Bà Jytte Guteland, thành viên Nghị
Viện Châu Âu, bỏ phiếu trong lúc bế con. (Hình minh họa: FREDERICK
FLORIN/AFP/Getty Images)
“Nuôi con mới biết lòng cha mẹ
Về già mới thấy mình bất hiếu!”
Trong quãng thời gian 25 năm ở
trên cột báo này, tôi không nhớ đã viết bao nhiêu bài về mẹ. Phải chăng viết về
mẹ là dễ dàng, nghĩ đến mẹ trong ngày Vu Lan báo hiếu khi nhớ đến chuyện ông Mục
Kiền Liên xuống địa ngục tìm mẹ, nghĩ đến mẹ trong ngày Hiền Mẫu lưu vong ở Mỹ,
hay nghĩ đến mẹ trong buổi xế chiều của đời mình.
Đề tài về mẹ không bao giờ cạn,
và chữ nghĩa trên thế gian này không chuyên chở nỗi những tâm tình về mẹ, cũng
như 100 bài thơ viết về mẹ, chắc chắn không có câu thơ nào giống câu thơ nào,
dù là cả hai đứa con cũng viết về một bà mẹ chung!
Bà nhạc mẫu của tôi mất năm 85 tuổi,
trong những giờ phút lâm chung, bà luôn kêu lên những tiếng: “Mạ ơi! Mạ ơi!” và
nói với người nhà: “Mạ sắp đi đây, đi gặp bà ngoại!” Báo chí Việt Nam kể chuyện
một sĩ quan Cộng Sản bị rơi trực thăng trong một chuyến bay hợp tác đi tìm hài
cốt Mỹ. Khi phóng viên báo chí đến nơi, phỏng vấn những người dân làng đã đến
nơi cấp cứu những người lâm nạn, hỏi mọi người đã nghe thấy gì, được dân làng kể
chuyện một nạn nhân, trong những phút cuối cùng, dù đau đớn bởi vết thương,
luôn miệng gọi hai tiếng “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”
Khi một người trong gia đình
chúng ta đau nặng hay già yếu trên giường bệnh, bỗng nghe người luôn miệng gọi
tiếng “Mẹ ơi!” một cách tha thiết, trìu mến, chúng ta có thể nghĩ rằng, giây
phút đó, người sẽ ra đi sắp được gặp lại mẹ ở một cõi bên kia thế giới.
Người đời không thể nào so sánh
công ơn mẹ với cha. Dù cha có chân lấm tay bùn, vất vả làm lụng nuôi con cũng
không thể nào ví bằng người mẹ nuôi con qua cuống rún, chín tháng mười ngày với
tất cả tinh lực rút từ thể xác mình, nhiều khi trôi nổi, xác xơ như người đi biển
gặp cơn sóng dữ. Khi con ra đời, mẹ vẫn còn nuôi bằng dòng sữa chảy ra từ ngực
mẹ, dù mẹ héo hon, gầy còm ăn không đủ bữa, ngủ không trọn giấc.
Cha là hình ảnh của nghiêm phụ,
giáo huấn, răn đe, roi vọt. Mẹ là hình ảnh của từ mẫu, chỉ có những lời nói ngọt
ngào, an ủi và tỏ bày bằng những dòng nước mắt, đôi khi chân thật vụng về. Ngày
xưa mẹ thường che giấu tội lỗi của con, giấu cha để tránh cho con những trận
đòn buốt da con mà xót cho lòng mẹ. Mẹ giấu cha những vết thương trên thân con
do đùa nghịch để tránh cho con những lời la mắng. Mẹ giấu luôn những chuyện buồn
của những đứa con gái của mẹ, nếu có những lúc buồn rầu, thất vọng.
Không biết hình ảnh người mẹ lớn
lao chừng nào trong tâm trí những đứa con, nhưng những đứa con đối với mẹ là tất
cả. Mẹ luôn luôn theo dõi, chờ đợi những bước chân của con. “Đặt con vào dạ là
mạ phải lo!” Từ đó, mẹ luôn luôn nghĩ đến bào thai trong bụng mẹ, khi nó đẩy đạp
mẹ mừng, khi nó nằm êm, mẹ lo.
Và, suốt cuộc đời mẹ đối với con,
tóm gọn trong một chữ “chờ!”
Mẹ chờ mong con đầy tháng đủ ngày
ra đời, mong con chóng lớn chập chững bước đi, mong con ngày cắp sách đến trường.
Có bà mẹ nào lại không trông con sớm lập gia đình để mẹ có cháu bồng, rồi trông
cháu lớn khôn. Con lớn lên, trưởng thành cùng thiên hạ, nhưng dưới mắt và trong
tấm lòng mẹ, con chỉ là đứa trẻ ngày nào thuở ấu thơ. Mỗi lúc con trở lại nhà,
có món ngon nào con thích thời bé dại mà mẹ không nhớ, vẫn nấu nướng để dành
cho con.
Bên cánh cửa này, mỗi ngày, mẹ vẫn
chờ con! Nhưng dòng nước chảy xuôi có bao giờ nước nhớ lại nguồn, những dòng
sông ra đi trăm hướng, nguồn nước ngày xưa nay đã bạc đầu.
Mẹ chờ con từ phút con nằm trong
bụng mẹ, mẹ chờ con cho đến lúc mẹ sắp tàn hơi thở: – “Thằng Hai về chưa?”-
“Con Út đâu rồi?”
Rồi mẹ ra đi có an bình không,
khi con mẹ có đứa chưa về, dòng đời xuôi ngược trăm hướng, nợ áo cơm trói buộc
cuộc đời! Mẹ luôn luôn chờ con, mà con chẳng bao giờ chờ mẹ, có chăng là đôi lần
từ thuở xa xưa, đứa bé chờ mẹ trong buổi chợ về, với món quà nhỏ trên tay cho
con. Quả con là những sinh vật phụ bạc, chẳng bao giờ nghĩ đến mẹ.
Để so sánh mẹ với những gì ngọt
ngào trên cuộc đời này, người ta nói đến mẹ “như chuối Bà Hương, như xôi Nếp Một,
như đường mía lau.” So sánh lòng mẹ với những gì rộng lớn, bao la ngoài thiên
nhiên, người ta nghĩ đến biển cả. So sánh với những gì huyền diệu người ta nghĩ
đến hình ảnh Quán Thế Âm hay Đức Mẹ Maria.
Không, mẹ chỉ là một người đàn bà
bình thường, nhỏ nhoi, không muốn so với biển rộng muôn trùng, không có năng lực,
đời sông lấp biển. Mẹ chỉ hiện ra bên cánh cửa hay trong khung bếp ám khói của
một thời xưa đầy kỷ niệm. Nhưng mẹ là tất cả những gì của những đứa con.
Càng nói nhiều về mẹ, chúng ta
càng thấy mình là những đứa con bất hiếu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét