhà điều tra gặp gỡ trực
tiếp với truyền thông hoặc giữ lại một chi tiết bất lợi cho đối thủ để nêu
trong một bài diễn văn hay quảng cáo cho chiến dịch hoặc trao cho luật sư nếu
đó là một phát hiện « động trời ».
Trở lại cuộc gặp với nữ luật sư Nga của Donald Junior, Jared
Kushner và Paul Manafort, giám đốc vận động tranh cử của tổng thống Trump, bà
Tracy Sefl đánh giá « chẳng có gì là tìm hiểu về đối phương cả. Những gì họ làm
thật là bất cẩn ». Thế nhưng, điều làm bà bức xúc là họ tuyên bố làm việc trên
dưới danh nghĩa « tìm hiểu đối phương », đó là còn « chưa kể đến mối nguy hiểm
tiềm tàng khi hợp tác với một quốc gia có truyền thống thù nghịch với Mỹ ».
Thám tử tư Larry Zilliox cũng cho rằng Donald Junior « thật
ngây thơ khi chấp nhận cuộc gặp đó. Khi biết rằng nguồn tin là đáng ngờ, tốt
hơn hết nên giữ khoảng cách. Tất cả các nhà điều tra chính trị đều biết rằng điều
quan trọng nhất là không làm gì có thể quay lại chống ứng viên thuê bạn làm việc
».
Bruxelles cảnh cáo Washington vì lệnh trừng phạt Nga
Hạ Viện Mỹ bỏ phiếu dự luật thêm các biện pháp trừng phạt đối
với Nga vào tối 25/07. Theo đó, bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả của châu Âu,
tham gia đường ống dẫn khí đốt của Nga đều bị cấm tham gia vào hệ thống ngân
hàng và các dự án đấu thầu (sử dụng ngân sách công) tại Mỹ.
Nhật báo Le Monde đánh giá « Liên Hiệp Châu Âu bị nhắm trong
loạt trừng phạt đối với Matxcơva », vì các tập đoàn lớn của châu Âu tham gia
vào dự án North Stream 2 (nối Nga với Đức qua biển Baltic) có nguy cơ bị trừng
phạt, trong đó phải kể đến Engie (Pháp), BASF (Đức) hay Sell (Anh-Hà Lan). Cho
đến nay, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn đồng thuận về các biện pháp trừng phạt
Nga không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp chất đốt cho châu Âu.
Trang nhất của Les Echos cũng đánh giá « Châu Âu trở thành
con tin trong loạt trừng phạt của Mỹ đối với Nga » và « Châu Âu dọa đáp trả
Washington ». Nhật báo kinh tế Pháp nhận định « đây là một cuộc đối đầu về
chính trị và một lời đe dọa về kinh tế » của Bruxelles, Paris và Berlin trước
việc Hoa Kỳ đơn phương vượt qua cả các thỏa thuận Minks, theo đó các nước G7 phối
hợp các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi Matxcơva sáp nhập bán đảo
Crimée của Ukraina năm 2014.
Theo Les Echos, nhiều biện pháp trả đũa đang được Bruxelles
nghiên cứu. Trước hết có thể thông qua con đường ngoại giao, với hy vọng
Washington thay đổi dự luật vì còn phải được Thượng Viện Mỹ thông qua.
Trong trường hợp thất bại, Liên Hiệp Châu Âu đưa ra hai hướng
: Thứ nhất, « chuẩn bị các biện pháp trả đũa phù hợp với quy định của Tổ Chức
Thương Mại Thế Giới », nhưng sẽ mất nhiều thời gian và chưa chắc đã khiến Hoa Kỳ
lo sợ. Hướng thứ hai là dựa trên « Quy chế ngăn chận » được Hội Đồng Châu Âu
thông qua năm 1996 nhằm bảo vệ Liên Hiệp khỏi các tác động từ bên ngoài lãnh thổ
do các đạo luật được các nước thứ ba thông qua. Thế nhưng, biện pháp này cũng
phức tạp và bất trắc về mặt tư pháp.
Trong khi đó, vẫn theo Les Echos, đối tượng bị trừng phạt là
Nga chưa đưa ra bình luận vì « đó mới chỉ là dự luật ». Có thể trong lời đáp trả,
điện Kremlin sẽ không nhắc đến Liên Hiệp Châu Âu.
Libya : Chiến thắng ngoại giao của tổng thống Pháp Macron
Ngày 25/07/2017, tại lâu đài La Celle-Saint-Cloud, tổng thống
Pháp Emmanuel Macron và thủ lĩnh hai phe đối lập Libya (thủ tướng chính phủ «
đoàn kết quốc gia » Faiez Sarraj và người đứng đầu miền Đông Libya, thống chế
Khalifa Haftar) đã trình bày về một tuyên bố chung liên quan đến ngừng bắn và
thời gian tổ chức các cuộc bầu cử sắp tới tại Libya.
Theo đánh giá của nhật báo Le Monde, « Macron đạt được một
thỏa thuận về Libya, nhưng lại không đảm bảo được về kết quả ». Thành công vì
đây là lần đầu tiên hai đối thủ lãnh đạo cùng ký một tuyên bố chung gồm 10 điểm,
mà theo đánh giá của tổng thống Pháp là « lộ trình tiến tới hòa giải dân tộc »
Libya. Thế nhưng, thách thức thực sự lại nằm ở chỗ áp dụng thỏa thuận này. Vì
theo một cựu quan chức ngoại giao Pháp chuyên về Libya, cả hai ông Faiez Sarraj
và Khalifa Haftar « không phải là những nhân tố duy nhất trên chính trường
Libya. Nếu như cuộc gặp trên có thể là bước đầu, thì nó cũng có thể làm trầm trọng
thêm sự chia rẽ đất nước ».
Đây cũng là nhận định của Archibald Gallet, một cựu cố vấn
chính trị cho Liên Hiệp Châu Âu tại Libya, trên nhật báo La Croix, vì « không một
ai trong hai người này kiểm soát thật sự lực lượng của họ ». Theo ông, cuộc
xung đột tại Libya không chỉ đơn giản nằm trong hai nhân vật này, hay trong sự
tranh giành giữa phe dân tộc chủ nghĩa và Hồi Giáo. Ở vùng Cyrenaica (phía đông
Libya), ở vùng Tripolitania (phía bắc) hay Fezzan (phía nam), vấn đề an ninh bị
tác động bởi nhiều nhân tố quan trọng do kình địch trên quy mô địa phương, thường
có nguồn gốc sâu xa, còn tại miền nam Libya là tranh giành giữa các tộc người
và bộ lạc.
Về vai trò của tổng thống Pháp, tướng Khalifa Haftar đánh
giá ông Macron « là người kiên quyết và chân thành » trong buổi trả lời phỏng vấn
nhật báo Le Figaro.
Du lịch : Pháp quyết tâm đạt 100 triệu du khách vào năm 2019
Sau năm 2016 sóng gió vì khủng bố, ngành du lịch Pháp khởi sắc
trở lại, với lượng khách tăng khoảng 6,5%. Ngày 26/07, thủ tướng Pháp Edouard
Philippe đã trình bày kế hoạch tăng cường để có thể đẩy nhanh quá trình khởi sắc
này.
Theo Le Figaro, các biện pháp được đưa ra gồm hạn chế thời
gian chờ đợi ở khu vực cảnh sát biên giới tại các sân bay : không qua 30 phút đối
với du khách thuộc khối Schengen và không quá 45 phút đối với du khách ngoài
châu Âu. Biện pháp này không phải ngẫu nhiên vì rất nhiều du khách phản hồi bị
trễ nối chuyến do thời gian chờ ở cửa hải quan quá lâu.
Biện pháp thứ hai là thêm 10 nước được cấp nhanh thị thực
trong vòng 48 tiếng, có hiệu lực từ tháng 11/2017, gồm Nga và 5 nước ASEAN
(Thái Lan, Philippines, Cam Bốt, Lào, Miến Điện). Việt Nam và Ả Rập Xê Út nằm
trong danh sách giai đoạn thứ hai.
Ngoài ra còn phải kể đến biện pháp khai quang, dọn dẹp hai
bên đường quốc lộ từ sân bay dẫn đến thủ đô Paris. Thủ tướng Pháp đưa ra lịch
trình đến tháng 07/2019 phải đạt được 100 triệu khách du lịch.
Tập đoàn LVMH tiếp tục phá kỷ lục
Sức tăng trưởng năm 2017 của tập đoàn Pháp LVMH cao gấp 4 lần
so với năm 2016. Theo nhật báo Le Figaro, doanh thu của tập đoàn tăng 12% trong
ba tháng đầu năm 2017 với gần 20 tỉ euro, đánh bạt mọi kỷ lục mà tập đoàn hàng
Pháp từng có.
Nhánh kinh doanh vang và rượu (Moët & Chandon, Hennessy)
tăng mạnh ở châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ. Thương hiệu hàng xa xỉ Louis Vuitton có
doanh thu tăng 14%. Ngoài ra còn phải kể đến sức tăng trưởng một số thương hiệu
khác của tập đoàn như Bulgari, đồng hồ TAG Heuer, chuỗi cửa hàng nước hoa mỹ phẩm
Sephora…
Chủ đề trang nhất
Trang nhất của các nhật báo Pháp đề cập chủ yếu đến thời sự
trong nước. Le Monde đưa tin chính phủ đang xem xét sửa đổi các điều khoản liên
quan đến hợp đồng lao động có thời hạn và tình trạng cháy rừng đang lan rộng ở
miền đông nam nước Pháp với hơn 5.000 ha bị thiêu rụi. Đây cũng là hình ảnh
trên trang nhất của Libération với hàng tựa « Vùng Var theo làn khói ».
Le Figaro thì cho rằng nước Pháp là nhà vô địch về thuế khóa
mà theo hàng tựa của bài xã luận, đây là « một kỷ lục đáng buồn của Pháp ».
Thiên về xã hội, trang nhất của La Croix là hàng tựa « Chính phủ cam kết giúp đỡ
người tàn tật », đặc biệt là trẻ em tàn tật cần trợ giúp sẽ được giúp đỡ ngay từ
năm học mới. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến thời sự quốc tế với
hàng tựa : « Châu Âu trở thành con tin trong vụ Mỹ trừng phạt Nga ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét