1. “Biệt lệ Đồng Tâm” và cuộc
tranh cãi không đáng có
Ngày 22/4/2017, sau khi đích thân
về thôn Hoành để “đối thoại” trực tiếp với bà con xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức,
ông Nguyễn Đức Chung chủ tịch UBND TP Hà Nội lập tức “nổi như cồn” trên các
phương tiện truyền thông. Trước hết, nói gì thì nói, trong
một hoàn cảnh “bất thường” thì những lời nói và việc làm của ông Chung nhằm
nhanh chóng hạ nhiệt những “cái đầu nóng” là điều không thể không hoan nghênh.
Tuy vậy, cái gì cũng có giới hạn và mức độ của nó.
Đáng tiếc là nhiều người vì
quá đỗi vui mừng đã vội vã vận dụng đến cả Hiến pháp để phân tích tờ cam kết của
ông Chung với người dân Đồng Tâm một cách không cần thiết. Chính việc làm này
cùng với việc nhiều người không kiềm chế cảm xúc và tung hô quá đáng ông Chung
đã vô tình và gần như ngay lập tức dấy lên cuộc tranh cãi không đáng có. Người
thì bảo ông Chung cam kết không sai, bên thì nói ông “lạm quyền”. Cả hai bên
tuy đều có những lý lẽ riêng nhưng tất cả đều không tránh khỏi cái nhìn phiến diện
thậm chí cực đoan. Với bên ủng hộ thì dù có lập luận thế nào cũng vô tình tự
mâu thuẫn với chính họ trong vấn đề đòi giám sát quyền lực của các quan chức
Nhà nước bằng “tam quyền phân lập”. Và nhất là rất mâu thuẫn với lời thú tội và
được mong tha thứ của chính người dân Đồng Tâm (về hành vi bắt giữ người trái
phép) ngay trong buổi đối thoại với ông Chung. Ngược lại, bên khăng khăng bảo
ông Chung “lạm quyền” chỉ càng cho thấy ẩn sau đó là một động cơ không tốt; có
cảm giác những người này rất muốn một cuộc đối đầu đẫm máu giữa chính quyền và
người dân xảy ra. Vì thế, biết ông Chung cam kết như vậy họ càng thêm tức tối,
cay cú? Thậm chí có người còn quay sang mạt sát người dân Đồng Tâm, bảo họ xem
thường pháp luật, “vô pháp vô thiên” nhưng lại cố tình không chịu hiểu cho bao
nỗi vất vả, đắng cay, uất ức bấy lâu của họ.
Thật ra, nếu các bên bình tâm một
chút sẽ thấy việc ông Chung điểm chỉ vào tờ cam kết viết tay (việc hi hữu trong
thời buổi công nghệ số) cũng không có gì quá “ghê gớm”. Vì nói cho cùng đó là
giải pháp duy nhất trong hoàn cảnh ấy. Thế nên, nếu các bên bình tĩnh tiếp cận
và xem xét tờ cam kết của ông Chung với người dân như một “biệt lệ” thì đâu đến
nỗi phải lao vào tranh cãi kịch liệt như thế. Không những vậy, vì quá ham tranh
cãi nên các bên đã không nhận ra ông Chung và chính quyền Hà Nội thật ra đã
tính toán rất kỹ cũng như rất sành sõi trong cuộc “thương lượng” và “đối thoại”
với người dân Đồng Tâm. Lời hứa thanh tra toàn diện vấn đề đất đai trong 45
ngày của ông Chung đã nói lên tất cả điều ấy. Thử nghĩ xem, sau thời hạn 45
ngày thanh tra, chính quyền Hà Nội đưa ra kết luận cuối cùng rằng đất mà người
dân Đồng Tâm quyết giữ lâu nay là đất thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng thì có phải
mọi sai trái lúc này hoàn toàn thuộc về bà con Đồng Tâm không? Điều đó cũng có
nghĩa sau này bà con sẽ không được phép khiếu kiện gì nữa dù những mất mát và
thiệt thòi là điều ai cũng nhìn thấy. Đây có thể nói là những bước đi đã được
toan tính kỹ lưỡng và cẩn thận của cả một “êkip chính trị” mà ông Nguyễn Đức Chung
chắc chắn là một thành viên trong đó. Trong tư cách Phó Bí Thư thành Ủy, kiêm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chung thực ra chỉ là người trực tiếp thừa hành mệnh
lệnh cấp trên mà thôi. Vì thế, tuy không phủ nhận thiện chí của chính quyền Hà
Nội và cá nhân ông Chung nhưng nếu chỉ vậy thôi mà nhiều người thậm chí xem ông
Chung như một “ngôi sao đang lên” e là có hơi sớm và nhất là rất không công bằng
với các đồng chí của ông ấy.
Qua đây có thể nói, cái “bài học
kinh nghiệm” về “đối thoại với dân” mà nhiều người (cả những quan chức lãnh đạo
lẫn các chuyên gia) phát biểu trên báo chí sau vụ này thật ra chỉ là câu văn mẫu
“biết rồi, khổ lắm, nói mãi” không hơn không kém. Hay nói khác đi, “đối thoại”
với dân là đương nhiên rồi nhưng vấn đề là thái độ và tâm thế của hai bên như
thế nào mới là điều quan trọng, đáng bàn. Cụ thể hơn, chính quyền có thật sự
tôn trọng nhân dân và nhân dân còn niềm tin với chính quyền nữa không? Hay tất
cả chẳng qua chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi trước dư luận truyền thông
trong hoàn cảnh buộc phải “xuống thang”? Ở đây cũng giống như chuyện Hoàng Sa
và Trường Sa là của Việt Nam nhưng giờ Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa gần
hết; hai bên từ lâu “cũng kiên trì đối thoại” nhưng thực tế như thế nào hẳn mọi
người đã nhìn thấy. Dù có “đối thoại” kiểu gì thì Trung Quốc vẫn chiếm thế thượng
phong, chủ động; lúc nào họ cũng nắm chặt cái cán dao, còn lưỡi bén ngót thì
chìa về chúng ta. (Cái cán dao ở đây là vấn đề “ý thức hệ” và nhất là sự lệ thuộc
hoàn toàn của nền kinh tế Việt Nam với Trung Quốc). Tương tự như vậy, tuy là
nói “đối thoại với dân” nhưng thử hỏi
chính quyền cùng các “nhóm lợi ích” lâu nay có bao giờ để cái cán dao cho người
dân nắm đâu? Nếu chính quyền để người dân nắm cán thì đâu có chế định “đất đai
thuộc sở hữu toàn dân”, hay đến cấp quận, huyện cũng có quyền thu hồi đất của
dân bất cứ lúc nào họ muốn, còn việc áp giá bồi thường thì không những tùy tiện
mà còn rẻ mạt?
Vậy nên, hạn 45 ngày thanh tra đã
gần hết, những ai thật lòng nghĩ và lo cho bà con ở Đồng Tâm thì nên cầu nguyện
cho họ; hãy cầu mong cho tất cả mọi hồ sơ, sổ sách giấy tờ không bị ai đó tác động
làm cho sai lệch đi. Nếu không cụ Kình và người dân Đồng Tâm chắc chắn sẽ mất tất
cả!
Đến đây, có thể khẳng định, nếu
phải nói về những “bài học kinh nghiệm” thì điều quan trọng là đừng bao giờ để
xảy ra những cuộc “đối thoại trực tiếp” (kiểu “ba mặt một lời” của ông Chung với
dân như vừa rồi) mà phải luôn là sự “đối thoại gián tiếp” thông qua hệ thống
pháp luật minh bạch, rõ ràng và nhất là không bị chi phối bởi các “nhóm lợi
ích” nào đó. Các chuyên gia và những lãnh đạo cấp cao cũng đừng ngồi một chỗ mà
lên giọng trách mắng chính quyền địa phương không biết đối thoại, tuyên truyền,
giải thích cho người dân. Nói như thế là vô cảm và vô trách nhiệm với những cán
bộ cơ sở. Thử hỏi, với thân phận là cấp dưới, cấp thực thi những chủ trương
chính sách của cấp trên mình thì họ biết làm gì bây giờ cho dù không phải bản
thân không nhìn thấy những bất cập?
Ngoài ra, điều quan trọng nhất là
trong hoàn cảnh nếu cái quy định“đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” rất khó
có sự thay đổi từ hệ thống chính trị trong tương lai gần thì những điều luật về
thu hồi đất đai của người dân cần phải nhanh chóng điều chỉnh theo hướng có lợi
nhất cho dân (cho dù đó là dự án phục vụ lợi công cộng hay an ninh quốc phòng
đi nữa). Đây là việc hoàn toàn có thể làm ngay nếu chính quyền thật sự thành
tâm muốn “đối thoại” với dân cũng như không muốn bị đau đầu về những vụ việc
tương tự trong tương lai.
2. “Điển hình Đinh La Thăng” và
quy trình xử lý của “đảng ta”
Sở dĩ gọi vụ Đinh La Thăng là “điển
hình” là vì đến thời điểm này có thể nói, việc xử lý ông ta đã vô tình cho thấy
rõ hơn nữa cái quy trình xử lý cán bộ cấp cao của “đảng ta” lâu nay. Bên cạnh
đó, là những sự thật trần trụi mà có lẽ chỉ có ở chính trường Việt Nam.
Trước hết, phải nói vụ xử lý này
là một điển hình cho “độ quái” của “đảng ta” trong việc “xoa dịu” đám đông dân
chúng liên quan đến vấn đề xử lý cán bộ cấp cao lâu nay. Làm thất thoát hàng
ngàn tỉ, “sai phạm rất nghiêm trọng”
nhưng vẫn được xem là “có tài” và có “đóng góp”; không đủ tư cách làm Bí
thư một thành phố lớn thì điều sang làm Phó ban kinh tế Trung ương... Những kết
luận cùng những phát ngôn mâu thuẫn nhau chan chát và nhất là chẳng khác gì một
vở tuồng trên sân khấu thế nhưng một bộ phận đám đông dân chúng vẫn hoan hô và
nhiệt thành ủng hộ. Nhất là khi nghe ông Tổng Bí thư mang “truyền thống” về
“lòng nhân ái”, “đánh kẻ chạy đi không ai người chạy lại” của dân tộc ra mặc cả,
phân bua nhiều người càng thêm phấn chấn hơn. Điển hình như phát biểu của một
lão thành cách mạng: “Tổng bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng,
toàn dân”.
Thật lạ lùng làm sao, có lẽ nào
“đảng ta” nghĩ vài trăm ngàn hay dăm ba triệu thì mắt thường còn nhìn thấy và cầm
nắm được nhưng vài trăm ngàn tỉ thì chỉ nghe nói chứ có ai thấy bao giờ, vậy
nên đảng đã tiếp tục tạo điều kiện cho ông Thăng chuộc lỗi? Nếu vậy thì có nên
đề nghị những chuyên gia văn hóa của “đảng ta” nhanh chóng ghi lại cái thành quả
về bước phát triển tuyệt vời của nền văn hóa dân tộc trong thời đại hôm nay
không? Nghĩa là, đối với những lãnh đạo cấp cao của đất nước cho dù có gây ra lỗi
lầm tày đình đi nữa thì Bộ chính trị sẽ vận dụng “sáng tạo” và “linh hoạt” cái
“truyền thống” về lòng nhân ái của dân tộc để xử lý. Còn với bọn dân ngu khu
đen, nếu vì đói mà làm liều giựt vài ổ bánh mỳ với mấy bịch kẹo me thì nhất định
phải trừng trị nghiêm khắc để răn đe, cho thấy tính nghiêm minh và “không có
vùng cấm” của người thừa hành pháp luật; hay mấy em “chân dài” vì lười biếng mà
bán thân nuôi miệng nhất định phải quay phim, chụp hình lại đưa lên báo đài để
tuyên truyền, giáo dục vì cái tội chà đạp, đánh mất “thuần phong mỹ tục” cha
ông...
Một phương diện khác, qua vụ này
có lẽ phải nói rằng, “đảng ta” đã vô tình hé lộ những sự thật về sự “tài trí”
và “đức độ” của những lãnh đạo cấp cao nước nhà lâu nay. Hãy thử tưởng tượng, nếu
ông Thăng không bị “ngã ngựa” thì biết đâu sau này ông còn “thăng” cao hơn nữa.
Và đến khi già yếu và qua đời có khi cả nước lại phải rầm rộ tổ chức tang lễ nhằm
tiễn đưa trong sự tiếc thương vô hạn như những đồng chí trước đây của ông. Hay
thậm chí phải gấp rút xây dựng tượng đài và nhà tưởng niệm để nhắc nhở con cháu
về sau. Nếu không vì cái “biển số xe” oan nghiệt của đàn em Trịnh Xuân Thanh
thì biết đâu trong bài điếu văn của ông sau này không thể không có những mỹ từ
như: “đồng chí kiên trung”, “người con ưu tú, anh hùng của Đảng và dân tộc”,
“tài đức vẹn toàn”, “một đời liêm khiết, giản dị”, “vì nước, vì dân”... Nghĩa
là, như một truyền thống tốt đẹp, “đồng chí cấp cao” nào ra đi cũng đều rất
“anh minh”, “đức độ”, “tài trí hơn người” chỉ có điều dưới sự lãnh đạo của các
đồng chí thì đất nước không hiểu sao vẫn “không chịu phát triển”, không chịu
hóa rồng, rừng vàng biển bạc tan hoang và đám đông dân chúng thì cứ ngày một mê
muội, thậm chí suy đồi về văn hóa thêm hơn…?
Cuối cùng, không còn nghi ngờ gì
nữa, đến thời điểm này ông Đinh La Thăng chính là một điển hình cho cái quy
trình thăng tiến mau chóng và “ngã ngựa” an toàn” của những lãnh đạo cấp cao ở
chính trường nước Việt hôm nay. Ngoài ra, trong cái nhìn tích cực nhất, nó còn
là một minh chứng sống động cho những phát biểu trước đó của ông Tổng Bí Thư
trước nhân dân cả nước: “đánh chuột không khéo lại vỡ bình” hay chống tham
nhũng thực ra là “ta đánh chính ta”. Hóa sự phức tạp trong vấn đề chống tham
nhũng mà ông Tổng Bí Thư than thở lâu nay là bởi nếu điều tra, bắt bớ, xử lý “đồng
chí” này có khi phải lôi ra một chùm, một dây các “đồng chí” khác!? Làm sao xiết!
3. Sự khủng hoảng của truyền
thông chính thống và sự dũng cảm của số ít nhà báo chân chính
Tuy khác nhau về bản chất nhưng
“biến cố” Đồng Tâm và vụ Đinh La Thăng có một điểm chung đó là sự khủng hoảng của
hệ thống hệ thống truyền thông chính thống dưới sự “cai quản” trực tiếp của ông
Bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông hiện nay.
Ở “biến cố Đồng Tâm” một lần nữa cho thấy, đội
ngũ những người nhà báo chính thống và đại bộ phận nhân dân chẳng khác gì những
đứa trẻ lên ba, hoang mang, ngơ ngác trước vô số thông tin không được kiểm chứng
từ các trang mạng điện tử “lề trái”. Nhưng cũng rất may và an ủi là ngay trong
lúc “dầu sôi lửa bỏng” vẫn còn số ít các nhà báo có lương tri và lòng dũng cảm.
Tiêu biểu phải kể đến cá nhân nhà báo Bảo Hà với bài tường viết nhan đề “Đối
thoại ở thôn Hoành”. Tuy vậy, công bằng và chân thành mà nói, ở đây cần phải
ghi nhận và cảm ơn cả êkip của Báo điện tử Vnexpress, đặc biệt là những người
phụ trách chuyên mục “Góc nhìn” của báo này. Vì nếu không có sự “hà hơi”, “tiếp
sức” của họ thì chưa chắc bài báo kia được phép “xuất xưởng”. Bên cạnh đó, nếu
không có sự lên tiếng kịp thời với tinh thân khách quan và đầy trách nhiệm của
một vài người (lâu nay bị xem là phần tử “có vấn đề”) trên trang cá nhân của họ
thì cũng chưa biết chuyện gì đã xảy ra.
Về “biến cố” Đinh La Thăng thì
không còn nghi ngờ gì nữa, cả hệ thống báo chí chính thống nước nhà phải nên biết
xấu hổ trước cựu nhà báo Huy Đức về ba bài viết liên quan đến ông Thăng trên
trang cá nhân một năm về trước (rất đúng với kết luận của Bộ chính trị vừa rồi).
Cho đến lúc này, hoàn toàn đủ cơ sở để khẳng định, những kẻ chưa chi đã mạt
sát, công kích cá nhân nhà báo Huy Đức hay trước đó đã phát động phong trào “tụng
ca” ông Thăng (khi còn là Bộ trưởng Bộ giao thông cũng như lúc ông ấy mới chân
ước chân ráo về nhậm chức Bí thứ Thành ủy TPHCM) nếu không xu nịnh, bồi bút
cũng là dạng hóng hớt kiểu “anh hùng bàn phím” thời nay.
Qua đây, có thể nói không ngoa rằng,
ông Bộ trưởng hiện nay đã và đang rất tích cực xổ toẹt tất cả những gì mà cựu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu cách đây mấy năm: “không thể cấm thông tin
trên mạng xã hội” nếu như không nhanh chóng minh bạch, kịp thời những vấn đề
nóng của đất nước trên hệ thống truyền thông chính thống. Có cảm giác hiện tại
ông Bộ trưởng chỉ lo lập công và “ghi điểm” với cấp trên bằng việc “siết chặt”
và “phạt nặng” các cơ quan truyền thông về mấy chuyện lặt vặt hơn là để tâm đến
chuyện làm sao giành lại trận địa thông tin cho các cơ quan truyền thông Nhà nước
trước vô số các trang mạng xã hội bằng những bước đi khôn khéo và thông minh nhất.
Suốt ngày nghe ông ra rả chuyện “chống các luận điệu xuyên tạc, nói xấu Đảng,
Nhà nước” trên các trang mạnh xã hội nhưng cũng chính ông chứ không phải ai
khác làm cho đội ngũ phóng viên báo chí nước nhà trở nên hèn kém trước mắt bạn
đọc, công chúng! Thiển nghĩ, nếu chân thành và lịch thiệp thì có lẽ ông Bộ trưởng
nên đích thân đến nói lời cảm ơn và trao bằng khen cho cựu nhà báo Huy Đức vì
đã có công giúp đảng và chính phủ của ông chống tham nhũng cũng như “giải huyền
thoại” Đinh La Thăng!?
4. Thay lời kết
“Biến cố” Đồng Tâm” và vụ Đinh La
Thăng ở phương diện nào đó là những minh chứng cụ thể và sống động về sự nhập
nhằng, lẫn lộn trong tư duy của không ít người Việt hiện nay trước một số vấn đề
của đất nước. Lẽ ra “biến cố” Đồng Tâm phải được xem và nhìn nhận như một “biệt
lệ” còn vụ xử lý Đinh La Thăng nhất định phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật
thì hầu như tất cả lại làm ngược lại. Cho dù ông Tổng Bí thư trong khi tiếp xúc
cử tri có nói rằng vụ Đinh La Thăng chỉ mới “xử lý về mặt Đảng” sắp tới (lại hứa
hẹn) còn xem xét về mặt pháp luật nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đã cho thấy ở Việt
Nam “luật Đảng” là trên hết (dù trên thực tế không có bộ luật này). Đặc biệt
trong vấn đề xử lý cán bộ cấp cao, “đảng ta” đã và đang không ngần ngại “ngồi xổm”
trên Hiến pháp và pháp luật. Ấy vậy mà chẳng thấy một cuộc tranh luận nào diễn
ra như vụ tranh luận liên quan đến tờ cam kết của ông Chung ở “biến cố” Đồng
Tâm?
Qua tất cả những chuyện này, một
cách chân thành nhất, có lẽ dù đau đớn nhưng phải nói rằng sự trì trệ của xã hội
và đất nước hiện tại đành rằng có nguyên nhân cốt tử từ phía chính quyền, Nhà
nước nhưng cũng không thể phủ nhận còn một nguyên nhân cốt tử nữa thuộc về phía
dân chúng nói chung. Nói cách khác, đó chính là sự “ngây thơ” và “ngờ nghệch”
(chữ dùng của nhà cố nhà thơ Việt Phương) thậm chí đôi lúc còn rất hồ đồ của
đám đông dân chúng nước Việt hôm nay. Phải chăng tất cả những điều này đã làm
cho xã hội Việt Nam ngày một chìm sâu trong sự rối loạn và khủng hoảng? Hãy thử
nghĩ xem, tại sao một xã hội, một đất nước mang tiếng là thanh bình nhưng lạ
thay lúc nào chính quyền Nhà nước cũng nhìn người dân bằng ánh mắt đầy vẻ nghi
kị!? Bất cứ cá nhân nào có tiếng nói khác đều có nguy cơ trở thành bọn “phản động”
hay “thế lực thù địch” của đảng và chính quyền? Còn về phía người dân thì cũng
không hiểu sao xã hội ngày một đầy dẫy các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền?
Điều đáng nói là tuy chỉ ngồi một chỗ nhưng có cảm giác người nào cũng tự cho
mình có khả năng biết tuốt, biết hết mọi chuyện. Thế là mạnh ai nấy nói, mạnh
ai nấy làm, chẳng ai chịu ai… Xã hội và đất nước vì thế mà loạn xì ngầu cả lên!
Chính quyền thì rình rập người dân, còn người dân thì biêu riếu chính quyền chẳng
ra cái thể thống gì…
Cách đây mấy mươi năm, cụ Tản Đà có lần
đã cảm thán và thốt lên những câu thơ nói về hiện trạng đất nước thời ấy nhưng
có ngờ đâu những câu thơ ấy vẫn rất đúng với hiện tình xã hội hôm nay (nếu
không muốn nói tình hình hôm nay còn tệ hại hơn):
- “Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”
Hay:
-“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan”!
Thiển nghĩ, phải chăng muốn thay
đổi hiện tình đất nước hôm nay về lâu dài, không còn cách nào khác nhất định bản
thân mỗi người dân và “đảng ta” phải tự nhận thức lại mình, phải tự điều chỉnh
để cùng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. “Đảng ta” hãy thôi bảo thủ và cố
chấp đi; còn người dân cũng phải từng bước trưởng thành và bớt trẻ con hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét