Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Nhật và Trung Quốc giành chủ động trong mậu dịch Thái Bình Dương





Tổng Thống Donald Trump khoe sắc lệnh vừa ký hôm 23 Tháng Giêng, rút Mỹ khỏi TPP. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)




Khi Tổng Thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vùng này có một khoảng trống trong quan hệ mậu dịch giữa các quốc gia trong khu vực mà Trung Quốc và Nhật đang nỗ lực giành vai trò dẫn đạo.



Trung Quốc cố gắng đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp Ðịnh Ðối Tác Toàn Diện Khu Vực (RCEP), mà hiện nay đã tới vòng thứ 15, chỉ với một mục tiêu đơn giản là hạ mức thuế giữa ASEAN và các nước lân cận.



Nhưng các giới chức Nhật và ASEAN nhấn mạnh rằng RCEP không phải do Trung Quốc dẫn đạo.



Tokyo và Canberra muốn rằng RCEP không chỉ là một thỏa hiệp mậu dịch toàn diện liên quan đến nhiều lãnh vực từ dịch vụ đến đầu tư. Một thương thuyết gia Nhật nói rằng: “Từ ít năm gần đây mọi người đã trông đợi vào TPP và bây giờ là lúc phải khởi đầu lại những thương lượng rộng lớn.”



Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật đã cố thuyết phục Tổng Thống Donald Trump đừng nên hoàn toàn rút khỏi TPP nhưng không thành công, và bây giờ Nhật sẵn sàng duy trì các thỏa thuận đã đạt được, không có nhiều thay đổi, để TPP tồn tại không có Mỹ. Các thành viên TPP, và những nước Á Châu khác không là thành viên TPP bao gồm Trung Quốc, Nam Hàn, Ấn Ðộ họp đàm phán trong tuần này ở Chile. Cho đến năm 2016, Mỹ là nước chủ đạo trong cuộc thương thuyết, nhưng bây giờ quyết định không cử một quan chức cao cấp nào tới, mà chỉ cử đại sứ tại Chile tham gia.



Trong khi đó, Bắc Kinh đang muốn khai thác cơ hội chính quyền Donald Trump chủ trương giảm bớt can dự vào các vấn đề quốc tế và lui về thế cô lập, để Trung Quốc nắm lấy vai trò bảo vệ toàn cầu hóa có hệ quả tới nhiều lợi ích chính trị khác. Nhiều giới chức đảng Cộng Sản Trung Quốc không che giấu niềm hoan hỉ khi Mỹ rời bỏ TPP. Theo họ, TPP có mục tiêu kềm chế Trung Quốc về kinh tế và là một thành tố quan trong trong chiến lược chuyển trục về Á Châu của chính quyền Obama. Việc chính quyền Trump gióng hồi chuông báo tử cho thỏa hiệp mậu dịch này là “cơ hội bằng vàng “ mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ.



RCEP và TPP là hai mô hình tương tự, nhưng đi vào chi tiết có nhiều khác biệt và RCEP không hẳn có thể thay thế TPP. TPP là một hiệp định đa quốc gia về tự do mậu dịch toàn diện, bao gồm dịch vụ và đầu tư, khép kín và đề ra một số tiêu chuẩn chặt chẽ về bản quyền trí tuệ, bảo vệ môi trường, điều kiện lao động,…



RCEP chú trọng về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư nhưng không đặt nặng trọng tâm vào các vấn đề bản quyền trí tuệ, lao động và môi trường.



TPP là hiệp định thỏa thuận tự do mậu dịch giữa 12 nước (Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, Nhật, Úc, New Zealand, Brunei, Malaysia, Sigapore, và Việt Nam).



RCEP là hiệp định tự do mậu dịch giữa 10 nước ASEAN (Việt Nam, Indonesia, Philippines, Cambodia, Lào, Thái Lan, Miến Ðiện, Malaysia, Singapore, và Brunei) và sáu đối tác Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Ấn Ðộ, Úc, và New Zealand, được gọi là ASEAN+6. RCEP, tập hợp gần phân nửa dân số thế giới.



Mỹ là động lực chính của TPP, trong đó không có Trung Quốc. TPP khởi động từ 2010 và hoàn thành năm 2015. Nhận thấy không có đủ phiếu ủng hộ, Tổng Thống Obama chưa bao giờ chuyển qua cho Quốc Hội phê chuẩn và như thế đối với Mỹ, TPP chưa bao giờ là hiện thực cho tới khi Tổng Thống Trump tuyên bố rút ra khỏi hiệp định.



Ngược lại, Trung Quốc là động lực chính của RCEP trong đó không có Mỹ, và có bảy nước đồng thời là thành viên RCEP và TPP. RCEP khởi động từ năm 2013, nhưng không có hy vọng chung quyết trong năm nay như dự tính, và ít nhất phải qua năm 2018.



Cả hai hiệp định có quy mô gần tương đương nhau. TPP tập trung 32% GDP của thế giới và 26% tổng lượng mậu dịch toàn cầu, RCEP 24% GDP và 28% mậu dịch toàn cầu.



Dù không còn Mỹ, TPP vẫn còn lợi ích kinh tế và cần thiết cho Nhật. TPP giúp Nhật củng cố quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực như Úc và Việt Nam. Những quy định chặt chẽ của TPP trong một số lãnh vực sẽ là áp lực để thương lượng ở RCEP. Mặc dù Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence tuyên bố khi đến thăm Tokyo mới đây rằng “TPP là chuyện của quá khứ đối với nước Mỹ,” Nhật vẫn có những yếu tố và động lực để lôi kéo Mỹ trở lại, trong đó có lợi ích kinh doanh của các đại công ty Mỹ. Tuy nhiên, viễn ảnh này là khó hy vọng khi ông Trump còn ở trong Tòa Bạch Ốc.



Bộ Trưởng Tài Chính Taro Aso của Nhật nói tại New York là 11 thành viên TPP trừ Mỹ sẽ khởi sự thảo luận trong hội nghị APEC cấp bộ trưởng ở Philippines vào Tháng Năm. Bộ trưởng thương mại Úc, ông Steven Ciobo, trong chuyến thăm Nhật tuần trước, cũng thảo luận về việc hồi sinh TPP.



Người ta chưa rõ lập trường của Việt Nam như thế nào đối với TPP không có Mỹ. Việt Nam đã chấp thuận những đòi hỏi khắt khe về xí nghiệp quốc doanh, thương mại trên mạng, nhân quyền và lao động để đổi lấy chế độ thuế ưu đãi của Mỹ trong một số sản phẩm may mặc. Về lâu dài, Việt Nam được coi là một thành viên thụ hưởng nhiều lợi ích nhất từ TPP.



Nếu như Nhật không thể cứu vãn TPP không có Mỹ, thì sự tham gia vào RCEP là hợp lý, và điều ấy chưa có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn thắng thế. RCEP là một thỏa hiệp đa phương, Trung Quốc không thể nắm vai trò độc quyền và áp đặt luật lệ của mình lên các đối tác khác như Nhật, Nam Hàn, Ấn Ðộ, Úc, và kể cả Úc hay Việt Nam.



Bỏ TPP, Mỹ có thể nuối tiếc vì để cho công nghệ xe hơi Nhật, Nam Hàn thừa hưởng ưu đãi trên các thị trường đang phát triển như Việt Nam, trong khi Trung Quốc chưa phải là lực lượng cạnh tranh đủ hiệu quả. Kinh tế gia Rajv Biswas, thuộc viện IHS Global Insight ở Singapore, nhận định: “Mặc dù về mặt chính trị, RCEP có vẻ là con đường tốt nhất để đi đến tự do hóa mậu dịch, thỏa hiệp giữa những bên tạp nham, khác hẳn nhau về nhiều mặt, sẽ là rất khó khăn, và Nhật vẫn có lý lẽ cùng động lực để duy trì TPP-US.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét