Biên dịch: Ngô Việt Nguyên
Nguồn: Mark Varga, “China’s Military Pivot to Africa just
Got Serious”, Foreign Policy Blog, 11/02/2016.
Những đồn đoán về kế hoạch xây dựng một “cơ sở hậu cần” của
Trung Quốc tại quốc gia Djibouti ở Đông Phi đã được khẳng định sau một tuyên bố
của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng hai nước đã đạt được một thỏa thuận. Cho dù
chưa có một lịch trình cụ thể, thỏa thuận sẽ là một hồi kết tự nhiên của một
quá trình thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia, bắt đầu từ khi Trung Quốc tham
gia chiến dịch chống hải tặc tại vịnh Aden vào năm 2008.
Khác với các quốc gia NATO và Nhật, những nước cũng tham gia
chiến dịch chống hải tặc ở Djibouti, Trung Quốc hiện tại không có căn cứ hải
quân dài hạn tại khu vực. Theo lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hong Lei, “Trong lúc thực hiện các nhiệm vụ hộ tống, Trung Quốc gặp nhiều khó
khăn thực sự trong việc bổ sung quân số cũng như cung cấp nhiên liệu và lương
thực, và thấy rằng có một cơ sở hỗ trợ hậu cần hiệu quả và gần bên là một điều
rất cần thiết.”
Djibouti là một sự lựa chọn tự nhiên đối với Trung Quốc vì
thuộc địa cũ của Pháp này đã là nơi đóng một số căn cứ của châu Âu cũng như Trại
Lemonnier, một căn cứ quân viễn chinh của Mỹ nơi chỉ huy các chiến dịch máy bay
không người lái ở Yemen và Somalia.
Thừa nhận vai trò địa chính trị quan trọng của Djibouti,
Trung Quốc đã cung cấp cho quốc gia này nhiều sự hỗ trợ tài chính trong những
năm qua. Trong đó bao gồm một khoản tiền trị giá 590 triệu đôla Mỹ cho việc
phát triển cảng, nhắm đến việc biến nó trở thành một cảng trung chuyển, và đầu
tư vào hệ thống đường ray trị giá 4 tỉ đôla nối Djibouti với nước láng giềng
không có biển là Ethiopia. Điều này diễn ra sau một thỏa thuận thiết lập một
khu vực thương mại tự do cho các công ty Trung Quốc ở Djibouti và cho phép các
ngân hàng Trung Quốc được hoạt động ở quốc gia này.
Dù quan trọng, căn cứ hải ngoại đầu tiên này của Trung Quốc ở
Djibouti chỉ là một phần nhỏ của một bức tranh lớn hơn đang được Bắc Kinh dựng
nên. Djibouti, và người hàng xóm lớn hơn nhiều lần ở phía Bắc là Ai Cập, là chặng
cuối của nhánh đường biển nằm trong dự án đầy tham vọng “Một vành đai, Một con
đường” (OBOR) của Trung Quốc: một tuyến giao thương chiếm đến nửa vòng trái đất
và kết nối Trung Quốc và Châu Âu dọc theo Con đường Tơ lụa xa xưa.
Được hỗ trợ bởi Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)
và Quỹ Con đường Tơ lụa, tuyến đường trên đất liền sẽ được hưởng những khoản đầu
tư cơ sở hạ tầng khổng lồ, kéo dài từ phía tây Trung Quốc qua Trung Á và Trung
Đông đến châu Âu thông qua Nga, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Để tuyến đường biển thành công, các tàu thương mại của Trung
Quốc cần phải đến được kênh đào Suez một cách êm thắm sau khi vượt qua Ấn Độ
Dương. Vị trí của Djibouti ở cửa ngõ Biển Đỏ, dẫn vào kênh đào Suez và Địa
Trung Hải, biến nó trở thành một điểm quan trọng trong mạng lưới này.
Do giá trị của những khoản đầu tư vào OBOR sẽ vượt mức 1
ngàn tỷ đôla trong 10-15 năm tới, không có gì bất ngờ khi Giải phóng quân Trung
Quốc (PLA) đã từ từ thay đổi lập trường từ tập trung vào quốc phòng sang thiết
lập khả năng triển khai sức mạnh song song với sự mở rộng các lợi ích của Trung
Quốc ở nước ngoài.
Sự quả quyết mới này, mà trong đó căn cứ của Trung Quốc ở
Djibouti đóng vai trò như là “tuyên bố ý định” đầu tiên, đang được theo dõi một
cách cẩn thận tại các thủ đô phương Tây. Nhưng theo lời Shen Dingli, một giáo
sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải được tờ New York Times dẫn
lời, Trung Quốc đang hành xử giống như bất kỳ các cường quốc nào khác trong việc
bảo vệ các quyền lợi tài chính của mình ở nước ngoài.
“Nước Mỹ đã mở rộng hoạt động thương mại của mình vòng quanh
thế giới và đã gửi quân đội của họ đến bảo vệ những quyền lợi đó trong 150 năm
qua”, theo lời ông Shen. “Bây giờ, những gì Mỹ đã làm trong quá khứ, thì giờ
Trung Quốc sẽ làm lại.”
Mặc dù Trung Quốc được tự do theo đuổi các tham vọng chính
trị của mình, sự hiện diện của nó sẽ chắc chắn gây tác động tiêu cực đến nền tự
do (nội bộ) của Djibouti. Chính sách không can thiệp nghiêm ngặt của Trung Quốc
có nghĩa rằng Tổng thống Ismael Omar Guelleh biết rằng Bắc Kinh sẽ không phê
phán nỗ lực tranh cử tổng thống lần thứ tư vào tháng 4 tới của ông.
Kể từ khi ông thừa kế chức tổng thống từ chú ông vào năm
1999, Guelleh đã sử dụng một sự kết hợp giữa hối lộ và ép buộc để giữ vững quyền
lực của mình. Vào năm 2010 ông sửa hiến pháp và bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, nuốt
lời hứa trước kia rằng ông sẽ không tranh cử quá hai lần.
Kể từ lúc đó Djibouti đã tiếp tục tụt hạng trong các bảng xếp
hạng quốc tế về tự do báo chí và nhân quyền, đồng thời bất ổn chính trị ngày
càng tăng. Năm 2014, Djibouti hứng chịu cuộc tấn công khủng bố đầu tiên nhằm
vào các nhân sự phương Tây ở nước này, gây ra lo ngại rằng sự hiện diện của
binh lính nước ngoài tại một đất nước Hồi giáo nghèo đói, bị áp bức sẽ trở nên
một mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Và tháng 12 năm ngoái, khoảng
19 nhà hoạt động đối lập đã bị bắn chết khi cảnh sát xả đạn vào một đám rước
tôn giáo, làm Tòa án Hình sự Quốc tế phải chính thức đặt Djibouti vào diện cần
theo dõi.
Trong khi Guelleh đã hứa sẽ biến đất nước mình thành Dubai
hay Singapore của châu Phi, và tiếp tục nhiệt tình nghênh đón Mỹ và Trung Quốc
để tìm kiếm hỗ trợ tài chính, thì cuộc bầu cử tổng thống sắp đến chắc chắn sẽ
xua đi lầm tưởng rằng Djibouti và người dân đang hưởng lợi từ sự chú ý của cộng
đồng quốc tế.
Mark Varga là một nhà tư vấn về quan hệ châu Âu người Mỹ gốc
Hungary giờ đang sinh sống và làm việc tại Budapest.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét