Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Ấn Độ sợ bị Trung Quốc 'cắt cổ gà' trên núi cao


Tầm vóc cuộc diễn tập của TQ tại Nội Mông hôm 30/07 gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát-Ảnh Xinhua
 

Chủ Nhật 30/07 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến căn cứ Chu Nhật Hòa (Zhurihe), ở Khu tự trị Nội Mông để chứng kiến lễ duyệt binh và diễn tập quân sự lớn nhất từ nhiều năm. Dù cuộc duyệt binh có trình diễn phi cơ và thiết giáp đời mới để đánh dấu 90 năm ngày Bát Nhất, ngày thành lập Quân Giải phóng, các báo quốc tế nói đây là dịp để Trung Quốc "thể hiện sức mạnh".

Sự kiện này diễn ra khi Trung Quốc đang cùng lúc dính líu vào ít nhất hai điểm nóng: Biển Đông và Himalayas.

Ông Tập Cận Bình không nói đến xung đột nào cụ thể nhưng cảnh cáo "kẻ xâm lăng" và nói Quân Giải phóng "có đủ sự tự tin cùng khả năng đánh bại kẻ thù nào dám xúc phạm" Trung Quốc, theo các hãng thông tấn.

Trang Global Times thì cảnh cáo Ấn Độ rằng "Quân đội Trung Quốc không biết lùi bước".

Đối mặt trên mái nhà của thế giới

Nếu như tranh chấp Biển Đông đã là vấn đề có từ mấy năm nay, xung đột ở biên giới Trung Quốc - Bhutan - Ấn Độ chỉ bùng lên từ tháng 6 năm nay.

Theo phóng viên BBC Soutik Biswas từ Dehli từ vấn đề nảy sinh vào giữa tháng 6 sau khi Trung Quốc nới một đoạn đường bộ ở biên giới lên cao nguyên mà Ấn Độ gọi là Doklam và Trung Quốc gọi là Đồng Lãng.

Hình từ video của Global Conflict giải thích cuộc xung đột quanh Hành lang 'Cổ Gà'-YouTube/Global Conflict

Đây là điểm ba biên giới giữa Tây Tạng thuộc Trung Quốc, bang Sikkim của Ấn Độ và Vương quốc Bhutan.

Cả bình nguyên này là vùng còn tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan về đường biên trên bộ.

Lý do là hai bên diễn giải hoàn toàn khác nhau bản thỏa thuận biên giới Anh Quốc ký với nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19.

Từ năm 1984 đã có rất nhiều vòng đàm phán nhưng Trung Quốc và Bhutan không đồng ý được với nhau.

Bhutan cũng bác bỏ một đề nghị của Trung Quốc đổi các mảnh đất núi cao khác nhau.

Ấn Độ thì luôn ủng hộ Bhutan trong các vấn đề khu vực.


Dấu ấn chiến tranh và cuộc xung đột mới

Vùng núi này cũng là nơi xảy ra cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962, làm chết vài trăm lính Ấn.

Trong tháng 6 vừa qua, sau khi có tin Trung Quốc đưa quân đội và các nhóm làm đường lên xây tuyến đường bộ tại cao nguyên này, Ấn Độ đã đưa quân lính lên chặn lại.

Cho đến tháng 7 vừa qua, chừng 300 quân mỗi bên đối mặt nhau ở điểm cách nhau chừng 130 mét.

Ấn Độ lo ngại rằng một khi xây xong con đường, Trung Quốc sẽ có thể có lối vào chặn Hành lang Siliguri, còn gọi là Cổ Gà (Chicken's Neck).

Dải đất dài 200 km này có chỗ chỉ rộng 17 km, nối Tây Bengal của Ấn Độ với vùng Đông Bắc (Sikkim, Assam, Arunachal Pradesh) và là trục giao thông duy nhất từ Ấn Độ sang Bhutan và Bangladesh trên bộ.

Nay, như một quan chức ngoại giao Ấn Độ nói với báo Anh, tờ Sunday Times hôm 30/07, Ấn Độ lo ngại Trung Quốc xây các con đường nối dài này là cách để "cắt cổ gà" và gây sức ép tiếp tục lên Bhutan về lãnh thổ.

Theo ông Tenzing Lamsang, chủ biên báo The Bhutanese ở Thimphu, Bhutan, vương quốc này đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị của Trung Quốc.

Trung thành với quyền lợi an ninh của đồng minh Ấn Độ và dù có 477 km biên giới với Trung Quốc, Bhutan đã từng kiên quyết bác bỏ đề nghị gói đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh.

Cả Bhutan và Ấn Độ bác bỏ sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của ông Tập Cận Bình.

Kể từ cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962, Trung Quốc chưa bao giờ dám đưa quân vào biên giới Bhutan.

Nhưng tình hình có thể thay đổi.

Viết trên báo India Times, tác giả Shaurya Karanbir Gurung cho rằng cộng với tuyến xe lửa từ Lhasa đến Yalong, Trung Quốc xây các con đường bộ để tạo vị thế chiến lược kiểm soát Hành lang "Cổ Gà".

"Nếu con đường bộ ở Doklam được nối với Yadong thì cơ hội Trung Quốc chặn họng hành lang này tăng lên nhiều."

Nhưng Shaurya Karanbir Gurung cũng chỉ ra rằng việc cơi nới tuyến giao thông trên vùng núi Himalayas không hẳn đã làm cho Trung Quốc an toàn hơn nếu có xung đột quân sự.

"Các tuyến xe lửa và đường bộ của Trung Quốc ở Thung lũng Chumbi là mục tiêu dễ dàng cho pháo kích hoặc không kích từ bang Sikkim hay từ Bhutan..."

Và nếu chiếm giữ cung đường tại đây, việc duy trì và tiếp liệu cho quân lính về lâu dài sẽ làm tăng chi phí cho Trung Quốc, tác giả Ấn Độ nhận xét.

Hiện chưa rõ căng thẳng này sẽ được giải quyết ra sao và trong khi quân đội Trung - Ấn đối mặt ở độ cao 11 nghìn mét, người ta chờ đợi các giải pháp ngoại giao.

Dự kiến Bắc Kinh và Dehli sẽ tận dụng cuộc họp khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 9 này để nói chuyện.

Nhưng theo Sunday Times, ngôn từ của Trung Quốc ngày càng ít ngoại giao.

Câu nói của Bộ trưởng Vương Nghị rằng "Ấn Độ biết điều thì hãy tự ứng xử và rút lui đi" hẳn không được đón nhận tốt ở Dehli, nơi Thủ tướng Narendra Modi luôn nhấn mạnh tinh thần dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét