Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Tập Cận Bình Đới Lộ khó thành công





Cùng một lúc, chính phủ Mỹ và Trung Quốc loan báo hai tin mừng: Hai nước mới ký một Hiệp Ước Thương Mại và Tòa Bạch Ốc sẽ cử một viên chức cao cấp qua Bắc Kinh dự cuộc họp quốc tế về chương trình Một vòng đai, Một con đường (Nhất Đới Nhất Lộ – 带一路). Đây là một cuộc trao đổi giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình, sau khi đã bắt tay nhau ở Florida tháng trước; mục đích là hai bên cùng có lợi. 

Tổng Thống Trump đang cần một “chiến thắng” trong cuộc thương thuyết với Cộng Sản Trung Quốc để phô trương với cử tri của mình. Khi tranh cử ông “đập” Trung Cộng tơi bời về cán cân mậu dịch Mỹ thâm thủng $350 tỷ, mà ông kết tội do nước Tàu chỉ xuất cảng, không nhập cảng hàng Mỹ. Hiệp định mới này khiến Trung Cộng phải mua lại thịt bò của Mỹ, khí đốt của Mỹ, v.v… Ông Wilbur Ross, bộ trưởng Thương Mại đã ca ngợi tốc độ hoàn tất bản Hiệp Ước này, “Đáng lẽ phải thương thảo nhiều năm, bây giờ chỉ mười ngày đã ký xong!”



Để đổi lại, chính phủ Mỹ cũng tặng ông Tập một món quà. Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ được Tập Cận Bình ồn ào cổ võ trong ba năm qua. Cuộc họp “thượng đỉnh” vào Chủ Nhật này đã có những người cầm đầu 28 quốc gia hứa tới dự, nay có thêm ông Matt Pottinger, phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Trump tới quan sát, một tỷ dân Trung Hoa sẽ được nghe báo, đài ca tụng ông Tập thành công vẻ vang!



Nhất Đới là vòng đai đi theo “Đường Tơ Lụa” hơn 2,000 năm trước, từ Trường An, kinh đô nhà Tần, nhà Hán, xuyên qua các nước Trung Á qua tới miền Trung Đông, đưa hàng tơ lụa của Trung Hoa bán sang đến tận Châu Âu. Nhất Lộ là Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, nối Trung Quốc với các nước Nam Châu Á, qua bán đảo Ả Rập, cũng tiến tới bờ biển Châu Âu.



Tập Cận Bình đã tung ra kế hoạch này để tái lập địa vị của Trung Quốc trên thế giới. Mai sau lịch sử có thể ghi công ông không thua mà có thể lớn hơn Hán Vũ Đế, người đã đưa quân đi chinh phục miền Trung Á từ thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, đặt nền móng cho Đường Tơ Lụa sau này. Ảnh hưởng văn minh từ Trung Hoa qua thế giới Hồi Giáo và Châu Âu chỉ ngưng lại sau khi quân nhà Đường bị thủ lãnh (Caliph) Hồi Giáo đánh bại năm 751 trong trận Talas, thuộc vùng biên giới giữa hai nước Kazakhstan và Kyrgyzstan ngày nay.



Ngày nay, Tập Cận Bình còn mở lại “Vòng đai Đường Tơ Lụa,” lại mở thêm con đường trên biển, mà vào đầu thế kỷ 15 Minh Thành Tổ đã bỏ lỡ cơ hội. Khi đó, Đô Đốc Trịnh Hòa đem hàng ngàn thương thuyền chu du mấy lần sang tới xứ Ả Rập và Châu Phi; nhưng đời vua sau đã cấm dân Trung Hoa không được đóng tàu thuyền đi biển! Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ sẽ tạo quan hệ kinh tế với 70 quốc gia, với 40% tổng sản lượng thế giới.



Mục đích đầu tiên của Nhất Đới Nhất Lộ là xuất cảng các nguyên liệu và dịch vụ xây dựng của các công ty Trung Quốc; vì họ sản xuất quá nhiều thép, xi măng, v.v… và dựng lên nhiều cơ sở không được sử dụng. Về lâu dài, Bắc Kinh có thể lợi dụng quan hệ kinh tế để gây ảnh hưởng chính trị.



Cuộc họp thượng đỉnh Nhất Đới Nhất Lộ vào cuối tuần này diễn ra đúng lúc. Châu Âu đang rạn nứt sau khi nước Anh “Bye! Bye!” Chính phủ Mỹ đang muốn thu vào, lo chuyện nội bộ hơn là gây ảnh hưởng quốc tế – ngân sách Bộ Ngoại Giao Mỹ bị cắt giảm gần một phần ba. Trong bốn tháng qua, các nước Phần Lan, Thụy Sĩ, Pháp và Ý ở Châu Âu đã công khai ủng hộ chương trình Nhất Đới Nhất Lộ! Hầu như còn nhiều người muốn dự phần vào khoản tiền $500 tỷ mà ông Tập Cận Bình hứa sẽ chi ra để khởi công Nhất Đới Nhất Lộ! Trung Cộng đã có sẵn $3,000 tỷ dự trữ, họ còn có thể chi thêm nhiều hơn; trong khi chính phủ Trump coi các món viện trợ kinh tế là phí tiền, vô ích!



Nhưng Nhất Đới Nhất Lộ có triển vọng thành công hay không? Có ba trở ngại lớn: Thứ nhất, các nước tham dự không tin chính quyền Trung Cộng. Thứ hai, tiền thôi không đủ, vì chính các nước đó không đủ khả năng thực hiện những dự án mà Bắc Kinh đề nghị; đồng thời họ cũng không chắc muốn sử dụng những kỹ thuật của Trung Cộng. Ngoài ra, những cường quốc kinh tế khác sẽ cạnh tranh gây ảnh hưởng.



Về chướng ngại thứ ba, trên đường bộ Tập Cận Bình sẽ đụng tới quyền lợi của Vladimir Putin, người cũng đang muốn tiếp nối sự nghiệp từ các Sa Hoàng đến Stalin, muốn nước Nga làm chủ vùng Trung Á. Năm 2014, Putin đã lập một khối mậu dịch với các nước Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Trên mặt biển, các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, cho tới Hàn Quốc sẽ chạy đua thuyền với nước Tàu. Nhật đang cố gắng làm sống lại TPP, Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương mà ông Donald Trump đã xé bỏ.



Trong mấy năm qua, giấc mộng bành trướng của Tập Cận Bình vẫn chưa cất cánh được vì các nước khác ngần ngại. Một “món hàng” mà Bắc Kinh muốn “bán” là đường xe lửa cao tốc. Trung Quốc đã làm xong một hành lang dài hạng nhất thế giới trong chưa đầy mười năm; nhưng khi đi mời chào vẫn không thành công. Năm 2014, Mexico đã chấm dứt dự án làm chung đường xe lửa cao tốc với Trung Quốc, ba ngày sau khi báo chí bên Tàu đồng thanh ca ngợi “thành công vĩ đại” của kỹ thuật Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Những dự án được trao cho Trung Quốc ở Serbia và Hungary phải ngưng vì bị điều tra vi phạm luật gọi thầu.



Một chướng ngại trong kế hoạch của Tập Cận Bình là quá chú trọng vào việc mua chuộc các chính quyền sở tại mà không biết đến dân chúng, các đảng phái chính trị đối lập, như xảy ra ở Sri Lanka.Tháng Hai năm nay, Tổng Thống Maithripala Sirisena đã tạm ngừng hai dự án của Trung Cộng gồm hải cảng Hambantota và khu công nghiệp rộng 6,000 mẫu (ha); sau khi bị dân chúng, các công đoàn, và đảng đối lập phản kháng. Đập thủy điện Myitsone tại Myanmar bị ngưng cũng vì dân chúng chống. Tại Malaysia, Trung Cộng hầu như đánh cá tất cả vào ông thủ tướng Najib Razak, mà không biết ông ta còn ngồi đến bao giờ. Trước đây, Trung Cộng đã mất $19 tỷ tiền đầu tư vào xứ Libya, với 50 dự án, khi lãnh tụ Gaddafi bị lật đổ.



Làm cách nào các quốc gia tham dự vào Nhất Đới Nhất Lộ, chia nhau $500 tỷ mà Bắc Kinh đóng góp, cùng với những ngân hàng do ông Tập Cận Bình mới lập ra? Muốn có kết quả, phải nghiên cứu các dự án trong nhiều năm, tham khảo ý kiến của giới chuyên môn địa phương, và cả ảnh hưởng trên môi trường sống. Cộng Sản Trung Quốc có quen làm theo quy tắc đầu tư chung trên thế giới hay không?



Guồng máy cai trị của Trung Cộng vẫn không quen kinh doanh theo tiêu chuẩn hoàn toàn kinh tế, cho nên các dự án mà họ đề nghị hợp tác với các nước khác nhiều khi không thể tồn tại lâu dài vì đến lúc nước sở tại có người thấy không ích lợi – ngoài lợi lộc chính trị cho Trung Cộng.



Cũng guồng máy đó, còn cho thấy những nhược điểm ngay trong nội địa nước Tàu.



Đứng đầu một ủy ban lo cho cả kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ là Phó Thủ Tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli, 张高丽). Ủy ban này theo dõi hoạt động của các tỉnh tham dự vào chương trình chung. Tại các tỉnh, một cuộc chạy đua diễn ra, tỉnh nào cũng giành lấy chỗ nộp các dự án vào Nhất Đới Nhất Lộ, như thể tranh công đầu. Có 27 tỉnh thực hiện các đường xe lửa từ tỉnh mình sang các thành phố Châu Âu, từ Ba Lan, Đức, tới Anh Quốc. Nhưng các công ty lập ra các dự án này đều lỗ, vì chi phí quá lớn trong khi số hành khách sử dụng quá ít! Nhưng tỉnh nào cũng muốn được chia phần tiền trợ cấp của trung ương, nên vẫn lao đầu vào cuộc chạy đua. Lỗ, đã có bên trên chịu! Hơn nữa, một tiêu chuẩn thẩm lượng các quan chức địa phương trước đây là số xí nghiệp thành lập, số nhân công có việc,… bất cứ làm việc gì, có sinh lời hay không. Bây giờ, việc tham gia vào kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ cũng trở thành một tiêu chuẩn để thăng quan tiến chức! Theo thống kê chính thức của Bắc Kinh, 22% các dự án Nhất Đới Nhất Lộ đang thua lỗ.



Vì đó là cách làm kinh tế theo lối quốc doanh, thói quen đã thâm nhập đầu óc các cán bộ, quan chức, chắc phải một thế hệ mới xóa được, nếu thực tâm cải tổ!



Nhìn vào những chướng ngại kể trên, chúng ta thấy kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Tập Cận Bình sẽ còn lâu mới tạo được một vòng đai kinh tế, hỗ trợ cho tham vọng đế quốc của ông hoàng đế đỏ Tập Cận Bình. Bên ngoài thì các nước tham gia có những quyền lợi và mục tiêu khác với Trung Cộng, bên trong thì bộ máy thi hành vẫn quen thói doanh nghiệp nhà nước quan tâm đến chính trị nhiều hơn kinh tế. Năm 1991, Thủ Tướng Nhật Kaizo Obuchi đã đưa ra một kế hoạch giống như Nhất Đới Nhất Lộ của họ Tập; dùng kỹ thuật Nhật Bản xây dựng hạ tầng cơ sở cho các nước Châu Á. Nạn tham nhũng, ở Nhật cũng như ở các nước khác, cuối cùng làm cho cả kế hoạch phải ngưng. Trung Cộng có thể bớt tham nhũng hơn Nhật Bản được không?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét