Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Câu hỏi lớn cho TBT Trọng: Đột phá hay sa lầy?



TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp bà Christine Lagarde khi đó là Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thăm VN tháng 3/2016 - Ảnh Handout


Ngày 05/05/2017, Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 khai mạc tại Hà Nội. Trogn những nội dung chính của Hội nghị có việc xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng và bàn về thể chế kinh tế, gồm thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và kinh tế tư nhân.

Đây không phải là vấn đề mới, nó được thảo luận qua nhiều hội nghị, hội thảo do các cơ quan Đảng và Nhà nước chủ trì, tuy nhiên cách đặt vấn đề trong diễn văn khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuy đánh giá tình hình có vẻ 'nhìn sự thật', nhưng khó hy vọng về sự đột phá trong tư duy lý luận và thực tiễn.

Có thể dự đoán rằng 'kinh tế thị trường định hướng XHCN' vẫn là đường lối lý luận của Đảng, vai trò của DNNN vẫn được đề cao là 'nòng cốt', và may chăng 'kinh tế tư nhân' có thể được cân nhắc liệu có là động lực phát triển và cần 'hỗ trợ và tạo điều kiện' như thế nào.

Nhân dịp này, trên báo điện tử Vietnamnet.vn có bài với tiêu đề: "Câu hỏi lớn của Tổng Bí thư".

Cụ thể, báo này trích dẫn: Có một câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp thấu đáo là, vì sao những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?

Nếu tiếp tục sa lầy vào lý luận CNXH giáo điều, dù cho gần đây đã cố gắng diễn giải nội hàm của khái niệm này, song chưa thuyết phục khi kinh tế đang chuyển sang thị trường và hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới, thì không thể có giải pháp đột phá, hoặc có một nghị quyết để cứu vãn tình hình như nêu trong 'câu hỏi lớn' về lâu dài.

Đã mất vai trò?

 Ông Đinh La Thăng (trái) vừa mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị và chức vụ Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị Trung ương 5. Hình chụp ông trên một máy bay của Vietnam Airlines-Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM 

Trước hết, vai trò 'dẫn dắt' kinh tế của các DNNN đã không còn, đặc biệt từ giai đoạn tăng trưởng nóng, khi các chủ trương 'quả đấm thép' bị phá sản, đỉnh điểm là năm 2012, dẫn đến việc xét xử các đại án, trong đó điển hình, 'đình đám' là Vinashin, Vinalines…, đến nay là các dự án 'khủng' của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty thép… thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đang 'trình lên Bộ chính trị xin ý kiến chỉ đạo'. DNNN đã và đang để lại di sản nặng nề, cản trở tăng trưởng kinh tế.

Những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống tiền tệ, thay đổi chính sách điều hành ngân sách, đầu tư công… được ghi nhận, song chưa bắt kịp đà tăng của thời kỳ trước, chưa ổn định và phát sinh nhiều vấn đề khác như ô nhiễm môi trường, nhiều vấn đề xã hội, như chất lượng giáo dục giảm, an toàn thực phẩm, vấn đề đất đai căng thẳng, mất dân chủ cơ sở, tham nhũng, tiêu cực…
 
Việc ban hành và thực thi Nghị quyết TƯ 4 về chỉnh đốn Đảng chứng tỏ quyền lực đã tha hóa nghiêm trọng, bộ máy và cán bộ lãnh đạo suy thoái nặng nề về tư tưởng, phẩm chất và lối sống. Để lấy lại niềm tin dân chúng và tránh nguy cơ sụp đổ chế độ Đảng đã tiến hành chống tham nhũng.

Trước hết, Đảng trừng phạt các lãnh đạo DNNN 'cố ý làm trái về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người đã bị kết án, như nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình 20 năm tù, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, chủ tịch và tổng giám đốc Vinalines tử hình về tội "tham ô"…

Trong một series các diễn biến đình đám do Tổng bí thư phát động gần đây từ năm 2016, sau Đại hội 12, một loạt nguyên lãnh đạo PVN bị kỷ luật, truy tố và một số vị từng là lãnh cấp cao có liên quan ở Bộ Công Thương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, và đỉnh điểm là Đinh La Thăng, Bí thư thành ủy Tp Hồ Chí Minh, bị Đảng kỷ luật mức 'cảnh cáo' và mất chức ủy viên Bộ chính trị tại Hội nghị TƯ 5 này.

Đấu đá, tranh giành?

Dư luận cho rằng Đảng đang quyết tâm, tuy nhiên với cách kỷ luật 'riêng có' của Đảng, khi chính phủ và quốc hội chưa có những động thái tương xứng, khiến người ta suy luận đây là 'đấu đá nội bộ' hay 'tranh giành quyền lực'.

Nếu như các án kỷ luật không phải do Ủy ban kiểm tra của Đảng đưa ra, mà do các viện công tố độc lập điều tra, được các tòa án độc lập xét xử công khai, công bằng thì các bị cáo và dư luận sẽ ít 'nghi ngờ' hoặc 'hiểu sai', tính thuyết phục sẽ cao hơn nhiều.

Đã qua 30 năm đổi mới, chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã cứu được sự sụp đổ chế độ và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, quan niệm giáo điều về CNXH và những sai lầm trong điều hành kinh tế trong thập kỷ gần đây đang cản trở đổi mới, lúng túng trong cải cách kinh tế và các biện pháp điều hành.

Tình hình trầm trọng có thể giảm bớt, khi dân chúng được phần nào thỏa mãn khi 'các con sâu' bị loại bỏ, nhưng khi không diệt được tận gốc thì căn bệnh 'chủ nghĩa cơ hội của người đại diện tài sản nhà nước' và 'chủ nghĩa cơ hội chính trị' sẽ làn rộng, nguy hiểm và không thể kiểm soát nổi. Chi phí cải cách thể chế sẽ tiếp tục tăng cao, tốn kém.

Tình trạng 'nước đôi' trong cải cách, vừa cố duy trì các giá trị và chuẩn mực CNXH giáo điều, chủ nghĩa tập thế, lòng vị tha, đạo đức lý tưởng với nền tảng sở hữu toàn dân, vừa tìm cách 'dung hòa' với những nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị của kinh tế thị trường không thể có được giải pháp đột phá.

Đã cam kết chuyển đổi sang kinh tế thị trường cần theo đuổi và thực hiện các nguyên tắc và chuẩn mực của nó. Thể chế chính trị phải cải cách theo nó chứ không phảỉ ngược lại.

Đã rất cấp thiết để đặt ra vấn đề cải cách thể chế kinh tế song hành với thể chế chính trị. Hội nghị TƯ 5 này chưa thể có câu trả lời đột phá cho 'câu hỏi lớn của Tổng bí thư'. Liệu có thể hy vọng có một cam kết mạnh mẽ và lộ trình tổng thể và nhất quán cải cách thể chế chính trị trong các Hội nghị TƯ tiếp theo?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét