Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Muốn được gặp bất đồng, phải xin phép Thủ tướng!

Có một chi tiết thật đáng nhớ liên quan đến Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt kỳ 21 tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng 5/2017: để có thể sắp xếp một bữa ăn tối với một số người bất đồng chính kiến tại nhà riêng của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka ở Sài Gòn, phái đoàn đối thoại của Trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, lao động và nhân quyền Virginia Bennett đã phải đề nghị cuộc gặp này với thủ tướng Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Phúc.


  Phái đoàn Mỹ gặp đại diện xã hội dân sự độc lập tại Sài Gòn hôm 25/5/2017.

Lời đề nghị trực tiếp trên xảy ra sau khi những khách mời của phái đoàn Mỹ là nhà báo Phạm Đoan Trang và Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị Công an Hà Nội cấm cản không cho gặp.

Sự thể ngày càng trở nên cùng khốn, không chỉ về nhân quyền Việt Nam mà còn cả thể diện nước Mỹ.

Một năm trước, thể diện người Mỹ đã bị một cú giáng hiếm có. Khi đặt chân đến Hà Nội vào cuối tháng 5/2016 cùng món quà lớn gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, chắc hẳn Tổng thống Obama đã không thể ngờ dù có món quà đó chăng nữa, vẫn có đến 6 trong tổng số 15 khách mời của ông đã bị công an Việt Nam thẳng tay ngăn chặn không cho gặp Obama. Mà đó lại là những khách mời giá trị nhất về mặt tranh đấu nhân quyền.

Một năm sau đó - vào tháng Năm năm nay, trong một cuộc điều trần về “khủng hoảng nhân quyền Việt Nam” tại Quốc hội Hoa Kỳ, chính dân biểu Chris Smith - Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu ở Hạ viện - đã phải tán thán: “Năm ngoái, ông Obama đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để phóng thích cho những tù nhân chính trị Việt Nam. Thay vào đó, ông ấy chỉ như đang đi nghỉ dưỡng. Tôi đã cảm thấy cực kỳ thất vọng với chuyến đi đó của ông Obama. Chúng tôi muốn ông ấy đề cập đến những cái tên cụ thể, nhưng ngay khi Tổng thống Obama rời đi, chính quyền Hà Nội lại bắt còn nhiều người hơn thế.”

Nhưng năm nay, chính quyền Việt Nam thậm chí còn lập “thành tích” hơn cả năm ngoái khi cho công an bắt cóc và tống giam Hoàng Bình, một nhà hoạt động dân sự, ngay trước khi Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt kỳ 21 diễn ra. Hoàng Bình lại là là Phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt - một tổ chức xã hội dân sự tranh đấu cho quyền lợi của người lao động và công đoàn độc lập. Việc Hoàng Bình bị bắt có thể được xem là cú vỗ mặt của chính quyền Việt Nam đối với yêu cầu về quyền lao động do Hoa Kỳ và phương Tây nêu ra.

Trong khi không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt kỳ 21 đã đạt được một kết quả dù chỉ ở mức tối thiểu, phái đoàn của Trợ lý ngoại trưởng Virginia Bennett chỉ nhận được một sự an ủi nhỏ bé: buổi ăn tối tại nhà Tổng lãnh sự Tarnowka đã diễn ra khá “thành công” sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chuẩn y”.

Tuy vậy, Thủ tướng Việt Nam vẫn không phải là tất cả. Một khách mời quan trọng của buổi tối đó là bác sĩ Nguyễn Đan Quế - có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng người Việt hải ngoại ở Mỹ - đã bị Công an TP.HCM cấm ra khỏi nhà. Lại có thêm một bằng chứng hùng hồn về hiện thực Việt Nam: Bộ Công an mới là đúng nghĩa là “bộ nhân quyền”.

Một tiền lệ đối ngoại đã được tạo ra ở Việt Nam: các cơ quan và tổ chức quốc tế muốn được gặp giới bất đồng chính kiến, phải xin phép Thủ tướng!
Chỉ vài ngày nữa, Thủ tướng Phúc sẽ lên đường công du Hoa Kỳ với nhiều kỳ vọng thu lợi từ mối quan hệ với nước Mỹ. Nhưng không biết ông Phúc sẽ cảm giác ra sao nếu phái đoàn của ông bị người Mỹ đối xử theo lối chuyên quyền và ti tiện mà giới công an trị Việt đã hành xử với phái đoàn đối thoại nhân quyền của Mỹ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét