Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đón tiếp Đặng Tiểu
Bình tại Washington tháng Giêng 1979 - Getty Images
BBC có cuộc phỏng vấn với một học giả gốc Trung Quốc nói về
cuộc chiến của Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam năm 1979. Tiến sĩ Xiaoming Zhang, từ trường Air War College, Hoa Kỳ,
là tác giả cuốn sách Deng Xiaoping's Long War: The Military Conflict between
China and Vietnam 1979-1991, ra mắt năm 2015.
Trong nghiên cứu này, ông đánh giá cuộc chiến nhìn từ quan
điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Xiaoming Zhang: Dĩ nhiên, không sử gia nào bên ngoài Trung
Quốc được tiếp cận trọn vẹn hồ sơ chiến tranh của Trung Quốc. Nhưng vẫn có nhiều
nguồn Trung Quốc để giới sử gia được tìm hiểu cuộc chiến 1979 từ góc nhìn của
Trung Quốc.
Ví dụ, có các báo cáo sau trận đánh của Quân Giải phóng Nhân
dân, chứa đựng thông tin chi tiết về cách họ chuẩn bị, vận hành chiến tranh,
cũng như thương vong họ chịu và số người họ giết. Các báo cáo này có thể không
hoàn toàn chính xác vì lẫn lộn trong lúc đánh nhau, hay tổn thương trí nhớ vì sốc.
Nhưng chúng vẫn có giá trị cho người viết sử.
Để so sánh, có vẻ như chính ra ở phía Việt Nam lại vẫn còn
nhiều 'huyền thoại' về chiến tranh 1979. Ví dụ, ở tầm mức chiến lược, vì sao Lê
Duẩn nghĩ Trung Quốc là kẻ thù số một sau chiến tranh Việt Nam? Ở mức thực tế,
quân đội Việt Nam đánh giá cách đánh của họ thế nào trong chiến tranh? Tôi có đọc
một số lịch sử quân sự Việt Nam và thấy chúng không khách quan, muốn định hình
lịch sử có lợi cho họ mà ít dữ liệu thực tiễn.
BBC:Từ góc nhìn của Trung Quốc, vì sao Đặng Tiểu Bình muốn
khởi chiến năm 1979?
Chương hai trong cuốn sách của tôi trả lời câu hỏi này. Có
nhiều nguyên do thúc đẩy Đặng tiến hành chiến tranh chống Việt Nam.
Nguyên do trước tiên và quan trọng nhất là cách Đặng phản ứng
trước đe dọa của Liên Xô với Trung Quốc khi đó. Liên minh của Hà Nội với Moscow
khiến Đặng tin rằng đe dọa của Liên Xô không chỉ từ phía bắc mà cả từ phía nam.
Sự tính toán của Đặng cũng xảy ra vào lúc ông ấy ngày càng
lo ngại về sự sụt giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trong vùng và trên thế giới
sau Chiến tranh Việt Nam. Yếu tố Liên Xô thúc Đặng tìm kiếm hợp tác chiến lược
với Mỹ chống Moscow. Vì chính sách này nhấn mạnh đối đầu, nên tiếp cận của Bắc
Kinh trước khủng hoảng quốc tế trong vùng trở nên cứng rắn và mang tính quân sự.
Các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng tấn công trừng phạt Việt Nam sẽ là cú đòn đánh
vào chiến lược bành trướng toàn cầu của Liên Xô.
Rốt cuộc có lẽ Trung Quốc đã phản ứng thái quá trước đe dọa
của Liên Xô. Nhưng vào lúc đó, Đặng Tiểu Bình thực sự tin vào nó.
Còn có những yếu tố khác tác động quyết định gây chiến của Đặng,
gồm chính trị trong nước và quan hệ với Mỹ. "Hành vi sai trái" của Việt
Nam, đặc biệt là liên minh với Liên Xô, làm người Trung Quốc giận dữ. Họ muốn
trừng phạt đồng minh phản bội sau nhiều năm Trung Quốc phải hy sinh giúp đánh Mỹ.
Các va chạm biên giới cũng khích động tình cảm người Trung
Quốc. Yếu tố tình cảm đóng vai trò quan trọng để tạo nên sự đồng thuận trong giới
lãnh đạo chính trị và quân sự ủng hộ Đặng gây chiến.
Quyết định đánh Việt Nam chủ yếu do đánh giá về tình hình
chiến lược của Trung Quốc, nhấn mạnh liệu sự bành trướng của Liên Xô có tác động
gì cho an ninh thế giới, và Trung Quốc cần có trách nhiệm gì để duy trì cân bằng
quyền lực đại cường. Đặng tin rằng liên minh với phương Tây sẽ chứng tỏ Trung
Quốc có giá trị trong cuộc đấu tranh chống Liên Xô bành trướng và rằng để đổi lại,
phương Tây sẽ giúp Trung Quốc cải tổ kinh tế.
Ngoài ra, đấu tranh quyền lực trong đảng, cộng thêm phe nhóm
trong quân đội, cũng khiến Đặng càng sẵn sàng có hành động quân sự chống Việt
Nam. Theo ông ta, làm thế sẽ khuấy động ủng hộ trong nước và nước ngoài, tạo
nên môi trường an toàn và ổn định để Trung Quốc hiện đại hóa.
Cuối cùng, tính cách và cách lãnh đạo độc tài của Đặng cũng
đóng vai trò lớn.
Không có một nguyên do duy nhất giải thích. Khi kết hợp toàn
bộ các yếu tố, dù chúng có lý hay không, Đặng Tiểu Bình tin rằng việc dùng vũ lực
khi đó là cần thiết. Vì thế cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 trở nên tất yếu.
Chiến tranh xảy ra nhằm đạt những mục tiêu chính trị nào đó.
Vậy Bắc Kinh đề ra mục tiêu gì?
Công khai thì Trung Quốc nói chiến tranh nhằm dạy cho Việt
Nam "bài học". Nhiều người tưởng rằng "trừng phạt" là mục
tiêu, để rồi kết luận thương vong nặng nề của Trung Quốc tức là họ đã không đạt
được mục tiêu dạy cho Việt Nam "bài học".
Ông Lý Bằng là Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên
thăm Việt Nam sau 21 năm, vào năm 1992 - Getty Images
Trong sách, tôi không tán thành ý này. Đối với Đặng, dạy Việt
Nam "bài học" là thông điệp không chỉ gửi cho Việt Nam mà cả cho Liên
Xô, Mỹ và các nước phương Tây. Phản ứng của Việt Nam trước cuộc xâm lược là
phòng thủ biên giới phía bắc, tiếp tục chính sách thù địch với Trung Quốc, dựa
vào Liên Xô để có hỗ trợ tài chính và kinh tế. Để đáp lại, Mỹ và phương Tây từ
1979 có vẻ quan tâm hơn việc cung cấp hỗ trợ tài chính và công nghệ giúp Trung
Quốc cải cách kinh tế. Mỹ không còn nghĩ Trung Quốc là đe dọa, tuy chưa phải là
đồng minh. Vì thế Mỹ có thể dốc toàn lực để đánh bại Liên Xô trong thập niên cuối
cùng của Chiến tranh Lạnh.
Bên trong Trung Quốc, Đặng không chỉ củng cố được quyền lực
chính trị mà cũng thực hiện cả nghị trình cải tổ kinh tế.
Liên Xô ở trong tình thế nhiều khó khăn trong thập niên cuối
của Chiến tranh Lạnh. Vừa phải cạnh tranh với Mỹ trên toàn cầu, Moscow cũng đối
diện thách thức của Trung Quốc ở châu Á. Từ góc nhìn chiến lược, cả Việt Nam và
Liên Xô đều gặp khó khăn hơn Trung Quốc. Vì thế Liên Xô rốt cuộc nhận ra họ
không thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vào cuối thập niên 1980. Việt Nam phải tìm đến
Trung Quốc, thừa nhận sai lầm chính sách từ 1978.
Rốt cuộc, Trung Quốc đã vượt mặt Việt Nam cả về chính trị và
chiến lược.
Nói về hiệu quả trên chiến trường, Trung Quốc rút quân sau
khi đạt được các mục tiêu chính - bao vây ba thành phố cấp tỉnh của Việt Nam,
gây thương vong nặng nề cho bộ đội Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho nhà cửa.
Quân Trung Quốc đúng là cũng bị thương vọng nặng trong cuộc chiến ngắn ngày,
nhưng kết quả đó có thể chấp nhận được cho lãnh đạo Trung Quốc.
Nhưng tôi không tin rằng bộ đội Việt Nam chiến đấu tốt hơn
quân Trung Quốc. Vấn đề thực sự là chúng ta vẫn không có đủ dữ kiện từ phía Việt
Nam.
Để kết luận, cuộc chiến này cần được đánh giá dựa theo kết
quả của chiến tranh, chứ không phải kết quả từ các trận đánh.
BBC:Trong con mắt lãnh đạo Trung Quốc, đâu là bài học từ cuộc
chiến 1979? Nó có còn thích hợp cho chiến lược của Trung Quốc trong tương lai?
Sau cuộc chiến 1979, Quân Giải phóng Nhân dân đánh giá toàn
diện về hiệu quả trên chiến trường, với nhiều bài học rút ra.
Trong đó có việc thiếu tin tức tình báo, không có đủ quân do
xuất hiện thêm dân quân Việt Nam tham gia đánh nhau, hợp tác và phối hợp kém giữa
đơn vị bộ binh, pháo binh, xe tăng, hệ thống hỗ trợ hậu cần và chỉ huy tác chiến
lạc hậu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn quân Việt
Nam trở về từ Campuchia hôm 28/9/1989 - Getty Images
Các bài học này xác nhận lo ngại của Đặng về khả năng tác
chiến hiện đại của Trung Quốc trong tương lai gần.
Sau 1979, Quân Giải phóng Nhân dân bắt đầu cải tổ nhằm gia
tăng khả năng tiến hành chiến tranh lớn trước đối thủ lớn hơn như Liên Xô.
Từ 1985, Bắc Kinh không còn nghĩ rằng chiến tranh với Liên
Xô sẽ phải xảy ra. Các va chạm biên giới khiến lãnh đạo Trung Quốc tin rằng
quân đội cần tập trung chiến thắng các cuộc chiến địa phương quanh biên giới
Trung Quốc trong điều kiện công nghệ cao. Việc này vẫn tiếp tục trong viễn kiến
chiến lược hiện nay của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ không bao giờ có một cuộc chiến như 1979, tức
là chỉ liên quan bộ binh. Nhưng các bài học từ 1979 vẫn thích hợp cho Quân Giải
phóng Nhân dân.
Trong tương lai, nếu Trung Quốc có chiến tranh để bảo vệ
lãnh thổ như Đài Loan và trên Biển Đông, Quân Giải phóng Nhân dân sẽ dùng mọi lực
lượng từ không quân, hải quân, bộ binh, chiến tranh mạng, không gian.
Tôi không nghĩ là Trung Quốc trong tương lai sẽ lại dùng vũ
lực chống láng giềng như 1979. Việc hiểu cuộc xâm lược Việt Nam 1979 chỉ có ý
nghĩa nếu ta nghiên cứu nó trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh.
BBC: Người dân Trung Quốc nhớ hay quên cuộc chiến 1979?
Khó mà trả lời toàn diện. Năm 1991, Bắc Kinh và Hà Nội có vẻ
đã ngầm thỏa thuận để cấm hai nước công khai nói về cuộc chiến.
Khi mà các mạng xã hội phát triển nhanh như gần đây, sự cấm
đoán này không còn chỗ. Mạng xã hội cho phép cựu quân nhân và thành viên gia
đình liên hệ với nhau.
Nhiều câu chuyện cá nhân thời chiến, ký ức chiến tranh đã có
trên mạng. Một số thậm chí được truyền thông chính thống công bố.
Những năm gần đây, vào ngày 17/2 và Tết Thanh Minh tháng Tư,
hàng trăm, hàng ngàn người tự tổ chức để tới các nghĩa trang chiến tranh 1979 ở
Quảng Tây và Vân Nam, tổ chức lễ tưởng nhớ những người hy sinh trong chiến
tranh.
Suốt nhiều năm, các cựu quân nhân 1979 là nhóm xã hội ít ai
quan tâm. Năm ngoái, sau nhiều cuộc biểu tình của họ, mới có các quy định mới của
chính phủ tăng hỗ trợ cho cựu binh, mở rộng phạm vi hỗ trợ cho những người
không được hưởng trước đây.
Có một hiện tượng xã hội là nhiều người Trung Quốc dùng cuộc
chiến 1979 để bình luận về các vấn đề lãnh thổ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt
Nam.
Từ quan điểm chính thức của Bắc Kinh, có lẽ chẳng nên nhớ tới
cuộc chiến. Nó không phù hợp với chủ điểm chính về Trung Quốc của Tập Cận Bình,
là về ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội.
Chừng nào thế hệ tham chiến còn sống, kỷ niệm về chiến tranh
sẽ không bị người Trung Quốc lãng quên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét