Theo
thông tin từ đài RFA, vào ngày 12/5/2017 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo
bàn tròn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam vào ngày 12 tháng Năm, dưới sự chủ
trì của ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Hội thảo
này sẽ mời các tổ chức dân sự của cộng đồng người Việt tại Mỹ hỗ trợ cho tiến
trình dân chủ hóa tại Việt Nam.
Ông Scott Busby (bìa phải) cùng một số nhà hoạt động nhân quyền người Việt hải ngoại.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi đầu tháng Ba vừa qua công bố báo
cáo nhân quyền 2016, trong đó chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Theo
báo cáo, tính đến cuối năm 2015, Việt Nam vẫn giam giữ 94 tù nhân chính trị mặc
dù Chính quyền Hà Nội vẫn luôn khẳng định không giam giữ những tù nhân này. Báo
cáo cũng cho biết trong năm 2016, Việt Nam đã kết án tù 12 nhà hoạt động xã hội
ôn hòa. Báo cáo cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam không cho những người bị bắt
giam được gặp gỡ với luật sư bào chữa và thân nhân trước khi ra tòa.
Trước đó vào tháng Hai năm 2017 thông qua báo cáo tình tình
tự do tôn giáo tại Việt Nam, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ
(gọi tắt là USCIRF) lên tiếng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại
danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) sau 10 năm được rút tên vì
Quốc hội Việt Nam thông qua đạo luật về Tín ngưỡng và Tôn giáo hồi tháng 11 năm
2016, mà các tôn giáo đồng phản đối đạo luật mới ban hành vi phạm quyền tự do
tín ngưỡng và tôn giáo của người dân.
10 năm
trước, vào năm 2007, Việt Nam đã được Mỹ đưa ra khỏi và được tham gia vào Tổ chức
thương mại thế giới (WTO), nhưng sau đó Việt Nam bắt bớ trở lại rất nhiều người
bất đồng trong suốt giai đoạn 2008 - 2012 và những năm sau đó.
Cuộc vận động đưa Việt Nam vào lại
CPC đã mạnh hẳn lên từ năm 2016 và gia tăng hẳn xác suất thành công, cho tới
thời điểm này có thể lên đến 60%. Cuộc vận động này sẽ hướng đến Quốc hội Hoa
Kỳ, bao gồm Hạ nghị viện và Thượng nghị viện, và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ
rất nhiệt tình của Vietnam Caucus (Nhóm làm việc về Việt Nam) trong nghị viện
Mỹ.
Hậu quả của việc Việt Nam vào lại
CPC có lẽ không cần phải giải thích nhiều: về thực chất, đây là một cơ chế chế
tài, đặc biệt là chế tài về thương mại. Cơ chế này sẽ khiến con đường để Việt
Nam tiếp cận Hiệp định thương mại song phương với Mỹ là chông gai hơn hẳn hiện
thời, nếu không nói là vô vọng.
Chưa kể một hoạt động chế tài khác:
Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn Cầu mà Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2016
và Tổng thống Obama ký ban hành ngay sau đó, nhiều khả năng được triển khai
trong năm 2017, sẽ cấm một số quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng,
kể cả thân nhân những quan chức này, được nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời tài sản
của số quan chức này nằm trong phạm vi can thiệp của Mỹ sẽ bị đóng băng…
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ
Cao trào Nhân bản nói với Đài Á Châu Tự Do về ý định ông sẽ nêu lên tại Hội
thảo bàn tròn do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức:
“Chúng tôi sẽ đưa ra các vấn đề về nhà cầm quyền Cộng sản
gia tăng đàn áp các nhân vật đối lập và gia tăng đàn áp bắt bớ những người của
các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đặc biệt gần đây là cái chết của anh Nguyễn
Hữu Tấn đã gây nên sự quan tâm của cả trong nước lẫn ngoài nước. Vấn đề thứ hai
là chúng tôi đòi hỏi trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, những người chỉ
phát biểu ý kiến một cách ôn hòa mà bị bắt bỏ tù.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng tại buổi Hội thảo Bàn tròn về nhân
quyền Việt Nam, diễn ra trong ngày 12 tháng Năm, sẽ nói về tình trạng cưỡng chế
đất đai tràn lan ở trong nước do quy định sở hữu đất đai toàn dân:
“Vấn đề cướp đất của người dân, như gần đây chúng ta biết
đến vụ ở Đồng Tâm và ở Giáo xứ Đông Yên cũng đang bị đe dọa bởi nạn bị cướp đất
và còn tràn lan khắp đất nước Việt Nam nhiều trường hợp đơn lẻ nhiều vô kể. Đây
được xem như là vấn nạn lớn tại Việt Nam, tạo nên những thảm cảnh cho người dân
và những biến động và bất ổn trong xã hội.”
Đại diện của những tổ chức dân sự tham dự Hội thảo bàn tròn
chuẩn bị cho Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 21 tin rằng Nhà Trắng sẽ gây
áp lực lên Hà Nội trong việc cải thiện tình hình nhân quyền.
Rất có thể, cuộc đối thoại nhân
quyền Mỹ - Việt trong thời gian tới là một cơ sở quan trọng để phía Mỹ quyết
định sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5/2017 theo cách nào
và cho ra kết quả nhiều hay ít.
Nếu
không có những cải thiện nhân quyền, mà phải là cải thiện đáng kể chứ không chỉ
hứa suông như nhiều lần trước, phía Việt Nam sẽ rất ít hy vọng có được Hiệp định
thương mại song phương với Mỹ mà do đó chuyến đi Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phúc sẽ
có thể hoàn toàn vô nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét