Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ khai mạc Hội
nghị Trung ương 5 - Getty Images
Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra từ 5 đến 11 tháng 5, với dấu hiệu vai trò của Ủy
ban Kiểm tra Trung ương có vẻ sẽ được đề cao.
Được biết Hội nghị sẽ diễn ra cả trong hai ngày thứ Bảy, Chủ
nhật. Sự kiện này càng được dư luận quan tâm sau khi ngày 27/4, Ủy
ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem
xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.
Liệu ông Thăng có phải nhận hình thức kỷ luật nào rất có thể
sẽ là một chủ điểm được trông đợi tại Hội nghị Trung ương 5.
Kinh tế tư nhân
Một chủ đề khác được quan tâm là việc Hội nghị sẽ ban hành
Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình hồi tháng Tư
nói nghị quyết này sẽ là "một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa".
"Phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu, khách
quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", ông Bình nói hôm
26/4.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, vấn đề kinh tế tư nhân sẽ
là một chủ đề bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII này.
Ông Bình cũng nêu rằng "cần thống nhất quan điểm kinh tế
Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một
nền kinh tế độc lập, tự chủ."
"Coi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế
thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực
và giải phóng sức sản xuất, và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát
triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm."
Theo ông, kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một
động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Các báo Việt Nam cho hay kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là
kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác
của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015.
Được biết Hội đồng Lý luận Trung ương đã xây dựng 2 Báo cáo
tư vấn cho hội nghị "về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa" và "đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo
điều kiện phát triển kinh tế tư nhân".
Bên cạnh đó, căn cứ vào phát biểu của Phó Thủ tướng Vương
Đình Huệ về Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra thì việc tái cơ cấu trong các
doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ là chủ đề cần xem xét đến, nhất là các tập đoàn
kinh tế, tổng công ty lớn.
Sàng lọc và khai trừ Đảng
Ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải sang) bị 'đề
nghị kỷ luật'- Getty Images
Không lâu trước Hội nghị Trung ương 5, hôm 29/04 vừa qua,
báo Nhân Dân có bài đề cao vai trò của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương
4, Khóa XII, trong đó Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng Cộng sản được đóng
vao trò quan trọng.
"Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp
và chi bộ phải chủ động đổi mới, tăng cường và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám
sát định kỳ và đột xuất..."
Mục tiêu dùng cơ quan này để làm "trong sạch đội
ngũ", qua cách "xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật trước, sau đó chỉ đạo
hoặc đề nghị các tổ chức nhà nước, đoàn thể xem xét xử lý kỷ luật về hành
chính, đoàn thể kịp thời, đồng bộ hoặc yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý bằng
pháp luật".
Bài báo cũng viết: "Cán bộ, đảng viên vi phạm phải có
hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng;
khắc phục tình trạng xử lý nhẹ trên, nặng dưới."
"Cấp ủy các cấp chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát,
sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng để làm
trong sạch nội bộ Đảng."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét