Đinh La Thăng (trái) và Nguyễn Phú Trọng.
Rất nhiều khả năng ông Đinh La Thăng bị đảng kỷ luật và còn
có thể phải ra tòa là do cuộc xung đột quyền lực và lợi ích. Nhưng bài viết này
chỉ đề cập một khía cạnh giấu kín của Đinh La Thăng: vi phạm nhân quyền. Cũng là lời cảnh báo cho đời bí thư sắp tới ở Sài Gòn…
Hai thái cực trong “tâm lý học Đinh La Thăng”
Mùa xuân năm 2016 khi mới chân ướt chân ráo lên mặt báo “từ
nay tôi sẽ dành toàn tâm toàn ý cho TP.HCM”, có lẽ tân ủy viên bộ chính trị
Đinh La Thăng chỉ muốn tìm một “bãi đáp” an dưỡng sau thời quẫy vùng các dự án
béo bở ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia và các gói thầu béo bở không kém thời làm bộ
trưởng giao thông vận tải sau đó.
Để nếu quan lộ thuận lợi và thiên hạ vẫn ở thế “chia hai,”
Đinh La Thăng sẽ đương nhiên trở thành “thủ lĩnh Nam Bộ” với Sài Gòn là trung
tâm của các trung tâm.
Hẳn đó là nguyên cớ sâu xa mà đã khiến tân Bí Thư Thăng trở
nên náo nhiệt trên mặt báo còn hơn cả thời điều hành Bộ Giao thông Vận tải, nhằm
mau chóng tiến chiếm yếu tố “nhân hòa” sau khi đã có được “địa lợi” ở miền Nam.
Duy có điều thật khó hiểu: trong lúc không hề sượng sùng
tuyên ngôn “vì dân và hành động” và tìm cách lấy lòng giới cán bộ lão thành, có
công cách mạng, trí thức và cả những người dân thường, Đinh La Thăng lại tuyệt
đối không nhân nhượng với giới hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn trong suốt gần một
năm rưỡi từ khi ông nhậm chức bí thư thành ủy đến nay.
Thậm chí thời Đinh La Thăng còn qua mặt và vượt hẳn cả bí
thư thành ủy cũ là Lê Thanh Hải cùng đương kim bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng
Trung Hải về “thành tích” ném mắm tôm, đánh đấm và bắt bớ nhân quyền.
Ban đầu, một số người còn mơ màng về “Thăng có xu hướng cải
cách”, “Thăng là người cấp tiến”, hay cao độ là “Thăng thân Mỹ”. Một số trí thức
và cán bộ đương chức lại cho rằng quyết định của Bộ Chính trị điều động ông
Đinh La Thăng vào Sài Gòn là “quá giỏi về mặt tổ chức”. Một số trí thức khác tỏ
ra hy vọng ông Thăng có thể trở thành một nhà kỹ trị để giúp thành phố giàu nhất
nước trở về “Hòn ngọc Viễn Đông”…
Nhưng chẳng bao lâu sau, những nhà hoạt động nhân quyền và
xã hội dân sự “mê” và từng góp sức tung hô hy vọng về Đinh La Thăng đã phải vò
đầu bóp trán: vì sao một người muốn và phải tìm cách mị dân như Thăng lại quay
ngoắt với dân chủ nhân quyền một cách cực đoan đến như thế? Giải thích ra sao về
“tâm lý học Đinh La Thăng”?
Chuỗi “thành tích” có hệ thống
Chỉ ít ngày sau khi Đinh La Thăng về “trấn” ở TP.HCM, một
trong trong những địa chỉ đầu tiên mà ông Thăng đến “ủy lạo” là Công an TP.HCM.
Cuộc làm việc như thể “người thân gặp lại”. Chủ đề gặp gỡ này được báo ngành
công an nhấn mạnh về “phải bảo đảm an ninh trật tự cho thành phố”.
Để ngay sau đó, vào ngày 19/1/2016 tưởng niệm 74 quân nhân
Việt Nam Cộng Hòa hy sinh để bảo vệ Trường Sa năm 1974, hàng trăm người bị đàn
áp, bị đánh đập, bị cấm ra khỏi nhà ở Sài Gòn. Công an TP.HCM lao vào đám đông
và giật phá tan nát vòng hoa tưởng niệm ở Sài Gòn. Trong khi đó, Công an Hà Nội
đã chỉ quan sát lễ tưởng niệm hy sinh vì Trường Sa của hàng trăm trí thức và
người dân Hà Nội tại tượng đài Lý Thái Tổ.
Một tháng sau, 17/2/2016 - ngày tưởng niệm 6 vạn quân nhân
và người dân Việt Nam đã hy sinh trong Chiến tranh vệ quốc 1979 chống Trung Quốc
xâm lược - cuộc dâng hoa thắp nhang thắm đượm lòng yêu nước của giới trí thức
Sài Gòn tại tượng đài Trần Hưng Đạo lại một lần nữa bị công an thành phố này
đàn áp và ngăn chặn thô bạo. Rất nhiều người khác đã bị lực lượng an ninh huy động
số đông chặn ngay tại nhà. Một số khác còn bị công an đánh đập thẳng tay.
“Không cho đi vì là ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt
- Trung” - công an tuyên bố không giấu diếm. Những nhân viên an ninh còn huỵch
toẹt: “Đây là lệnh của chính quyền TP. HCM”.
Song trong lúc chính quyền và giới công an TP. HCM tỏ ra mẫn
cán đến mức khó hiểu và “vì dân và hành động” mà khó có thể được hiểu khác hơn
là “bảo vệ Trung Quốc”, cuộc tưởng niệm 17/2 ở Hà Nội đã diễn ra yên bình. Chỉ
có một nhóm nhân viên an ninh đứng xung quanh và cũng chỉ làm nhiệm vụ ghi
hình.
Lần đầu tiên, cái tên Đinh La Thăng đã bị người dân và trí
thức réo lên phản đối.
Nhưng cho dù ngay sau ngày 17/2/2016, một bức thư ngỏ gửi Bí
thư thành ủy Đinh La Thăng đã được 61 trí thức cùng ký tên, vừa thống thiết vừa
cảnh báo với ông Thăng trước hình ảnh chà đạp thẳng chân lên nhân quyền và dân
chủ tại một thành phố chưa bao giờ thuộc về Hà Nội, Đinh La Thăng đã không hề hồi
đáp.
Từ đó đến nay, tất cả các cuộc tưởng niệm chiến tranh biên
giới 1979, Trường Sa, Hoàng Sa, Gạc Ma được giới nhân quyền tổ chức ở Sài Gòn đều
bị Công an TP.HCM thẳng tay ngăn chặn và đàn áp.
Nhưng trong bảng vàng thành tích của Công an TP. HCM và Bí
thư Đinh La Thăng, trận đàn áp cuộc biểu tình vì môi trường vào ngày 8/5/2016 mới
cần được gạch dưới như một đỉnh cao chói lọi: lực lượng ăn thuế của dân đã bắt
đến 500 công dân biểu tình nhốt tại sân vận động Hoa Lư. Chẳng có gì là chứng cứ
của “thế lực thù địch”. Chỉ toàn dân ra biểu tình. Rất nhiều gương mặt mới xuất
hiện: kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, có cả giám đốc ngân hàng.
Ngày hè đỏ nắng và đỏ máu ở Sài Gòn. Khắp trung tâm thành phố
này là cảnh “các lực lượng bảo vệ trật tự” nhe nanh lao vào hành hung không
thương tiếc người biểu tình. Xịt hơi cay, đánh đập đến đổ máu rất nhiều người,
đấm đá đến ngất xỉu hai mẹ con tuần hành như một cách kỷ niệm “Ngày của Mẹ”… Một
số hình ảnh đã được xác minh: chính những nhân viên công an đã hóa trang làm
thanh niên xung phong để tấn công dã man người biểu tình.
Cùng thời điểm trên, những người biểu tình vì môi trường ở
Hà Nội bị tống lên xe bus và đưa về “giam” tại một số trụ sở công an phường.
Nhưng thông tin về người biểu tình bị đánh đập ở Hà Nội lại ít hơn hẳn ở Sài
Gòn.
Đây là cuộc đàn áp bất thường, rất bất thường của Công an
“thành phố mang tên Bác”. Trận đàn áp đẫm máu này ngay lập tức đã được các hãng
thông tấn và báo chí quốc tế chú ý và loan tin. Lần đầu tiên, tên của Bí thư
Thăng xuất hiện trên mặt báo nước ngoài không phải như một “hiện tượng kỹ trị”,
mà một cách gián tiếp bị coi là “thủ phạm đàn áp nhân quyền”.
Cũng là một hiện tượng rất đáng được phân tích về tâm lý
hành vi và động cơ chính trị của Công an TP.HCM, đặc biệt dưới thời Đinh La
Thăng.
Hiện tượng trên tất dẫn đến một câu hỏi rất quan trọng về
“chính trị nội bộ”: Vì sao Công an TP. HCM lại quá mẫn cán trong việc bắt bớ
người bất đồng chính kiến, đàn áp và đánh đập người dân biểu tình tàn bạo hơn
Công an Hà Nội, trong khi Sài Gòn vẫn luôn được xem là đất Nam Bộ có khí chất
hiền hòa, ít xảy ra xung đột giữa chính quyền và dân chúng như khu vực miền Bắc
và miền Trung?
Lời giải về Đinh La Thăng
Đã không có được lời giải thỏa đáng cho câu hỏi trên, cho tới
tháng Tư năm 2017 bất ngờ tung tóe vụ Bí thư Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra
trung ương đề nghị kỷ luật đảng. Mãi đến lúc này, rất nhiều người mới biết rằng
Đinh La Thăng là “người của anh Ba Dũng”, và việc ông Thăng được đưa vào “trấn”
tại TP.HCM rất có thể dựa theo một thỏa thuận ngầm giữa ông Nguyễn Tấn Dũng với
ông Nguyễn Phú Trọng ngay trước Đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Cũng đến lúc này, lời giải hợp lý nhất cho câu hỏi trên thêm
một lần nữa được củng cố tính xác cứ của nó: yếu tố đấu đá phe phái chính trị
trong nội bộ đảng cầm quyền luôn tác động không nhỏ đến sự an nguy của các tổ
chức dân chủ nhân quyền và phản kháng của người dân.
Sau Đại hội 12, “anh Ba Dũng” đã “về vườn”. Nhưng nhiều dư
luận cho rằng “dây” của cựu thủ tướng này vẫn còn tại một số địa phương, trong
đó có TP. HCM. Có dư luận còn khẳng định rằng Công an TP. HCM thuộc về cái
“dây” ấy, mà trừ một số nhân vật cùng đệ tử được hưởng “lợi ích” đầy đủ, đại đa
số an ninh và cảnh sát đàn áp biểu tình ở TP. HCM đã vô hình trung bị biến
thành công cụ cho ý đồ “bắt nhân quyền làm vật hy sinh” đã được thực hiện trong
suốt một thời gian dài.
Nhưng bất kể những thông tin trên có độ xác thực đến mức
nào, hậu quả về “uy tín đối ngoại” phải nhận lãnh luôn “đánh” thẳng vào các
nhân vật Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc.
Không ai quên cuộc đối đầu lịch sử giữa Nguyễn Tấn Dũng với
Nguyễn Phú Trọng. Mãi cho đến ngày nay…
Đến lúc này, đã rõ Đinh La Thăng chính là nhân vật “vì dân
và hành động” như thế nào. Sự thật không thể chối bỏ là trong suốt thời gian từ
ngày nhậm chức bí thư thành ủy TP HCM, ngoài những năng lực vụn vặt như “mua sữa
cho dân”, làm đường cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng, mị dân đến mức hoang tưởng như
“TP.HCM phấn đấu có giải Nobel y học”, nhưng lại hoàn toàn thiếu tầm và đặc biệt
sút kém về công tác tổ chức nhân sự, công trạng lớn nhất của Đinh La Thăng là
góp một bàn tay vào trận đòn trấn áp trí thức và người dân, đặc biệt nhắm vào
những người yêu nước chỉ không muốn chế độ cầm quyền trở nên “người ta lớn bởi
vì mi quỳ xuống” trước Trung Nam Hải.
Hành vi thông đồng của Đinh La Thăng với Công an TP.HCM nhằm
đàn áp nhân quyền một cách có chủ ý, có hệ thống và dã man đã để lại quá nhiều
hậu quả cho đến giờ này.
Chia tay Đinh La Thăng, không có gì tiếc nuối. Chỉ như lời
vĩnh biệt một kẻ thông đồng bắt nhân quyền làm vật hy sinh mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét