Vào ngày 14 và 15 tháng 5 vừa qua,
Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị quốc tế tại Bắc Kinh gọi là Diễn Đàn
Đới Lộ vì Hợp Tác Quốc Tế (Belt and Road Forum for International
Co-Operation). Sáng kiến Đới Lộ là tên mới của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ
được Tập Cận Bình chính thức công bố vào năm 2013. Kế hoạch này căn bản
là nhằm kết nối cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc đến các quốc gia trong khu
vực Châu Á và Châu Âu.
Mục đích là giúp Trung Quốc đẩy mạnh thị trường
xuất cảng ra thế giới. Mặt khác, nó cũng gầy dựng ảnh hưởng chiến lược
và thiết lập điều lệ giao thương cũng như chuẩn mực an ninh quốc tế thay
thế vai trò của Mỹ trong bối cảnh Tổng Thống Trump đang theo đuổi chính
sách "nước Mỹ trước hết". Thật ra, chính sách mới của Trump không khác
gì đường lối của Trung Quốc đối với Biển Đông. Có nghĩa là tránh né các
thỏa thuận hoặc cơ chế đa phương mà chỉ thương lượng song phương để lấy
thịt đè người với từng đối tác hoặc đối thủ một.
Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ dự trù bao gồm 65 quốc gia chiếm 2/3 dân số
toàn cầu với 30% GDP và 40% kim ngạch mậu dịch thế giới. Đại điện của
hơn 70 nước trong đó có gần 30 lãnh tụ gồm có tổng thống Nga Vladimir
Putin, Thủ Tướng Ý Paulo Gentolini, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan,
Tổng Thống Nam Dương Joko Widodo và Chủ Tịch Việt Nam Trần Đại Quang.
Trong bài diễn văn khai mạc, Tập Cận Bình kêu gọi thế giới hợp tác xây
dựng một hệ thống mậu dịch và đầu tư mở rộng và công bằng. Sáng kiến
Đới Lộ sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tạo ra một cộng động quốc tế
hòa bình và thịnh vượng. Theo kế hoạch này, các nước thành viên dự trù
sẽ chi hơn 1,000 tỷ Mỹ kim cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối
thị trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Ông Tập hứa là Trung Quốc sẽ
chi hơn 120 tỷ Mỹ kim gồm có tăng 14.5 tỷ Mỹ kim cho Quỹ Con Đường Tơ
Lụa, 36 tỷ dành cho các khoản vay của Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc và
17 tỷ của Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Trung Quốc cùng với 9 tỷ viện trợ
thực phẩm khẩn cấp. Nhưng ông Tập không công bố khung thời gian thực
hiện.
Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình nhấn mạnh là Trung Quốc sẵn sàng chia
sẻ thành quả và kinh nghiệm phát triển với thế giới nhưng sẽ không can
thiệp vào vấn đề nội bộ, hoặc tìm cách xuất cảng thể chế xã hội hoặc mô
hình phát triển hoặc ép buộc các quốc gia khác phải theo ý của Trung
Quốc. Ông cũng trấn an là Bắc Kinh không có ý định sử dụng kinh tế để
theo đuổi mục tiêu chiến lược mà ông cho là một kế sách lỗi thời. Ông
nói rằng Trung Quốc muốn tạo ra luật chơi mới dựa trên nguyên tắc mọi
bên đều có lợi và mục đích chính của sáng kiến Đới Lộ là tạo điều kiện
cho mọi quốc gia có cơ hội hợp tác để đối phó với những thách thức toàn
cầu, tìm lãnh vực phát triển mới để mọi bên cùng thắng và kiến tạo một
cộng đồng chia sẻ vận mệnh chung.
Thoạt nghe qua thì những gì ông Tập nói nghe thật êm tai. Theo Ngân Hàng
Phát Triển Châu Á, tới năm 2030 thì các quốc gia trong khu vực cần chi
hơn 26,000 tỷ Mỹ kim cho cơ sở hạ tầng mới đáp ứng được nhu cầu phát
triển. Hiện nay phương tây và thế giới tự do chưa đưa ra một giải pháp
hoặc đề nghị cụ thể nào để giúp các quốc gia trong khu vực Châu Á giải
quyết được nhu cầu cơ sở hạ tầng này. Tổng thống Trump thì đã rút Mỹ ra
khỏi TPP đạp đổ mọi công sức mà hai Tổng Thống tiền nhiệm Bush và Obama
đã dày công gầy dựng qua một thập niên. Hiện nay, các nước Châu Á mà
trong đó có cả đồng minh của Mỹ là Phi Luật Tân và Thái Lan rất cần vốn
để giải quyết nhu cầu cơ sở hạ tầng. Tiền cho vay của Trung quốc sẽ giúp
đẩy mạnh phát triển kinh tế nâng cao đời sống của người dân. Cũng
không có gì phải ngạc nhiên khi đa số các đại công ty quốc tế như
General Electrics và Siemens đều rất hứng thú với sáng kiến Đới Lộ vì
những khoản hợp đồng béo bỏ đang chờ được ký. Người lao động trong khu
vực cũng nuôi hy vọng là họ sẽ có công ăn việc làm từ những dự án xây
dựng công trình tại địa phương.
Nhưng sự việc sẽ không đơn giản như vậy. Cụ thể là vào cuối năm ngoái,
Trung Quốc tiến hành dự án xây dựng đường xe lửa cao tốc cho Lào dự trù
sẽ hoàn tất vào năm 2020. Kinh phí ước lượng lên tới 6 tỷ Mỹ kim tức
bằng phân nửa GDP của Lào là 12 tỷ. Hầu hết tiền vốn là do Trung Quốc
cho vay. Không chỉ tiền vốn mà tất cả mọi thứ từ nhân sự, kỹ sư, thiết
kế, vật liệu cũng là của Trung Quốc. Như Việt Nam, chính quyền cộng sản
Lào quy hoạch và cưỡng chế đất đai đuổi người dân địa phương để chờ đón
100,000 công nhân cùng với thân nhân từ Trung Quốc đến sống và làm việc
cho dự án này. Người dân địa phương không chỉ không có được cơ hội tìm
được việc làm trong quá trình xây dựng này mà còn phải bị mất đất hoặc
chỉ được đền bù với cái giá rẻ mạt để các quan chức chia chác. Một cuộc
nghiên cứu của chính chuyên gia Trung Quốc cho biết là dự án sẽ bị lỗ
ít nhất trong 11 năm đầu. Nếu vỡ nợ thì Lào lấy gì để trả? Hay là phải
lấy chủ quyền hoặc chính sách ngoại giao ra để cầm cho Trung Quốc?
Tương tự như vậy, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Pakistan sẽ dẫn
đến tình trạng là hàng năm có hơn 600,000 người Trung Quốc qua khu vực
Balochistan để sinh sống. Cứ theo đà này tới năm 2048 thì người Trung
Quốc sẽ đông hơn người sắc tộc Balochs của Pakistan. Di dân Trung Quốc
mua lại đất đai rẻ mạt. Người Balochs thì lại không có kỹ năng cao.
Tương lai trước mắt là họ sẽ phải làm thuê cho người di dân từ Trung
Quốc.
Cái bẫy nợ mà Trung Quốc giăng ra đã xảy ra với Sri Lanka. Vào năm 2008,
Trung Quốc tiến hành dự án xây cảng nước sâu tại Hambantota cho Sri
Lanka. Kinh phí dự án ước lượng lên tới 1 tỷ Mỹ kim. Sri Lankan mượn 85%
chi phí từ Ngân hàng Xuất Nhập cảng Trung Quốc với lãi suất 6.3%. Trong
khi đó, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á chỉ tính lãi suất từ 0.25% đến tối
đa là 3%. Dĩ nhiên là Sri Lanka không có khả năng trả tiền lời và đành
bán lại cho chủ nợ Trung Quốc 80% qua hình thức hợp đồng cho thuê dài
hạn 99 năm dẫn đến các cuộc biểu tình bạo động của người dân địa phương.
Ngoài ra, Sri Lanka cũng đã trao quyền quản lý sân bay Mattala cho
Trung Quốc vì không trả nỗi món nợ khoảng 400 triệu Mỹ kim cũng như chi
phí điều hành sân bay hàng năm lên tới 200 triệu Mỹ kim. Theo viện
nghiên cứu Brookings, kiểm soát được cảng nước sâu Hambantota và sân bay
Mattala giúp Trung Quốc đạt ưu thế chiến lược nếu có đụng độ tại Ấn Độ
Dương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng dễ dàng thúc đẩy Sri Lanka ủng hộ lập
trường của Bắc Kinh về Biển Đông cũng như chính sách một nước Trung Hoa.
Tại Úc, giới kinh tế gia và thương gia hết lời ca ngợi sáng kiến Đới Lộ
và nhất là đường lối mở rộng thị trường và giao thương quốc tế của Tập
Cận Bình so với khuynh hướng bảo hộ của Donald Trump. Điều này dễ hiểu
vì họ là giới làm ăn. Ở đâu kiếm được tiền thì họ hoan nghênh mà không
cần biết đến giá trị đời sống của người dân hay xã hội có bị ảnh hưởng
hoặc thiệt thòi hay không? Nhưng cũng có những giới trí thức và học giả
hầu như đã bị Trung Quốc mê hoặc mà quên đi mọi giá trị và nguyên tắc
đạo đức. Trong bài viết ''Đầu hàng Trung Quốc: cái gì thiếu trong bài
diễn thuyết tại Đại học ANU'' (China capitulationism: what is missing in
ANU Public Lecture), Giáo sư Đạo Đức học (Public Ethics) Clive Hamilton
đã thẳng thắn chỉ trích Giáo sư Hugh White. Vào ngày 11/4 vừa qua, Gs
White đã đọc bài diễn thuyết mang tựa đề ''Sức mạnh của Trung Quốc và
Tương Lai nước Úc'' (China Power and the Future of Australia) tại Đại
Học ANU. Gs White dành cả bài diễn thuyết nói về sự trỗi dậy của Trung
Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của nước Úc mà hoàn toàn
không nhắc tới Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Gs White cho rằng Trung Quốc sẽ
vượt qua Mỹ về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự và tốt nhất là Úc nên dần
dần xa Mỹ và tiến gần tới Trung Quốc. Bằng không thì Úc phải đối diện
với thiệt thòi chiến lược hoặc ngay cả nguy cơ chiến tranh với Trung
Quốc. Gs White công nhận là Trung Quốc có những giá trị luân lý khác với
Úc nhưng mà làm sao biết được ''giá trị của Úc tốt hơn?''Theo lập luận
của Gs White, Úc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một
chư hầu của Trung Quốc.
Như Gs Hamilton nhận định, lập luận của Gs White chẳng khác gì khuynh
hướng nhân nhượng và thỏa hiệp vô nguyên tắc của một số chính khách tại
Anh đối với Đức Quốc Xã để rồi dẫn đến Đệ Nhị Thế Chiến. Khi một con
người vì hèn nhát sẵn sàng bán rẻ lương tâm bán đứng bạn bè thì con
người đó chỉ còn là con thú chỉ có bản năng sinh tồn mà không màng tới
các giá trị đạo đức. Thuyết tương đối (Moral Relativism) mà Gs White nêu
ra thật ra không có gì mới mẻ. Nhưng chúng ta cứ thử hỏi người Úc là họ
có muốn bị cảnh sát bỏ tù tùy tiện khi bày tỏ chính kiến hoặc thể hiện
tín ngưỡng hay không? Hoặc sau khi bị xử bắn thì nội tạng bị lấy và xuất
cảng? Hoặc từ bỏ quyền lựa chọn dân biểu và chính quyền đại diện cho
họ? Nếu áp dụng triệt để câu hỏi của Gs White thì thế giới không nên lại
phản đối nhà nước Bắc Hàn vì ''làm sao biết được chúng ta tốt hơn Bắc
Hàn?'' Gs White có thật sự tin rằng các giá trị cốt lõi mà những người
đi trước phải hy sinh bảo vệ như công lý, sự thật, nhân quyền chưa chắc
gì đã tốt hơn bạo lực, giả dối, tuyên truyền mà các quốc gia cộng sản
như Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam đang áp dụng hay không?
Ông Tập Cận Bình có hứa là Trung Quốc sẽ không sử dụng kinh tế cho mục
tiêu chiến lược. Trước đây ông Tập cũng đã từng hứa với Obama là Trung
Quốc sẽ không bao giờ quân sự hóa Biển Đông nhưng lời hứa đó rồi cũng đã
theo gió thoảng mây bay. Một lần bất tín vạn lần bất tin. Hàn Quốc và
Đài Loan là hai bằng chứng cụ thể nhất vì họ đang là nạn nhân và bị
Trung Quốc trừng phạt kinh tế vì bất đồng quan điểm chiến lược với Bắc
Kinh. Như vậy thì tốt nhất là đừng nghe những gì ông Tập nói hoặc hứa mà
hãy nhìn kỹ những gì Trung Quốc làm.
Đồng ý là chính sách của Tổng Thống Trump là một thách thức đối với Úc.
Nhưng không có nghĩa là Úc nên phản bội đồng minh vì những cái lợi kinh
tế nhất thời bằng cách ngả về với kẻ ác. Gs Carl Thayer đã từng nói là
Việt Nam cũng có rất nhiều Hugh White sẵn sàng quy thuận Trung Quốc và
chấp nhận thân phận chư hầu. Có lẽ vì vậy mà Việt Nam rất khó thoát
Trung, ít nhất là khi nào vẫn còn độc tài đảng trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét