Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và thủ tướng Việt Nam Nguyễn
Xuân Phúc vào ngày 31 tháng 5 có cuộc gặp ở Nhà Trắng. Trong những ngày trước
khi diễn ra hoạt động quan trọng đó, một số sinh hoạt liên quan tình hình nhân
quyền và tự do tôn giáo Việt Nam diễn ra tại thủ đô Washington D.C. Hoa Kỳ. Các bạn trẻ trong nước có ý kiến gì về sự kiện đáng chú ý vừa
nêu?
Đây không phải là lần đầu tiền vấn đề nhân quyền và tôn giáo
được người quan tâm kỳ vọng là một trong những trọng tâm khi nguyên thủ, lãnh đạo
của hai nước Việt - Mỹ gặp nhau. Vào năm 2016, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack
Obama cũng từng đề cập đến vấn đề này trong chuyến viếng thăm Việt Nam.
Dương Đại Triều Lâm, nhà hoạt động xã hội, từ Sài Gòn cho
chúng tôi biết quan điểm của anh về nội dung luôn được nhắc đến trong đối thoại
giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Thường thì trong các chuyến thăm giữa nguyên thủ các nước hoặc
các ký kết thì Việt Nam ký kết rất nhiều, hứa hẹn, nhưng tình hình thực tế ở Việt
Nam thì không cải thiện được bao nhiêu cả. Họ vẫn bắt bớ, đánh đập, bỏ tù những
người hoạt động, những người bất đồng chính kiến, những người không đồng hành với
họ về các vấn đề chính sách hay vấn đề về xã hội. Ngay cả việc đối thoại nhân
quyền Việt – Mỹ rất nhiều nhà hoạt động bị giữ rất thô bạo.
Ý tôi muốn nói là trước giờ Việt Nam ký kết rất nhiều, nhưng
họ thực thi rất ít. Hy vọng là có 1 cách để bắt buộc Việt Nam tuân thủ những ký
kết đó 1 cách chặt chẽ và giám sát quá trình thực hiện đó mạnh mẽ hơn bằng những
chế tài cụ thể hơn.”
Vấn đề sẽ được cải thiện?
Từ Hà Nội, bạn Lý Quang Sơn, cũng là một nhà hoạt động xã hội
tích cực, cho biết theo anh, tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam ngày
càng xuống cấp. Tuy nhiên anh có niềm tin rằng qua chuyến đi này của Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề sẽ được cải thiện.
“Thật ra nó không được cải thiện một tí nào. Bằng chứng là rất
nhiều nhà bất đồng chính kiến, người tham gia đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp
hơn thì ngày càng bị sách nhiễu thường xuyên hơn, ở góc độ khốc liệt hơn. Rất
nhiều bị bắt, từ đầu năm đến giờ khoảng 12 người.
Đấy là vấn đề nhân quyền, còn về tôn giáo thì nhà cầm quyền
Việt Nam gần đây không ngừng dùng lực lượng của chính quyền như mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ để mà bôi nhọ các vị linh mục ở Nghệ
An. Vấn đề tôn giáo rất nhức nhối như vậy. Ngoài ra các vấn đề ở khu vực Tây
Nam Bộ, ví dụ như Phật giáo Hoà Hảo bị đàn áp thường xuyên.
Tình hình từ trước đến nay chưa hề thay đổi, thậm chí còn tệ
hơn. Và em nghĩ rằng trong chuyến đi này mọi chuyện sẽ được cải thiện.”
Trái ngược với suy nghĩ trên, Che Hoàng, từ Vũng Tàu cho biết
anh không hy vọng những vấn đề nhân quyền, tôn giáo sẽ được cải thiện sau chuyến
đi Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc.
“Mong đợi thì nó rất bi quan, trong tình hình không có gì
sáng sủa so với năm ngoái. Một cách nào đó thì họ luôn tỏ ra là họ có thi hành
những cam kết trong bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà họ là thành viên,
nhưng nó là “diễn’, vì thực tế những gì họ thể hiện trên quốc tế thì lại ngược
với những gì trong nước khi mà họ sử dụng đàn áp, chặn những người hoạt động xã
hội tiếp xúc với phái đoàn muốn tiếp cận sự thật về nhân quyền.”
Tuy là thế, nhưng bạn Chế Hoàng cũng cho rằng có thể chính
quyền mới của tổng thống Donald Trump có thể gây sức ép lên chính quyền Việt
Nam.
“Nếu áp lực của Mỹ trong chính quyền mới có cách nào khác với
người tiền nhiệm của ông thì cũng có thể có hy vọng nào đó, chứ nếu lối mòn như
ngày xưa thì vẫn vậy… Chỉ là một hy vọng nào đó thôi, không cụ thể lắm.”
Trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân
Phúc, Quốc Hội Mỹ có buổi điều trần về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo đang
diễn ra một cách nghiêm trọng ở Việt Nam. Buổi điều trần bắt đầu lúc 12 giờ 30 phút trưa Thứ Năm, 25 Tháng
Năm, tại phòng 2172 Rayburn House Office Building.
Thêm vào đó, một nguồn tin ẩn danh từ Nhà Trắng cho biết trợ
lý đặc biệt của tổng thống Hoa Kỳ kiêm giám đốc cấp cao về Á châu Sự vụ Hội đồng
An Ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông Matt Pottinger, vào chiều ngày 26 tháng 5 chủ
trì cuộc nói chuyện bàn tròn với một số vị đứng đầu các tổ chức xã hội dân sự
Việt Nam tại Mỹ.
Cần giám sát chặt chẽ
Khi được hỏi rằng trước những tác động từ phía Hoa Kỳ, liệu
chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe và đồng ý cải thiện vấn đề tự do nhân quyền,
tôn giáo trong nước hay không? Dương Đại Triều Lâm cho biết.
“Tôi không nghĩ là chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe. Khi họ cần
họ có thể ký kết, nhưng thực hiện thì họ không thực hiện. Tôi vẫn không tin
chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện những cam kết nếu thiếu những giám sát chặt chẽ.”
Theo Dương Lâm, có một vấn đề anh nhận thấy qua những lần
nhân quyền, tôn giáo được nhắc đến trong
các chuyến công cán của chính phủ Việt Nam với các nước khác, đó là:
“Nó giống như 1 tài sản mà chính phủ đem ra để tài sản. Người
ta xem nó như 1 tài sản để người ta mang đi trong các cuộc đàm phán, các cuộc
đi xin viện trợ không hoàn lại, hoặc viện trợ hoàn lại hoặc các hiệp định.”
Không hoàn toàn đồng thuận với Dương Lâm, bạn Lý Quang Sơn
cho rằng theo bạn, chính phủ Việt Nam đang lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ,
tôn giáo của dân tộc để trao đổi những mục đích chính trị, xã hội và kinh tế.
“Nếu dùng từ tài sản là không đúng vì nếu đã là tài sản của
chúng ta thì chúng ta phải quí. Có thể dùng từ là ‘lợi dụng’ nhân quyền, tự do
và tôn giáo để trao đổi với phía Mỹ. Và đây gần như là một mũi tên bắn hai con
chim, mục đích của họ là vừa đàn áp nhân quyền và tôn giáo trong nước, không ai
có thể thay được cái độc tôn của họ, vừa lợi dụng vấn đề này để thương lượng với
họ để có những lợi ích về kinh tế để tiếp tục thu vào túi họ.”
Là những người trẻ rất quan tâm đến tình hình chính trị,
phát triển một xã hội tốt đẹp văn minh, người dân có quyền tự do lên tiếng như
hiến định, những thanh niên như Dương Lâm, Lê Quang Sơn, Chế Hoàng đều mong muốn
có cơ hội gửi những thông điệp của họ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói
chung đến với thế giới. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa biết có mang đến sự khác biệt
nào so với những chuyến công du trước đây hay không? Nhưng mỗi một người đều
chia sẻ những lời họ muốn gửi đến:
Dương Lâm cho biết:
“Trước nhất, vấn đề em quan tâm nhiều nhất là vấn đề môi trường
ở Việt Nam. Nếu mà nói đến tình trạng phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường
thì rất nguy hiểm. Đặc biệt là vấn đề Formosa bây giờ, chính phủ vẫn có những
bước giải quyết rất vội vàng, chưa đánh giá và lường được hết hậu quả mà đã đưa
ra kết luận. Không chỉ ở Formosa mà còn ở Sơn Trà, nhà máy Lee&Man.
Vấn đề thứ hai tôi quan tâm là nhân quyền Việt Nam, tôi hy vọng
trong cuộc gặp của chính phủ hai nước, khi ký kết những vấn đề về tôn trọng
nhân quyền thì sẽ có những chế tài chặt chẽ hơn để bắt buộc chính phủ Việt Nam
phải tôn trọng, cho phép tự do ngôn luận, quyền con người, quan tâm đến tình trạng
của các tù nhân chính trị đang trong tù.”
Đối với Lý Quang Sơn, anh cho rằng vấn đề nhân quyền, tôn
giáo của Việt Nam thì phải do người dân Việt Nam đứng lên giành lại, nhưng cũng
không thể thiếu sự ủng hộ và quan tâm của chính quyền Hoa Kỳ.
“Chính vì thế, nếu nhắn nhủ với ông Trump thì em muốn ông
quan tâm nhiều hơn đến tình hình dân chủ nhân quyền Việt Nam, quan tâm đến chế
tài Magnisky, hoàn thiện nó và áp dụng lên những nhà lãnh đạo Việt Nam đã đàn áp
nhân quyền. Đó là một trong những vũ khí tối ưu hiện nay mà chính quyền Trump
có thể hỗ trợ cho Việt Nam.
Còn đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì em hy vọng là những
người lãnh đạpo cấp cao như ông, luôn muốn kiến tạo ra 1 hành chính tốt hơn,
thì em hy vọng lời nói của ông không phải là lời nói suông. Chính ông Phúc khi
được sự phản biện về vấn đề nhân quyền, thì ông sẽ là những người đổi thay và
làm đúng những gì ông nói.”
Ngày 31 tháng 5 tới đây, tại Nhà Trắng, thủ đô Washington
D.C. Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là lãnh đạo đầu tiên trong khối
Asean được ông Trump tiếp tại Tòa Bạch Ốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét