Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải: Phải đánh giá toàn diện các tác động

LTS: Chính quyền đã không buộc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận trách nhiệm gì về các báo cáo thiếu sót và nhất là việc mạo danh các nhà khoa học. Họ cũng không rút giấy phép của Vĩnh Tân 1 về việc nhấn chìm chất nạo vét ở biển, ngược lại họ đã huy động Viện Hải dương học Nha Trang khảo sát đáy khu vực này và giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phụ trách việc khảo sát, đánh giá phương án, giải pháp bảo vệ môi trường trước hoạt động nhận chìm chất thải xuống biển của Vĩnh Tân 1.

Tại sao chính quyền có thể làm ngơ trước hành vi xem thường luật pháp của Vĩnh Tân 1, cũng như sự xúc phạm của công ty này đối với các nhà khoa học nói riêng và của người dân nói chung? Tại sao Bộ Tài nguyên Môi trường lại đưa viện khảo cứu và viện hàn lâm vào phục vụ công việc khảo sát cho Vĩnh Tân 1, trong khi Vĩnh Tân 1 đã không làm tròn nhiệm vụ, không rút báo cáo, không nghiên cứu lại và nhất là công ty này có hành vi lừa đảo Bộ Tài Nguyên Môi trường và người dân?

Việc nhấn chìm chất thải chỉ là phần cuối. Chính quyền cần phải truy xét báo cáo đánh giá tác động môi trường cùa Vĩnh Tân đã trình ra, từ việc nạo vét trước đó, chuyên chở và đốt than, xả nước thải, khí thải, xỉ thải và những tổn hại mà công ty này gây ra cho môi trường và người dân.

Những cơ quan có trách nhiệm cần truy về tận nguồn gốc quy hoạch điện năng quốc gia để xem xét lại, liệu điện than có thật sự là lựa chọn năng lượng tối ưu nhất về mặt kinh tế và xã hội cho đất nước hay không? Còn những lựa chọn khác như điện gió và điện mặt trời thì sao? Vẫn không thấy chính quyền nỗ lực phân tích để so sánh xem sự lựa chọn nào tốt nhất cho đất nước và người dân Việt Nam.
Hãy can đảm dừng lại và quay về điểm xuất phát, nhìn lại quy hoạch tổng thể, ngưng việc chạy theo giúp Vĩnh Tân 1 tàn phá môi trường Việt Nam, hủy hoại sức khỏe người dân, nhất là không nên để doanh nghiệp này dẫn dắt chính quyền lao đầu xuống đáy biển cho bằng được!
_____

Phương Nam – Tấn Lộc (Pháp Luật)

Bộ TN&MT đã thông tin về kết quả khảo sát sơ bộ hiện trạng khu vực nhận chìm. PGS-TS Võ Sĩ Tuấn cho rằng: “Một kết quả khảo sát đó chưa đủ để có thể đưa ra nhận định hay kết luận là có nên cho nhận chìm hay không”.

Khảo sát dưới đáy biển Bình Thuận nơi Vĩnh Tân 1 định đổ chất thải. Ảnh: PLO
Ngày 28.7, đoàn công tác gồm tám nhà khoa học do PGS-TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), làm chủ tịch hội đồng đã đi thực địa và làm việc với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau để khảo sát, đánh giá phương án, giải pháp bảo vệ môi trường trước hoạt động nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. Đoàn còn có sự tham gia của PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang.

Theo đánh giá ban đầu của các đơn vị, cơ quan liên quan, các nhà khoa học đã làm việc khách quan, khoa học và trách nhiệm.

Dự kiến hôm nay (29.7) đoàn sẽ làm việc với Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, chủ dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống vùng biển chỉ cách vành đai bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau hơn 2 km. Theo đoàn công tác, sau khi làm việc với các cơ quan, đơn vị ở Bình Thuận, đoàn sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Kết quả khảo sát chưa đủ đưa ra nhận định”

Chiều cùng ngày, Bộ TN&MT  cũng đã thông tin về kết quả khảo sát sơ bộ hiện trạng khu vực dự kiến nhận chìm vật chất nạo vét tại vùng biển xã Vĩnh Tân của Viện Hải dương học Nha Trang (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) từ ngày 18 đến 21.7.

Theo đó, bằng phương pháp đo sâu hồi âm bằng máy Lowrance 526 và định vị vệ tinh, Viện Hải dương học kết luận địa hình đáy khu vực dự kiến nhận chìm khá bằng phẳng với độ sâu 35 m đến 36,8 m.

Theo kết quả này, thành phần vật liệu trầm tích đáy biển được xác định chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật.

Về hệ sinh vật, bằng sự hỗ trợ của thiết bị lặn scuba và thiết bị chuyên dụng, việc quay video sinh cảnh nền đáy đã được tiến hành tại năm khu vực. Qua việc xử lý tư liệu cho thấy đây là sinh cảnh đáy mềm khá nghèo sinh vật đáy kích thước lớn với ghi nhận một số ít bụi rong, cua ký cư, ốc, huệ biển, không phát hiện san hô và cỏ biển.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã phân tích mẫu sinh vật đáy nhỏ trong trầm tích, viện ghi nhận sự hiện diện của cả bốn nhóm động vật gồm giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác và da gai. Trong nhóm thân mềm có một mẫu với kích thước nhỏ của loài móng tay – là đối tượng được khai thác làm thực phẩm.

Các nhà khoa học do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức thị sát hệ thống lấy nước nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân. Ảnh: CTV
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 28.7 về quan điểm của Viện Hải dương học  Nha Trang về tác động của việc nhận chìm đến hệ sinh thái nơi khảo sát và khu vực biển xung quanh, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng cho biết: “Chúng tôi chỉ cung cấp số liệu khoa học theo đề nghị của Bộ TN&MT, còn việc nhận định thế nào là của cơ quan quản lý.

Một kết quả khảo sát đó chưa đủ để có thể đưa ra nhận định hay kết luận là có nên cho nhận chìm hay không. Vì khi nhận xuống bùn, cát đi đâu nữa thì phải có cơ quan khác đánh giá. Bộ TN&MT sẽ hỏi người khác về chuyện đó. Viện Hải dương học Nha Trang chỉ mới khảo sát mỗi hiện trạng đáy ở vùng biển dự kiến nhận chìm. Còn rất nhiều việc khác, các cơ quan chức năng phải tiếp tục khảo sát nữa” – TS Tuấn nói.

Phải đánh giá toàn diện các tác động

Cùng ngày, trao đổi với PV, TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, khẳng định: “Kết quả điều tra của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy đó là vùng biển tại vị trí nhận chìm có hệ sinh thái của đáy mềm. Cụ thể, ở đây có bốn nhóm sinh vật đáy, chứng tỏ đây là vùng biển có sự sống, có đa dạng sinh học chứ không phải toàn cát không như lãnh đạo Bộ TN&MT từng nói. Đây là những số liệu khách quan, rất quan trọng về sinh vật cảnh ở vùng biển này”.

Tuy nhiên, theo TS An, Viện Hải dương học Nha Trang chỉ mới cung cấp số liệu điều tra trên năm điểm trong vùng 30 ha. “Ở các vùng biển nhiệt đới trên thế giới, sinh vật phân bố theo quy luật địa đới, quy luật da báo, nghĩa là không phải chỗ nào cũng có san hô, không phải chỗ nào cũng có sinh vật. Tuy nhiên, cũng không phải chỗ nào có nhiều sinh vật thì mới giàu đa dạng sinh học. Vì sinh vật nhiều ít còn phụ thuộc vào thời điểm. Mặt khác, đây chỉ mới điều tra đáy mềm. Tài nguyên đa dạng của biển là ta phải nhìn nhận ở góc độ không gian. Còn rất nhiều vấn đề chưa được điều tra như các tầng nước, trên mặt nước có gì…” – TS An nhìn nhận.

Trong khi đó, TS An cho rằng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo là phải đánh giá toàn diện về mặt sinh thái, đa dạng sinh học. “Không phải chỉ đánh giá 30 ha hay 300 ha, cũng không phải chỉ vùng biển xung quanh đó mà phải tổng thể các hệ ven bờ Bình Thuận. Không phải chỉ đánh giá trên biển mà phải đánh giá tổng thể về kinh tế, sinh thái, xã hội, đặc biệt là ý kiến của dân cư. Đánh giá môi trường là phải nhìn tổng thể, không nên chỉ nhìn một điểm đó thôi” – TS An nói.

TS An cũng cho rằng khi tác động môi trường biển với quy mô như vậy phải nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể về khoa học, kinh tế, xã hội… “Đừng có kiểu như anh đi khám sức khỏe tổng quát mà anh chỉ xem cái mũi có bệnh gì không thôi! Ở vùng biển đó có nghề khai thác của ngư dân, nuôi tôm giống, rất nhiều thứ… Tất cả vấn đề đều phải được đặt lên bàn để xem xét một cách nghiêm túc, khách quan, trung thực” – TS An nêu quan điểm.

Nếu đổ xuống, một giờ sau sẽ nhận thấy hậu quả Nhiều người tính toán khi đổ lượng thải khổng lồ đó xuống, nền đáy biển sẽ cao lên 3-7 m. Tuy nhiên, lượng bùn, cát đó sẽ lan truyền rất nhanh nên tôi cho chỉ dày lên 3 cm thôi. Và 3 cm đó cũng làm thay đổi nghiêm trọng môi trường mặt đáy rồi. Các nhà khoa học cũng lo ngại nhất là chất thải này sẽ gây đục, làm cản trở quá trình sinh hóa địa của vùng nước đó. Đặc biệt, lượng bùn, cát đó sẽ lan truyền ra vì đây là vùng nước trồi, có động lực rất mạnh. Trong khi đó, vành đai Khu bảo tồn biển Hòn Cau cách đó chỉ 2 km. Tôi cho rằng chỉ một tiếng đồng hồ sau khi đổ thải xuống, với động lực ở vùng biển này thì Khu bảo tồn Hòn Cau sẽ gánh chịu đủ!

TS Nguyễn Tác An
_______________________

300 cựu binh gửi tâm thư vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát

Ngày 28-7, ông Đặng Huy Hoàng, Trưởng Ban liên lạc kháng chiến huyện Tuy Phong, Bình Thuận, cho biết Ban liên lạc đã có lá đơn khẩn cấp gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống biển.

Trong thư, các cựu binh cho hay việc xả thải của nhiệt điện Vĩnh Tân, cả chất thải rắn và khí thải đang gây ảnh hưởng nhiều mặt đến môi sinh khu vực xung quanh, nay Bộ TN&MT cho phép đổ gần 1 triệu mchất nạo vét ven bờ xuống biển trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau và sắp đến còn nhiều triệu mét khối đổ xuống biển nữa tại một vùng nước đặc biệt hiếm ở Đông Nam Á là điều rất đáng lo ngại vì việc ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các thế hệ con cháu ở vùng biển này. “Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, có giải pháp để khắc phục việc ô nhiễm môi trường tại khu vực nhiệt điện Vĩnh Tân hiện nay. Trước mắt xin đề nghị cho dừng lại việc cấp phép đổ gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Hòn Cau mà nên tìm một giải pháp khác an toàn hơn” – thư kiến nghị.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét