Những người ly khai (dissidents) đang tranh đấu cho nhân quyền
là lương tâm của xã hội, mà bất cứ một quốc gia nào, nhất là những nước sống dưới
ách độc tài, phải ghi ơn. Đó là kết luận của Michel Eltchaninoff, một triết gia
Pháp, sau khi bỏ ra nhiều năm đi gặp và nghiên cứu về các dissidents tại nhiều
quốc gia.
Tác giả cuốn ‘Les Nouveaux Dissidents’ (Những người ly khai
mới)[1] vừa xuất bản ở Pháp, viết: những người ly khai là mối kiêu hãnh của xã
hội. “Trong khi mọi người lo lắng cho sự nghiệp, an toàn, quyền lợi và tự do cá
nhân, họ chấp nhận trả giá cho sự phẫn nộ của họ. Bị chà đạp bởi nhà cầm quyền,
trước sự thờ ơ của người đồng hương, họ đứng dậy sau mỗi thử thách và trung
thành với lý tưởng của mình, đôi khi tới kiệt lực”. Eltchaninoff nghiên cứu về
những người mà ông gọi là “dissidents mới”, bởi vì những người ly khai của thời
đại Internet có nhiều điểm khác với những thế hệ trước, cả về nhân sinh quan lẫn
phương pháp tranh đấu.
Dissidents mới,
dissidents cũ
Trước hết, từ ngữ dissidents, tạm dịch là những người ly
khai[2], từ những năm 90 được dùng để nói tới những người phản kháng chế độ ở
Nga cũng như ở những nước cộng sản khác. Từ 1989, sau khi bức tường Berlin bị đạp
đổ, kéo theo sự sụp đổ của Xô Viết Nga hai năm sau, chữ dissidents được dùng để
nói tới những người ly khai ở khắp nơi, từ Nam Mỹ tới Trung hoa, VN, Miến Điện,
Iran… Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi là những khuôn mặt nổi tiếng nhất. Chữ
dissidents, từ nguyên thủy, có tính cách tôn giáo, để chỉ những người thuộc một
cộng đồng, một tôn giáo nhưng muốn đứng ra ngoài, muốn được độc lập. Người
dissidents có thể chống đối, phản kháng, hay chỉ bày tỏ một thái độ bất hợp
tác, không đồng tình, đồng lõa.
Những năm 70-80, những người ly khai Nga, đứng đầu là
Soljenitsyne, Sakharov, bị đàn áp, không ai biết tới ở trong nước, nhưng tiếng
tăm lừng lẫy ở nước ngoài, đã khiến cả một thế hệ trí thức Âu Châu tỉnh mộng về
thiên đường xã hội chủ nghĩa. Dần dần tiếng kêu của họ vọng về quốc nội và đã
góp phần vào sự sụp đổ của chế độ CS Nga. Nhưng sau đó, họ biến mất trên chính
trường. Nhiều người kiệt lực sau nhiều năm bị chà đạp dã man. Một số sống ở
ngoài nước. Và những tàn dư của chế độ CS, trở thành mafia đỏ, có tiền, có tổ
chức, trở lại thao túng chính quyền và gạt những người dissidents ra ngoài để dễ
làm ăn với nhau. Họ bị đẩy vào hố quên của lịch sử, giống như những dissidents
Trung Hoa sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Nhưng chế độ CS sụp đổ, không
có nghĩa là dân chủ đã thành hình, tự do là một chuyện đương nhiên.
Trả lời câu hỏi ‘theo ông cái tệ hại nhất của chế độ CS là
gì?’, Adam Michnik, một trí thức phản kháng Ba Lan[3], nói: là những gì đến sau
đó (ce qui arrive après). Những hỗn loạn đến sau đó. Chế độ CS đã tàn phá mọi
cơ cấu xã hội, mọi giá trị tinh thần, việc xây dựng lại một xã hội lành mạnh, một
chế độ dân chủ là chuyện vạn nan, nếu không chuẩn bị chu đáo. Dân chủ là một
quá trình lâu dài. Chế độ CS sụp đổ, không có nghĩa là dân chủ thành hình như một
phép lạ. Không phải là sự chấm dứt của lịch sử (la fin de l’histoire), mượn chữ
của Fukuyama. Độc tài biến dạng, chế độ vô sản trở thành một chế độ tư bản man
rợ. Xã hội lại cần những dissidents, những người xâm mình dám ăn dám nói, những
Từ Hải “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”. Từ đó, xuất hiện những người ly
khai mới, les nouveaux dissidents.
Chiến thuật gậy ông đập
lưng ông
Những người ly khai là những người xuất thân từ trong lòng
chế độ. Eltchaninoff: ‘Andreï Sakharov, chẳng hạn, là một nhà bác học được kính
nể ở Nga, hoàn toàn hoà đồng với chế độ trước khi tách ra, tố cáo những vi phạm
nhân quyền. Người ly khai không phải là người chống đối từ bên ngoài nhẩy vào.
Cái làm cho họ trở thành đáng sợ, chính ở chỗ họ là người của chế độ mà họ đả
kích. Họ là sản phẩm điển hình, đôi khi gương mẫu, của chế độ. Điều đó khiến sự
phản kháng của họ hữu hiệu hơn, được nghe hơn’. (plus efficace et plus
audible). Chữ ly khai, tạm dùng trong bài này nhấn mạnh đến khía cạnh rời bỏ
hàng ngũ của những người như Sakharov.
Eltchaninoff viết, ngoài sự kiện xuất thân từ trong lòng của
chế độ, người ly khai có ba đặc điểm: bất bạo động, hành động với tư cách cá
nhân và hoạt động công khai.
1. Bất bạo động:
‘Những người ly khai là những người triệt để bất bạo động. Họ
từ chối dùng võ khí chống chính quyền, đôi khi vì nguyên tắc, nhiều khi vì chiến
thuật: gây tử thương người của chính quyền đưa tới đàn áp tàn bạo. Những người
kháng chiến đặt chất nổ, giết kẻ thù. Người ly khai không làm chuyện đó’. Họ
dùng dư luận, gây tiếng vang, tạo sự hỗ trợ trong quần chúng, họ đóng vai trò tự
vệ để được các hội đoàn nhân quyền hỗ trợ. Đó là một vũ khí lợi hại trong thời
đại Internet.
2. Hành động cá nhân
Theo tác giả, người ly khai không coi mình là một thành phần
của một tổ chức, một đảng viên thi hành chỉ thị của cấp trên. Nếu hoạt động
trong một nhóm, người ly khai không từ bỏ cá tính, không từ bỏ những suy tư cá
nhân. Anh ta hành động vì trái tim, vì một sự bất bình, không phải vì tham vọng.
Vì vậy, rất ít người ly khai đi vào con đường chính trị. ‘Điều đó cắt nghiã tại
sao rất ít người- trừ trường hợp Vaclav Havel-trở thành lãnh tụ (leaders) sau
chiến tranh lạnh’. Điều đó cũng giải thích tại sao sau khi chế độ sụp đổ, quyền
hành vẫn ở trong tay những người của chế độ cũ.
3. Hoạt động công
khai
Người ly khai không vào rừng, vào bưng như người kháng chiến.
Hành động công khai khiến việc đàn áp trở thành dễ dàng, nhưng cũng khiến hành
động của họ chính đáng. Không việc gì phải dấu diếm khi người ta hành động cho
quyền lợi chung và tin mình nắm chính nghĩa.
‘Tóm lại, người ly khai coi sức mạnh của mình ở thái độ bất
bạo động, tôn trọng cá tính và nguyên tắc minh bạch, công khai’.
Như vậy, anh ta hoạt động theo phương pháp nào? Eltchaninoff
trả lời: phương pháp lấy gậy ông đập lưng ông. Dùng võ khí của chính quyền để
đánh chính quyền.
‘Nếu nhà nước tuyên bố tôn trọng luật pháp, người ly khai
cương quyết khẳng định quyền công dân của anh ta và của người đồng hương. Nếu
nhà nước nói tôn trọng người lao động, người ly khai tố cáo những vi phạm quyền
công nhân. Người ly khai là một cao thủ judo: anh ta dùng sức mạnh của đối
phương để quật ngã đối phương mà không cần vũ lực. Vì vậy, anh ta như David,
luôn luôn tìm ra những phương cách mới để đưa người khổng lồ Goliath vào tròng.
Anh ta làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh, tổ chức những happenings, những cuộc gặp gỡ,
những nơi tụ họp độc đáo, đưa những sáng kiến ly kỳ’. Anh ta tranh đấu bằng bộ
óc, bằng sáng tạo, khiến nhà cầm quyền không biết đâu mà mò. Sáng kiến càng kỳ
cục, càng ngộ nghĩnh càng hữu hiệu. Nhưng đối kháng không phải là một trò chơi.
Nhiều người ly khai đã trả giá đắt, quá đắt. Cái can đảm và quyết tâm phi thường
của họ khiến ta phải ngả mũ chào. (Viết ‘anh ta’ là một cách nói, cho tiện. Sự
thực, trong số những dissidents có rất nhiều phụ nữ. Chỉ cần nhìn hàng ngũ phụ
nữ đông đảo, ở Việt Nam hay ngay cả những nước Ả Rập, nơi phụ nữ bị chèn ép. Và
họ, phụ nữ, không phải là những người ít can đảm nhất, ít hữu hiệu nhất).
Một điểm cần nhấn mạnh: thái độ bất bạo động là một nhận xét
nơi những dissidents mà tác giả cuốn sách đã gặp. Không phải là một kêu gọi bất
bạo động. Tranh đấu dưới hình thức nào là sự lựa chọn, cân nhắc của những người
đấu tranh. Cũng như đấu tranh với tính cách cá nhân cũng chỉ là một ghi nhận
(constatation), không phải là một khuyến cáo. Người đọc vẫn có thể nghĩ hành động
muốn mang lại kết quả phải có tổ chức, chỉ đạo.
Hiện tượng cá nhân có thể giải thích bằng những tiến bộ kỹ
thuật: chúng ta sống trong một thời đại mỗi người, hay một nhóm bạn bè, không cần
phương tiện tài chánh hay kỹ thuật lớn lao, có thể làm một cuốn phim, in một cuốn
sách, ra một diễn đàn, phát hành một băng nhạc, lên Facebook kêu gọi.
Sau khi bức tường Berlin đổ, sau khi Mao chết, sau những Mùa
Xuân Ả Rập, người ta chua chát thấy dân chủ không tự nhiên vác xác tới. Bạo
hành tiếp tục, dưới hình thức khác. Những người ly khai lại rục rịch xuống đường.
Đó là một cuộc trường kỳ kháng chiến.
Eltchaninoff đi nhiều nơi, tới tận chỗ để gặp gỡ những người
ly khai mới. Ông ta đi một vòng Nga, Ukraine, Trung hoa, Tibet, Iran, Palestine,
Mễ, gặp những người chống đối, nhất là những người không được báo chí Tây
phương nói tới. Ông ta nhận xét: giữa người ly khai mới và những người thuộc thế
hệ trước có những điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm rất khác nhau.
Những nguyên tắc căn bản của thế hệ đàn anh vẫn được áp dụng,
nhưng cải tiến để thích ứng với thời đại mới. Bất bạo động không còn là một triết
lý ôn hoà, nhưng là một phương pháp hữu hiệu nhất trước bạo lực. Cá nhân vẫn là
một yếu tố quan trọng. Người ly khai không muốn làm quân cờ cho một tổ chức.
Và, trong thế hệ của iPhone, của Internet, mọi người quay phim, chụp hình loạn
cào cào, muốn hoạt động kín, muốn giữ bí mật là một chuyện ngớ ngẩn. Trái lại,
cách giữ an ninh hữu hiệu nhất là truyền bá tin tức, hình ảnh thật nhanh, thật
rộng. Cái bảo hiểm tính mạng của người tranh đấu ngày nay là vua biết mặt, chúa
biết tên.
5 điểm khác biệt:
Elchaninoff nhận thấy ít nhất 5 điểm khác biệt giữa những
người ly khai mới và những người thuộc thế hệ Sakharov, Havel, hay Mandela:
1. Những người ly khai mới không bị ràng buộc bởi các chủ
nghĩa, các ý thức hệ, lý thuyết của các trí thức lớn. Họ muốn tự do suy nghĩ,
không phải là tín đồ của một chủ nghĩa, đôi khi không có một khuynh hướng chính
trị nào. Đó không phải là những người quá khích, cuồng tín khư khư bám giữ một
sự thực duy nhất.
2. Những phản kháng dựa trên khả năng của một cá nhân, không
nhất thiết phải là một đối tượng chung của đa số. Tranh đấu cho môi trường, cho
nữ quyền, cho công nhân, cho nông dân, cho đồng tính luyến ái, chống kiểm duyệt
Internet, bênh vực dân oan bị cướp nhà, cướp đất, dân lành bị hành hung…
Mỗi người, tùy theo khả năng, cảm tính và sự hiểu biết của
mình, tìm cách cải thiện một góc cạnh nào đó của xã hội. Họ thực tế, không viển
vông như đàn anh. Nhận xét này của tác giả rất đáng quan tâm. Sự hình thành của
dân chủ ở các nước Âu Châu khởi đầu bằng những đòi hỏi nhiều nhóm, nhiều giai cấp
xã hội. Giới quý tộc đòi quyền lợi cho quý tộc, giới tu sĩ cho tu sĩ. Nông dân
đòi quyền lợi cho nông dân, thương gia, kỹ nghệ gia, công nhân, mỗi giới tranh
đấu cho mình. Vua chúa, nhà cầm quyền nhượng bộ nơi này một chút, nơi kia một
chút; dần dần những dòng suối nhỏ hội lại thành sông, thành biển. Nhà nước có
thể chữa một đám cháy lớn, nhưng bất lực trước hàng ngàn đám cháy nhỏ. Có thể dẹp
hàng ngàn đám cháy nhỏ trong vài ngày, nhưng không thể làm suốt năm. Sớm muộn
gì họ cũng phải nhượng bộ để tránh bất mãn bùng nổ.
Tranh đấu cho tự do, dân chủ là một khái niệm trừu tượng đối
với quần chúng, tranh đấu cho những người đàn bà bị đem bán cho du khách chẳng
hạn dễ khích động hơn, dễ được hưởng ứng hơn. Đòi hỏi kiểm soát thức ăn độc hại
của Tầu dễ gây xúc động hơn, trước khi đưa ra những đòi hỏi có tính cách trừu
tượng, quan trọng thực, nhưng xa vời với người dân. Làm việc cứu trợ rất tốt,
nhưng nên giải thích cho dân biết tại sao họ cơ cực, cùng khổ như vậy. Nếu
không, công tác xã hội như nước bỏ biển.
3. Người phản kháng mới không hy sinh đời sống thường nhật,
không coi nhẹ gia đình. Một nhà tranh đấu người Tibet nói về gia đình ông ta
nhiều hơn là nói về chính trị. Anh ta không phải là một cái máy đấu tranh, vô cảm.
Những cái máy vô cảm không xây dựng được một xã hội tốt đẹp.
4. Người ly khai mới không có khuynh hướng hy sinh đời mình
cho đối tượng đấu tranh; không phải anh ta thiếu can đảm, bằng chứng là anh ta
sẵn sàng trả giá rất đắt, nhưng coi chuyện tranh đấu hữu hiệu quan trọng hơn là
việc hy sinh vô bổ. Anh ta ghét cái tật đao to búa lớn của đàn anh.
5. Những người ly khai mới phóng khoáng hơn. Họ áp dụng bất
cứ phương tiện nào, bất cứ hình thức tranh đấu nào, miễn là hữu hiệu, thí dụ
dùng một bài hát nói về tự do của Mỹ để đánh thức dân Ả rập, một bài vọng cổ để
báo động nhà cầm quyền đang bán nước, bán biển, gởi SMS cho bạn bè hẹn gặp nhau
để bàn về một đề tài liên hệ tới mọi người. Người ly khai mới ý thức được cái lợi
hại của kỹ thuật truyền thông và tận dụng các phương tiện truyền thông mới. Một
nữ ca sĩ Iran cởi bỏ khăn trùm đầu, hát nhạc tình trên Internet, hàng triệu người
vào coi, gây chấn động dư luận và khiến nhà cầm quyền bảo thủ bối rối hơn là một
cuộc biểu tình đẫm máu.
Michel Eltchaninoff kết luận cuốn sách 254 trang đầy những
kinh nghiệm cụ thể: những người ly khai là ‘những người đi trước thời đại. Họ
được nuôi dưỡng bởi sự can đảm và thái độ nổi loạn. Họ phơi trần những tệ trạng
không thể chấp nhận trong xã hội họ đang sống: áp lực, kiểm duyệt, thao túng
quyền hành, gian lận bầu cử, sát hại người vô tội, chiếm nhà chiếm đất… Nhưng họ
tranh đấu dưới những hình thức đôi khi độc đáo, luôn luôn bất bạo động. Họ
không tìm cách bịt mắt giả mù, cũng không đánh võ miệng trước những bất công,
những lạm dụng quyền thế. Họ hành động để đặt nhà cầm quyền trước trách nhiệm của
mình. Nếu nhà cầm quyền trả lời bằng cách đàn áp, họ chịu đòn nhưng tiếp tục
hành động. Nếu nhà cầm quyền lùi, họ thắng. Trong bất cứ xã hội nào, chúng ta
cũng cần những người ly khai mới’.
Chúng ta phải cám ơn những người dissidents, mới hay cũ. Ủng
hộ họ là một bổn phận. Một danh dự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét