Sự nghiệp chính trị của
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thực sự chấm dứt?
Truyền thông nhà nước
loan báo ngày 6/4, Quốc hội (QH) sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó bỏ
phiếu kín bầu Thủ tướng mới. Ngày 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Được biết đây là kỳ họp
cuối cùng của QH khóa XIII và nội dung chính được lãnh đạo QH cho biết là trên
60% thời gian làm việc chỉ dành cho công tác nhân sự. Theo ông Tổng thư ký QH
Nguyễn Hạnh Phúc, "công tác nhân sự được tiến hành vào kỳ họp cuối không
có gì mâu thuẫn với luật định, theo đó cho phép kiện toàn nhân sự trong nhiệm kỳ.
Các chức danh kể trên (Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng) cần 'kiện toàn'
vì sau Đại hội Đảng 12, những người đang giữ các vị trí này không tái cử Ban chấp
hành TW đảng." Ông nói thêm "Nội dung này chiếm thời lượng lớn là do
các bước miễn nhiệm và bầu đều có quy trình theo luật định." Ngoài ra,
theo báo Thanh Niên, "Cũng theo ông Phúc, đây không phải là lần đầu tiên
thực hiện sớm việc kiện toàn nhân sự. Công việc tương tự cũng đã được thực hiện
tại kỳ họp thứ 9 QH khóa 11 (2006)."
Đây thực sự là một điều
không bình thường, nhất là trong bối cảnh hậu Đại hội Đảng lần thứ XII. Chuyện
gì đã xảy ra ở hậu trường chính trị Việt Nam và vì sao ĐCSVN bất chấp những
thông lệ tối thiểu của một nhà nước pháp quyền, phỉ báng Hiến pháp và chà đạp
công luận?
Đảng quyết định nhân
sự Quốc hội và Nhà nước có vi hiến?
Điều 69 Hiến pháp quy
định "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực
nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến,
quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối
cao đối với hoạt động của Nhà nước."
Điều 70 (7) Hiến pháp
giao quyền QH "Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, ... Chủ tịch Quốc
hội, ... (và) Thủ tướng Chính phủ..."
Điều 83 (3) Hiến pháp
ghi rõ "Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới... do Chủ tịch Quốc hội khoá
trước khai mạc và chủ tọa cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch Quốc hội."
Điều 87 Hiến pháp khẳng
định "Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội...
Nhiệm kỳ
của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch
nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước."
Điều 87 Hiến pháp
trao quyền Chủ tịch nước "Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm ...
Thủ tướng Chính phủ..."
Luật Tổ chức QH cũng
có những quy định tương tự về việc bầu, miễn nhiệm những chức danh nói trên. Việc
Hội nghị TW 2 quyết định "kiện toàn" nhân sự lãnh đạo QH và Nhà nước
(NN) cùng lúc 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt như thế là một hành động áp đặt
thái quá, vi hiến, xem thường kỷ cương, pháp luật, phỉ báng Hiến pháp và chà đạp
công luận.
QH khóa 14 đã có kế
hoạch tổ chức bầu cử vào ngày 22/5 và, kỳ họp này là phiên họp cuối cùng trước
khi QH giải tán vì hết nhiệm kỳ, thì tại sao lại phải bầu nhân sự mới cho một
QH đã mãn nhiệm kỳ? Trên thế giới và ngay cả trong lịch sử QH Việt Nam cũng
chưa bao giờ có trường hợp tương tự. Ông Nguyễn Hạnh Phúc đã hoàn toàn sai khi
cho rằng QH đã có tiền lệ vào năm 2006 mặc dù ông có nói rằng QH mới khóa 14 sẽ
bầu lại các chức danh trên. Thật ra, kỳ bầu lại lãnh đạo của QH và NN năm 2006,
lúc đó QH vẫn còn 1 năm nhiệm kỳ, mà cho dù đã có một tiền lệ đi chăng nữa
nhưng nếu là một tiền lệ sai thì cũng không nên lặp lại nếu như Việt Nam muốn
kiện toàn hệ thống pháp luật chuẩn mực. Và càng sai hơn, nếu như ĐCSVN áp đặt
dàn lãnh đạo này cho QH khóa 14, khi người dân chưa thể hiện quyền công dân
thông qua lá phiếu bầu cử.
Thủ tướng Dũng là một
trong các nhà lãnh đạo có tiếng nói mạnh mẽ trong vụ giàn khoan HD981 Trung Quốc
đưa vào Biển Đông.
Hơn thế nữa, cho đến
tận hôm nay vẫn chưa có một lá đơn từ nhiệm nào của các lãnh đạo QH và NN và,
dĩ nhiên theo Hiến pháp và luật định, nếu không có đơn từ nhiệm thì QH vẫn có
quyền bãi nhiệm theo đề nghị của UBTVQH mặc dù Hiến pháp không có ghi rõ là QH
có cần phải đưa ra lý do bãi nhiệm hay không. Tuy nhiện, theo lẽ thông thường
và cũng là thông lệ của QH thì không thể bãi nhiệm một lãnh đạo khi không có lý
do chính đáng, hoặc vì sai phạm của người đó hoặc vì lý do sức khỏe hoặc vì một
lý do khả đáng thuyết phục nào đó. Nếu ĐCSVN cho rằng việc các vị này không tái
cử Ban chấp hành TW đảng thì đó chắc chắn không phải là một lý do chính đáng để
bãi nhiệm họ cho dù có điều 4 hay không của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của
ĐCSVN.
Qua phân tích trên,
chúng ta thấy rõ rằng quyết định của ĐCSVN là sai, vi hiến cũng như trái với những
thông lệ bình thường nhất của một nhà nước pháp quyền chuẩn mực và, của cả
thông lệ của QH Việt Nam. Vậy câu hỏi được nêu ra là, vì sao biết sai mà đảng vẫn
làm? Câu trả lời dường như tìm thấy ở cá nhân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Dũng và
chính trường Việt Nam
Truyền thông nước
ngoài bàn nhiều về nhân sự cấp cao Đại hội 12 trong đó có cuộc đua vào ghế tổng
bí thư.
Sự nghiệp chính trị của
Thủ tướng Dũng đã hết? Đó là câu hỏi mà nhiều nhà quan sát thời sự Việt Nam thường
hỏi tôi. Câu trả lời đơn giản nhất của tôi là tốt nhất quý vị nên tìm đến ông
Dũng mà hỏi vì tôi không phải là ông Dũng, nên không thể trả lời thay cho ông ấy.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ông Dũng không phải là người đơn giản và nếu sự nghiệp
chính trị của ông có chấm dứt hay không thì chỉ do ông ta quyết định, không một
ai có thể quyết định chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông ấy. Nếu đánh bại được
ông ấy thì chắc không đến nỗi các đồng chí của ông đã phải mếu máo trước công
luận tặng cho ông một biệt danh: "Đồng chí X"!
Trong lịch sử dưới
"triều đại CSVN", ông Dũng là một trong ba (3) Thủ tướng có tên tuổi
và tầm cở nhất, ngoài các ông Phạm Văn Đồng, "Thủ tướng lâu đời nhất, cái
loa của đảng" và Võ Văn Kiệt, "Thủ tướng dám nói, dám làm và dám chịu
trách nhiệm của thời kỳ đầu Đổi Mới".
Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng là người có thành tích, có kinh nghiệm và có uy tín nhất trên chính trường
quốc tế so với dàn lãnh đạo CSVN hiện nay. Ông xuất thân từ một du kích quân
trong chiến tranh Việt Nam, sau đó trấn giữ ở một vùng biên giới đầy biến động,
chiến tranh khốc liệt sau 1975 với lực lượng Khmer đỏ. Trưởng thành trên chiến
trường và kinh qua những trọng trách điều hành quản trị hành chánh ở cấp cơ sở
điạ phương trước khi được cất nhắc lên trung ương.
"Ông cũng có những
sai lầm cá nhân không thể phủ nhận trong quản lý kinh tế vĩ mô, nợ xấu của các
tập đoàn kinh tế nhà nước, điều hành công việc của chính phủ và các bộ, chậm cơ
cấu lại các khu vực kinh tế, cái cách thể chế," ông giáo Tuấn nhận xét
đăng trên trang Facebook của ông ngày 5/4/2016 (Hiện giờ, trang này không còn
truy cập được nữa). "Nhưng xét một cách công bằng, ông không chịu hoàn
toàn trách nhiệm một mình, mà không ít sai lầm của ông có dấu ấn đậm của tập thể
lãnh đạo," ông giáo Tuấn viết tiếp. "Ông có dũng khí cá nhân, có can
đảm và năng lực cá nhân để phát biểu ý kiến đanh thép về sự xâm lăng của khựa bẩn
(Trung Quốc) một cách thuyết phục. Nhiệm kỳ cuối của ông là một nhiệm kỳ khá
thành công về cải thiện kinh tế vĩ mô, giữ được thế cân bằng nhất định. Ông là
hiện thân của một chính trị gia trong thời kỳ hiện đại hóa nửa vời ở Việt Nam,
không ít trở ngại và thách thức," ông giáo Tuấn kết luận.
Là một chính trị gia
gốc miền Nam mà đã "sống sót gần như một cách vẻ vang" sau gần 20 năm
lăn lộn giữa đất Hà Thành, chốn quan trường khắc nghiệt, kinh đô ngàn năm văn
hiến với cả hàng vạn sỹ phu Bắc Hà thì quả thật ông Dũng không thể đơn giản được.
Ông đã tích lũy được một bề dày kinh nghiệm qua những chức vụ như: Thứ trưởng
Công an, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng và phụ trách công tác Tài chính của
Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Phó Thủ tướng. Ông là người duy nhất hiện
nay có gần 20 năm kinh nghiệm trong Bộ Chính trị.
Ông cũng là Thủ tướng
duy nhất có nhiều quyền lực nhất trong suốt 70 năm qua; là người gần như đã
"vô hiệu hóa" quyền hành của đảng những năm gần đây, đưa vai trò
Chính phủ và Thủ tướng lên thành tâm điểm trong chính trường Việt Nam; và là
nhân vật được quốc tế chú ý nhiều nhất so với các bạn đồng liêu. Dĩ nhiên, bất
cứ sự thành công nào cũng có cái giá phải trả của nó.
Sự thất sủng của ông
Dũng trong kỳ Đại hội Đảng 12 vừa qua, phần nào đã hé lộ một phần "văn hóa
chính trị của chính trường Việt Nam". Ông Dũng đã bị loại và bị bỏ rơi
không hẳn vì ông không có tâm, tầm và khả năng lãnh đạo nhưng bởi vì có một bộ
phận không nhỏ các đồng chí của ông đã quá sợ hãi khi thấy quyền lực chính trị
đang tập trung dần vào một người hay một số người nào đó. Vì thế, họ đã chấp nhận
thỏa hiệp để bảo vệ cái chế độ "làm vua tập thể" mà "không ai phải
chịu trách nhiệm gì cả", bỏ mặc sự hưng vong của tổ quốc, đồng bào.
Quyết định của TW 2
là một quyết định chính trị sai lầm, một tiền lệ vi hiến nguy hiểm, trái với những
thông lệ bình thường nhất của một nhà nước pháp quyền chuẩn mực. Biết sai nhưng
vẫn làm, vì mục đích duy nhất của họ là triệt càng sớm càng tốt sự nghiệp chính
trị của ông Dũng. Đối với họ, đơn giản rằng "Đêm dài sẽ lắm mộng!" Họ
buộc phải ra tay trước khi quá muộn.
Quan điểm này đã được
thể hiện qua ngòi bút sắc bén của nhà báo Huy Đức Trương Huy San đăng trên
trang Facebook của ông ngày 6/1/2016.
"Đừng vì quá mỏi
mệt với giáo điều, trì trệ (ý nói ông Trọng) mà tung hô một nhà độc tài (ông
Dũng) vì nghĩ ông ta dám phá bỏ những gì đang làm chúng ta mỏi mệt," Huy Đức
viết.
"Không nên rủi
ro một quốc gia bằng cách đặt cược sinh mệnh của quốc gia đó vào tay một cá
nhân vì nghĩ ông ta là một nhà độc tài anh minh. Bởi, nếu ông ta không anh minh
chúng ta sẽ tốn nhiều máu xương hơn để đòi lại," Huy Đức khẳng định.
Sau đó, ông Huy Đức
trích Lord Acton để bảo vệ quan điểm của mình: "Quyền lực có khuynh hướng
tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối".
"Dân chủ chỉ là
cách phân chia quyền lực để hạn chế sự tha hóa của những kẻ cầm quyền... Dân chủ
không phải là thứ được ban phát bởi những tên bạo chúa đã vơ vét cho đến khi thừa
mứa. Dân chủ đòi hỏi chúng ta, trước hết, phải bước ra khỏi sự sợ hãi; dũng cảm
nhưng không nên liều lĩnh, vội vàng, Huy Đức kết luận khi cho rằng ông Dũng là
một "nhà độc tài" nguy hiểm cần loại bỏ vì nếu không thì "sẽ tốn
nhiều máu xương hơn để đòi lại".
Tôi không dám bình luận
về việc ông Dũng có là hoặc sẽ trở thành một "nhà độc tài" như Huy Đức
viết hay không nhưng tôi nghĩ ông giáo Tuấn có lý khi ông nhận định rằng,
"xét một cách công bằng, ông (Dũng) không chịu hoàn toàn trách nhiệm một
mình, mà không ít sai lầm của ông có dấu ấn đậm của tập thể lãnh đạo,(tôi viết
nghiêng đoạn này để nhấn mạnh)". Theo tôi, thì ông Dũng, ông Trọng hoặc Đảng
CSVN có độc tài hay không, chắc quý vị đã có câu trả lời. Riêng tôi tự hỏi:
"Vậy liệu sự nghiệp chính trị của ông Dũng có thực sự chấm dứt sau ngày
6/4?"
Tôi nghĩ rằng không
ai có thể quyết định chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Dũng và càng không thể
trả lời thay cho ông ấy.
Nếu ông Dũng thực sự
muốn làm nên lịch sử, tiếp tục cuộc đời chính trị và ông biết rất rõ điều đó,
thì ông chỉ có một cách duy nhất là đứng ra lập một tổ chức chính trị mới cạnh
tranh với ĐCSVN. Tuy sự nghiệp chính trị của ông với ĐCSVN đã thực sự chấm dứt
kể từ đây nhưng một chân trời mới tự do, dân chủ của đất nước đang rộng mở đón
chào ông.
Với kinh nghiệm, uy
tín chính trị sẵn có trong nước và trên chính trường quốc tế, ông Dũng hoàn
toàn có thể là một "giải pháp chính trị khả dĩ chấp nhận được" trong
những cái tồi tệ nhất hiện nay cho Việt Nam. Chính trị là nghệ thuật đẩy lùi giới
hạn để tiến tới cái tốt nhất có thể đạt được.
Nhưng nếu ông Dũng thực
sự muốn từ giã chính trường như lời chia tay của ông chúc bạn đồng liêu và cũng
tự chúc luôn cho mình hôm 26/3 rằng, ông mong sau khi "được nghỉ chính
sách" ông sẽ luôn có "sức khỏe" và "ráng làm người tử tế".
Vậy tôi cũng chúc ông
nhiều sức khỏe, hạnh phúc gia đình và "làm người tử tế" thật sự kể từ
đây chứ "đừng ráng" gì nữa. Tôi tin chắc rằng lịch sử rồi sẽ công bằng
khi nhận xét về ông, một chính trị gia Phương Nam, một thời đã vẫy vùng oanh liệt,
chiến công hiển hách giữa đất Hà Thành với hàng vạn sỹ phu Bắc Hà "không dễ
tính" bao quanh!
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét