Những ngày tôi còn nhỏ, lúc đó quê hương mới vừa thay đổi
(mà bây giờ tôi hiểu đó là một biến cố lịch sử), bà thường không bao giờ mua cá
biển vào tháng Tư, cả nhà không ăn cá cho đến hết tháng Tư, qua giữa tháng Năm
bà mới cho ăn cá trở lại. Bà không giải thích điều này, nhưng bà nói đó là một
việc tâm linh, sau này lớn lên con sẽ hiểu!
Cũng như lúc còn nhỏ, tôi nhớ đinh ninh cái bến xe khách quốc
doanh cùng những chiếc xe chạy bằng than, khói bốc mù mịt, bám đầy hai lổ mũi,
người ngồi xe sợ nhất là phải ngồi cuối băng ghế trái (phía tài xe, gần lò
than). Bà dắt tôi đi thăm ông cậu, ra đến thành phố, tôi ở nhà ông cậu (em ruột
của bà) chơi với mấy bà dì (con ông cậu). Mỗi lần đi, bà mang đùm đề gạo, chuối
bồ hương, gà cho ông. Và đương nhiên là bà phải xin giấy phép của ủy ban xã để
khỏi bị thuế vụ tịch thu, phạt tiền khi khám xe.
Và cũng trong hàng chục lần thăm ấy, có một lần, sau đó bà
đã không bao giờ đến thăm em trai của mình nữa. Tôi nhớ lần đó ông cậu đưa tôi
và bà ra bến xe bằng chiếc Honda Đam (tịch thu được ‘sau giải phóng’) về nhà. Đến
nơi, như mọi lần, ông đứng chơi, trò chuyện với bà một chút cho đến lúc xe chạy
thì vẫy tay tạm biệt bà cháu tôi. Thời đó xài tiền kên (từng đồng xu bằng nhôm,
loại năm xu, một hào, hai hào, năm hào và một đồng). Thường thì đi xe chừng vài
hào, cao nhất cũng chỉ năm hào. Hai bà cháu đang đứng thì có hai người đàn ông
cụt chân ghé đến ngửa tay xin tiền bà, bà nhìn họ rồi lấy ra hai hào cho hai
người. Ông cậu thấy vậy, quát: “Sao chị lại cho tiền bọn thương binh ngụy này!
Để chúng nó chết đói đi là vừa!”. Bà im lặng, không nói gì, bà chỉ xoa đầu tôi,
nói: “Ông cậu nói chơi đó con, không có chi đâu!”.
Và đó cũng là lần cuối cùng tôi và bà đi thăm ông cậu, sau
này lớn lên, rồi làm ăn, có vợ con, tôi đi ra phố cũng nhiều, nhưng chưa có lần
nào tôi mời hay rủ mà bà chịu đi ra phố. Mãi cho đến khi bà bệnh, đưa bà ra bệnh
viện thành phố, bà cũng chỉ nằm cho đến khi thấy khỏe đôi chút là bằng mọi giá
phải về nhà. Và, buồn nhất của tôi, có lẽ là cái lần bà nằm lâu, thật lâu ở bệnh
viện thành phố, cho đến khi tôi đưa bà về trong im lặng, mặc dù bà chẳng đòi về
như mọi lần, trên đường đưa bà về, mọi ký ức thành phố, ký ức hai người thương
binh chế độ cũ nhìn bà đầy chia sẻ và cảm thông sau khi bà bị người em (vốn là
quan chức to trong chế độ Cộng sản) la mắng chỉ vì bà tặng tiền cho họ. Và,
không hiểu sao lúc đó, trên xe cứu thương chạy chậm, để đèn báo hiệu “người về”,
tôi lại nhớ đến tháng Tư không ăn cá của bà!
Mãi cho đến bây giờ, trong những gì tôi hiểu biết về tháng
Tư, tôi mới thấy điều bà đã nhìn thấy và đã mang theo nơi cỏ xanh, rằng biển
tháng Tư buồn lắm, và những con cá tháng Tư cũng buồn, chúng mang một điều gì
đó thật khó nói. Bởi biển tháng Tư, dù bây giờ, lúc đó hay một ngàn năm nữa, những
tiếng kêu, những nỗi đau nơi đáy sâu đại dương hay những oan khuất lịch sử sẽ
còn đau, mãi đau chẳng thể nguôi. Đau như những ngôi mộ trên bờ biển An Dương,
huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, nơi mà bên này doi đất, cồn cát là phá Tam
Giang, bên kia là trùng dương xa lắc, đây cũng là nơi mà tháng Hai năm 1975, có
hàng triệu người chen chúc nhau lên tàu và có hàng trăm ngàn người thoát ra đại
dương, hàng vài chục ngàn người bỏ mạng giữa đại dương và có hàng ngàn người
không ra kịp trùng dương, phải bỏ mạng trên ngọn sóng, xác của họ xô dạt vào bờ,
người dân thôn An Dương đã tìm họ trên khắp bờ biển để đào hào, chôn qua quýt
khi đêm về.
Mãi đến hơn ba mươi năm sau, ông Nguyễn Công Thiện, một người
giàu lòng nhân ái đã tự bỏ một số tiền không nhỏ, sau đó kêu gọi mọi người
trong làng góp thêm tiền để cải táng khu mộ tập thể cả trăm người, trong đó
toàn sắc phục lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có một xác nữ quân nhân được
chôn riêng, những người nam quân nhân đều chôn chung trong một túi vải bạt lớn.
Những vị này sau đó được cải táng lên đồi cao, được nhang khói mỗi dịp Rằm, đầu
tháng và lễ lạc, Tết nhứt.
Ông Thiện không kể gì với chúng tôi mặc dù ông từng khẳng định
đã chứng kiến cả một chiếc tàu chưa kịp ra khơi thì bị pháo kích và chìm, họ chết
rất nhiều, xác trôi dạt vào bờ, xác trôi theo gió mùa Tây Nam, vào tận Đà Nẵng,
Quảng Nam, đặc biệt Cù Lao Chàm, Hội An cũng có rất nhiều xác mang quân phục…
Chúng tôi nghe nhiều thông tin khác nhau, nhiều nguồn tin nói về cái chết của họ,
có người nói vài trăm người chết, có người nói cả ngàn người chết, có người nói
chừng một trăm người… Nhìn chung, số lượng người chết thì người già kể khác,
trung niên kể khác. Nhưng nguyên nhân chết thì chung, đó là bị pháo kích chìm
tàu, xác trôi khắp nơi.
Tháng Tư về, tự dưng tôi thấy buồn, thấy yêu và đau vì biển,
biển mang nặng máu, thân xác và linh hồn của thế hệ đi trước, của những tâm hồn
yêu tự do hay sợ hãi trận gió mới có gì đó tựa như thù hận và man rợ, của những
linh hồn vĩnh viễn tự do nơi đại dương, tiếng hát tự do của họ hòa cùng lời ca
của đại dương ẩn mật mà thiên thu sầu hận.
Tháng Tư về, tự dưng tôi thấy buồn vì nhớ bà của tôi, bà đã
đi xa, thật xa, tôi không bao giờ có thể gặp bà nữa, và cũng không bao giờ được
nghe bà nói đầy vẻ bí mật rằng “Con nhớ lớn lên, có vợ có con rồi cũng cố gắng
đừng ăn cá vào tháng Tư nghe con, tháng đó tội lắm…”. Và tôi càng không thể hiểu
hơn vì một nỗi buồn khác của bà, đầy mâu thuẫn mà tôi không tiện nêu ra ở đây.
Dường như với bà, không có biên kiến, không có thù hận, không có bên thắng bên
thua, chỉ có những con cá đói, vô tình đã ăn những đồng loại ngang tuổi bà hoặc
đáng tuổi em út, con cháu bà trong một mùa tháng Tư. Và bà không ăn cá vào
tháng này như để nhắc cho riêng mình một điều gì đó thật đau, khó nói!
Tháng Tư về, tôi buồn nhưng cũng có chút nguôi ngoai vì bà
đã đi xa, thật xa trước khi biển chết, trước khi bà phải chứng kiến con cháu của
bà không những ngưng ăn cá vào tháng Tư mà cả năm nay, chẳng có con cá nào
trong cái nồi kho cá của bà để lại.
Tháng Tư về, biển quê hương đã chết, nó chết và mang màu
tang tóc, bởi quá khứ, bởi hiện tại, bởi đâu đó vi vu trong gió chiều, trên đồi
thông, bên bờ biển, tôi đã nghe những khúc hát, tôi nghe tiếng rì rào của lá,
tôi nghe tiếng vi vu của điều gì đó tựa như có người đang thì thầm kể lại mỗi nỗi
buồn, một nỗi oan khuất nào đó giữa trùng dương.
Tháng Tư về, tôi mặc niệm tháng Tư!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét