Dân chúng Sài Gòn đang hoang mang
trước nguy cơ bị đầu độc vì công ty cấp nước của thành phố này (SAWACO) sử dụng
ống dẫn nước bằng gang dẻo do Trung Quốc sản xuất.
Cuối tuần trước, tờ Pháp Luật TP.HCM cho biết, chính quyền
thành phố Sài Gòn đã yêu cầu ba sở (Khoa Học-Công Nghệ, Giao Thông-Vận Tải, Y Tế)
phối hợp để kiểm tra xem hệ thống ống dẫn nước có an toàn cho sức khỏe cộng đồng
hay không.
Yêu cầu này phát xuất từ tố giác của ông Trương Văn Hải hồi
Tháng Sáu năm ngoái. Lúc đó, ông Hải, một người từng làm việc tại SAWACO, nhấn
mạnh, trong kế hoạch phát triển 260 cây số ống dẫn nước cấp 1, 2 và 1,000 cây số
ống dẫn nước cấp 3, SAWACO đã quyết định dùng ống gang dẻo do Trung Quốc sản xuất.
Theo ông, nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng từ lựa chọn này rất
lớn vì Trung Quốc sử dụng phế phẩm của quân đội Trung Quốc (vật liệu phân hủy
sinh học, vũ khí, bom mìn hết hạn sử dụng) để đúc ống gang dẻo.
Ông còn dẫn một cảnh báo của ông Đoàn Đình Phương, viện phó
Viện Khoa Học Vật Liệu, để nhắc nhở, lòng ống gang dẻo thường được phủ bằng một
lớp vữa xi măng hoặc một lớp epoxy từ 5 mm đến 9 mm (tùy kích thước ống). Nếu
nguyên liệu và kỹ thuật phủ không đạt các yêu cầu vốn hết sức nghiêm ngặt, nước
sẽ bị nhiễm độc và người dùng nước lãnh đủ.
Cảnh báo của ông Phương được đưa ra hồi Tháng Tư, 2016, sau
khi công ty cấp nước của tập đoàn Vinaconex là Viwasupco loan báo đã chọn ống
gang dẻo do Xinsing – một công ty của quân đội Trung Quốc – làm nhà cung cấp ống
dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội. Sau cảnh báo này, chính quyền thành phố Hà Nội
đã đề nghị chính phủ Việt Nam chỉ đạo Vinaconex dừng hợp đồng với Xinsing để
nghiên cứu lại. Tháng Mười Một, 2016, Vinaconex loan báo đã hủy hợp đồng đặt
mua ống dẫn nước của Xinsing.
Trả lời tờ Tuổi Trẻ về việc sử dụng ống gang dẻo do Trung Quốc
sản xuất, ông Hồ Văn Lâm, tổng giám đốc SAWACO, cho biết từ năm 2000 đến nay,
SAWACO đã mua 470,000 mét ống gang dẻo để cải tạo và phát triển hệ thống ống dẫn
nước ở Sài Gòn. Trong số này có 53% ống dẫn nước do một số công ty của Trung Quốc
như Xinsing, Sun… sản xuất.
Ông giải thích, việc mua sắm vật tư cho lĩnh vực cấp nước phải
tổ chức đấu thầu và vì giá sản phẩm của Trung Quốc thường rẻ hơn giá của các
nhà thầu khác từ 10% đến 30% nên các công ty Trung Quốc thường thắng thầu.
Ông cũng trấn an là khi nhận sản phẩm, SAWCO đã thuê Trung
Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn-Đo Lường-Chất Lượng 3 kiểm định lại phẩm chất trước khi
lắp đặt nên các ống đã dùng đều “bảo đảm về chất lượng theo quy định.”
Một đại diện của Trung Tâm Y Tế Dự Phòng ở Sài Gòn, nơi đảm
nhận trách nhiệm giám sát nguồn nước, nói với tờ Tuổi Trẻ rằng, thỉnh thoảng,
lượng clor và độ đục trong nước sinh hoạt cấp cho dân chúng Sài Gòn có thay đổi
nhưng chưa bao giờ tìm thấy kim loại nặng trong nước.
Cần lưu ý là thời gian sử dụng của các ống gang dẻo trong cấp
nước khoảng 100 năm.
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, ngoài SAWCO, Saigon Water – một công
ty đang cấp nước cho dân chúng khu vực Củ Chi – cũng đang sử dụng ống gang dẻo
do Xinsing sản xuất. Saigon Water khẳng định, nước dẫn qua hệ thống ống do
Trung Quốc sản xuất “đạt chất lượng theo quy định.”
Ông Nguyễn Lý Trọng, một kỹ sư, thành viên của Hội Khoa Học-Kỹ
Thuật Xây Dựng Sài Gòn, nhận định trong thực tế, ống cấp nước, ống dẫn nước của
Trung Quốc giảm phẩm chất sau khi sử dụng một thời gian, dẫn đến các “sự cố”
nên làm nhiều người nghi ngại, thành ra nên sử dụng một đơn vị độc lập, kiểm
tra lại phẩm chất.
Câu chuyện về ống dẫn nước của Trung Quốc và sức khỏe cộng đồng
ở Việt Nam chắc chắn sẽ còn rất dài. Người ta tin rằng, không chỉ Hà Nôi, Sài
Gòn mà công ty cấp nước của các tỉnh, thành phố khác cũng dùng ống cấp nước do
Trung Quốc sản xuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét