Ông Nguyễn Dy Niên-Ảnh: Ngô Vương Anh
Đó là lời ông Nguyễn Dy Niên, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt
Nam, nói với tôi vào một ngày tháng tư cách đây 7 năm, khi tôi là phóng viên
báo Pháp luật TP.HCM.
Tôi rất nhớ bài báo này, rất nhớ năm 2010 (kỷ niệm nghìn năm
Thăng Long), cũng như rất nhớ tòa soạn. Tôi nhớ quá trình liên hệ để cuộc phỏng
vấn được diễn ra đã hết sức khó khăn, tuy nhiên mọi sự đau đầu nhức óc đã chấm
dứt khi tôi ngồi xuống đối diện ông Nguyễn Dy Niên và ông bắt đầu chia sẻ. Vào
lúc ấy, tôi đã biết chắc bài báo sẽ thành công.
Cách tòa soạn đối xử với bài phỏng vấn sau đó cũng làm tôi cảm
động vì nó quá trọng thị… nhất là đối với một “thành phần phức tạp” như tôi.
Nói chung, năm 2010 và thời gian làm phóng viên ở Pháp luật
TP.HCM là những năm tháng mà tôi không thể nào quên. “Tây Đô thành hoài cổ”,
“Căng thẳng thời hậu chiến”, “Kết nối âm thầm”, “30/4, giá mà chúng ta khôn
khéo hơn”, “Vĩnh biệt người viết Nhật ký thời bao cấp”… bao nhiêu bài viết của
tôi đã ra đời vào cái thời ấy – một thời trẻ trung, trong sáng, tràn ngập nhiệt
tình với nghề báo, nhưng cũng đầy bất trắc, lo âu...
* * *
ÔNG NGUYỄN DY NIÊN ĐÃ NÓI GÌ?
- Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta
bước vào một thời kỳ hòa bình và xây dựng. Nhưng phải nói rằng khúc khải hoàn
ngắn quá, bởi ngay sau đó, chúng ta lại vướng vào chiến tranh ở biên giới Tây
Nam, Pol Pot bắt đầu quấy phá, rồi chiến tranh Campuchia. Đó là thời kỳ cực kỳ
khó khăn, miền Bắc kiệt quệ, xơ xác sau những năm tháng dốc toàn lực cho chiến
trường, miền Nam đổ vỡ vì chiến tranh, các vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra rất lớn,
công việc thì bề bộn. Đất nước hồi đó khó khăn lắm.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thời gian sau ngày 30-4-1975
là một cơ hội cực kỳ tốt mà chúng ta chậm khai thác. Hầu như tất cả các nước
phương Tây khi ấy đều muốn thiết lập quan hệ với Việt Nam. Mỹ cũng muốn bình
thường hóa quan hệ với ta. Bởi vì vị thế của Việt Nam lúc đó là vị thế của người
chiến thắng, ngời ngời vinh quang, các nước rất nể trọng, quý mến. Nhưng rất tiếc
là chúng ta còn dè dặt – cũng một phần do những ràng buộc của lý luận - nên đã
bỏ lỡ, không tận dụng được cơ hội ấy.
Đến lúc ta vướng vào vấn đề Campuchia thì tất cả những thuận
lợi đó đều mất đi: Trước hết là những người ủng hộ ta bắt đầu hoang mang, không
hiểu tại sao một dân tộc đã tự giải phóng mình nay lại đưa quân sang nước khác.
Rồi tới những người trước đây đã lưỡng lự, chưa hoàn toàn ủng hộ Việt Nam, thì
đến lúc này họ quay hẳn sang chống lại chúng ta. Họ đâu biết rằng Việt Nam đang
làm một nghĩa vụ quốc tế cực kỳ quan trọng mà không dân tộc nào lúc đó làm được,
đâu biết rằng vào Campuchia là Việt Nam phải hy sinh ghê gớm lắm, mất đi sự ủng
hộ của thế giới, mất bao xương máu, mất cả nguồn lực kinh tế dồn vào để bảo vệ,
giúp đỡ Campuchia. Đến bây giờ, khi đã hiểu ra tình hình rồi, người ta mới cảm
ơn Việt Nam. Chúng ta luôn mong muốn hòa bình, nhưng vào giai đoạn ấy, chúng ta
bắt buộc phải làm những việc khiến vị thế quốc tế của mình gặp khó khăn.
Lúc ấy, giá chúng ta khôn khéo hơn trong chính sách đối nội,
thì đã trấn an được lòng người. Tôi muốn nói rằng, nếu ngày ấy chúng ta đẩy mạnh
hòa hợp dân tộc, chúng ta có cái khoan dung của người chiến thắng, thì sẽ làm
yên lòng người dân, nói chính xác là sẽ làm một bộ phận không nhỏ người dân miền
Nam yên lòng với chế độ mới. Nhưng thay vì khoan dung và khéo léo trong đối nội,
chúng ta lại có những chính sách như cải tạo công thương nghiệp. Những chính
sách ấy từ khi áp dụng ở miền Bắc đã thấy trục trặc rồi, vậy mà ta lại tiếp tục
áp dụng ở miền Nam. Hậu quả là làm nền sản xuất không thể nào đứng vững được,
người dân thì hoang mang.
… Từ năm 1976 ta bắt đầu đàm phán với Mỹ. Nhưng lúc ấy mình
đưa ra, như trong nghề ngoại giao chúng tôi hay nói, đưa ra cả một “cục xương”
mà họ không nuốt nổi (cười), đó là bồi thường chiến tranh. Chủ trương của chúng
ta ngày ấy là dứt khoát đòi bồi thường. Trưởng đoàn Phan Hiền lên đường đàm
phán, lãnh đạo căn dặn đại ý “hai triệu sinh mạng đã mất trong chiến tranh, anh
nhớ lấy điều đó”. Với chủ trương ấy, trong tình hình ấy, người đàm phán không
thể làm khác được, thế là chúng ta bỏ mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ,
trong khi vào thời điểm đó, mình là người ra điều kiện để bình thường hóa. Sau
này, tới những năm 90 thì Mỹ lại là bên ra điều kiện. Ta bỏ lỡ mất 20 năm.
Nhưng nói vậy thôi, cũng phải hiểu rằng lúc đó, chúng ta chưa chuẩn bị được
đâu. Miền Nam vừa giải phóng mà lại có một Đại sứ quán Mỹ mới ở TP.HCM… thì
cũng khó chứ…
30-4 là một khúc khải hoàn vĩ đại của dân tộc, nhưng 35 năm
đã trôi qua rồi. Tôi nghĩ giờ đây chúng ta cần một khúc khải hoàn mà mọi người
dân Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi đâu, cũng đều có thể hát được. Đó chính là hòa
bình, độc lập và hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng đất nước. Sau 35 năm, tình
hình đã khác rồi. Nếu chúng ta làm được điều này thì vị thế của Việt Nam, những
con mắt nhìn vào Việt Nam, sẽ thay đổi.
Những dịp 30-4 như thế này là dịp để làm gia tăng tinh thần
đại đoàn kết. Phải làm sao để huy động tất cả các lực lượng, cho dù còn ý nọ ý
kia. 30-4, đừng làm người ta đau thêm nữa. Người chiến thắng dẫu sung sướng,
nhưng cũng phải nhìn thấy nỗi đau của những bà mẹ mất con. Cho nên, mình phải
thấy phía bên kia nhiều đau đớn lắm.
Phải làm sao để thế hệ trẻ bên kia hướng về đất nước mà bảo
rằng đây là Tổ quốc CHUNG của những người Việt Nam, bất luận ở đâu (ông Nguyễn
Dy Niên nhấn mạnh). Tổ quốc không của riêng ai. Lúc này là lúc phải đoàn kết lại
tất cả để cùng nhau hát lên lời ca Vua Hùng dựng nước, chúng ta cùng xây dựng để
đất nước phát triển. Không mộng tưởng trở thành cường quốc gì cả, nhưng chúng
ta phải thể hiện ý chí của một dân tộc: vươn lên. Tôi nghĩ lúc này là lúc phải
làm, đừng nói một chiều nữa. Tất nhiên phải trân trọng những người đã hy sinh,
đã đổ xương máu, nhưng 35 năm qua rồi, phải nghĩ xa hơn, nghĩ tới tương lai.
Hòa hợp là lúc này đây, bây giờ là lúc cần hòa hợp. Mình phải
nghĩ tới tương lai dân tộc. Đừng để chia rẽ nữa, chia rẽ đã gây bao đau thương
cho dân tộc rồi. Người chiến thắng phải bao dung, độ lượng, kéo tất cả mọi người
lại…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét