Nguồn: Hugh White, “China’s One Belt, One Road to challenge
US-led order“, The Straits Time, 25/04/2017.
Vào tháng 5/2017, một hội nghị thượng đỉnh quốc tế có thể lớn nhất năm nay sẽ được nhóm họp tại Bắc Kinh để thảo luận dự án tham vọng nhất thế giới. Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” (OBOR) của Trung Quốc nhằm định hình lại kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 bằng việc kết nối các nền kinh tế Á – Âu – Phi thông qua một mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ chưa từng có.
Theo ước tính của một số nhà phân tích, với chi phí khoảng
1.000 tỷ USD, OBOR đã trở thành một trong những chương trình phát triển kinh tế
lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc, vượt xa Kế hoạch Marshall (nhằm tái thiết
châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai) của Mỹ. Dự kiến, Trung Quốc sẽ tổ chức
Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế lớn nhất trong năm 2017 tại thủ đô Bắc Kinh vào
ngày 14-15/5 tới để thảo luận về OBOR với sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo
các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết có 110
nước cử đại diện trong đó có 28 nguyên thủ quốc gia gồm các nước như Nga, Thổ
Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Phillippines và Việt Nam
cùng nhiều quốc gia châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, cũng có nhiều nước không cử
lãnh đạo cấp cao tham dự như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Singapore và phần lớn các
nước Tây Âu còn lại. Không phải ngẫu nhiên khi các quốc gia này đều có mối quan
hệ gần gũi với Mỹ và được cho là “không thoải mái” với sự trỗi dậy hiện nay của
Trung Quốc.
Đa số lãnh đạo các nước tham dự hội nghị về OBOR không đơn
thuần là vì các vấn đề kinh tế. Nhiều quốc gia cho rằng, OBOR không thực sự
mang ý nghĩa kinh tế mà nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng chiến lược và chính trị
của Trung Quốc đồng thời đe dọa vai trò của Mỹ. Tuy nhiên, rõ ràng điều này chỉ
đúng một nửa bởi không thể bỏ qua lô-gíc rằng một quyền lực kinh tế mạnh sẽ
giúp củng cố những toan tính địa chính trị của chính quốc gia đó.
Trên thực tế, do một số động lực về kinh tế đã khiến Trung
Quốc đưa ra sáng kiến OBOR. Các động lực này bao gồm việc cần thiết phải thúc đẩy
sự phát triển ở các vùng sâu, vùng kém phát triển của nước này và hy vọng việc
tìm được cơ hội giảm bớt sự dư thừa của một số ngành công nghiệp chủ chốt như
ngành sản xuất sắt, thép. Nhưng động lực chính lớn hơn và tham vọng hơn nhiều lại
chính là việc Bắc Kinh muốn củng cố vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn
cầu và mạng lưới sản xuất sẽ là chìa khóa của kinh tế toàn cầu trong các thập kỷ
tới. Trung Quốc hiểu rằng khi nền kinh tế của họ trưởng thành và thu nhập người
dân tăng, các ngành công nghiệp có mức thu nhập thấp hơn (vốn thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế trong nước) sẽ di chuyển sang các nước kém phát triển hơn nơi có giá
nhân công rẻ hơn.
Các nhà lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc không muốn chống
xu hướng này nhưng lại muốn biến nó thành lợi thế bằng việc tạo cho mình một chỗ
đứng ở vị trí trung tâm của mạng lưới cung ứng toàn cầu mở rộng. Bằng cách này,
Trung Quốc có thể nắm giữ được những thị phần trong các cơ hội kinh tế có mức
thu nhập cao hơn. Sáng kiến OBOR chính là “trung tâm” của tầm nhìn này và sẽ
giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình
trên thế giới. Không những thế, trong vài thập kỷ tới, OBOR sẽ củng cố các tham
vọng của Bắc Kinh: trở thành quốc gia lãnh đạo trong việc phát triển các công
nghệ then chốt và tạo ra các tiêu chuẩn toàn cầu (bao gồm cả các yếu tố quan trọng
trong cơ sở hạ tầng như đường sắt tốc độ cao và mạng lưới dữ liệu…). Tất nhiên
tất cả những mong muốn, tham vọng này của Bắc Kinh mới chỉ là “tầm nhìn táo bạo”
bởi để trở thành hiện thực đòi hỏi phải có sự liên kết phi thường của các nguồn
lực tài chính, kỹ năng kỹ thuật, cam kết chính trị và hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, sẽ là không khôn ngoan nếu coi OBOR chỉ là một giấc
mơ thoáng qua. Thực tế cho thấy OBOR chính là quyền lực và uy tín của Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình. OBOR giữ vị trí trung tâm trong tầm nhìn của nhà lãnh
đạo này đối với Trung Quốc và là tham vọng (của ông) nhằm hoán đổi vị trí của
Trung Quốc trên thế giới trong thời gian cầm quyền. Ông Tập Cận Bình đã cho thấy
sự quyết tâm đối với OBOR và ở Trung Quốc điều này là rất quan trọng.
Rõ ràng nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cho rằng sáng kiến
OBOR cần phải được xem xét một cách nghiêm túc nên đã quyết định đến Bắc Kinh
vào ngày 14-15/5 tới. Trong khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị chào đón các nhà lãnh
đạo thế giới tới Bắc Kinh để thúc đẩy một kế hoạch “xuất khẩu” các công việc
thu nhập thấp trong các ngành công nghiệp (như chế tạo sắt thép) sang các nước
khác và chuyển đổi các công nhân Trung Quốc sang các công việc có thu nhập cao
thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang khởi động một kế hoạch “đóng cửa” đối với
mặt hàng thép nhập khẩu để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Theo đó, ông
Trump muốn đưa công nhân Mỹ trở lại những công việc mà Trung Quốc muốn công
nhân nước mình từ bỏ. Tuy nhiên sự tương phản này vẫn không thể nói trước được
điều gì. Trong khi Mỹ muốn giảm vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu và
dựa vào các ngành công nghiệp cũ thì Trung Quốc lại muốn mở rộng vai trò toàn cầu
và chuyển đổi nền kinh tế sang các ngành công nghiệp mới. Do vậy, khó có thể
đoán trước được tầm nhìn nào sẽ thành công hơn.
Rõ ràng những nhà lãnh đạo thế giới chọn giải pháp không tới
Bắc Kinh lần này có quyền lo sợ rằng OBOR mang một ý nghĩa địa chính trị to lớn.
Ngay cả khi Trung Quốc chỉ đưa ra một số ít tham vọng (thông qua OBOR) thì sáng
kiến này cũng sẽ trở thành một công cụ mạnh mẽ đối với ảnh hưởng của nước này tại
châu Á cũng như các khu vực khác đồng thời thách thức vai trò lãnh đạo thế giới
của Mỹ. Lãnh đạo các nước đã sai khi tưởng rằng có thể ngăn cản tham vọng của
Trung Quốc bằng cách “đứng ngoài cuộc”. Nếu Washington và đồng minh thực sự quyết
tâm chống lại thách thức từ Trung Quốc đối với trật tự toàn cầu cũ do Mỹ tạo lập
thì họ cần phải tính đến một viễn cảnh là trong tương lai kinh tế toàn cầu sẽ tập
trung vào Trung Quốc. Và để ngăn chặn được Trung Quốc, Mỹ và đồng minh cần phải
có một tầm nhìn kinh tế toàn cầu đầy mạnh mẽ và nhiều tham vọng.
*
Hugh White là Giáo sư về Nghiên cứu chiến lược tại Đại học
Quốc gia Australia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét