Đã hai năm kể từ khi vụ bê bối xung quanh 1MDB, một công ty
đầu tư nhà nước của Malaysia đã khiến hàng tỷ USD bị đánh cắp, bắt đầu thu hút
sự chú ý trên toàn thế giới. Trong suốt thời gian đó, thủ tướng Malaysia, Najib
Razak, đã trụ vững tại vị trí của mình bất chấp các tuyên bố rằng gần 700 triệu
USD tiền của công ty này đã được chuyển qua các tài khoản ngân hàng của ông.
Phe đối lập sợ rằng các cuộc bầu cử được sắp đặt sẵn, đáng ra được tổ chức vào
năm 2018 nhưng dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay, sẽ trao cho đảng của ông
Najib (đảng đã lãnh đạo Malaysia trong 60 năm qua) thêm một nhiệm kỳ cầm quyền
khác. Tất cả điều này đã khiến một số người Malaysia tự hỏi liệu các sultan
(vua Hồi giáo) của quốc gia này có thể bị thuyết phục để can thiệp hay không.
Nhưng họ thực sự nắm được bao nhiêu quyền lực?
Mặc dù hơn 40 quốc gia duy trì một loại hình chế độ quân chủ
nào đó, nhưng hệ thống của Malaysia có lẽ là hệ thống lạ lùng nhất thế giới. Đất
nước này có 9 sultan, những người cai trị về mặt nghi thức tại tiểu bang của
mình đồng thời thay phiên nhau làm Yang di-Pertuan Agong (Vua Malaysia) theo
nhiệm kỳ 5 năm, tức đóng vai nguyên thủ quốc gia của toàn đất nước. Các sultan
nhóm họp ba lần một năm và được xem là người giám hộ về mặt văn hóa và tôn giáo
của sắc tộc Mã Lai chiếm đa số, mặc dù họ có ít thẩm quyền chính thức.
Vào đầu những năm 1990, Mahathir Mohamad, một thủ tướng phục
vụ lâu năm và nhiều quyền lực, đã nỗ lực thúc đẩy thông qua việc sửa đổi hiến
pháp nhằm thu hồi quyền phủ quyết của các sultan đối với các đạo luật của tiểu
bang và liên bang, và hạn chế quyền miễn trừ pháp lý của họ. Những cải cách của
ông đã được giúp sức bởi sự phẫn nộ của công chúng đối với những hành động sai
trái của hoàng gia – đặc biệt là những hành động của vị sultan Iskandar quá cố
của tiểu bang Johor, người đã bị kết tội hành hung và ngộ sát vì hành vi đánh
chết một nhân viên kéo bao gậy golf và chỉ thoát khỏi bị truy tố nhờ quyền miễn
trừ của mình trong vai trò là nguyên thủ quốc gia.
Bất chấp những nỗ lực của Mahathir, vai trò và những giới hạn
chính xác về thẩm quyền của các sultan vẫn được diễn giải rất lỏng lẻo. Trong
những năm gần đây, hoàng gia được xem là đã trở nên tích cực hơn về cả chính trị
và kinh doanh. Năm 2014, sultan của Selangor, một tiểu bang miền trung giàu có,
đã không phê chuẩn vị Thủ hiến bang được đề cử bởi chính quyền địa phương; rốt
cuộc ông đã chọn từ một danh sách các ứng cử viên thay thế được các nhà lập
pháp tiểu bang chấp thuận cung cấp.
Tại Johor, một bang phía nam được ngăn cách với Singapore bởi
một con đường vượt biển, các đặc quyền của hoàng cung và quốc hội có đôi khi mờ
nhạt – đáng chú ý là vào năm 2015, khi vị sultan thẳng thắn của bang này (con
trai cả của sultan Iskandar) dường như đã ra lệnh cho các nhà lập pháp tiểu
bang phải cấm buôn bán thuốc lá điện tử. Các cuộc tranh luận toàn diện và thẳng
thắn về các hành động can thiệp này đã bị hạn chế bởi một đạo luật lâu đời về
“kích động nổi loạn”, mà đôi khi dẫn tới các án tù cho những người Malaysia bị
cáo buộc xúc phạm hoàng gia.
Vào thời điểm này, chính phủ bê bối của Malaysia dường như sẽ
không gặp phải bất kỳ sự phản đối có ý nghĩa nào từ các hoàng thân. Mặc dù ảnh
hưởng của họ đang tăng lên, các sultan hầu như không được lòng dân hoặc không
có đủ quyền lực để trói buộc chính quyền của ông Najib; họ có lẽ sẽ bị sụt giảm
quyền lực nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp mà bất kỳ nỗ lực nào như vậy
có thể gây ra. Và cũng không rõ các sultan có thể thu được lợi ích gì hay không
nếu phe đối lập đa văn hóa của quốc gia này lên nắm chính quyền. Một chính phủ
trung ương yếu kém và dễ bị tác động có thể là một tài sản quý giá cho bất kỳ vị
vua nào muốn khôi phục lại sự giàu có và quyền lực cho hoàng gia của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét