Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Hàn Quốc : Không có tuần trăng mật cho tân tổng thống Moon Jae In

Thanh Hà




Chống tham nhũng, đem lại việc làm và niềm tin cho giới trẻ Hàn Quốc là những mục tiêu chính trong nhiệm kỳ của tân tổng thống Moon Jae In. Với công luận Hàn Quốc, vế kinh tế quan trọng hơn đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trên bàn cờ thương mại, Seoul bị kẹt giữa Washington và Bắc Kinh.

Pháp và Hàn Quốc cách nhau đến nửa vòng trái đất, nhưng sứ mệnh của hai vị tân tổng thống Emmanuel Macron và Moon Jae In lại gần giống nhau : Đem lại niềm tin cho một phần công dân đang bị mất hướng tại hai quốc gia này, chủ yếu là những người bị gạt ra ngoài thị trường lao động. Phát biểu đầu tiên ở cương vị tổng thống, cả hai ông Macron và Moon cùng nói đến "những khó khăn vô cùng to lớn" mà họ sẽ phải đối mặt.

Ngày 09/05/2017 ứng cử viên Moon Jae In cánh trung tả, 64 tuổi, đắc cử vẻ vang. Chiêu bài kinh tế của ông có sức thuyết phục cử tri hơn hẳn chiến lược khai thác nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên để kiếm phiếu.

Trên quảng trường Gwanghwamun, ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố hàng triệu người dân Hàn Quốc đã tìm lại nụ cười. Cũng trên quảng trường này trong nhiều tháng ròng rã hàng triệu, hàng chục triệu người, đã tập hợp về đây đòi bà Park Geun Hye phải ra đi sau tai tiếng "tham nhũng, lạm dụng quyền lực, móc ngoặc, tiết lộ bí mật quốc gia".

Hơn 40 % cử tri Hàn Quốc đã bỏ phiếu cho ông Moon Jae In với hy vọng ông thực sự tiến hành một "cuộc cải cách sâu rộng cho đất nước" để "đem lại một luồng sinh khí mới" cho nền kinh tế thứ tư của châu Á. Kỷ lục về số phiếu nói trên vừa là một thắng lợi, vừa là áp lực rất lớn đối với tân lãnh đạo Hàn Quốc.

Trả lời ban Việt ngữ RFI, bà Juliette Morillot, chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, đồng tác giả cuốn « 100 câu hỏi chung quanh Bắc Triều Tiên – La Corée du Nord en 100 questions », nhà xuất bản Tallendier ra mắt công chúng năm 2016 phân tích về hai yếu tố tối quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc lần này là kinh tế và địa chính trị.

Trước hết, bà Morillot phác họa ra toàn cảnh kinh tế đang chờ đợi tổng thống thứ 12 của xứ Hàn :

Juliette Morillot : Hàn Quốc là nền kinh tế thứ tư châu Á, nhưng ông Moon Jae In lên cầm quyền vào lúc tăng trưởng đang bị chựng lại. Tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức 2,6 %. Tuy nhiên thách thức lớn nhất chờ đợi tân tổng thống Moon là cải tổ sâu rộng hệ thống kinh tế và xã hội tại quốc gia này. Cốt lõi vấn đề liên quan trực tiếp đến các đại tập đoàn công nghiệp, chaebol.

Như đã biết, chính các đại tập đoàn này đưa Hàn Quốc vươn lên để trở thành một con rồng của châu Á. Những chaeobol đó trong tay một vài đại gia đình. Gần như một phần lớn đời sống kinh tế và xã hội của Hàn Quốc tùy thuộc vào những đại đại gia đình này. Đó chính là điểm khởi đầu của rất nhiều những hình thức lạm dụng. Tôi muốn nói tới nạn tham nhũng, đến những vụ hối mại quyền thế. Trong nhiều thập niên, công luận Hàn Quốc chấp nhận mô hình này.

Nhưng với loạt biểu tình đã nổ ra hồi tháng 10/2016 và kéo dài cho tới tháng Giêng năm nay, thì rõ ràng là người dân Hàn Quốc không chấp nhập mô hình đó nữa.

Hệ quả rõ rệt nhất là tổng thống Park Geun Hye đã bị truất phế, bà đang phải ngồi tù. Lực đẩy chính của cỗ xe kinh tế Hàn Quốc là các tập đoàn chaebol cũng ít nhiều bị tai tiếng và uy tín của một vài gia đình gần như là nắm trọn vận mệnh kinh tế quốc gia đó cũng đã bị sứt mẻ. Điều này ảnh hưởng đến một phần lớn trong xã hội Hàn Quốc.

RFI : Vậy chương trình cải tổ sâu rộng của tân tổng thống Moon Jae In gồm những gì ?

Juliette Morillot : Mục tiêu cải tổ các tập đoàn chaebol là một ưu tiên trong chương trình vận động của ông Moon Jae In, theo hướng bảo vệ các cổ đông nhỏ trước áp lực của gia đình sáng lập ra tập đoàn đó. Thí dụ như trong trường hợp của Samsung, con trai của chủ nhân tập đoàn, là ông Lee Jay Yong đang bị cầm tù và tất cả các thành viên trong gia đình này đều đứng sau lưng ông.

Với tân tổng thống Moon tình trạng đó phải chấm dứt. Thế lực tuyệt đối của những dòng tộc đó sẽ bị thu hẹp lại trong khuôn khổ tất cả các hội đồng quản trị. Ông cũng muốn là việc tuyển dụng nhân viên và nhất là lãnh đạo các chaebol phải được thực hiện một cách công bằng, tạo cơ hội cho tất cả những người tài giỏi có thể được tuyển dụng. Không nhất thiết đó chỉ là những thành viên trong gia đình của người đã sáng lập ra công ty, hay là bạn bè, thân thuộc của họ. Tôi nghĩ đây là một thách thức rất lớn.

RFI : Xã hội Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng đó hay chưa ?

Juliette Morillot : Vâng tôi, nghĩ là họ đã sẵn sàng đi theo con đường ông Moon Jae In đang bắt đầu vạch ra. Công luận kỳ vọng rất nhiều vào khả năng cải tổ, vào chương trình kinh tế, vào một cái nhìn mới về xã hội của tân tổng thống Hàn Quốc. Giới trẻ đang hy vọng rất nhiều.

Dân số Hàn Quốc đang bị lão hóa. Tỷ lệ thất nghiệp lại cao ở mức kỷ lục : 11,6 %, thanh niên Hàn Quốc không có việc làm. Thành thử tân lãnh đạo Hàn Quốc phải nhanh chóng đem lại niềm tin cho giới trẻ, đẩy lui nạn tham nhũng. Ông có hứa tạo thêm 800.000 việc làm trong 5 năm tới.

Theo tôi, đem lại niềm tin cho giới trẻ sẽ không dễ, bởi phần lớn là những người có rất nhiều bằng cấp, nhưng họ lại không có việc làm, và về mặt tinh thần, thì thanh niên xứ này đang bị bảy căn bệnh trầm kha, đó là bảy cái « Không » : không còn thiết yêu đương, không có nguyện vọng lập gia đình, không muốn có con, không đủ sức mua nhà, không có việc làm, không có hy vọng và không muốn giao tiếp với ai.

RFI : Về phương diện xã hội mà nói thì đây là thất bại rất lớn của Hàn Quốc. Thế còn về mặt thương mại : xuất khẩu là động lực kinh tế của Hàn Quốc và nước này lệ thuộc vào ba đối tác lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, mà quan hệ giữa Seoul với ba quốc gia nói trên đều đang gặp trở ngại.

Juliette Morillot : Trên phương diện này, Hàn Quốc đang trong tình huống hết sức tế nhị, bởi vì vế thương mại và địa chính trị thường gắn liền với nhau. Ở đây tôi muốn nói tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và ngay cả giữa Seoul với Washington. Có thể nói một cách ngắn gọn rằng an ninh của Hàn Quốc tùy thuộc vào Mỹ, nhưng sự thịnh vượng kinh tế của nước này lại lệ thuộc vào Trung Quốc.

Với Mỹ thì từ khi lên cầm quyền, tổng thống Trump không ngừng tuyên bố xét lại tất cả các hiệp định tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ với các đối tác còn lại trên thế giới trong đó có Hàn Quốc. Chính Donald Trump từng tuyên bố "hiệp định thương mại Mỹ-Hàn làm tổn hại nhiều đến quyền lợi của Hoa Kỳ" Washington đang đòi đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Seoul.

Với Trung Quốc, tình thế càng phức tạp hơn. Trung Quốc rất gần với Hàn Quốc, là đối tác thương mại lớn nhất của xứ này. Từ một năm nay, quan hệ song phương đã nguội lạnh trước việc Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bắc Kinh coi đây là một mối đe dọa trực tiếp. Để đáp trả, Trung Quốc liên tục tìm cách trừng phạt Hàn Quốc qua nhiều ngả, từ chuyện tẩy chay các sản phẩm văn hóa của xứ Hàn vốn rất được người Trung Quốc ưa chuộng, đến việc cấm công dân Trung Quốc du lịch Hàn Quốc, hay trừng phạt tập đoàn Lotte…

Trên thực tế các biện pháp trừng phạt đó không đáng là bao. Điều khiến Hàn Quốc lo ngại là nguy cơ Trung Quốc cũng đòi xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch song phương, đã được đôi bên ký kết từ 2014.

Yếu tố thứ ba trên bàn cờ thương mại của Hàn Quốc là Nhật Bản : hiện có hai cái gai trong quan hệ Tokyo Seoul. Đành rằng cả hai đều là đồng minh của Mỹ, nhưng Nhật Hàn vẫn chưa thanh toán xong quá khứ lịch sử trên hồ sơ gái giải sầu. Bên cạnh đó là tranh chấp chủ quyền trên hòn đảo Dokdo/Takeshima.

RFI : Chúng ta không thể nói tới Hàn Quốc mà quên yếu tố Bắc Triều Tiên.

Juliette Morillot : Đúng như vậy. Nhưng ngay sau khi đắc cử tổng thống Moon Jae In đã khẳng định quyết tâm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, thậm chí là tiếp tục đi theo chính sách Vầng Thái Dương được cố tổng thống Kim Dae Jung khởi xướng. Thậm chí ông Moon Jae In còn mạnh dạn tuyên bố sẵn sàng đến tận Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Un, nếu điều kiện cho phép.

Một quyết định quan trọng khác mà ông sẽ chóng đưa ra là khởi động lại khu vực công nghiệp Kaesong trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Các hoạt động tại đây bị gián đoạn từ năm 2016, sau khi Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử. Doanh nhân Hàn Quốc đầu tư vào Kaesong đã thua lỗ nhiều. Chính ý muốn trở lại khu vực công nghiệp này vừa là một bài toán trắc nghiệm về quan hệ song phương, vừa gây rất nhiều tranh cãi tại Seoul. Nhưng đây là một trọng tâm khác trong cương lĩnh tranh cử của ông Moon Jae In mà tôi nghĩ là ông sẽ đi tới cùng.
*
(Juliette Morillot, chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, đồng tác giả cuốn « 100 câu hỏi chung quanh Bắc Triều Tiên – La Corée du Nord en 100 questions », nhà xuất bản Tallendier ra mắt công chúng năm 2016).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét