Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Khoa học gia Đài Loan trốn sang Mỹ để cảnh báo cuộc chiến hạt nhân

Cindy Sui BBC




Ông Chang tới Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm 1988 sau khi sống cả đời ở Đài Loan để đưa tin về những tham vọng hạt nhân của chính phủ ông-Bản quyền hình ảnh CHANG HSIEN-YI 


Năm 1988, Đài Loan đang chạy đua trong việc chế tạo bom hạt nhân đầu tiên của họ, nhưng một nhà khoa học quân sự đã ngăn chặn điều đó khi đào thoát sang Hoa Kỳ và phơi bày những kế hoạch này. Đây là câu chuyện về một người vẫn khẳng định ông phải phản bội đất nước mình để cứu chính nó.
Cho đến ngày nay, những người chỉ trích vẫn coi ông Chang Hsien-yi là kẻ phản bội - nhưng ông không hề hối tiếc.

"Nếu tôi có thể làm lại điều đó một lần nữa, tôi cũng sẽ làm như vậy", người đàn ông 73 tuổi, bình thản nói như vậy từ căn nhà của mình ở tiểu bang Idaho, Hoa Kỳ.

Viên cựu đại tá quân đội sống ở đây từ năm 1988 khi ông bỏ trốn sang Mỹ, một đồng minh thân cận của hòn đảo Đài Loan, và đây là cuộc phỏng vấn đáng kể đầu tiên của ông về thời điểm đó.

Có thể nó là một sự kiện khá phức tạp trong bối cảnh mối quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Đài Loan, nhưng chính phủ tại Washington đã phát hiện ra rằng chính phủ Đài Loan đã bí mật ra lệnh cho các nhà khoa học phát triển vũ khí hạt nhân.

Kẻ thù của Đài Loan, chính phủ Trung Quốc cộng sản, đã xây dựng kho vũ khí hạt nhân của họ kể từ những năm 1960, và người Đài Loan luôn rất lo sợ nếu kho vũ khí đó được sử dụng nhắm vào hòn đảo này.

Đài Loan tách khỏi Trung Quốc sau cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Cho tới ngày nay, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và vẫn quả quyết sẽ thống nhất hòn đảo bằng vũ lực nếu cần thiết.

Giới lãnh đạo Đài Loan khi đó đang ở trong giai đoạn bất ổn - Tổng thống Đài Loan, Chiang Ching-kuo, đang sắp qua đời, và Hoa Kỳ cho rằng Tướng Hau Pei-tsun, người mà họ nhìn nhận là hiếu chiến, sẽ trở thành người kế nhiệm ông.

Giới lãnh đạo Đài Loan khi đó đang ở trong giai đoạn bất ổn - Tổng thống Đài Loan, Chiang Ching-kuo, đang sắp qua đời, và Hoa Kỳ cho rằng Tướng Hau Pei-tsun, người mà họ nhìn nhận là hiếu chiến, sẽ trở thành người kế nhiệm ông.

Họ lo lắng về khả năng hạt nhân hóa eo biển Đài Loan và tìm cách ngăn chặn không để tham vọng hạt nhân của Đài Loan phát triển và ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Vì vậy, họ bí mật cài ông Chang vào để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Đài Loan.

Khi ông Chang được CIA tuyển dụng vào đầu những năm 1980, ông là phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân Đài Loan, chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hạt nhân.

Là một trong những nhà khoa học hạt nhân chủ chốt của Đài Loan, ông sống cuộc sống với những đặc quyền và một mức lương rất khá giả.

Tuy nhiên, ông nói ông bắt đầu đặt câu hỏi liệu hòn đảo này có nên có vũ khí hạt nhân hay không sau thảm hoạ thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Liên Xô cũ.

Ông bị thuyết phục bởi lập luận của người Mỹ rằng việc chấm dứt chương trình hạt nhân là "tốt cho hoà bình, và vì lợi ích của Trung Quốc đại lục và của Đài Loan".

"Điều này rất phù hợp với suy nghĩ của tôi", ông Chang nói. "Nhưng lý do quan trọng nhất khiến tôi đồng ý là họ đã cố gắng rất nhiều và hứa với tôi sẽ đảm bảo sự an toàn của tôi."
Nhiệm vụ tiếp theo là đưa ông và gia đình ra khỏi Đài Loan.

Đào thoát

Vào thời điểm đó, các quan chức quân đội không thể rời khỏi Đài Loan mà không được phép.
Vì vậy, đầu tiên ông Chang đảm bảo vợ và ba con ông được an toàn bằng cách gửi họ đi nghỉ ở Nhật Bản.
Vợ ông, bà Betty, nói bà không biết t‎ nào về cuộc sống hai mặt của chồng bà. Họ chỉ nói chuyện với nhau về khả năng ông có thể nhận việc ở Mỹ.

"Ông nói với tôi đây là một cách thử để kiểm tra xem tôi có thể ra khỏi Đài Loan dễ dàng hay không và để xem tôi có thể mang theo bao nhiêu hành lý", bà nói.
Bà Chang rời Đài Loan ngày 8 tháng 1 năm 1988 cùng các con, và rất vui được đến Disneyland Tokyo chơi.

Ngay ngày hôm sau, ông Chang bay đi Hoa Kỳ sử dụng một chiếc hộ chiếu giả của CIA. Tất cả những gì ông mang theo là chút tiền mặt và một vài vật dụng cá nhân.
Ngược hẳn với các tin tức trước đó, ông nói ông không mang theo một tài liệu nào khi rời khỏi Đài Loan.

"Chính phủ Mỹ có tất cả bằng chứng, họ chỉ cần một ai đó - tôi - để xác nhận điều đó."
Trong khi đó ở Tokyo, bà Betty Chang được một phụ nữ tới gặp và đưa cho bà một lá thư của ông Chang.

Lúc đó bà mới biết chồng mình là gián điệp của CIA và đã đào thoát.

"Lá thư viết: 'Em sẽ không bao giờ trở lại Đài Loan và từ Nhật Bản em sẽ đến Hoa Kỳ' ... và tôi đã rất kinh ngạc.
"Tôi chỉ biết khóc khi hiểu ra rằng mình sẽ không bao giờ còn có thể trở lại Đài Loan nữa", bà Chang nói.

Gia đình bà được đưa lên máy bay đi Seattle, tại đây họ gặp lại ông Chang ở sân bay.

Sau đó gia đình ông Chang được đưa tới một nhà bí mật ở Virginia do lo sợ ông bị các nhân viên tình báo Đài Loan hoặc những kẻ cực đoan yêu nước khác ám sát.

Trong vòng một tháng, Hoa Kỳ đã thành công trong việc gây áp lực buộc Đài Loan phải chấm dứt chương trình hạt nhân bằng việc sử dụng thông tin tình báo đã thu thập được và lời làm chứng của ông Chang.

Đài Loan được cho là có thể hoàn thành một quả bom hạt nhân chỉ trong vòng một hoặc hai năm sau đó.

Nói ra sự thật

Ông Chang đã im lặng trong nhiều thập kỷ. Nhưng khi bắt đầu nghỉ hưu thời gian gần đây, nay ông muốn nói ra sự thật qua cuốn hồi ký mang tên Hạt nhân! Tình báo? CIA: Ghi chép từ một cuộc phỏng vấn với Chang Hsien-yi.

Cuốn sách, viết cùng học giả Chen Yi-shen và được xuất bản hồi tháng Mười Hai, đã khơi dậy cuộc tranh luận liệu có phải ông Chang đã làm một việc đúng đắn cho Đài Loan.


Một số người khen ngợi ông để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm ẩn. Những người khác coi hành động của ông là đã chối bỏ Đài Loan khả năng có vũ khí cần thiết cho nước này tự vệ và sống còn.

Ngay cả những người trong đảng cầm quyền, Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (DPP), vốn chính thức phản đối việc phát triển năng lượng và vũ khí hạt nhân, cũng nhìn nhận hành động của ông Chang không mấy thiện cảm.

"Bất kể quan điểm chính trị của bạn là gì, khi bạn phản bội đất nước mình, đó là điều không thể chấp nhận được... không thể tha thứ được", ông Wang Ting-yu thuộc đảng DPP và là chủ tịch ủy ban đối ngoại và quốc phòng của quốc hội Đài Loan nói.
Nhưng ông Chang quả quyết rằng ông lo sợ những chính trị gia đầy tham vọng của Đài Loan khi đó sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để chiếm lại Trung Quốc đại lục.
Ông nói bà Tưởng Giới Thạch, mẹ kế của Tổng thống Ching-kuo, người đang sắp qua đời, và một nhóm các tướng trung thành với bà thậm chí còn thành lập một bộ chỉ huy riêng để thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân.


"Họ nói họ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng không ai tin điều đó," ông Chang cho biết và nói thêm rằng Mỹ chắc chắn không tin điều đó.

Ngày nay, có thể vẫn có những chính trị gia có thể bị cám dỗ muốn sử dụng vũ khí như vậy, mà lần này là để theo đuổi cho nền độc lập chính thức của Đài Loan thoát hẳn khỏi Trung Quốc với bất cứ giá nào, ông nói.

Tuy nhiên, ông Wang của đảng DPP đã bác bỏ quan điểm này. "Chúng tôi hoàn toàn không xem xét điều này, chúng tôi thậm chí không nghĩ đến điều đó," ông nói.


Đài Loan có các nhà máy điện hạt nhân và người dân đã biểu tình chống lại một số nhà máy này
Trong những năm qua, một số Tổng thống Đài Loan tỏ ý muốn kích hoạt lại chương trình hạt nhân của hòn đảo này, nhưng các đề xuất đó đã nhanh chóng bị phản đối của Washington loại bỏ.
Tuy nhiên, Đài Loan vẫn được nhiều người xem là có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng khi cần. Trung Quốc trong những năm gần đây đã đe doạ sẽ tấn công nếu Đài Loan triển khai vũ khí hạt nhân.

'Tôi yêu Đài Loan'

Sau khi đào tẩu, quân đội Đài Loan đưa ông Chang vào danh sách những kẻ bị truy lùng. Nhưng ngay cả sau khi lệnh truy nã ông hết hạn vào năm 2000, ông vẫn không chưa hề trở lại Đài Loan và không có kế hoạch quay trở lại.
Ông không muốn phải trả lời trước những chỉ trích mà chắc chắn ông sẽ phải đối mặt và những tác động tiêu cực có thể có đối với gia đình ông tại đó.

 Gia đình ông Changchụp năm 1995, vài năm sau khi họ đào tẩu sang Hoa Kỳ-Hình ảnhCHANG HSIEN-YI 

Năm 1990, họ được định cư tại Idaho, nơi ông Chang làm kỹ sư tư vấn và khoa học gia tại Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho của chính phủ Mỹ cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2013.

Ông nói hối tiếc duy nhất của ông là đã không thể gặp lại cha mẹ mình trước khi họ qua đời.

"Bạn không cần phải ở Đài Loan mới yêu Đài Loan; tôi yêu Đài Loan", ông Chang nói.
"Tôi là người Đài Loan, tôi là người Trung Quốc, tôi không muốn thấy người Trung Quốc ở cả hai bên bờ eo biển Đài Loan giết lẫn nhau."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét