Justin E.H. Smith
Lời người dịch:
Cuối thập niên
1980, Chiến tranh Lạnh kết thúc, lớp lớp bàn chân con người đang phơi phới đi
vào cuộc toàn cầu hoá khởi đầu một thiên niên kỷ mới bỗng chững lại với biến cố
9.11.2001 tại Mỹ. Liền đó, cuộc đụng độ giữa các nền văn minh thổi bùng lửa chiến
tranh. Rồi cơn hưng phấn vào cái gọi là Mùa xuân Ả Rập 2011 chợt lụi tàn. Và tới
cuối 2016, Brexit tại Anh cùng kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ nổ ra như hai trận đại
địa chấn, làm rúng động không chỉ Châu Âu và Hoa Kỳ mà còn khắp thế giới, dội tới
Việt Nam. Khắp nơi không bao trùm khói lửa bom đạn thì ngùn ngụt hận thù hoặc
chán chường, oán ghét; lợi ích giữa các tập đoàn đa quốc gia câu kết với với tầng
lớp ưu tú thân tộc bản địa ngày càng mâu thuẫn kịch liệt với dân chúng, khiến vực
sâu giàu nghèo thêm mênh mông; cả vạn thây người tị nạn trôi dập dềnh, v.v. Cái
gì quả thật đang xảy ra vậy? Tại sao lại như thế? Nó sẽ tác động ra sao và rốt
cuộc, đưa loài người tới đâu? Trong khi giới truyền thông vất vả phản ánh hiện
thực, quần chúng ngơ ngác nhìn nhau thì giới hàn lâm vắt óc đáp án.
Bài dưới đây được
dịch từ bản văn Blood and Soil: The rise of vindictive nationalism (Máu và Đất:
Sự trỗi lên của chủ nghĩa dân tộc oán hận) của Justin E.H. Smith, đăng trong
Harper’s Magazine, số February 2017, tt. 84-87. Tác giả, theo lối xuôi dòng
nghĩ tưởng, điểm cuốn sách Age of Anger: A History of the Present (Thời đại thịnh
nộ: Một lịch sử thời hiện tại) của Pankaj Mishra, Nxb Farrar, Straus and
Giroux, 2017, 416 trang.
Pankaj Mishra sinh
năm 1969 tại Uttar Pradesh, Ấn Độ, tốt nghiệp Thạc sĩ Văn chương Anh của Đại học
Jawaharlal Nehru ở New Delhi. Ông là nhà văn viết tiểu thuyết và tiểu luận lịch
sử cho nhiều tạp chí uy tín ở Mỹ, Anh và Ấn Độ. Với 9 cuốn sách đã xuất bản,
năm 2014, ông nhận hai giải thưởng lớn là Leipzig Book Prize for European
Understanding với cuốn From the Ruins of Empire, và sau đó, giải Windham
Campbell Literature Prize về thể loại phi hư cấu, do Đại học Yale thiết lập.
(en.wikipedia.org). Cuốn sách được điểm này là tác phẩm mới nhất của ông, trong
đó, ông nỗ lực lý thuyết hóa những biến cố chính trị và văn hóa chấn động trong
khoảng hai chục năm qua.
Người điểm sách,
Justin E.H. Smith, sinh năm 1972 tại Nevada, Mỹ, Tiến sĩ Triết Đại học Columbia
(Mỹ) năm 2000. Trước đó, năm 1997-98, ông làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học
Münster (Đức); hiện là giáo sư lịch sử và triết học khoa học tại Đại học Paris
7 – Denis Diderot. Cộng tác với các tạp chí nổi tiếng ở Mỹ và làm chủ bút bao
quát Cabinet Magazine. Ông là tác giả nhiều sách nghiên cứu; mới nhất là cuốn
The Philosopher: A History in Six Types (Princeton, 288 trang), đoạt giải 2017
PROSE Award in Philosophy, Association of American Publishers.
(en.wikipedia.org).
Có thể nói, đây là
tiếng nói của hai học giả thuộc hai thế hệ, ở hai phương trời Á và Âu. Những nhận
định có hệ thống của Justin E.H. Smith cùng các trích văn đâu đó của P. Mishra
cho thấy nguồn gốc xa và nguyên nhân gần của chủ nghĩa dân tộc oán hận ở Tây
phương và thấp thoáng ở Đông phương, qua hình ảnh Ấn Độ. Quá trình lịch sử đi
suốt từ phong trào Khai phóng trong thời hiện đại qua thời buổi hậu hiện đại, với
những sức mạnh và tác động có nội hàm trọng đại hơn, luồn sâu hơn vào tâm thức
cùng phủ bóng lớn lao lên các diễn viên chính trị thời đại, cho dẫu họ là
nguyên thủ quốc gia. Hậu quả khôn lường của nó không chỉ là hỗn loạn chính trường,
mà còn hoang loạn đời sống mỗi người trên hí trường mỗi dân tộc và giữa các dân
tộc ….
– Nguyễn Ước
Tôi đang viết từ nước Đức, thành lũy lớn lao sau cùng của thể
chế dân chủ tự do. Tháng Sáu năm ngoái, nước Anh đột ngột rơi vào cuộc Brexit
[ra khỏi Liên hiệp Châu Âu – ND]; tới tháng Mười một, nước Mỹ đột ngột sa xuống
với sự đắc cử của Donald Trump [1946 – ]. Chừng nào loài người còn tồn tại, chừng
đó chúng ta còn thảo luận sôi nổi với nhau đủ thứ về đề tài “Tây phương là gì,”
nhưng sự sụp đổ của nó vào ngày Thứ Ba 8.11.2016, đối với tôi đã an bài. Có lẽ
Angela Merkel [1954 – ], thủ tướng Đức, là trái tim còn đập yếu ớt trong một
thân thể liệt não, nhưng đang có lời tiên đoán rằng, chẳng bao lâu nữa, phít cắm
sẽ bị rút.
Thật thú vị việc chúng ta có thể truy tầm nguyên cơ của thể
chế chính trị toàn cầu hiện nay từ những bản sắc cá nhân được rèn luyện ở Đông
Bá Linh và Dresden trong thập niên 1980. Merkel trải qua thời trẻ của bà trong
các nhóm thanh niên Tin Lành, nhưng tới năm 1989, bà xuất hiện như một mật mã hậu
ý thức hệ (post-ideological cipher), một chính trị gia với tài quản trị đầy ấn
tượng, nhưng thiếu lập trường rõ rệt. Trái lại, Vladimir Putin [1952 – ], từng
làm phái viên KGB tại một thành phố loại nhì của Cộng hoà Dân chủ Đức khi Bức
tường Bá Linh sụp đổ. Trung thành với đế chế mình phục vụ, Putin về sau mô tả sự
sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20, và từ đó, ông hiến
cuộc sống mình nhằm tái dựng nó, chầm chậm và kiên định.
Putin, kẻ được Trump nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ, cũng là
một mật mã. Con người này có khả năng ve vãn Chính thống giáo Nga và chủ nghĩa
liên-Slave, tuy thế người ta có thể dạm được chiều sâu của ông một cách rất
chính xác bằng cách quan sát lần ông ca bài hát “Blueberry Hill” trong cuộc dạ
hội từ thiện năm 2010, với cách trình diễn nhàm chán đến hãi hùng. Trong tiếng
nhạc gò ép nhạt nhẽo, nó khiến cho bạn mường tượng một đêm hát karaoke của các
điệp viên nhiệm sở không bao giờ uống rượu. Bản thân Trump không là kẻ bám chặt
hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa; ông là một “trùm” bất động sản có phẩm cách rất
thấp ở New York, kẻ bị những xuyên tạc của truyền thông đại chúng ấn vào vai
trò mà ông cực kỳ không xứng hợp. Điều này không ngăn nổi những thành phần dân
tộc chủ nghĩa chất phác như Steve Bannon [1953- ], nhà điều hành truyền thông cực
hữu hiện là chiến lược gia trưởng của Trump, lợi dụng thời cơ thao túng quyền lực.
putin trump merkel
Nate Kitch minh họa
Putin, Merkel và Trump là những chiếc bình rỗng cho sức mạnh
của lịch sử tuôn vào. Trong ba nhà lãnh đạo ấy, không người nào chọn lựa thế lực
mà họ đang thể hiện; ngay cả Trump cũng không hiểu rõ những dòng chảy mà ông
đang vận hành thành luồng. Có vẻ như ông vẫn tin rằng mình đơn giản là đang
giao dịch cho nước Mỹ. Sự hiểu biết ít ỏi của Trump về địa chính trị khiến ông
không thể nắm bắt được cái mà ông quả thật đang làm, đó là đầu hàng trước chủ
nghĩa Âu-á (Eurasianism) – một cấu trúc toàn cầu trong đó nước Nga, bá quyền
duy nhất còn lại trên hành tinh, khoan thứ sự hiện hữu của Mỹ như một thuộc quốc
dân tộc chủ nghĩa da trắng. Thật đáng kinh ngạc khi thấy tầm mức lịch sử thế giới
mà các nhân vật đó sở đắc, tuy sự vinh quang không tưởng của họ cũng là biểu hiện
của thời đại.
oOo
Tôi sống ở Berlin từ thập niên 1990 – đủ để nhớ lại thời
gian những cuộc hòa tấu nhạc rock tại phần phía đông thành phố được tổ chức dưới
tầng hầm các giáo đường, khi địa điểm của đức tin cũng là địa điểm kháng cự,
nơi thanh niên nam nữ tụ tập ngoài tầm mắt của nhà nước để tha hồ nhún nhảy chống
Cộng sản. Chúng tôi có khuynh hướng xem nhún nhảy là một hành động chống lại sự
phục tùng nhà cầm quyền, nhưng trong Age of Anger, cuốn sách mới mẻ, chính xác
và sắc sảo của Pankaj Mishra, đưa ra cái nhìn phức tạp hơn. Tuy những người
nhún nhảy ấy không cúi đầu trước ban nhạc ở ngay trước mặt mình nhưng động thái
của họ hoàn toàn không khác với những thể thức trong buổi phụng vụ ở nhà thờ
hay trong các cuộc tụ họp tập thể. Theo
Mishra, việc am hiểu hiện tượng này chuyển dạng như thế nào thành hiện tượng
kia – cách cá nhân chuyển động từ sự diễn đạt sôi động công khai bản chất cá
nhân của mình tới sự vượt qua bản ngã trong một tập thể siêu nạp – là yếu tố để
giải thích sự vừa mới trỗi lên của chủ nghĩa dân tộc oán hận trên khắp thế giới.
Chúng ta đã biết rằng nhiều người trẻ vui thích nhảy múa dưới
ảnh hưởng của ma túy và âm nhạc trong trạng thái phiêu diêu lâng lâng, sẽ sớm
sa vào ảnh hưởng của các thủ lĩnh giáo phái rối loạn tâm thần. Chúng ta giờ đây
cũng biết rằng những trại chủ tại mạn Tây mênh mông của nước Mỹ, những kẻ tự nhận
dạng mình là người theo chủ nghĩa tự do, đã bỏ phiếu cho một kẻ độc đoán lên nắm
chính quyền. Cuốn Age of Anger được viết xong sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit
và trước cuộc chiến thắng của Trump, nhắc cho chúng ta nhớ rằng chuyển động biện
chứng giữa hai thái cực – giữa khát vọng được là chính mình và khát vọng được
thuộc về cái gì đó lớn lao hơn bản thân mình – là đặc điểm của đời sống chính
trị Tây phương kể từ thời Khai sáng. Mishra nhìn thí dụ điển hình cho động lực ấy
tại Đức vào cuối thế kỷ 18, nơi cuộc nổi loại do triết gia Johann Gottfried
Herder [1744–1803] dẫn đầu, và Goethe [1749–1832] cùng Schiller [1759–1805] đại
chúng hóa, chống cái bị nhận thức là “chủ nghĩa trí thức hẹp hòi” của phong
trào Khai sáng ở Pháp “chuyển thành phong trào có tên là Sturm und Drang, căng
thẳng và thúc bách, tiền thân cốt tủy của cuộc Cách mạng Lãng mạn, cái đã làm
chuyển biến thế giới bằng tính chất chủ quan năng động của nó. Ủng hộ viên của
nó là các sinh viên với lối ăn mặc xộc xệch, tóc dài, đam mê tính dục và ma
túy. Họ là nguyên mẫu của các nhân vật theo phong trào phản văn hóa trong thời
đại chúng ta. Những thanh niên nam nữ đó tôn vinh cảm tính như một cách chống lại
sự độc đoán của lý trí và đề cao sự tự nhiên trong cách diễn tả trước chủ thuyết
tao nhã của Pháp, cùng lòng kiên quyết khai phá và bảo trì tinh chất đặc thù Đức
quốc.”
Như Herder kêu gọi trong bài thơ Gửi người Đức của ông:
Hãy nôn chất nhờn gớm ghiếc của sông Seine ra
Hãy nói tiếng Đức
Người Đức ơi!
Ở thời điểm đó, lời khẩn khoản ấy không là lời tuyên bố về
tính ưu việt của người Đức; Herder chỉ đơn thuần nhấn mạnh phẩm giá, sự bình đẳng
thật sự của một quốc gia không chấp nhận thuật ngữ bình đẳng (égalité) được coi
là phổ quát nhưng được nhập cảng từ Pháp.
Chào đời tại Ấn Độ vào cuối thập niên 1960, Mishra nói rằng
ông cảm thấy gần gũi với các nhà văn và nhà tư tưởng Đức từ điều “tôi được giáo dưỡng trong một xứ sở giống
nước Đức một thời … là quốc gia đến sau
chủ nghĩa hiện đại, với những người dân tộc chủ nghĩa hằng bị cáo giác là yếu
đuối và nhận thức chậm chạp, giờ đây [Ấn Độ] đang phấn đấu để thành một Tân Ấn
Độ kiêu hãnh. Đối với tôi, không thể xem là trùng hợp ngẫu nhiên việc một số
nhân chứng sắc bén nhất của kỷ nguyên hiện đại là người Đức, những kẻ được thúc
đẩy bởi những nỗ lực bức bối của xứ sở họ để theo kịp Pháp và Anh, đã cống hiến
cho tư tưởng hiện đại những thành ngữ và chủ đề nổi bật.”
Trong kỷ nguyên với những phân biệt chủng tộc hóa phi lịch sử
của chúng ta ngày nay, thật lạ lùng biết bao khi nghĩ rằng Đức, hiện là khuôn mẫu
về văn hóa da trắng, từng có thời bị xem là thuộc tùy và ngoại biên, kẻ đến sau
chủ nghĩa hiện đại.
Nhưng chắc chắn không thể nhận định như thế về Mỹ đương đại.
Theo Mishra, “Trump dẫn đầu sự bột phát của người dân tộc chủ nghĩa da trắng thịnh
nộ vì bị lừa bịp bởi những người theo chủ nghĩa tự do toàn cầu hóa,” những kẻ mà họ cảm thấy rằng về
cơ bản, tôn vinh những lợi ích riêng của thành viên giai cấp ưu tú (elite
class). Phải chăng điều ấy cho thấy rằng những vận động chính trị chống ưu tú,
thí dụ phong trào dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ tại quê hương của Mishra, không bị hạn
chế bởi cái gọi là tính chất ngoại biên toàn cầu? Hoặc thay vì thế, nó cho thấy
rằng nước Mỹ ít quy về trung tâm hơn chúng ta nghĩ? Người ta có thể biện luận rằng
Mỹ, theo đà tiến triển của nó, là kẻ tới sau, một chỗ nước đọng. Tuy thuộc phần
Bắc Đại Tây Dương nhưng Mỹ cũng gồm cả một lục địa trải rộng tới Thái Bình
Dương; nó đã phải xâm chiến mới có, tẩy rửa chủng tộc, tái định cư người nghèo
khó và tạo dựng lên trên lưng người nô lệ. Thật không ngạc nhiên việc những hậu
duệ của cuộc bạo động lịch sử không kể xiết ấy lúc này có vẻ bị choáng váng
trong nỗ lực diễn đạt những tối hậu của họ về mặt chính trị. Còn nước Anh thì
sao? Nếu có một quốc gia không nằm ở ngoại biên thì chắc chắn đó là nước Anh
- sự bành trướng đế quốc của nó xác định
sự phân biệt rất rõ giữa tâm điểm và đường biên – điều từng được chấp nhận
trong nhiều thế kỷ. Nhưng chính dân Anh đã bỏ phiếu để ra khỏi Liên hiệp Châu
Âu, và dường như đang bắt đầu cuộc tháo gỡ vĩ đại ấy.
Theo Mishra, cuộc trưng cầu dân ý Brexit và sự trỗi lên của
Trump thuộc phần “khủng hoảng về tính chính thống” (crisis of legitimacy) bao
quát mà thể chế dân chủ tự do đang đối mặt. Ông biện luận rằng tình trạng sa
sút của các nghiệp đoàn lao động cùng những bảo hộ của chính phủ đã biến công
nhân trong thế giới phát triển thành “giai cấp bấp bênh” (precariat) bị vong
thân, và biến nền văn hóa dân tộc của Mỹ và của Châu Âu thành những thế lực nổi
loạn, trỗi dậy và tác động sự tàn phá. Trong ressentiment (oán hận) của mình –
một từ ngữ [Pháp] được Nietzsche [1844–1900] dùng để định nghĩa “một cảnh giới
bấp bênh toàn bộ, mang tính trả hận âm ỉ, bất tận và vô độ trong những bùng nổ
của nó” – các cử tri Mỹ đã bầu một kẻ có phong cách phản chính trị gia, công
khai bày tỏ lòng khinh miệt các định chế cùng truyền thống chính trị Mỹ. Tháng
Mười hai [năm 2016] ông ta làm một cuộc du hành chiến thắng quanh nước Mỹ. Người
ủng hộ ông – những cá nhân xơ xác te tưa giờ đây sẵn sàng cúi đầu trước Trump
như một Thiên Vương (God Emperor) – cảm thấy rằng mình cũng là người chiến thắng.
Chiến thắng, khải hoàn và sự đánh bại đối phương là tất cả những gì còn lại.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét