Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Thoả ước Paris vẫn sống: Vì sao thỏa ước khí hậu sẽ tồn tại dù Trump rút lui

 
Trong nhiều thập kỷ qua, thế giới đã hiểu được mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Nhưng những trở ngại về kinh tế và chính trị kéo dài mãi cho đến gần đây đã cản trở hành động toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề. Ngày nay những tính toán đã thay đổi. Tiến bộ về kỹ thuật đã làm cho việc đầu tư vào năng lượng sạch trở nên có lợi, và áp lực dư luận ngày càng tăng đã buộc các chính trị gia phải đối phó với nguy cơ thảm họa sinh thái.


 Những xu hướng này đã tạo nên những đột phá ngoại giao quan trọng, đáng chú ý nhất là thỏa ước Paris năm 2015. Trong thỏa ước đó, 195 quốc gia đã cam kết giảm đáng kể lượng xả thải khí nhà kính. Sau khi các cuộc đàm phán kết thúc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố: "Chúng ta đã chứng tỏ những gì có thể làm được khi thế giới đồng lòng với nhau.”

Tuy nhiên, giờ đây thỏa ước đó đang bị đe dọa. Khi nói đến biến đổi khí hậu, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thay vì nhận thức sự khẩn cấp của vấn đề lại tỏ ra hoài nghi và đe dọa rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi thỏa ước Paris. Ông đã trải qua những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình trong cố gắng lật ngược các quy định về môi trường của chính quyền Obama và hứa hẹn sự phục hồi của ngành than đá ở Mỹ.

Chính quyền của Trump vẫn chưa quyết định chính thức rút khỏi thỏa ước Paris (ND: Trump đã quyết định rút khỏi thỏa ước vào ngày 1/6/2017). Dù Hoa Kỳ quyết định thế nào đi nữa, bản thỏa ước sẽ vẫn tồn tại. Các nhà thương thuyết đã thiết kế bản thỏa ước để chịu được những cú sốc chính trị. Và các lực lượng kinh tế, kỹ thuật, và chính trị đã tạo ra thỏa ước Paris càng ngày càng mạnh hơn. Chính sách của Hoa Kỳ không thể ngăn chận những xu hướng này. Nhưng sự bất động của Washington đối với vấn đề biến đổi khí hậu sẽ làm Hoa Kỳ phải chịu những thiệt hại về kinh tế và ngoại giao, đồng thời làm lãng phí thời gian quý giá trong cuộc chạy đua cứu vãn trái đất. Gắn bó với thỏa ước này sẽ giảm bớt thiệt hại và đó rõ ràng là vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng sự thất bại của Washington trong vai trò làm đầu tàu đối phó với vấn đề thay đổi khí hậu vẫn sẽ làm tổn thương Hoa Kỳ và cả thế giới. Do đó, các doanh nghiệp, khoa học gia, kỹ sư, thống đốc, thị trưởng và công dân Mỹ phải bước ra để chứng minh rằng đất nước họ vẫn có thể tạo được tiến triển và cuối cùng sẽ trở lại vai trò lãnh đạo về vấn đề khí hậu.

Được nhiều mất ít

Một thập kỷ trước, thỏa ước Paris có thể không bao giờ được đàm phán thành công. Hành động tập thể có hiệu quả đối với vấn đề biến đổi khí hậu đơn giản là quá khó khăn vì những chi phí liên quan quá lớn. Nhưng kể từ đó, giá thành sản xuất năng lượng tái tạo trụt giảm nhanh chóng và hiệu quả trong việc tiêu thụ năng lượng tăng lên đã làm cho việc chống lại biến đổi khí hậu trở nên dễ dàng hơn, thậm chí còn sinh lợi. Vào thời điểm các cuộc đàm phán ở Paris, thế giới đã đạt đến một mốc quan trọng mà các nhà phân tích năng lượng đã từng nghĩ rằng ở nhiều nơi trên thế giới phải mất thêm vài thập kỷ nữa mới có thể sản xuất năng lượng từ mặt trời hoặc từ gió rẻ hơn so với sản xuất từ than đá. Theo nghiên cứu của Bloomberg New Energy Finance, vào năm 2015, năng lượng sạch thu hút được vốn đầu tư trên toàn cầu gấp đôi so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Kết quả là thế giới đã sử dụng năng lượng sạch với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các chuyên viên dự kiến. Hãy xem các dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, là cơ quan uy tín nhất thế giới về dự đoán các xu hướng của thị trường năng lượng. Năm 2002, cơ quan này dự đoán rằng sẽ mất 28 năm để thế giới có thể phát ra hơn 500 terawatt-giờ (ND: bằng 500 tỉ megawatt-giờ) năng lượng gió; thực tế thì chỉ cần tám năm. Và trong năm 2010, cơ quan này dự kiến rằng sẽ phải mất đến năm 2024 để thiết lập các nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 180 gigawatts (ND: bằng 180.000 megawatts); nhưng công suất đó đã đạt được vào năm 2015, gần một thập niên trước thời hạn.

Sự tiến bộ khó thể tin được này đã làm đảo lộn giả thuyết từng phổ biến trước đây rằng tăng trưởng kinh tế và tăng lượng xả thải khí nhà kính phải đi đôi với nhau. Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2016, kinh tế Mỹ tăng 12% trong khi lượng xả thải carbon gây ra từ việc sản xuất năng lượng đã giảm khoảng 11% - lần đầu tiên hai yếu tố này không còn đi chung trong nhiều năm. Sự tách rời giữa khí thải và tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu xảy ra ở ít nhất 35 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, là nơi nhiều người tin rằng lượng khí thải sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm trong vài năm tới, sớm hơn một thập niên so với mục tiêu Trung Quốc đặt ra cho chính họ là năm 2030. Trên thực tế, năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp khi lượng khí thải toàn cầu không tăng ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu tăng lên. Trước đợt này, chỉ khi có suy thoái kinh tế mới làm giảm lượng xả thải khí nhà kính. Sự chuyển dịch im lặng này thể hiện một thay đổi chấn động về kinh tế chính trị của năng lượng sạch. Trong quá khứ các quốc gia phải làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế để có thể giảm bớt khí thải. Bây giờ, họ đang chạy đua với nhau để đạt được những lợi ích kinh tế của năng lượng sạch.

Tốc độ thay đổi này chắc sẽ tiếp tục vượt xa dự đoán. Các đột phá về kỹ thuật trong việc lưu trữ năng lượng sẽ làm cho điện năng tái tạo đủ rẻ để sử dụng ở nhiều nơi hơn và đẩy nhanh việc sử dụng xe chạy bằng điện và các hệ thống vận chuyển bằng điện khác. Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 340 tỷ đô-la Mỹ (USD) vào các nguồn năng lượng tái tạo trước năm 2020; Saudi Arabia đang đầu tư 50 tỷ USD. Chỉ trong năm ngoái, Ấn Độ đã tăng gấp đôi công suất điện mặt trời. Việc lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời ở Ấn tăng nhanh đến nỗi mục tiêu táo bạo của Thủ tướng Narendra Modi là đạt được 100 gigawatts (ND: bằng 100.000 megawatts) điện mặt trời vào năm 2022 không có vẻ là một giấc mơ viễn vông nữa.

Tất cả chúng ta là những nhà môi trường

Khi những kỹ thuật mới làm biến đổi tính chất kinh tế của vấn đề biến đổi khí hậu, không khí chính trị xung quanh vấn đề môi trường cũng đang thay đổi. Năm 2008, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã quyết định lắp đặt thiết bị trên mái nhà tòa đại sứ để theo dõi thường xuyên phẩm chất không khí và thông báo bằng tweetter những con số đo được. Sự việc bắt đầu như một cách để cung cấp thông tin cho người Mỹ và những người nước ngoài đang sống ở Bắc Kinh về sự an toàn khi phải đi ra ngoài. Hầu hết người Trung Quốc không thể đọc các thông tin này trên tweetter vì bị chặn bởi “tường lửa" của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên khi nhiều công dân Trung Quốc có điện thoại thông minh, các chương trình ứng dụng (app) trên điện thoại đã cung cấp cho họ những cách vượt qua sự kiểm duyệt của tường lửa và đọc được những con số cập nhật về phẩm chất không khí từ tòa ĐS Hoa Kỳ. Dân trung lưu của Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ với viễn cảnh nguy hiểm khi con cái họ phải hít thở không khí ô nhiễm. Một số trường học xây dựng những nhà vòm khổng lồ để học sinh chơi trong nhà, khỏi bị hít thở không khí ô nhiễm bên ngoài. Nhiều trẻ em bắt đầu đeo mặt nạ loại nặng trên đường đến trường. Dân chúng nổi giận đã buộc chính quyền Trung Quốc phải hành động. Đến năm 2013, chính phủ đã lắp đặt hàng trăm máy theo dõi phẩm chất không khí tại hơn 70 thành phố lớn nhất Trung Quốc. Cùng năm đó, chính phủ đã hứa sẽ chi hàng tỷ đô la để làm sạch không khí, và cam kết sẽ đưa ra các mục tiêu ban đầu về việc giảm phát thải những chất ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn.

Trong khi đó, những vận động về môi trường trên toàn thế giới đã chuyển mình từ hoạt động bên lề trở thành dòng chính. Người dân ở Ấn Độ lo lắng rằng ô nhiễm từ xe cộ gây nguy hại cho sức khỏe của con cái họ. Cư dân ở những hòn đảo xa xôi như Kiribati lo âu theo dõi mực nước biển dâng lên chung quanh họ. Những người nông dân ở miền Tây Hoa Kỳ đã nhìn thấy vùng đất của họ bị tàn phá bởi hạn hán và cháy rừng, không giống những thiên tai mà họ từng trải qua trước đây. Cùng với các công dân đang lo ngại khác trên khắp thế giới, họ bắt đầu kêu gọi các chính trị gia phải hành động, với tiếng nói to lớn và thống nhất hơn bao giờ hết.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Paris vào tháng 12 năm 2015, họ đã trả lời làn sóng vận động về khí hậu của quần chúng. Tại hội nghị, một nhóm gồm hơn 100 quốc gia có truyền thống chống lại biến đổi khí hậu đã hình thành "liên minh đầy tham vọng." Được thúc đẩy bởi hoạt động của các nhà vận động cơ sở, họ đã thành công khi yêu cầu rằng thỏa ước thông qua mục tiêu đầy tham vọng là hạn chế bầu khí quyển trái đất chỉ ấm lên đến 1,5 độ Celsius. Ông Tony de Brum, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Marshall, lãnh đạo không chính thức của liên minh, nói: "Bất cứ nhiệt độ nào lớn hai độ đều là bản án tử hình cho chúng ta.” Động lực khuyến khích các chính trị gia đối phó với biến đổi khí hậu sẽ mạnh hơn khi nhiều người, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trở thành tầng lớp trung lưu và có cơ hội tiếp nhận thông tin về biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của họ như thế nào.

Sự chuyển đổi này đã và đang tiến xa. Vào tháng giêng năm nay, trong một diễn văn trái ngược với thái độ do dự trước đây của Trung Quốc không chấp nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng "tất cả các nước ký kết cần phải tuân thủ [thoả ước Paris] thay vì rút lui, vì đây là trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ tương lai.” Và sau ngày Trump ký một sắc lệnh hành pháp để bắt đầu loại bỏ những quy tắc trong Kế hoạch Năng lượng Sạch mà Obama đã ban hành để giảm lượng khí thải từ các nhà máy điện, Ông Miguel Arias Cañete, Ủy viên về Hành động Khí hậu và Năng lượng của Liên hiệp châu Âu (EU), đã tweet một bức hình ông ta đang ôm lấy nhà đàm phán khí hậu chính của Trung Quốc với chú thích: "Một kỷ nguyên mới về khí hậu đã bắt đầu, EU và Trung Quốc sẵn sàng để dẫn đường."

Nghệ thuật đàm phán

Các lực lượng kinh tế và chính trị này đã làm cho thỏa ước Paris thành hiện thực, nhưng để cả thế giới tham gia ký kết, các nhà đàm phán vẫn cần phải giải quyết một trở ngại lớn về ngoại giao: quyết định ai nên làm gì và ai phải chi tiền. Trong khoảng hai thập kỷ sau Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio năm 1992, các cuộc đàm phán về khí hậu được dựa trên ý tưởng rằng vì các nước phát triển trong quá khứ đã thải khí nhà kính nhiều hơn, họ phải gánh vác trách nhiệm giải quyết vấn đề hâm nóng toàn cầu.

Vào cuối thập kỷ qua, khái niệm đó rõ ràng không còn tính hữu dụng. Khi thế giới nhìn thấy các nền kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ phát triển nhanh, Hoa Kỳ và các nước phát triển khác không thể thuyết phục các công dân của mình chấp nhận hạn chế khí thải khi các quốc gia lớn ở thị trường mới nổi không làm gì cả. Và khi Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ trở thành nước có khí thải CO2 lớn nhất thế giới trong năm 2007, thì sự việc trở nên hiển nhiên là các nước phát triển không thể giải quyết vấn đề một mình. Thật vậy, tính đến năm 2040, gần 70% khí thải toàn cầu sẽ từ các nước bên ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, là nhóm gồm hầu hết các nước phát triển.

Tuy nhiên trong nhiều năm qua, các chính phủ không thể đồng ý về một phương cách thay thế. Vì đây là một vấn đề quá to lớn đòi hỏi tất cả các nước phải tham gia. Nhưng không có quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận một cơ quan siêu quốc gia có thể ra lệnh và thực thi các mục tiêu và hành động. Sự thất bại của hội nghị khí hậu ở Copenhagen năm 2009 cho thấy rằng nhấn mạnh vào một mục tiêu cứng nhắc sẽ tạo ra một tình huống “bên được bên mất” (zero-sum), trong đó mọi quốc gia sẽ cố gắng làm ít hơn khiến cho quốc gia khác phải làm nhiều hơn. Thỏa ước Paris đã giải quyết vấn đề này bằng cách kết hợp mục tiêu đầy tham vọng của một chương trình hợp tác toàn cầu với phương pháp bảo thủ cho phép mỗi quốc gia tự quyết định xem có thể đóng góp như thế nào để đạt được mục tiêu chung.

Obama hy vọng rằng nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ - hai nước xả khí thải lớn nhất – thỏa thuận với phương pháp này thì những nước khác sẽ đồng ý theo. Để đạt được mục đích đó, Obama đã tìm kiếm một thỏa thuận giữa hai nước trước cuộc đàm phán Paris. Tháng 11 năm 2014, trong một thông báo chung, Hoa Kỳ hứa sẽ giảm lượng khí thải xuống dưới mức của năm 2005 khoảng 26-28% trước năm 2025, và Trung Quốc cam kết tương tự vào năm 2030. Cam kết chung này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy các quốc gia có thể vượt qua phương cách cũ và tạo được một nỗ lực toàn cầu để giảm lượng khí thải và gặt hái thành quả kinh tế từ sự bùng phát của công nghiệp năng lượng sạch.

Với một tốc độ kinh ngạc, các nước ở mọi mức phát triển kinh tế đều tham gia cuộc đua. Thậm chí trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu ở Paris, đã có đủ số quốc gia với tổng lượng khí thải chiếm hơn 90% lượng khí thải toàn cầu đã thiết lập mục tiêu của họ. Điều này có nghĩa là, không giống như ở Copenhagen, phái đoàn các nước đến Paris đã đồng ý rằng họ sẽ phải giảm lượng khí thải để đáp ứng thách thức của sự biến đổi khí hậu.

Ngay cả với những cam kết đã có trong tay, tiến trình đàm phán để có gần 200 quốc gia chịu từ bỏ phương pháp của mô hình cũ thật sự gay go. Có lẽ một điều không thể tránh khỏi khi cho phép mỗi quốc gia tự xác định đường đi của mình có nghĩa là các cam kết ban đầu sẽ không đủ. Theo một nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học về khí hậu được in trên tạp chí Science vào năm 2015, ngay cả khi tất cả các nước đều đạt được mục tiêu đặt ra và đầu tư toàn cầu vào công nghệ năng lượng sạch tiếp tục tăng, thế giới vẫn chỉ có xác suất 50% cơ hội hạn chế được bầu khí quyển nóng thêm hai độ Celsius, và mục tiêu 1,5 độ vẫn vượt khỏi tầm tay. Tuy nhiên, việc chuyển biến từ cuộc chiến đấu riêng lẻ chống biến đổi khí hậu sang cuộc đua toàn cầu về năng lượng sạch đã tạo ra tiềm năng cho hành động tập thể để đẩy nhanh tiến trình.

Hơn một năm sau, thỏa ước Paris đã chứng tỏ sự bền vững đáng kinh ngạc. Trong suốt năm 2016 và đầu năm 2017, các quốc gia đã nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình, ngay cả khi các sự kiện trên thế giới, như Anh quốc bỏ phiếu rời khỏi EU và Trump đắc cử Tổng thống, đã cho thấy sự thay đổi toàn cầu khỏi chủ nghĩa đa phương. Ấn Độ gần đây đặt ra mục tiêu đưa 6 triệu xe hơi hybrid (ND: xe dùng cả xăng và điện) và xe điện vào vận hành trước năm 2020 và chấm dứt việc buôn bán các loại xe chạy xăng dầu trong nước vào năm 2030. Tháng 12 năm ngoái, Canada đã tạo ra một chế độ tính giá carbon cho cả nước (ND: thuế hay lệ phí đánh vào lượng carbon thải vào môi trường). Vào tháng 4, Anh Quốc đã phải trải qua một ngày không đốt than để sản xuất điện, lần đầu tiên được thực hiện kể từ năm 1882. Và mặc dù hầu hết mọi người đã nghĩ rằng phải mất nhiều năm để có đủ số quốc gia phê chuẩn thỏa ước Paris để thỏa ước chính thức có hiệu lực, thì thế giới đã hoàn thành mục tiêu phê chuẩn chỉ 11 tháng sau khi cuộc đàm phán kết thúc. Ngay cả các nước OPEC cũng đã chấp thuận.

Tiến bộ này cho thấy giả thuyết chính của hiệp ước - rằng với thời gian các nước sẽ có mục tiêu cắt giảm khí thải cao hơn - là một giả thiết hợp lý. Thỏa ước Paris khuyến khích các chính phủ nâng cao những mục tiêu về khí hậu mỗi ngũ niên, nhưng những yêu cầu này không có tính chất ràng buộc. Một hiệp ước nghiêm ngặt hơn sẽ có vẻ tốt đẹp trên giấy tờ, nhưng nó có thể làm nhiều nước lo ngại hoặc làm họ đặt ra các mục tiêu ban đầu thấp một cách giả tạo. Bởi vì các động lực kinh tế đã tạo ra thỏa ước này vẫn tiếp tục tăng tốc, càng ngày càng có nhiều quốc gia nhận thấy lợi ích của việc tiên phong trong các ngành công nghiệp năng lượng sạch đang phát triển nhanh chóng. Vì vậy, họ có thể sẽ nâng cao mục tiêu với hy vọng gặt hái phần thưởng từ những tiến bộ vượt trước đám đông.

Tự hại mình

Mặc dù chính quyền của Trump không thể ngăn chặn được những tiến bộ toàn cầu về biến đổi khí hậu nhưng vẫn có thể làm tổn thương đến nền kinh tế Mỹ và lập trường ngoại giao của Hoa Kỳ khi từ bỏ thỏa ước Paris. Trên tất cả mọi vấn đề từ chống khủng bố và thương mại đến cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân và chính sách tiền tệ, chính quyền Trump đều cần làm việc với các nước khác để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu Hoa Kỳ rút khỏi thỏa ước Paris, chính phủ Trump sẽ khó khăn hơn trong việc giành được sự hợp tác của các nước khác về những vấn đề nói trên bởi vì các nước này sẽ xem vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng giống như cách họ nhìn thấy các cam kết về an ninh, viện trợ nước ngoài, hoặc giúp đỡ người tị nạn, là một phép thử để đánh giá uy tín của một quốc gia đối với lời hứa của quốc gia đó và chỗ đứng của nó trong trật tự toàn cầu. Trong năm 2001, khi chính quyền của Tổng thống Bush rút khỏi Nghị định thư Kyoto, điều ngạc nhiên là Trung Quốc, Ấn Độ, EU, và nhiều nước khác đã chỉ trích gay gắt động thái này. Kể từ đó, thế giới đã có những tiến bộ đáng kể trong hợp tác về biến đổi khí hậu. Vì vậy từ bỏ thỏa ước Paris sẽ tạo ra những thiệt hại về ngoại giao tồi tệ hơn nhiều.

Rút khỏi thỏa ước Paris cũng sẽ làm cho Hoa Kỳ mất đi, so với những nước khác đặc biệt là Trung Quốc, nhiều mối lợi từ nền kinh tế năng lượng sạch đang phát triển mạnh. Hơn ba triệu người Mỹ đang làm việc trong ngành năng lượng tái tạo, hoặc trong thiết kế, sản xuất, bảo trì các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc các loại xe cộ sử dụng năng lượng sạch như xe chạy bằng điện. Việc làm trong ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã tăng khoảng 20% mỗi năm trong những năm gần đây, gấp khoảng 12 lần so với việc làm trong nền kinh tế nói chung. Duy trì tốc độ này sẽ đòi hỏi sự đầu tư liên tục và khả năng của các ngành công nghiệp Mỹ nắm bắt được phần lớn hơn ở các thị trường năng lượng sạch đang phát triển ở nước ngoài.

Trên mặt trận này, Trung Quốc đã bắt đầu vượt qua Hoa Kỳ. Theo số liệu từ Bloomberg New Energy Finance và Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2015 Trung Quốc đầu tư 103 tỷ đô la vào năng lượng tái tạo trong khi Hoa Kỳ đầu tư chỉ 44 tỷ. Tung Quốc là nơi đặt nhà máy của năm trong số sáu nhà sản xuất bộ phận quang điện mặt trời (solar module) lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng là nơi sản xuất turbine gió và lithium ion lớn nhất thế giới, lithium ion được sử dụng để sản xuất pin cần thiết cho việc trữ năng lượng tái tạo. (ND: Dự tính đến năm 2020 thì TQ sẽ có công suất chế tạo pin lithium-ion chiếm 62% thế giới, và Mỹ 22%).

Một điều có thể chắc chắn là phần lớn sản xuất các sản phẩm năng lượng sạch có giá trị thấp sẽ di chuyển ra khỏi Hoa Kỳ. Nhưng điều đáng lo ngại là Hoa Kỳ đang có nguy cơ mất đi thế thượng phong về những phát minh trong ngành năng lượng sạch. Theo một nghiên cứu của các chuyên gia về chính sách công Devashree Saha và Mark Muro, số lượng các bằng sáng chế công nghệ năng lượng sạch được cấp tại Hoa Kỳ mỗi năm tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2014, nhưng nó đã giảm 9% từ 2014 đến 2016. Các nước khác đang lấp đầy khoảng trống. Saha và Muro viết: "Năm 2001, những công ty Hoa Kỳ và công ty nước ngoài mỗi bên có khoảng 47% các bằng sáng chế công nghệ sạch. Nhưng đến năm 2016, 51% các bằng sáng chế của công nghệ sạch đều thuộc sở hữu của các công ty đa quốc gia của nước ngoài, so với chỉ 39% của các công ty Hoa Kỳ."

Nếu chính quyền Trump từ bỏ thỏa ước Paris, những xu hướng này sẽ trở nên xấu hơn. Nếu Washington không phải là một thành phần trong các cuộc thảo luận thiết yếu khi các chi tiết của thỏa ước sẽ được đúc kết trong những năm tới, các chính phủ khác có thể xây dựng những quy tắc về sở hữu trí tuệ, thương mại và sự minh bạch theo những cách có thể gây bất lợi cho nền kinh tế Mỹ. Một số quốc gia cũng đã gợi ý rằng nếu Hoa Kỳ rời khỏi thỏa ước Paris, họ sẽ xem xét áp dụng các biện pháp trả đũa như đánh thuế nhập cảng vào hàng hóa Mỹ. Ngay cả khi các nước này không làm vậy, với Hoa Kỳ ở ngoài thỏa ước Paris, các chính phủ ngoại quốc, các cơ quan quốc tế và các nhà đầu tư có thể tài trợ cho các đối thủ của Hoa Kỳ về nghiên cứu, phát triển và triển khai năng lượng sạch. Trung Quốc đã cam kết nhiều tiền hơn Hoa Kỳ trong việc giúp đỡ các nước nghèo phát triển thị trường về năng lượng sạch. Nếu Hoa Kỳ rời khỏi cuộc thảo luận, nó sẽ mất đi tiếng nói về việc các quỹ này được chi tiêu ở nơi nào và bằng cách nào. Và nếu Washington bỏ qua các vòng đàm phán tương lai trong khuôn khổ của LHQ, thì Trung Quốc sẽ có cơ hội tìm cách làm yếu đi các quy định của thỏa ước Paris về các vấn đề quan trọng, như yêu cầu tất cả các nước phải đệ trình kế hoạch xả khí thải của họ để được đánh giá độc lập.

Khí thải tới hạn

Vì tất cả những lý do nói trên, chính quyền Trump nên giữ Hoa Kỳ trong thỏa ước Paris. Tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ. Thậm chí ngay cả khi nằm trong thỏa ước, nếu Washington không đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ sẽ vẫn bị thiệt hại như phần còn lại của thế giới. Nếu không có đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào năng lượng sạch, và nếu không có các chính sách của chính phủ nhằm đưa ra giá ổn định về xả thải khí nhà kính thì nền kinh tế Mỹ sẽ không nhìn thấy toàn bộ lợi ích của việc chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

Việc thiếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ không chỉ làm tổn hại đến nước Mỹ; nó sẽ làm thế giới mất thì giờ quý báu. Nhiệt độ trái đất tăng nhanh hơn những nỗ lực cắt giảm khí thải. Năm ngoái là năm nóng nhất trong lịch sử, và cũng là năm thứ ba liên tiếp phá kỷ lục đó. Băng biển ở Bắc Cực và chung quanh Nam Cực đang ở mức thấp kỷ lục. Thời tiết cực đoan đang gia tăng nhanh chóng trên khắp Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới.

Để đảo ngược xu hướng này, các quốc gia cần nhanh chóng chuyển đổi các nền kinh tế của họ để loại bỏ khí thải carbon. Với thỏa ước Paris mặc dù các quốc gia khác sẽ tiến triển ngay cả khi không có Hoa Kỳ, nhưng sẽ rất khó khăn làm cho họ tăng thật nhiều mục tiêu giảm khí thải nếu không có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Trung Quốc và Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục cạnh tranh trong cuộc chạy đua năng lượng sạch, nhưng chỉ có Hoa Kỳ có thế lực chính trị và tiềm lực để thúc đẩy các nước khác hành động, như cách nó đã làm trước khi đàm phán Paris. Một Tổng thống Hoa Kỳ sử dụng mọi công cụ ngoại giao có thể có - như Obama đã làm - có thể mang lại những kết quả đáng kể.

Bởi vì thỏa ước Paris kêu gọi hầu hết các nước đặt mục tiêu quốc gia kế tiếp về giảm khí thải sau năm 2020, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Nếu chính quyền Hoa Kỳ nhiệm kỳ tiếp theo phục hồi sự lãnh đạo của Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, nó có thể bù đắp cho thời gian đã bị mất.

Trong khi đó, không phải tất cả các tiến triển ở Hoa Kỳ sẽ dừng lại. Một số tiểu bang, bao gồm California, Nevada, New York và Virginia, đang cắt giảm phát thải khí nhà kính và nhìn thấy những lợi ích kinh tế một cách trực tiếp. Họ nên nâng cao tầm nhìn hơn nữa và nhắc nhở thế giới về tác động tập thể từ những nỗ lực của họ. Các thành phố lớn của Hoa Kỳ đang tìm những cách mới lạ để trở nên thân thiện với môi trường. Họ nên tìm hiểu sự cộng tác mới với các đối tác nước ngoài. Các công ty Mỹ cần phải nói lớn và rõ ràng về những lợi ích kinh tế của một kế hoạch giảm khí thải đáng tin cậy và về những thiệt hại mất mát trong việc nhường vai trò lãnh đạo về năng lượng sạch cho Trung Quốc và các nước khác. Các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ đã sẵn sàng chuyển đổi một số công nghệ quan thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chẳng hạn như pin và các thiết bị sử dụng để thu giữ carbon. Các kỹ sư có thể khai thác những bước đột phá gần đây như trong công nghệ vệ tinh để tạo ra một hệ thống giám sát tức thì khí thải toàn cầu. Một hệ thống như thế có thể dùng để giải quyết tranh chấp giữa các nước về quá trình cắt giảm khí thải của họ, và cho phép các nhà ngoại giao tập trung vào tương lai. Các công dân quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu phải tiếp tục tổ chức, biểu tình và truyền đạt cho các chính trị gia hiểu rằng muốn được phiếu bầu của họ thì phải đảm bảo không khí sạch và nước sạch cho xã hội.

Thỏa ước Paris thể hiện sự tiến bộ thực sự, nhưng chỉ riêng nó sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu. Ý nghĩa của thỏa ước chủ yếu nằm ở sự thay đổi về kinh tế, kỹ thuật và chính trị đã thúc đẩy nó và làm nền tảng cho hành động trong tương lai. Các nhà đàm phán đã làm cho thỏa ước linh hoạt, đủ để chịu được những thay đổi chính trị và những khác biệt về chính sách đồng thời đánh cuộc rằng phong trào toàn cầu hướng tới năng lượng sạch hơn sẽ tiếp tục tăng tốc. Con đường có thể không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng cuối cùng sự đánh cuộc đó có vẻ như chắc chắn thành công.

Bản gốc tiếng Anh đăng ở Foreign Affairs:
https://www.foreignaffairs.com/articles/2017-05-22/paris-isnt-burning?cid=nlc-twofa-20170601&sp_mid=54192896&

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét