Nước cờ của Tổng bí thư Trọng dường như
nhắm đến một cuộc “cách mạng” êm dịu và tránh gây sốc. Hiện thời, Ủy viên bộ
chính trị Nguyễn Văn Bình và Ủy viên trung ương Đinh La Thăng đều có thể tạm bình
yên cho tới lúc xảy ra, nếu xảy ra, những biến đổi lớn tiếp theo.
Ông Đinh La Thăng nhận quyết định giữ chức Phó Ban Kinh tế TƯ. Ảnh: Văn Bình
Một kỷ lục chính giới vừa
được thiết lập: chỉ vỏn vẹn hai tuần lễ sau khi công bố kết luận kiểm tra của Ủy
ban Kiểm tra trung ương về vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia, ông Đinh La Thăng
không chỉ mất chức ủy viên bộ chính trị mà còn phải cấp tốc bàn giao chức Bí thư
thành ủy TP.HCM cho “người Nam Bộ” là Nguyễn Thiện Nhân. Khoảng thời gian từ khi
ông Thăng mất chức cho đến lúc được điều động sang công tác mới còn nhanh hơn cả
thời gian 2-3 tuần lễ thực hiện điều động nhân sự bộ chính trị ngay sau Đại hội
12 vào đầu năm 2016.
Thậm chí có tờ báo khi
đưa tin về công tác mới của ông Đinh La Thăng chỉ ghi “phó ban kinh tế”, mà người
đọc không biết là ban kinh tế nào.
Với chức vụ mới là Phó
trưởng ban Kinh tế trung ương, ông Đinh La Thăng đã chính thức được đảng cho “về”
cùng ông Nguyễn Văn Bình.
Sau Đại hội 12, mặc dù
bất ngờ “nhảy” vào Bộ Chính trị, nhưng ông Nguyễn Văn Bình đã không giữ được chức
Thống đốc Ngân hàng nhà nước đầy quyền lực và màu mỡ, cũng không được ngồi vào
cái ghế phó thủ tướng thường trực hoặc phó thủ tướng, mà phải “nằm” ở Ban kinh
tế trung ương - một cơ quan chuyên mục về tham mưu chính sách kinh tế chứ không
có bất cứ chức năng điều hành cụ thể nào.
Cũng từ sau Đại hội 12,
đã xuất hiện cụm từ “nhốt quyền lực vào lồng” mà tác giả được biết là Nguyễn Phú
Trọng, tiếp nối cho thuật ngữ “kiểm soát quyền lực” được ông Trọng và một cấp
dưới thân cận của ông là Vũ Ngọc Hoàng nhắc đi nhắc lại vào thời gian ngay trước
Đại hội 12.
Ông Nguyễn Văn Bình -
nhân vật bị tai tiếng quá nhiều về những hoạt động điều hành công khai lẫn không
công khai liên quan đến các thị trường tín dụng, hệ thống ngân hàng, thị trường
vàng và thị trường ngoại tệ… có thể đã bị đảng “nhốt vào lồng”.
Ban Kinh tế trung ương trong
thực tế từ lâu đã bị dư luận coi là “ban yếu” trong cơ cấu các ban đảng, thua
xa quyền lực thực tế của Ban Tổ chức trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban
Tuyên giáo trung ương, thậm chí còn không bằng vai phải lứa với Ban Dân vận
trung ương. Đã có thời, nhiều ý kiến đề nghị giải tán Ban Kinh tế trung ương.
Ông Đinh La Thăng, khi
được diều động về làm cấp phó cho ông Nguyễn Văn Bình, cũng có thể được hiểu đã
bị “nhốt quyền lực vào lồng”, cho dù ông Thăng tạm thời vẫn còn nằm trong Ban
chấp hành trung ương.
Nước cờ của Tổng bí thư
Trọng dường như nhắm đến một cuộc “cách mạng” êm dịu và tránh gây sốc. Hiện thời,
Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình và Ủy viên trung ương Đinh La Thăng đều có
thể tạm bình yên cho tới lúc xảy ra, nếu xảy ra, những biến đổi lớn tiếp theo.
Trong tương lai không
xa, nếu chủ trương “nhất thể hóa” của đảng mà Tổng bí thư Trọng có vẻ đang quan
tâm phủ trùm tác động của nó lên các ban đảng, có lẽ Ban Kinh tế trung ương sẽ
là một trong những địa chỉ đầu tiên trở nên “thừa thãi”. Theo đó, cơ quan này
hoặc có thể bị giải tán, hoặc có thể được sáp nhập với một số bộ ngành có chức
năng về điều hành kinh tế bên Chính phủ. Và cũng theo đó, có thể vai trò các ủy
viên bộ chính trị và ủy viên trung ương của ban Kinh tế trung ương sẽ chấm dứt.
Chưa kể đến ý chí lớn
lao về sự nghiệp “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng vẫn còn đó và đang có
chiều hướng dâng cao. Nếu trong tương lai gần, ông Trọng quyết tâm “hồi tố” một
số vụ tham nhũng và dắt dây một số quan chức liên đới trách nhiệm trong quá khứ,
chẳng hạn như ngân hàng, dầu khí, sẽ không có gì chắc chắn về đường công danh
chính trị cho hai ông Nguyễn Văn Bình và Đinh La Thăng.
Mọi việc còn đang tiếp tục chờ đợi kết quả điều tra các vụ đại án ở Ngân hàng Sacomban, BIDV và vụ việc ở PetroVietnam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét