Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Đấu tranh dân chủ: ôn hòa hay bạo lực?





Sự kiện nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh cùng hai người bạn bị 5 tên côn đồ ở TP.HCM xông vào tận nhà bạn cô hành hung một cách dã man rồi trắng trợn tung video clip lên mạng hôm 2/5 vừa qua đang khiến dư luận sôi sục. Đây là bước leo thang mới, với tính chất nghiêm trọng, khi những kẻ thủ ác hành xử bạo ngược, đê hèn và công khai thách thức cộng đồng, tiếp sau các vụ tấn công bạo lực nhằm vào các nhà hoạt động ôn hòa gần đây.



Bạo lực đáp trả bạo lực: diễn tiến tất yếu?




Sau khi vụ việc diễn ra, một loạt tổ chức xã hội dân sự (XHDS) cùng nhiều cá nhân đã ra “Tuyên bố,” yêu cầu chính quyền chấm dứt hành động tuyên truyền gây kích động bạo lực và nhanh chóng xử lý những tổ chức và cá nhân công khai kích động bạo lực, trấn áp và vu khống người dân Việt Nam, đồng thời tuyên bố “Trong vòng 48h khi ra tuyên bố này, nếu chính quyền không có biện pháp xử lý thích hợp, chúng tôi sẽ kêu gọi biểu tình toàn quốc để phản đối lên án những hành động bạo lực đàn áp người dân.”



Cùng lúc, trên trang Facebook cá nhân của một số nhà đấu tranh tên tuổi, chẳng hạn như nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, đã xuất hiện những phản ứng bột phát, đòi đáp trả hành vi bạo lực của đám côn đồ:



Tôi ớn cái chuyện bắt người khác phải ôn hòa lắm rồi. […] Tôi mong có đội diệt gian trừ ác, tôi già không tham gia được nhưng tôi sẵn sàng bớt nhu cầu để ủng hộ đội này.



Nói thế, đừng có bạn ôn hòa nào chụp mũ tôi kích động bạo lực nhá. Chỉ vì tôi căm quá, không chịu nổi. Thân tôi cũng như thân Trương Dũng, như thân cháu Lê Mỹ Hạnh và nhiều người khác là nạn nhân của bạo lực cộng sản. Bản thân tôi cũng từng bị đánh mấy lần rồi. […]



Đấu tranh bất bạo động



Những diễn biến trên đây khiến cho việc đặt lại vấn đề về phương pháp đấu tranh dân chủ bất bạo động trở nên cần thiết.



Từ điển bách khoa Wikipedia Tiếng Anh định nghĩa: “Đấu tranh bất bạo động (nonviolent resistence) là hình thức đấu tranh nhằm đạt được những mục tiêu như thay đổi xã hội thông qua các cuộc phản đối mang tính biểu tượng (symbolic protests), phương thức bất tuân dân sự (civil disobedience), phương thức bất hợp tác kinh tế hoặc chính trị, sự đề cao sức mạnh chân lý (satyagraha) hoặc các phương thức khác, mà không sử dụng bạo lực.”



Hình thức hiện đại của phương pháp đấu tranh bất bạo động được Mahatma Gandhi phổ biến và chứng tỏ hiệu quả qua những nỗ lực nhằm giành lại độc lập cho Ấn Độ từ đế chế Anh.



Vẫn theo Wikipedia, từ năm 1966 đến 1999, đấu tranh dân sự bất bạo động đã đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển tiếp của 50/67 chế độ từ độc tài sang dân chủ. Gần đây, đấu tranh bất bạo động đã dẫn đến cuộc Cách Mạng Hoa Hồng ở Grudia và Cách Mạng Cam ở Ukraine. Các cuộc đấu tranh bất bạo động đang diễn ra bao gồm Cách Mạng Jeans ở Belarus, Cách Mạng Jasmine ở Tunisia và cuộc đấu tranh của giới bất đồng chính kiến ở Cuba.



Từ điển bách khoa Wikipedia Tiếng Việt đưa ra các phương thức đấu tranh bất bạo động chủ yếu như sau:



    - Bất tuân dân sự: Tức là người tham gia đấu tranh có thể từ chối thực hiện những việc mà họ vẫn thường làm, hoặc được trông đợi sẽ làm, hoặc bắt buộc phải làm theo yêu cầu của luật pháp.

    - Hành động cố ý thực hiện: Tức là người tham gia đấu tranh có thể thực hiện những việc mà họ thường không làm, hoặc không được trông đợi sẽ làm, hoặc bị cấm thực hiện như các cuộc đình công, biểu tình của dân chúng, v.v.

    - Thuyết phục và thương lượng: để bắt đối phương chấp nhận các điều kiện của mình. Điều này chỉ thực hiện ở giai đoạn cuối cùng, khi nhà cầm quyền đã bị dồn vào thế phải nhượng bộ.



Ôn hòa hay bạo lực?



Cho đến thời điểm này, những người đấu tranh dân chủ Việt Nam vẫn tuân thủ nguyên tắc bất bạo động. Họ đã vượt qua giai đoạn “bất tuân dân sự” và đang ở giai đoạn thứ hai là “hành động cố ý thực hiện.” Ở giai đoạn này, lực lượng đấu tranh vẫn còn yếu so với bộ máy đàn áp khổng lồ của nhà cầm quyền. Trong khi đó, nhà cầm quyền vẫn sử dụng bạo lực dưới nhiều hình thức để chống lại những người đấu tranh, và tuy chưa có trường hợp bạo lực đáp trả bạo lực nào xảy ra, nhưng khả năng này luôn hiện hữu, như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu bài viết.



Giai đoạn thuyết phục và thương lượng bắt đầu khi lực lượng đấu tranh đã lớn mạnh, với sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Lúc này, nếu nhà cầm quyền không chịu thương lượng, nhượng bộ thì các cuộc biểu tình sẽ diễn ra trên diện rộng. Dù ban đầu chênh lệch lực lượng giữa hai bên vẫn còn đáng kể, nhưng ưu thế lực lượng của nhà cầm quyền có thể nhanh chóng tiêu tan bởi hai yếu tố: (i) sự phân hóa và chia rẽ cả trong nội bộ chính quyền lẫn lực lượng đàn áp (công an, quân đội); và (ii) sức mạnh đám đông lan tỏa khiến công chúng tham gia ngày càng đông đảo.



Đây là giai đoạn mà bạo loạn rất dễ bùng phát, do hai nguyên nhân chủ yếu: (i) bạo lực từ phía nhà cầm quyền sẽ châm ngòi cho vòng xoáy “bạo lực đáp trả bạo lực”; và (ii) nỗi bức xúc bị dồn nén hàng chục năm trong đám đông quần chúng vốn là nạn nhân của chế độ sẽ bung ra như lò xo, khiến cho việc kiểm soát bạo lực là rất khó.



Chúng tôi không ủng hộ đấu tranh bạo lực vì: (i) máu nào thì cũng là máu Việt Nam; (ii) việc dùng bạo lực để đáp trả bạo lực sẽ khiến vòng xoáy bạo lực leo thang, dẫn đến thiệt hại cho cả hai bên; và (iii) quan trọng hơn, đấu tranh bạo lực cuối cùng sẽ đẩy đất nước vào cơn cuồng loạn bạo lực, khiến chế độ sụp đổ trong hỗn loạn, tạo khoảng trống quyền lực cho bá quyền Trung Quốc ra tay cả trên Biển Đông lẫn trên đất liền, trong bối cảnh họ đã thiết lập được một loạt căn cứ quân sự trá hình tại những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng trên khắp đất nước, hòng đảm bảo chí ít là chế độ hậu cộng sản ở Việt Nam sẽ không đi theo quỹ đạo của Mỹ.



Dù vậy, hình thức đấu tranh bạo lực vẫn có thể xảy ra, vì: (i) chính nhà cầm quyền đã châm ngòi cho vòng xoáy bạo lực; (ii) ngay Đạo Phật cũng coi việc “giết một người để cứu muôn người” là chính đáng và cần thiết; (iii) quan trọng hơn, nguyên tắc dân chủ của chính thể hậu cộng sản đảm bảo rằng bạo lực sẽ bị loại trừ khỏi đời sống chính trị trong xã hội, nên người ta không phải lo ngại về hậu quả của nó.



Trong bài “Vấn đề bạo lực ở Việt Nam,” cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình, một nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu, đã nhận định: “Việc sử dụng bạo lực nhắm vào những người đấu tranh chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam đã không còn chính nghĩa, bất lực hoàn toàn về mặt luật pháp và lý lẽ. Họ đã không thể khuất phục được những người đấu tranh dân chủ bằng phương pháp này. Mặc dù bị người dân phản đối, quốc tế lên án nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa từ bỏ việc sử dụng bạo lực. Nhưng chúng ta, những người đấu tranh và phản tỉnh cũng không phải e ngại và lo lắng quá về điều này. Bởi lẽ, trong quy trình tiến tới dân chủ của các chế độ độc tài, Việt Nam đang đi những bước cuối cùng của quy trình đó: Giết – Giam cầm (tù đày) – Đánh đập – Đối thoại.”



Tóm lại, giới đấu tranh dân chủ Việt Nam cho đến nay vẫn kiên trì với nguyên tắc bất bạo động. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đó có tiếp tục diễn ra ôn hòa hay không lại không phụ thuộc vào họ. Nếu chính quyền cộng sản vẫn tiếp tục chính sách đàn áp bạo lực như hiện nay thì chính họ đã tự chọn cho mình cái kết cục định mệnh là bị vùi dập trong bạo lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét