Tân Bí thư thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Đúng như các thông tin rò rỉ, ông Nguyễn Thiện Nhân hôm 10/5
chính thức được Bộ Chính trị cử thay thế ông Đinh La Thăng, đảm nhiệm vị trí bí
thư thành ủy Sài Gòn, trong sự kỳ vọng của nhiều người.
Nhận định về vị trí mới của ông Nhân, kinh tế gia Lê Đăng
Doanh nói rằng quan chức từng được đào tạo ở Đức và Mỹ này “đã có một thời gian
dài hoạt động ở TP HCM và có những người cộng sự ở đấy”.
Ông Doanh cho rằng “đây là một cơ hội để ông Nguyễn Thiện
Nhân có thể phát huy tốt kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo của mình”.
Về các thách thức đặt ra đối với tân bí thư thành ủy Sài
Gòn, kinh tế gia này nói tiếp: “TP HCM đứng trước một nhiệm vụ hết sức là to lớn,
bởi vì TP HCM cần phải hiện đại hóa và cần phải thực hiện cách mạng công nghiệp
4.0, cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề, từ úng lụt, kẹt xe, cho đến việc tạo
công ăn việc làm và các tham vọng về Hòn Ngọc Viễn Đông và cạnh tranh được với
các trung tâm kinh tế lớn của châu Á – Thái Bình Dương. Tôi nghĩ đó là điều người
ta hy vọng ông Nguyễn Thiện nhân có thể làm được”.
Theo nhận định của kinh tế gia từng cố vấn cho thủ tướng Việt
Nam, ông Thăng “đã thể hiện sự gần dân, đi rất sâu sát”, và đấy cũng là “một tiền
lệ tốt” mà ông Nguyễn Thiện Nhân “sẽ kế tục và phát huy”.
Trả lời VOA Việt Ngữ trước khi quyết định chính thức được
công bố, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về chính trường Việt Nam, nhận xét:
“Ông Nhân giờ sẽ được tạo cơ hội để thể hiện nhằm được cân nhắc các chức vụ cao
hơn nếu ông thành công ở miền nam”.
Một chuyên gia kinh tế khác từ trong nước, ông Võ Trí Thành,
nói với VOA Việt Ngữ về điều ông mong chờ từ tân lãnh đạo đảng bộ Sài Gòn: “Cái
mà tôi luôn luôn kỳ vọng ở TP HCM là thành phố đi đầu về phát triển và cải cách
ở Việt Nam và biểu tượng đó rất là rõ vào những năm 90. Đấy là điều tôi kỳ vọng
nhất, dù ai làm lãnh đạo của TP HCM”.
Báo chí trong nước dẫn lời ông Nhân nói sau khi được giao
“trọng trách” rằng “hôm nay là một ngày rất đặc biệt đối với bản thân tôi vì được
trở về thành phố lần thứ hai”.
“Tôi rất suy nghĩ và có lo lắng. Thành phố rất lớn, phát triển
mạnh mẽ. Mình phải bắt đầu từ đâu? Tiền chắc không có thêm. Tôi nghĩ có lẽ bắt
đầu từ những giá trị truyền thống của thành phố mà đã đúc kết qua nhiều năm.
300 năm lịch sử, mở mang phía Nam của đất nước, quy tụ những con người từ mọi
miền đất nước. Đoàn kết, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, sống có nghĩa tình là
những giá trị làm cho thành phố ngày càng phát triển", tân bí thư nói tiếp
trong một đoạn video đăng trên mạng.
Người tiền nhiệm của ông Nhân, ông Đinh La Thăng, bị cảnh
cáo hôm 7/5 đồng thời “mất ghế” trong Bộ Chính trị vì các quyết định khi còn
lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Hôm 10/5, ông Thăng được phân công làm Phó trưởng ban Kinh tế
Trung ương. Quan chức trực ngôn này được cổng thông tin của chính phủ trích lời
nói đã “nhận thức sâu sắc những vấn đề mà kết luận nêu ra đối với sai phạm của
cá nhân tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, đồng thời lên tiếng xin lỗi đến “nhân
dân”.
Việc Bộ Chính trị giao cho ông nhiệm vụ mới này đang gây ra
nhiều tranh luận vì đây là cơ quan được cho là “tham mưu”, “đóng góp cho sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản về kinh tế”.
Khi được hỏi về những tranh cãi này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh
nói: “Ở đây không có quyền hành gì và cũng không có tiền bạc gì lớn cho nên khả
năng vi phạm về tiền bạc thì tôi thấy không có. Về cái chính sách, ông Đinh La
Thăng đã kinh qua nhiều chức vụ, vừa mới ở TP HCM 16 tháng, ông ấy tiếp cận với
thực tế, thì tôi nghĩ ông ấy có khả năng đóng góp. Hãy nên nhìn một con người từ
khía cạnh tích cực và tạo cho người ta một cơ hội để người ta tiếp tục phát
huy”.
Sau khi được giao vị trí mới, theo cổng thông tin chính phủ
Việt Nam, ông Thăng tuyên bố “sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét