Báo chí đang khai thác câu hỏi mà ông Nguyễn Phú Trọng nêu
ra trong bài diễn văn khai mạc hội nghị 5 vừa qua. Câu hỏi đó là: “vì sao những
hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình
hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?”
Trong câu hỏi này, có hai vế quan trọng:
Vế thứ nhất là lãnh đạo đảng CSVN đã tìm ra nguyên nhân dẫn
đến các yếu kém, các hạn chế trong nhiều lãnh vực của doanh nghiệp nhà nước.
Vế thứ hai là lãnh đạo cũng đưa ra nhiều nghị quyết qua các
nhiệm kỳ nhưng trên thực tế nền kinh tế Việt Nam nói chung, hoạt động các doanh
nghiệp nói riêng không có hiệu quả. Nói cách khác đang trở thành một gánh nặng
cho quốc gia.
JPEG - 48.8 kb
Ông Nguyễn Phú Trọng
tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII. Ảnh: VietnamPlus
Trong hai vế này, vế thứ nhất là dễ tìm nhất vì nó nằm ngay
trong bản chất của doanh nghiệp nhà nước. Đó là những người lãnh đạo các doanh
nghiệp nhà nước không có khả năng kinh doanh. Họ được đưa vào lãnh đạo các
doanh nghiệp như là những cán bộ hành chánh, cất nhắc theo sự đề bạt chính trị
chứ không theo khả năng quản trị kinh doanh. Tất nhiên việc bổ nhiệm như vậy
làm sao kinh doanh có hiệu quả. Đó là chưa nói đến những thủ đoạn chính trị được
sử dụng trong các báo cáo để được thăng quan tiến chức vào Trung ương đảng, Bộ
chính trị.
Quan trọng và gay go nhất chính là vế thứ hai. Đó là đã tìm
ra phương thuốc giải quyết, tức là công bố quá nhiều nghị quyết sửa đổi, uốn nắn
nhưng con bệnh vẫn không phục hồi? Và đó cũng chính là câu hỏi lớn của ông Trọng.
Thứ nhất, Ban chấp hành trung ương đảng gồm 180 Ủy viên của
Khóa XII là bộ phận quyết định về đường lối chính sách chung của đảng và nhà nước;
nhưng có bao nhiêu người thực sự có khả năng hiểu rõ về hoạt động hiệu quả của
một doanh nghiệp nhà nước, để mà đưa ra những chính sách, đường lối chính xác.
Tất cả mọi đề án về kinh tế thường mang màu sắc chính trị nhằm
tuyên truyền về sự lãnh đạo của đảng hơn là mang lại những hiệu quả kinh tế thật
sự. Ví dụ, việc thiết lập những Tập đoàn kinh tế được lãnh đạo đảng CSVN đưa ra
vào năm 2005, hoàn toàn không dựa trên hiệu năng kinh tế của các tập đoàn này
mà chỉ nhằm mục tiêu chính trị hóa khi tuyên truyền rằng đó là “cú đấm thép” để
đẩy mạnh Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hóa năm 2020, theo nghị quyết
của Đại hội X.
Do mục tiêu chính trị nên lãnh đạo đã đổ hàng tỷ đồng hầu
nhanh chóng biến những tập đoàn này từ con nhái biến thành con bò trong thời
gian ngắn, và dùng hình ảnh đó chứng minh sự ưu việt của định hướng xã hội chủ
nghĩa. Khi những bụng con bò bùng vỡ đi đôi cùng sự sụp đổ hàng loạt các tập
đoàn, lãnh đạo đảng và nhà nước không thừa nhận đó là những sai lầm trong việc
hoạch định đường lối, mà lại quy trách nhiệm cho một số cán bộ phụ trách. Tức
là đổ trách nhiệm lên một vài cán bộ thừa hành mà không coi đó là những sai lầm
của Trung ương đảng và Bộ chính trị, cơ quan đã quyết định ra cái gọi là “quả đấm
thép”.
Thứ hai, Ban chấp hành trung ương đảng đã coi doanh nghiệp
nhà nước là thành phần chủ đạo nền kinh tế, nhưng dường như họ không thật sự hiểu
thế nào là sự chủ đạo. Chủ đạo có nghĩa là cầm chịch và đóng vai trò xương sống
để xây dựng một nền kinh tế hiệu quả. Trong khi đó, do lo sợ bị coi là chệch hướng
xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo đảng CSVN cố duy trì hệ thống quốc doanh nắm chặt mọi
lãnh vực kinh tế. Từ đó mới đẻ ra hiện tượng là các bộ máy từ công an, quân đội,
truyền thông, giáo dục cho đến các lãnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch,…
đều lập ra những doanh nghiệp để cạnh tranh thương mại.
Hậu quả tất nhiên là đảng và nhà nước phải dành mọi dễ dài
trong việc hỗ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp quốc doanh. Khi được dành những
ưu thế như vậy, các doanh nghiệp sẽ phóng tay làm theo các nghị quyết và sẵn
sàng thổi phồng thành quả để báo cáo… hầu tiếp tục được cung cấp tiền. Do đó
khi coi doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí chủ đạo nền kinh tế, chẳng khác nào
khuyến khích một tầng lớp quan tham, ngu dốt cấu kết nhau phung phí những tài
nguyên quốc gia một cách vô tội vạ. Đây là hậu quả tai hại khi dùng cơ cấu kinh
tế quốc doanh cho mục tiêu chứng minh nửa nạc nửa mỡ của cái gọi là “kinh tế thị
trưởng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tóm lại, chính cơ chế độc tài đảng trị đã không chỉ biến các
doanh nghiệp nhà nước thành những cỗ máy hành chánh để cất nhắc cán bộ theo phe
nhóm mà còn là nơi làm giàu cho một số cán bộ lãnh đạo, gia đình thân nhân và
các nhóm lợi ích bu quanh.
Khi doanh nghiệp làm ăn không có lời, thất thoát hay lỗ lã,
thay vì phải giải tán hay chuyển đổi lề lối kinh doanh và truy tố những cán bộ
lãnh đạo ra tòa, đảng và nhà nước lại tiếp tục đổ tiền vào nuôi và chỉ thay đổi
cán bộ quản lý. Khi quyền lực kinh doanh ở các doanh nghiệp phó mặc cho các đảng
bộ trách nhiệm, hậu quả tất nhiên là quyền lực tha hóa và bị lạm dụng.
Ngay cả việc ông Đinh La Thăng đã có những sai phạm ở Tập
Đoàn Dầu Khí từ năm 2007 đến năm 2011, làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho quốc
gia, thế mà đến gần 10 năm sau mới phát hiện và đương sự chỉ bị cách chức Bộ
chính trị, tiếp tục nằm trong Ban chấp hành Trung ương đảng và không có gì tiếu
lâm hơn là được chuyển sang giữ chức Phó Ban kinh tế trung ương.
Trong một xã hội dân chủ và pháp trị, những sai phạm của ông
Đinh La Thăng như vậy đã phải bị truy tố ra tòa và chịu trách nhiệm hình sự chứ
không thể nhận “cảnh cáo” ở trong đảng rồi thôi.
Chính cách giải quyết của Ban chấp hành trung ương đảng CSVN
đối với trường hợp ông Đinh La Thăng vừa qua, đã trả lời cho câu hỏi lớn của
ông Nguyễn Phú Trọng là dù tìm ra nguyên nhân, nhưng cách giải quyết vẫn là
“đánh bùn sang ao” nên đảng và nước CSVN sẽ tiếp tục trì trệ cho đến khi tan rã
mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét