Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Ông Dũng đi rồi, ông Dũng có trở lại?

Bùi Quang Vơm


Thế là từ sau cái ngày 06/04/2016 định mệnh, ông Nguyễn Tấn Dũng, thật sự rời khỏi sân khấu chính trị Việt Nam, ít nhất cũng trên mặt chính thức.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến. Việc một người được coi là người hùng của nền chính trị Việt Nam trong suốt 20 năm, mà im lặng ra đi, với một “nụ cười thường trực”, và với một “tâm trạng thanh thản” khi “Đảng, Quốc hội, Nhà nước cho nghỉ chính sách” và chỉ mong “ráng làm người tử tế”, khiến không ít thắc mắc.

Có thật sự ông gác kiếm? Và liệu có thể có việc ông quay lại không? Bởi vì người ta vẫn cứ tự hỏi không biết ông Dũng có thực là người hùng không, có thực ông có tài kinh bang tế thế như đồn đại không, có thực ông là loại gian hùng, mưu thâm kế độc không? Tại sao danh tiếng uy lực của ông ầm ĩ thế và ông ngồi trên chiếc ghế siêu quyền lực lâu thế, mưa móc bổng lộc cho những ai và đến những đâu, mà khi bị buộc phải nghỉ trước hạn, sao có thể dễ dàng thế, và sao ông có vẻ ngoan ngoãn thế, mặc dù, lẽ ra cũng chỉ còn vài tháng nữa, hết nhiệm kỳ ông cũng sẽ tự rút. Ông hèn quá, ông cô độc quá, hay ông đang âm mưu gì?


1- Nói về những yếu kém hay tài năng của ông Dũng về quản lý kinh tế là vô nghĩa, vì ông ta chỉ thực hiện nghị quyết của đảng. Trong một chế độ mà mọi sự đều do đảng lãnh đạo, thì không có vai trò cá nhân nào cả. Mọi chủ trương, mọi giải pháp đối phó diễn biến của tình hình mọi mặt, đều có một nghị quyết tương ứng của bộ chính trị. Thủ tướng chỉ là người tổ chức và chỉ đạo thực hiện, chịu sự báo cáo hàng tháng, thậm chí trong những việc trọng điểm, những vụ việc cấp bách, phải báo cáo bộ chính trị hàng tuần. Sáng suốt hay sai phạm cũng không thể kéo dài. Sáng kiến mà trái ý, thì không được tiếp tục, mà sai thì lập tức phải bị uốn nắn. Cho nên, nếu có ai ca ngợi ông Dũng sáng suốt, ông Dũng năng động, ông Dũng thân Mỹ, ông Dũng không sợ Tàu… chỉ để cho một số người khác hoặc khó chịu, hoặc cười khẩy.

Nói rằng ông có tư tưởng đổi mới, cải cách trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập thông qua việc cho phép tiến hành đàm phán và đi đến kết thúc các hiệp định hợp tác tự do kinh tế, với Châu Âu, với Nam Hàn, với Nhật bản, đặc biệt là TPP với Mỹ và khu vực Thái Bình Dương là việc gọi là vơ vào “của người phúc ta thôi”, không phải ông Dũng thì tất cả vẫn phải được thực hiện, vì một mặt, đó là nhu cầu bức thiết, có động lực từ các bối cảnh tổng hợp cả tăng trưởng lẫn an ninh chế độ và chủ quyền biển đảo, cân bằng biển Đông, mặt khác, đó là xu thế khó chối bỏ, khi nghị quyết đảng là “tích cực và chủ động hội nhập phù hợp xu thế thời đại”. Ông là người thực hiện không có gì xuất sắc, nếu không nói là tồi. Nếu những điều phải cam kết liên quan tới quyền tổ chức công đoàn độc lập và các cam kết liên quan tới quyền công dân, quyền sở hữu tri tuệ, tới hàm lượng kinh tế Quốc doanh trên tổng thể nền kinh tế… mà không được bộ chính trị chấp nhận, bao gồm các biện pháp đối phó, thì ông Dũng có thể làm được gì, và bộ trưởng bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàng có được quyền đặt bút ký không. Cho đến lúc không còn là uỷ viên TW, gặp OBAMA lần cuối, ông vẫn kêu xin Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có thể thấy, ông không hiểu gì về bản chất nền kinh tế thị trường và vẫn còn trung thành với một nền kinh tế mà trong đó “thành phần kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và ngày càng chiếm ưu thế”.

2- Những phát ngôn ấn tượng cũng vậy, không phải là cái của riêng ông, không phải là ông có lập trường độc lập. Ông Dũng không bao giờ dám độc lập. Có thể thấy lời phát ngôn “không đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viển vông” chỉ là một sự cố, một sự lỡ lời, không phải là một chủ kiến. Biểu hiện là ông không hề nhất quán. Ông tuyên bố hồ sơ khởi kiện đã sẵn sàng, nhưng rồi cái hồ sơ ấy chìm không dấu vết, và chờ quyết định của bộ chính trị. Ông giải thích lại quan điểm không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, rằng,  ý ông là chúng ta “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, chứ không phải ông nói hữu nghị Việt Trung là hữu nghị không có thật, sau khi nhận những ý kiến phê phán trong bộ chính tri, cho rằng phát biểu của ông kích động làn sóng công khai chống Trung quốc, vừa kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vừa tác động tiêu cực tới quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, hai nhà nước. Sau đó ông sửa sai bằng việc tăng cường bắt bớ, đàn áp phong trào biểu tình. Luật biểu tình mà ông lỡ thúc giục Quốc hội, ông sửa sai bằng cách im lặng và làm ngơ trước việc dây dưa trì hoãn của cả bộ công an và bộ quốc phòng, tất nhiên do sự chỉ đạo thống nhất của bộ chính trị, vì nỗi lo sợ bộ chính trị quy cho ông âm mưu làm cách mạng mầu.

Ông cũng bộc bạch với đảng rằng ông không hề có thiên hướng thân Mỹ bằng cách ông công khai vinh danh cuộc chiến tranh “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào” ngày 30/04/2015. Ông còn thề thốt trung thành với đảng khi nói trong thư gửi Tổng B thư Nguyễn Phú Trọng rằng, “cha tôi, chú ruột tôi, hai cậu ruột tôi, cha vợ tôi đã hy sinh, đều là liệt sĩ, bản thân tôi bốn lần bị thương, còn mang trong người 10 mảnh đạn của Mỹ, tôi không thể nào phản bội lại mục tiêu, con đường mình đã chọn, đã gắn bó bằng cả máu thịt gần hết cuộc đời”. 

3- Nhưng những sai phạm phản ánh bản chất của ông Dũng là việc ông làm ngơ cho việc con gái ông làm giàu. Ông nói con gái lớn đủ tư cách chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật. Nhưng ông cũng thừa biết, trong xã hội mà lợi thế kinh tế chủ yếu giành được bằng quyền lực và bằng các loại quan hệ bất chính xung quanh các trung tâm quyền lực, thì tác động giữa quyền quyết định quá tập trung của Thủ tướng trong mọi hoạt động kinh tế, mọi dự án đầu tư, sẽ có tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh của con gái ông, với tư cách là chủ tịch Quỹ đầu tư Bản Việt, Tổng giám đốc ngân hàng, và công ty đầu tư chứng khoán Bản Việt. Cho nên khi ông nói ông không biết gì và không chịu trách nhiệm về những “thành công” mà con gái ông đạt được một cách quá bất thường trong kinh doanh, không thuyết phục được công chúng, không thuyết phục được số đông trong bộ chính trị. Việc làm giàu dễ dàng và tài sản tăng lên quá nhanh của cô con gái không có cách giải thích nào thoả đáng.

4- Hành trình chính trị của con trai trưởng Nguyễn Thanh Nghị của ông cũng phản ánh một lôgic không trong sáng. Một giảng viên bình thường mới chỉ tham gia giảng dạy hai năm, chưa có đóng góp cụ thể, nhưng lại dễ dàng được bổ nhiệm sớm hơn bình thường lên chức phó hiệu trưởng Đại học kiến trúc TP HCM, và sau đó phong vượt cấp lên Thứ trưởng bộ😄 trong hai năm. Không được bầu và ban chấp hành đảng bộ TP HCM, không có tên trong danh sách đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc, nhưng vẫn được đề cử và vẫn được bầu vào dự khuyết Trung ương IX, là việc dằn mặt trả miếng Lê Thanh Hải và đảng uỷ TP HCM, coi thường TW. Việc bổ nhiệm sau đó làm phó chủ tịch Kiên Giang, bằng thủ đoạn luân chuyển, tức không qua quy trình  uy tín và cống hiến. Sau đó chính Thủ tướng bổ nhiệm con trai ông trực tiếp phụ trách Ban quản lý dự án đặc khu Phú quốc, nơi giá một m2 đất dự án được tính bằng 1000 dollar. Rồi việc ông Lê Hồng Anh bất ngờ trao quyết định điều ông Trần Minh Thống bí thư đương nhiệm, nhận phân công của thường vụ ban bí thư, làm phó ban chỉ đạo miền Tây Nam bộ, ngay trước khi khai mạc đại hội đảng bộ Kiên Giang lần thứ X, biến danh sách bầu cử chỉ còn duy nhất một ứng cử viên là Nguyễn Thanh Nghị.

5- Việc cậu út mới 23 tuổi đã bỏ việc học hành để theo đuổi chính trị. Năm 2011 từ vương quốc Anh về nước. Năm 2012 trúng uỷ viên TW đoàn. Năm 2013 được phân công phó bí thư tỉnh đoàn Bình Định. Cuối năm 2014, 26 tuổi, được bầu vào uỷ viên chấp hành đảng bộ tỉnh Bình định. Sau hai năm, một sinh viên mới ra trường có thể thành một uỷ viên chấp hành đảng bộ tỉnh, ngang vị trí với những cán bộ có ít nhất 10, 15 năm thâm niên. Nhìn thân hình và tướng mạo cậu út, ít ai có thể tin rằng việc dấn thân cho chính trị khi mới 23 tuổi, học hành còn dang dở, là một hành động tự nguyện có động lực tự thân, không do một gợi ý nào, cho dù rằng điều này không phải là bất khả dĩ. Và người ta cũng tự hỏi, nếu không có ảnh hưởng của người cha là Thủ tướng, thì sự thăng tiến của cậu có cấp tập, có phần quá vội vã, và quá lộ liễu như vậy không.

6- Với những việc cố tình sắp đặt cho con cái, có thể thấy ông Dũng không hề có ý định cải cách chính trị, nếu không nói rằng ngược lại, ông tìm mọi cách để giúp cho thể chế chính trị độc đảng này trường tồn. Bởi quyền lực, thang bậc của hai đứa con trai ông sẽ là che chắn hiệu quả nhất cho đống tài sản kếch sù của con gái ông.

Những việc như vậy, thiên hạ đều thấy. Dẫu ông có nói gì cũng không thể biện bạch được. Không thể tin rằng ông không hề biết gì và không hề tạo ảnh hưởng tới những việc làm đó. Người trong sạch thật thì không thể làm như không biết.

Cho nên, từ những điều kể trên, có thể rút ra một vài điều, dù có thể rất chủ quan, rằng:

Ông Dũng không phải là người có tài. Ông Dũng không phải là người mưu lược. Ông Dũng không phải là người có can đảm. Ông Dũng là người tham lam.

Nếu nhất quán về những đánh giá này, thì câu hỏi liệu ông Dũng đã thật sự gác kiếm hay còn âm mưu quay lại, có vẻ như đã được trả lời.
***
Luật sư Vũ Đức Khanh viết trên Facebook từ Canada, đăng lại trên BBC ngày 07/04/2016, rằng: “Nếu ông Dũng thực sự muốn làm nên lịch sử, tiếp tục cuộc đời chính trị và ông biết rất rõ điều đó, thì ông chỉ có một cách duy nhất là đứng ra lập một tổ chức chính trị mới cạnh tranh với ĐCSVN. Tuy sự nghiệp chính trị của ông với ĐCSVN đã thực sự chấm dứt kể từ đây nhưng một chân trời mới tự do, dân chủ của đất nước đang rộng mở đón chào ông.

“Với kinh nghiệm, uy tín chính trị sẵn có trong nước và trên chính trường quốc tế, ông Dũng hoàn toàn có thể là một “giải pháp chính trị khả dĩ chấp nhận được” trong những cái tồi tệ nhất hiện nay cho Việt Nam. Chính trị là nghệ thuật đẩy lùi giới hạn để tiến tới cái tốt nhất có thể đạt được.”

Mọi người đều có quyền và có thể mơ ước. Gợi ý của luật sư Vũ Đức Khanh có thể cũng đại diện một hy vọng, một mong ước, và biết đâu cũng làm thức dậy một cái gì đó.

Tôi cũng có một gợi ý cho ông Dũng, nhưng khác một chút. Tôi không tin rằng ông có ý tưởng và có khả năng lập ra một đảng chính trị nào khác, đối lập lại đảng cộng sản, vì ông đang rất cô độc. Ông vừa bị chính những kẻ từng bỏ phiếu tín nhiệm ông phản bội. Khi con thuyền đã đắm, thì không còn ai ngồi lại nữa. Khi trên tay ông không còn gì để ban phát nữa, người ta sẽ tìm đến chỗ khác. Tệ hơn thế,  những kẻ ngồi lâu trên một quyền lực bất chính thường không an toàn khi rời khỏi quyền lực đó. Tôi lo sợ một sự đổ vỡ đang chờ đợi ông. Sợ rằng sẽ có người tìm đến ông để xin lại những món nợ, mà dù hữu ý hay vô tình ông đã tạo nên. Chỉ mong ông, bây giờ nếu có thể thanh thản, ông hãy chịu khó đọc báo, và đừng đọc báo của đảng. Những cái mà ông từng phải nghe, buộc phải nghe gần cả đời, có lẽ ông cũng đã chán ngấy rồi. Hãy tìm đọc những thông tin có thật, để biết và học cách suy nghĩ thật và trung thực. Ông sẽ hiểu rằng cuộc đời ông, và suốt 20 năm ông ngồi trên đỉnh quyền lực của ông là một sai phạm lớn vô cùng: ông đã đồng loã với tội ác. Sự ăn năn sẽ cho ông một chút yên tĩnh cuối đời.

Ông đi rồi, vĩnh viễn rồi. E rằng, dẫu bây giờ ông muốn làm người tử tế cũng không còn dễ dàng nữa.


Nguồn: ANHBASAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét