Có lẽ viết, nói và nghệ thuật ngôn từ thì Việt Nam ta là cường
quốc số 1 trên thế giới. Cũng chẳng biết từ bao giờ và từ đâu mà các cụm từ có
tiếp đầu ngữ "an ninh" xuất hiện và được sử dụng nhiều đến thế? Nhưng
phải công nhận chính những cụm từ ấy, tiêu biểu như "an ninh năng lượng"
đã "giải vây", tạo lối thoát và đường rút cho nhiều chủ trương,
chương trình, dự án... khi gặp bế tắc, thua lỗ. Suy cho cùng thì "giải
vây" trong nhiều trường hợp cũng chính là "giải ngân" cho những
khoản chi vô tội vạ của các nhóm lợi ích mà thôi.
Trong bài báo mới đây - "Lại bàn về giá điện ở Việt
Nam" - tôi đã viết "những giải pháp cải cách chính ngành điện nhằm hạ
giá thành, giảm hao tổn, cải tiến công nghệ, tạo khung pháp lí cho cạnh tranh
lành mạnh"... ngẫm suy có thể áp dụng cho bất kì ngành kinh tế nào của Việt
Nam.
Doanh nghiệp nhà nước phần lớn làm ăn thua lỗ
Hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hoặc dùng
vốn nhà nước (như các công trình giao thông...) đều lỗ nặng hoặc suất đầu tư
cao vọt (như 1 km đường đắt gấp mấy lần công trình cùng loại ở các nước khác).
Kiểu làm ăn này đâu chỉ ở ngành năng lượng và giao thông mà ở hầu hết các ngành
mà doanh nghiệp nhà nước mưu chiếm lĩnh đỉnh cao, nhưng thua lỗ kéo dài.
Doanh nghiệp nhà nước sử dụng phần lớn tài sản của kinh tế nội
địa và cả tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia, nhất là hầm mỏ, không dành
cho dân - dù dân là chủ. Cứ tưởng kinh tế công hữu sẽ có CNXH... nên cố làm bằng
mọi giá. Cuối cùng, lại ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế. Ngay Nghị quyết phát
triển kinh tế tư nhân cũng cố nèo hợp tác xã và kinh tế nhà nước cùng là... nền
tảng. Toàn say sưa với câu chữ cho tròn, "sáo rỗng" mà không đi vào
thực chất. Nguồn gốc là ở chỗ kinh doanh mà nếu lỗ, đều do nhà nước chịu (tức
là dân chịu) thì tránh sao khỏi tính toán sai, làm ẩu, thậm chí như vậy mới dễ
kiếm lợi riêng.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đang rộ lên thông
tin "2 tỉ USD bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn" làm tôi lại trạnh lòng nghĩ
đến Singapore. Họ chủ yếu nhập dầu thô về tinh luyện rồi xuất khẩu thành phẩm
kiếm lời, trị giá hàng mấy chục tỉ USD mỗi năm, tạo ra khoảng 5% GDP, thuộc
hàng 1 trong 3 trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới. Còn Việt Nam dùng dầu thô của
chính mình để tinh luyện, được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, chưa đáp ứng nổi
100% nhu cầu xăng dầu trong nước, thế mà ngay cả chuyên gia WB cũng thấy lạ: hết
Dung Quất rồi Nghi Sơn lại có vấn đề về tài chính, bù lỗ triền miên, càng đẩy đất
nước lún sâu vào nguy cơ "vỡ trận tài chính".
Ngẫm suy, người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao Nhà nước phải
bỏ ra hàng núi tiền (cũng là tiền thuế của dân) xây nhà máy lọc dầu để chịu lỗ
lại tác động xấu đến môi trường, thay vào đó cứ nhập xăng dầu như trước mà
dùng, để số tiền đó đầu tư cách nào khác cho sinh lời, thì có lợi hơn cho đất
nước không?
Việt Nam không cần làm nhà máy lọc dầu
Ngay từ đầu những năm 1990, nhiều chuyên gia ngành dầu khí
đã khuyên cáo chưa nên xây dựng nhà máy lọc dầu nhưng lãnh đạo cấp cao chỉ đạo
phải bảo đảm tự chủ an ninh năng lượng, lỗ cũng phải làm! Ngẫm suy, tư duy bảo
đảm an ninh năng lượng ở thời điểm trước 2000 dù có ấu trĩ nhưng có lẽ khi ấy
các nhà quản lí các cấp vẫn còn "trong sáng". Bây giờ thì chắc chẳng
ai nói đến "an ninh" gì nữa, chỉ cần làm mọi cách để lôi kéo được dự
án khủng, vay được nhiều tiền cho "chi tiêu" trước mắt, tội vạ con
cháu chịu.
Theo tôi hiểu, các điểm chính, chưa nên xây dựng nhà máy lọc
dầu ở Việt Nam là:
1. Ở thời điểm năm 1990, các nhà máy lọc dầu ở Singapore có
tổng công suất bảo đảm cung cấp đủ nguồn xăng dầu cần thiết cho Việt Nam kể cả
tính đến tương lai sau 2010, đồng thời tất cả các nhà máy owe Sing đều đã hết
thời gian khấu hao, do đó giá bán sản phẩm có thể linh động điều chỉnh mà vẫn
có lãi.
2. Singapore nằm ở vị trí đắc địa về trung chuyển, lại có cảng
nước sâu. Nó cũng nằm ở vị trí quan trọng trong khu vực có mỏ dầu: lớn nhất là
Indonesia, sau đó là Malaysia, Brunei.
3. Thuế lợi tức ở Singapore thấp nhất thế giới - khoảng 17%,
chỉ cao hơn Hong Kong một chút là 16,5%, trong khi ở Mỹ là 35%, ở châu Âu còn
cao hơn. Thái Lan là 30%, Việt Nam 32-50% (cho hoạt động dầu khí). Thuế cá nhân
ở Việt Nam cho người nước ngoài là 20% nhưng cho người trong nước là 35%. Thuế ở
Singapore thấp hơn nhiều.
Về giảm giá dầu thô, theo nguyên tắc không ảnh hưởng gì đến
Dung Quất. Giá giảm thì giá đầu vào của Dung Quất cũng giảm. Dung Quất chỉ cần
cộng thêm phí dịch vụ gia công dầu thô thành xăng. Dung Quất lỗ vì phí dịch vụ
gia công và phí chuyên chở từ nơi có dầu thô tới nhà máy lọc dầu và từ Dung Quất
đến người tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cao.
4. Kịch bản lạc quan nhất cho trường hợp nhà máy lọc dầu ở
Việt Nam sử dụng toàn nguyên liệu dầu thô của Việt Nam thì IRR là 7%, tức là
nhà máy hết khấu hao sau 15 năm. Trong khi chúng ta đang "mơ" giá sản
phẩm ổn định suốt 15 năm để bảo đảm hòa vốn thì các nhà máy ở Singapore ung
dung bán được đồng nào là đút túi đồng ấy.
Thực tế trường hợp sử dụng toàn nguyên liệu dầu thô của Việt
Nam chỉ được vài năm đầu cho nhà máy lọc dầu vì nguồn dầu của Việt Nam không đủ
nhiều, chưa kể mấy năm nay tính ra bán dầu thô còn có lãi hơn, Chính phủ đang cần
tiền. Đấy là chưa kể "kịch bản lạc quan" không thể xảy ra ở Việt Nam
với cung cách quản lí "định hướng XHCN". Ngay cả kịch bản giá dầu
đang từ 100 đô/thùng rớt xuống 40 đô/thùng (thậm chí dưới 40 đô) thì thời điểm
cuối năm 1990 không nhà kinh tế nào trên thế giới có thể tưởng tượng được.
5. Trong khi đó, từ giữa năm 1990 (khi PVN bắt đầu nghiên cứu
khả thi cho dự án Lọc dầu Dung Quất) đến năm 2004 (dự án bắt đầu giai đoạn thiết
kế tổng thể) giá thành thiết bị công nghệ lọc dầu tăng gần gấp đôi, vị trí đặt
nhà máy không thích hợp. Sai từ tổng thể xác định các tiêu chí ban đầu, thế nên
không lỗ mới là lạ.
Chính vì thế mà Dung Quất và Nghi Sơn không có tương lai.
Làm sao có thể cạnh tranh với Singapore và Malaysia. Ngay hiện nay, Singapore
đã bắt đầu gặp khó vì phải cạnh tranh với Malaysia, dù thuế lợi nhuận của
Malaysia là 25% cao hơn Singgapore. Malaysia có dầu, lại có giá lao động và mọi
thứ rẻ hơn.
6. Tư duy bảo đảm an ninh năng lượng chứng tỏ ở thời điểm
1990-2000 lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa hiểu muốn phát triển thì phải tham gia
toàn cầu hóa và các hiệp định kinh tế đa phương (năm 2007 Việt Nam mới gia nhập
WTO). Bây giờ thì lại mua điện của Trung Quốc, nhập thiết bị, công nghệ nhiệt
điện thế hệ cũ từ Trung Quốc, chắc tin ông bạn "16 chữ vàng" giúp Việt
Nam ổn định an ninh năng lượng.
Dân gian có câu: "Ngu thì chết chứ bệnh tật gì
đâu!". Quá đúng! Việt Nam bấn loạn về đại vấn đề nợ công, nợ xấu vì không
biết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tức là thấy thiên hạ có gì thì Việt
Nam cũng phải có nấy, mà không tính đến quy luật của nền kinh tế thị trường là
cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã, sự phục vụ…
Lời kết
Nghĩ lại, nếu không bỏ ra hàng núi tiền để đầu tư, bất chấp
rủi ro thì lấy đâu ra tiền bỏ vào cái "túi tham nhũng không
đáy"! Định hướng lớn của chúng ta
sai từ lâu rồi và ngày càng lún sâu vào cái sai đó mà không muốn rút ra. Nguyên nhân của cái ngu này là tham!
Lọc dầu Dung Quất do Việt Nam tự đầu tư, được ưu đãi nhiều
vì là dự án lọc dầu đầu tiên, lỗ thì đổ cho chúng ta chưa có kinh nghiệm. Lọc dầu
Nghi Sơn, ta đã có kinh nghiệm hơn, liên doanh với Kuwait, Nhật Bản để lợi dụng
vốn và kinh nghiệm của họ nhưng rồi vẫn kêu lỗ, mà là ta lỗ do "bạn"
quá khôn, chỗ nào khó nhằn thì đẩy sang chủ nhà, chứ chắc chắn là "bạn"
đời nào chịu lỗ.
Tôi vẫn nhớ câu
Thánh Anthony trả lời một người mù: "Trí tuệ mẫn tiệp như ngài có phải chịu
khổ điều gì không?`. Ngài chỉ thọ 36 tuổi, nhưng xem ra, câu trả lời của vị
Thánh nổi tiếng của Thiên chúa giáo vẫn còn linh nghiệm đến muôn đời "Khổ
nhất là khi ta định hướng sai".
Dầu nhiều, chẳng thấy giầu đâu?
Đường sai, hướng lạc khoét sâu cái nghèo.
Khéo múa mép, vụng tay chèo
"Quất – Sơn"* dùng chuột bắt mèo mới hay?
* Dung Quất và Nghi Sơn là 2 nhà máy lọc dầu làm ăn thua lỗ.
T.V.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét