Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

ASEAN dịu giọng về Biển Đông và trách nhiệm của Việt Nam




 



Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 tại Philippines cuối tháng 4 vừa qua, tuyên bố chung của tổ chức này đã không đề cập đến“các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa”, vốn là những từ ngữ đã được sử dụng trong một vài tuyên bố chung gần đây của khối nhằm thể hiện sự quan ngại của các nước thành viên về các hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Các chỉ trích nhanh chóng tập trung chủ yếu vào Philippines và Tổng thống Rodrigo Duterte, cho rằng Philippines đang cố tình giảm nhẹ vấn đề Biển Đông để lấy lòng Trung Quốc.



Đương nhiên, cách tiếp cận mới của Philippines đối với Trung Quốc là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự thất vọng này. Tuy nhiên, có lẽ cần phải có cách nhìn công bằng hơn với Philippines, vì thực tế chỉ có một vài nước nêu lên quan ngại này trong các cuộc gặp ở cấp làm việc, còn trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo các chính phủ thành viên ASEAN, không nước nào, bao gồm cả Việt Nam, đề cập đến vấn đề này. Vì vậy có thể nói rằng, Philippines ở một mức độ nào đó đã làm đúng khi bám sát thực tế hội nghị và không đưa vào tuyên bố chung một nội dung không được bất cứ lãnh đạo nào của ASEAN nêu lên trong cuộc họp thượng đỉnh.



Sau khi Philippines đổi cách tiếp cận về vấn đề Biển Đông, Việt Nam là nước đáng lẽ cần vẫn phải duy trì một lập trường kiên định về vấn đề này để bảo vệ lợi ích của mình, khi Việt Nam là nước tranh chấp chính và cũng là nước bị đe dọa nhiều nhất bởi các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa.



Nếu Việt Nam không tự cất tiếng nói để nêu các quan ngại và bảo vệ lợi ích của mình, làm sao Việt Nam có thể thuyết phục các quốc gia khác, dù là các nước trong khối như Indonesia hay Singapore, hay các cường quốc ngoài khối như Mỹ và Nhật, những nước có ít lợi ích hoặc chỉ có lợi ích gián tiếp trong vấn đề Biển Đông, có thể lên tiếng hoặc hành động mạnh mẽ để kiềm chế Trung Quốc tại đây?



Đây không phải là lần đầu tiên các đại diện của Việt Nam, dù là các lãnh đạo, nhà ngoại giao hay học giả, hành xử như vậy trong các hội nghị quốc tế. Lối hành xử đó đã khiến một số đối tác của Việt Nam băn khoăn, thậm chí nghi ngờ về các ý định chiến lược của Việt Nam. Hậu quả là sự giảm sút lòng tin của họ vào việc hợp tác chiến lược với Việt Nam, ít nhất là trong hồ sơ Biển Đông.



Các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách của Việt Nam có thể đang theo đuổi chính sách mềm mỏng về ngoại giao nhưng cứng rắn trên thực địa. Nhưng cuộc chiến Biển Đông của Việt Nam không chỉ diễn ra trên thực địa. Đầu tiên và trên hết, nó cần được thực hiện hiệu quả trên mặt trận ngoại giao và công luận. Ngoại giao và công luận, chứ không phải thực địa, là nơi Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc.



Vì vậy có thể nói không chỉ Philippines mà Việt Nam cũng chịu một phần trách nhiệm cho việc tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 không nêu lên các quan ngại đối với việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông.



Hậu quả là ASEAN đã đặt ra một ngưỡng thấp cho các tuyên bố chung tiếp theo. Kể cả khi Singapore tiếp nhận ghế chủ tịch ASEAN vào năm sau, việc đưa lại các ngôn ngữ cứng rắn như trước đây vào các tuyên bố chung trong năm 2018 cũng không hề đơn giản, khi Singapore có thể không muốn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông khi bản thân các nước có lợi ích lớn và trực tiếp nhất đã chọn cách tiếp cận mềm.



Từ từ, các đảo nhân tạo được quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ trở thành một việc đã rồi và không còn mấy ai quan tâm tới chúng nữa. Lúc đó, không biết sự cứng rắn trên thực địa có đủ để giúp Việt Nam đối phó với mối đe dọa này?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét