Nguồn: Sean Wilentz, “A Long Way from Comey to Watergate”,
Project Syndicate, 11/05/2017.
Quyết định sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey của Tổng thống Donald J. Trump là vô tiền khoáng hậu, giống như phần lớn những gì mà Trump đã thực hiện trên cương vị Tổng thống. Dù lần này có nhiều điểm tương đồng với cuộc “Thảm sát Đêm Thứ bảy” tai tiếng của Tổng thống Richard M. Nixon diễn ra 44 năm trước trong bối cảnh vụ bê bối Watergate, nhưng hoàn cảnh chính trị của hai vụ việc là hoàn toàn khác nhau.
Vào tháng 10 năm 1973, chờ đến cuối tuần, Nixon đã ra lệnh
sa thải một công tố viên đặc biệt mới được bổ nhiệm có tên Archibald Cox, người
đã gửi một trát tòa yêu cầu Nixon bàn giao các băng ghi âm bí mật thu lại các
cuộc đối thoại tại Nhà Trắng, những tài liệu có tính chất gây tổn hại rõ ràng
và mạnh mẽ tới vị Tổng thống.
Đã có những hành động thẳng thắn chống đối Nixon và để lại hậu
quả tai hại. Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson và Thứ trưởng Tư pháp William
Ruckelshaus thà từ chức để phản đối còn hơn là thực hiện mệnh lệnh của Nixon. Một
vị thẩm phán liên bang ra phán quyết rằng việc sa thải Cox là bất hợp pháp. Lần
đầu tiên trong lịch sử, các cuộc thăm dò công luận đã cho thấy phần đông người
Mỹ ủng hộ việc luận tội Nixon.
Đó chính là khởi đầu cho một cái kết. Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ
đã đưa ra các nghị quyết luận tội. Nixon bị buộc phải bổ nhiệm một công tố viên
đặc biệt mới. Vở kịch này còn kéo dài thêm 10 tháng nữa, cho đến khi Tối cao
Pháp viện Mỹ nhất trí yêu cầu Nixon phải giao nộp các cuốn băng ghi âm. Chỉ vài
ngày sau, Nixon quyết định từ chức thay vì chắc chắn phải đối mặt với việc bị
luận tội và phế truất.
Trái lại, trừ phi một vụ việc bất ngờ nữa lại xảy ra, quyết
định sa thải Comey của Trump có thể chẳng mở màn cho điều gì, hoặc chí ít là điều
nào đó tệ hại cho vị Tổng thống. Giống Nixon, Trump có thể phạm những tội
nghiêm trọng có thể bị luận tội, thậm chí còn nặng hơn những tội mà Nixon đã phạm
phải. Giống Nixon, Trump có thể lo sợ rằng một vài bí mật khủng khiếp sẽ bị
phát giác trừ phi ông sa thải người phụ trách điều tra mình. Tuy nhiên, ngay cả
khi mọi thứ như vậy, Trump lại không giống Nixon ở chỗ ông có thể trốn tránh rất
tốt vụ bê bối xung quanh mình.
Hai sự kiện này khác nhau trên nhiều phương diện, bao gồm
phương diện thời điểm. Vào lúc Nixon sa thải Cox, vụ Watergate đã kéo dài lâu
hơn nhiều so với những lời cáo buộc liên quan đến Trump và Nga, vì thế mà quyết
định sa thải của Nixon trở nên rất nhức nhối.
Mặc dù vậy, những sự khác biệt chính lại nằm ở yếu tố chính
trị. Ở thời của Nixon, Tổng thống phải đối mặt với phe đa số thù địch của Đảng
Dân chủ ở cả hai viện của Quốc hội. Và cũng có cả một vài đảng viên Đảng Cộng
hòa, đặc biệt là ở Thượng viện, đặt mối quan ngại về Hiến pháp nước Mỹ lên trên
những lo lắng cho đảng của mình. Thượng viện đã lập ra một ủy ban đặc biệt do đảng
viên Đảng Dân chủ Sam Ervin và đảng viên Đảng Cộng hòa Howard Baker đứng đầu, với
nhiệm vụ lấy lời khai và thu thập chứng cứ chính thức. Cuối cùng, 40 quan chức
của chính quyền đã bị kết tội, một vài trợ lý cấp cao của Nhà Trắng cũng bị kết
án, còn Nixon thì tuyên bố từ chức.
Tuy nhiên, đa số lưỡng viện Quốc hội của Đảng Cộng hòa hiện
nay dường như đang bỏ công sức đáng kể nhằm làm chậm và thu hẹp bất cứ cuộc điều
tra nghiêm túc nào đối với các bản báo cáo tỉ mỉ cho thấy các nỗ lực của Nga nhằm
giúp Trump thắng cuộc bầu cử năm 2016. Mặc dù đã có cuộc bàn luận, thậm chí từ
một vài đảng viên Đảng Cộng hòa, về việc lập ra một ủy ban đặc biệt hay bổ nhiệm
một công tố viên đặc biệt để điều tra các cáo buộc về người Nga và chiến dịch
tranh cử của ông Trump, mức độ chống đối điều đó vẫn còn rất lớn so với năm
1973.
Căn cứ vào những sự kiện diễn ra tuần trước, các đảng viên Đảng
Cộng hòa rõ ràng đã lựa chọn việc chỉ trích các rò rỉ nội bộ và đương nhiên là
vụ Hillary Clinton sử dụng máy chủ thư điện tử cá nhân thay vì điều tra việc
Nhà Trắng thờ ơ trước các mối liên hệ đáng báo động với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ của Cựu
Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn. Nếu không có sự thay đổi quan điểm đáng
kể nào, các cuộc điều tra của Quốc hội sẽ chỉ giới hạn xung quanh các ủy ban hiện
có của Hạ viện và Thượng viện, các cơ quan mà nhiều khả năng sẽ tiếp tục được đặt
trong tình trạng thiếu nhân sự và động lực để hành động.
Điểm khác nhau tiếp theo chính là yếu tố báo chí. Vào năm
1973, những tin bài dai dẳng của Carl Bernstein và Bob Woodward đăng trên tờ
The Washington Post đã giữ lửa cho vụ bê bối Watergate, sau khi hầu hết các
kênh tin tức đều đã dừng đăng bài về nó. Một khi các bài viết của họ thu hút sự
chú ý, phần còn lại của báo giới đã khai thác vụ bê bối này và duy trì áp lực
lên Nhà Trắng của Nixon. Ngày nay, Trump có thể dựa vào sự ủng hộ nồng nhiệt từ
các hoạt động tuyên truyền mà ở thời của mình, Nixon có nằm mơ cũng không thấy.
Sự ủng hộ ấy đến từ các tờ báo không ngại bút chiến như Fox News hay Breitbart
News, hay vô số các blogger (chưa kể các robot máy tính do Nga kiểm soát), những
nguồn tung ra hàng loạt bài tuyên truyền ủng hộ Trump.
Trong khi tôi viết bài này, một bình luận viên của Fox đang
tiếp bước một người trước đó lặp lại y chang tuyên bố vô lý của Nhà Trắng rằng
Trump sa thải Comey vì những điều tệ hại mà vị Giám đốc FBI này đã làm đối với
bà Hillary Clinton trong suốt thời gian tranh cử. Người ta hầu như sẽ nghĩ rằng
ngôi sao sáng nhất của nhà đài này, Sean Hannity, sẽ bắt nhịp các khẩu hiệu chống
Comey kiểu “Hãy nhốt ông ta lại!” trên truyền hình.[1]
Đối với những người nhớ lại việc Trump cổ vũ Comey vào tháng
10 năm ngoái, theo sau là những lời hô hào của các đám đông đội mũ đỏ đòi tống
giam Hillary “dối trá”, thì điều đó là không tưởng. Tuy nhiên, những người hâm
mộ Fox News lại thường tin tưởng những gì kênh tin này tường thuật. Còn nữa, mặc
dù Nixon có Roger Ailes, cố vấn truyền thông trẻ tuổi, đồng thời là người sáng
lập và kiểm soát Fox News trong tương lai, đứng đằng sau, phải chờ đến hai thập
niên sau đó thì Fox và ê-kíp của hãng mới được thành lập.
Đương nhiên quyết định sa thải Comey của Trump có thể sẽ
thúc đẩy một vài đảng viên Đảng Cộng hòa quyết định rằng mọi thứ đã tới ngưỡng
và noi gương Baker. Những phản ứng ban đầu trong Đảng Cộng hòa trước vụ việc là
không đồng nhất: Mặc dù các Thượng nghị sĩ phe Cộng hòa như Jeff Flake, John
McCain và Ben Sasse đã bộc lộ thái độ thất vọng ở các mức độ khác nhau, nhưng
các Thượng nghị sĩ thường có tư tưởng độc lập như Susan Collins hay Lindsey
Graham lại ủng hộ quyết định của ông Trump.
Trong một môi trường bất ổn, luôn luôn có một khả năng các
thỏa thuận sẽ bị phá vỡ, các nhân chứng sẽ thay đổi, hay sẽ xuất hiện các dữ kiện
mang tính chất buộc tội ngang bằng với những chứng cứ đã quật ngã Nixon. Các diễn
biến quốc tế cũng có thể khiến một vài đảng viên Đảng Cộng hòa thức tỉnh trước
tính chất nghiêm trọng của cuộc tấn công từ phía Nga lên các nền dân chủ phương
Tây – một cuộc tấn công mà sau cuộc bầu cử Pháp đã được xem như là một cuộc chiến
không tuyên bố.
Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, không có lý do gì để coi
quyết định sa thải Comey của Trump là một sự tái diễn cuộc “Thảm sát Đêm Thứ bảy”
của Nixon, hoặc bất kỳ sự kiện nào khác trong lịch sử chính trị Mỹ. Vị Tổng thống
có lẽ đang hành xử như thể mình có bí mật gì thật khủng khiếp muốn giấu, giống
như Nixon đã làm, nhưng trong tình hình hiện tại điều đó không đủ để khiến nó bị
phơi bày.
Thật trớ trêu khi Trump, một người tự nhận mình là kẻ ngoài
cuộc, đã thua phiếu phổ thông nhưng giành được Nhà Trắng nhờ thắng phiếu Cử tri
Đoàn, lại nhận thấy rằng bằng cách nào đó ông ta hiện lại đang ở thế an toàn
hơn so với người đồng đảng Nixon, người đã thắng áp đảo cuộc bầu cử năm 1972 cả
về số phiếu phổ thông lẫn số phiếu Cử tri Đoàn. Đó là một thực tế khó nuốt,
nhưng lịch sử sẽ không lặp lại, dù mọi thứ có thể bi kịch hay khôi hài như thế
nào đi chăng nữa. Trump có thể vẫn yên vị, nhưng nhiều thứ sẽ phải thay đổi.
Sean Wilentz là Giáo sư môn Lịch sử tại trường Đại học
Princeton và là tác giả của cuốn sách gần đây nhất mang tên The Politicians and
the Egalitarians.
Copyright: Project Syndicate 2017 – A Long Way from Comey to
Watergate
————-
[1] Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, phe ủng hộ
Trump cũng hô khẩu hiệu “Hãy nhốt bà ta lại!” (Lock her up!) nhắm vào bà
Clinton (NHĐ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét