Tác giả Lê Phan
Trước khi bước vào nghiệp báo chí, tôi học chính trị học. Thời
tôi đi học chính trị học, vào những năm của thập niên 1960, khi đe dọa của các
chế độ độc tài toàn trị, từ Ðức Quốc xã của Hitler đến các chế độ Cộng Sản của
Stalin và Mao, đang là một mối lo thật sự.
Lúc đó tôi có một giáo sư rất thú vị. Ông tốt nghiệp trường
luật ở Viện Ðại Học Charles ở nơi lúc đó còn là Tiệp Khắc dưới chế độ Cộng Sản.
Khi ra trường ông vào làm việc cho văn phòng công tố. Bất mãn trước những việc
phải làm, ông đã bỏ trốn khỏi nước chạy sang Pháp.
Ở Pháp ông vào học ở trường
Sorbonne của Viện Ðại Học Paris, cũng học luật nhưng lần này là luật pháp dân
chủ kiểu Pháp. Rồi ông rời Pháp đi sang Hoa Kỳ và vào học chính trị học ở Viện
Ðại Học Colombia. Tôi học ông môn Chế Ðộ Toàn Trị và Dân Chủ (Totalitarianism
and Democracy). Chính ông thường bảo ông thuộc loại người Âu Châu không nói tiếng
nào đúng giọng cả vì cuộc sống lang thang qua quá nhiều quốc gia. Mà quả thật,
ông nói tiếng Anh giọng Ðức, và thường bảo với chúng tôi là ông nói tiếng Ðức
giọng Áo và tiếng Áo giọng Ðức. Ông cũng có lối diễn tả chính trị rất lửng tửng.
Khi tả lại lối bỏ phiếu ở một Quốc Hội Cộng Sản, ông bảo, “Họ đâu có bỏ phiếu.
Họ tập thể dục. Một hai ba, giơ tay lên. Một hai ba, bỏ tay xuống.” Lũ học trò
chỉ còn biết ôm bụng cười.
Sở dĩ tôi dài dòng về giáo sư của tôi vì tôi nhớ ông trong
giai đoạn chính trị hiện tại ở Hoa Kỳ. Ông là một người đặt trọn niềm tin vào nền
dân chủ Hoa Kỳ. Vốn mới thoát ra khỏi Âu Châu, một Âu Châu đã chứng kiến nền
dân chủ Weimar của Ðức tự tử khi bầu lên Hitler làm thủ tướng, ông thán phục điều
mà ông gọi là thiên tài cũng như tinh thần thực tế của các vị cha già dân tộc
Hoa Kỳ.
Có một lần ông bàn về một cơ chế mà ông coi rất là quan trọng
của nền dân chủ Hoa Kỳ, đó là quyền của Quốc Hội đàn hạch và cách chức tổng thống.
Thời thập niên 1960 chưa có Watergate cũng như chưa có Lewinsky, nên chuyện
impeachment là một chuyện lý thuyết.
Ông chỉ ra điều mà ông bảo tối quan trọng là mục tiêu của
impeachment không phải là trừng phạt mà là ngăn ngừa. Mục tiêu của impeachment
không phải là để trả thù. Nó là để bảo vệ công chúng cho những hành động bất cẩn
hay vi phạm trong tương lai. Hiến Pháp Hoa Kỳ, ông chỉ ra, áp dụng việc đàn hạch
tổng thống cho “phản quốc, hối lộ và những hành vi trọng tội khác và những
khinh tội.” (nguyên văn ‘high Crimes and Misdemeanors’) Khinh tội đây là chữ
tôi dùng để dịch chữ “misdemeanours” trong Hiến Pháp. “Khinh tội” ở đây không
phải là muốn nói đến những tội vặt như trộm cắp, gây rối trật tự, bởi nếu nó có
nghĩa như vậy, đàn hạch sẽ có thể dùng cho những việc quá nhỏ mọn, rõ ràng
không phải ý định của các vị thảo ra Hiến Pháp.
Như Giáo Sư Greg Weiner, một giáo sư chính trị học ở
Assumption College, cũng đã giải thích, tội danh này phải hiểu theo thời đại của
nó, khi các cha già dân tộc viết ra Hiến Pháp. Khi George Mason viết lên những
tội có thể bị đàn hạch, ông muốn rằng một tổng thống có thể bị đàn hạch không
những chỉ cho những trọng tội như phản quốc hay tham nhũng, nhưng còn vì những
điều mà ông gọi là “maladministration,” xin tạm dịch là “cai trị dở.” Ông James
Madison, vốn cùng là tác giả của Hiến Pháp, đã không đồng ý vì chữ này quá mơ hồ,
thành ra ông Mason mới thay thế bằng “trọng tội và khinh tội.” Và muốn hiểu rõ
nghĩa của cụm từ đó thì chúng ta phải trở lại nhà luật gia lừng danh của Anh Quốc
William Blackstone, vốn là một nhân vật được các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ sùng
kính. Theo Blackstone, “khinh tội” còn có nghĩa là “cai trị xấu của những kẻ giữ
chức vị cao.”
Hiểu như vậy, theo Giáo Sư Weiner, vấn đề để quyết định xem
liệu ông Trump có bị đàn hạch hay không ít liên hệ đến chuyện đã xảy ra ở văn
phòng bầu dục giữa ông và ông Comey hơn là những diễn biến đó nói gì về chuyện
sẽ xảy ra ở những văn phòng tương tự trong tương lai.
Mục đích của Mason là muốn ấn định một “tội chính trị,” một
điều mà Alexander Hamilton đã công nhận trong những trang của Federalist
Papers, vốn nói là đàn hạch áp dụng cho những tội “có bản chất mà có thể với một
cá tính có thể gọi là chính trị, nhưng chúng chính ra chỉ những thiệt hại tạo
nên cho chính xã hội.”
Khi các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ định nghĩa nạn nhân là
“chính xã hội” thì nó cũng định nghĩa tội ác. Ông Hamilton viết, “Ông Madison
nghĩ là không thể nào không có một điều khoản được đặt ra để bảo vệ cộng đồng
chống lại bất lực, lơ đãng hay bội tín của vị tổng thống.”
Bản chất chính trị của quyền đàn hạch tuy vậy không có nghĩa
nó chỉ là một sự tranh quyền. Nó lại càng không thể là lập lại những tranh cãi
bầu cử. Thay vì vậy, mục đích của nó là để “bảo vệ cộng đồng” thay vì trừng phạt
một cá nhân.
Quyền đàn hạch trên căn bản nhằm ngăn ngừa phạm pháp chứ
không phải để trừng phạt, tất nhiên chỉ được sử dụng khi có một vụ phạm pháp.
Hành động phạm pháp đó chỉ là một dấu hiệu cho thấy trong tương lai người khác
cũng có thể phạm tội đó. Ðàn hạch không có mục đích làm nhục một tổng thống hay
cách chức ông ta. Nó nhắm bảo vệ xã hội, không cho các vị tổng thống tương lai
phạm tội hay lơ là trong nhiệm vụ.
Và giáo sư của tôi cũng như Giáo Sư Weiner giải thích, theo
ý nghĩa này, không cần thiết là liệu Tổng Thống Trump có rõ ràng có ý định cản
trở pháp lý khi ông được nói là tìm cách thúc đẩy ông Comey. Ðiều mà Quốc Hội
phải quyết định là mức độ tin tưởng liệu ông Trump có thể tin được không vi
pham quyền lực một cách tương tự nếu ông tiếp tục cầm quyền. Về mặt khác, không
có nghi ngờ gì là ông không phạm tội khi ông tiết lộ bí mật quốc gia cho đại sứ
Nga. Nhưng việc đó cũng không phải là câu hỏi mà một vụ đàn hạch đặt ra. Vấn đề
là liệu cộng đồng của ông Madison và xã hội của ông Hamilton có cần được bảo vệ
chống lại những hành vi như vậy trong tương lai hay không.
Và dĩ nhiên tổng thống có thể thay đổi. Xin đan cử trường hợp
của Tổng Thống Ronald Reagan và vụ Iran-contra. Vụ scandal này đã suýt làm tiêu
tan sự nghiệp của Tổng Thống Reagan, và có thể dẫn đến ông bị đàn hạch. Nhưng
sau khi tiết lộ là nhân viên an ninh quốc gia của tổng thống đã đổi vũ khí để lấy
con tin bị giam giữ bởi Iran và chuyển tiền cho các tay du kích contras ở
Nicaragua, Tổng Thống Reagan đã dọn dẹp nhà cửa và đồng ý cải tổ sự kiểm soát
các chiến dịch mật. Sau đó không những ông không bị đàn hạch mà trở thành một
trong những tổng thống đáng kính nể nhất của Hoa Kỳ.
Ðiều đáng nói ở đây, trở lại với vị giáo sư người Mỹ gốc Tiệp
của tôi, là các vị cha già dân tộc Hoa Kỳ đã nghĩ rất sâu và rất chín chắn về mọi
sự có thể gây hại cho nền Cộng Hòa và cho các công dân của nền Cộng Hòa đó.
Cũng xin thêm, thập niên 1960 vừa qua khỏi cơn ác mộng của
Thượng Nghị Sĩ Joe McCarthy và chiến dịch truy nã Cộng Sản vốn trở thành một cuộc
săn đuổi không phải những người Cộng Sản mà là chụp mũ cho tất cả những người Mỹ
nào không đồng ý với ông là Cộng Sản. Nhưng giáo sư của tôi đã chỉ ra là ngay cả
đến ông McCarthy sau cùng cũng đã bị Thượng Viện lên án (censure) và mất quyền.
Nói cho cùng, điều mà tôi tự nhiên được nhắc nhở là sở dĩ nền
Cộng Hòa Hoa Kỳ có thể tồn tại đến ngày nay là vì những cha già dân tộc đã tạo
cho nó những cơ chế để bảo vệ. Chính vì vậy mà chúng ta mới có việc chỉ định một
công tố viên đặc biệt để điều tra về vụ Nga và ban vận động của Tổng Thống
Trump.
Ông thầy của tôi có lần bảo, “Cứ thử nghĩ như các vị cha già
dân tộc Hoa Kỳ. Khi họ viết ra Hiến Pháp, thế giới chỉ có một hình thức cai trị
tức là một ông hay bà vua. Họ đã dựng nên một nhà vua được dân bầu lên. Nhưng
cũng vì biết là nhà vua có thể lạm quyền, họ đặt ra những định chế để chế ngự,
canh phòng lẫn nhau, cho không ai có thể lạm quyền được.”
Ông giáo sư của tôi chỉ có một điều lo ngại, nhưng không phải
lo ngại cho nền Cộng Hòa Hoa Kỳ mà là cho thế giới. Ông bảo khi viết ra Hiến
Pháp, Hoa Kỳ lúc đó chưa phải là một cường quốc, nên các vị cha già dân tộc đã
để toàn quyền ngoại giao cho tổng thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét