Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Khi trẻ em bị gieo mầm dối trá và bạo lực - Tuấn Khanh



Mo Bo, một trong những người từng là Hồng vệ binh trong thời cách mạng văn hoá ở Trung Quốc đã nói rằng ông cùng rất nhiều bạn bè của mình trở thành những kẻ hoài nghi và mất hoàn toàn niềm cảm hứng với cuộc sống của mình, khi nhìn lại lịch sử và những gì mình đã tham gia.
Mo Bo đã góp tiếng nói của mình trong các hồ sơ về kinh nghiệm bạo lực tuổi thiếu niên trên tạp chí New Internationalist, sau khi đến Anh học ngành nghiên cứu về ngôn ngữ, định cư ở đó.


“Sau những gì đã diễn ra, chúng tôi rơi vào tình trạng hoài nghi, luôn hoài nghi và không còn ai có thể nói với chúng tôi về lý tưởng được nữa, vì chúng tôi sợ hãi mình sẽ rơi vào một vòng xoáy, tạo ra những điều kinh hoàng khác”, ông Mo Bo nói, những kinh nghiệm “kinh hoàng” mà ông ta nói đến là ký ức của thời niên thiếu, khi ông mới 14 tuổi.

Tài liệu trên thư viện điện tử AsianHistoryAbout cho biết vào thời Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc từ năm 1966 – 1976, tư tưởng của Mao Trạch Đông đã tập hợp được hàng chục triệu Hồng vệ binh trẻ tuổi, có người chỉ mới 12 tuổi.

Nhiệm vụ khởi đầu của các đứa trẻ đó là nhận lấy những quyền lực mà thầy cô, bạn bè, nhà trường phải e dè.

Từ chuyện hạch sách những người bạn cùng lứa về kỷ luật học sinh, dần dần chúng phát triển đến chuyện theo dõi quan điểm của thầy cô để tố cáo, lập thành tích.

Không khác gì những câu chuyện điện ảnh kinh dị của Hollywood về các đứa trẻ là hiện thân của quỷ, những Hồng vệ binh trẻ tuổi đó đã phấn khích tràn ra đường, đánh đập thầy cô của mình, lục soát nhà bạn bè mình, đập phá chùa chiền và các di tích cổ, cũng như góp phần vào đại nạn thảm sát hàng chục triệu người trong giai đoạn đó.

Mới đây, báo Tuổi Trẻ có đưa ý kiến của một giáo viên về chuyện nạn Cờ Đỏ trong các nhà trường.
Đây không phải là ý kiến đầu tiên được nói lên, mà lâu nay đã là những điều băn khoăn của giới phụ huynh và các nhà xã hội học, rằng việc trao cho những đứa trẻ trong cùng một môi trường công việc rình mò, theo dõi bạn bè mình và quyền lực “báo cáo” để trừng phạt có phản lại giá trị giáo dục chung hay không?

Hơn nữa, bệnh thành tích và quyền lực giả tạo đó tạo nên những ảo tưởng và sự dối trá như một thói quen cho những đứa trẻ, sẽ tạo ra những nhân cách và phẩm chất gì cho xã hội trong tương lai?

Nhưng không phải chỉ có những đứa trẻ bị trao quyền lực sớm bị tổn thương tinh thần, mà cả những đứa trẻ khác trong môi trường đó cũng bị ảnh hưởng.

Bằng cách làm thân, cầu cạnh, hoặc “lót tay” cho các thành viên đội Cờ Đỏ để không bị ghi sổ khi đi học quên mang khăn quàng, cũng tạo nên một môi trường phản giáo dục và lừa dối thầy cô.

“Không chỉ học sinh sợ thành viên trong đội Cờ Đỏ mà chính thầy cô giáo cũng không muốn làm mất lòng các em đó, bởi chúng nắm trong tay quyền sinh sát của lớp”, cô giáo Phạm Huyền, tác giả của bài viết đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày 3/4/2016, với tựa đề Đội Cờ Đỏ – “ngáo ộp” trá hình ở trường học đã nói đủ hết hiện trạng của nhiều trường học hiện nay, với chỉ vài dòng chữ.

Trong tài liệu về vệ sinh học đường Việt Nam do UNICEF tài trợ từ năm 2006, có tên “Formative Hygiene Research” với nhóm nghiên cứu hỗn hợp nhiều quốc gia, cũng ghi nhận việc theo dõi các bạn học sinh có “đủ vệ sinh” trong trường hay không, được giao cho các đội Cờ Đỏ (bản tiếng Anh viết là Red Flag Team) ghi vào sổ báo cáo, và rất nhiều em học sinh rất vui mừng khi trở thành người có quyền nhận xét ấy.

Trong sách nghiên cứu về nền giáo dục Việt Nam, có tên Vietnam’s Political Process: How Education Shapes Political Decision Making (2009) của Casey Lucius, giáo sư của trường Naval War College – và từng là trợ lý dự án cho toà đại sứ Mỹ tại Việt Nam, bà cũng giới thiệu về “mô hình” khá đặc biệt về các đội Cờ Đỏ trong các trường học Việt Nam, thường được giới thiệu với tư cách “trợ giúp” cho các học sinh bạn.

Mô hình đội Cờ Đỏ này từ khi xuất hiện xuyên suốt trong cả nước vào năm 1976, đã vô hình trung vô hiệu hoá các công việc của đội ngũ thầy cô giám thị, giáo viên kỷ luật… cũng như các chức danh lớp phó kỷ luật, lớp phó học tập, lớp phó thi đua… và hiển nhiên biến hình thái nhóm theo dõi và kiểm tra, thậm chí quyết định giá trị của bạn cùng lứa, trở thành một cơ cấu chính trị trong một môi trường giáo dục.

Cựu thành viên Hồng vệ binh Mo Bo nói rằng thời tuổi trẻ, ông tin rằng những điều mình làm là tạo ra con người và xã hội tốt đẹp.

Cuộc gặp mặt những người bạn cùng thời, sau đó 50 năm, chỉ đem lại một cảm giác chua chát và niềm ước muốn tuyệt vọng: phải chi họ có được một cuộc sống học đường bình thường.

Điều họ mang nặng là tuổi thiếu niên của mình, họ là những kẻ bị gieo mầm dối trá và bạo lực, khiến hôm nay họ ngại ngùng với cả con cháu.

Trong sự cuồng điên và nhiệt thành của mình, các thiếu niên được trao quyền lực ấy luôn là ngọn lửa âm ỉ của nạn bùng phát bạo lực thiếu lý trí.

Lịch sử Trung Quốc ghi nhận rằng hàng triệu các di tích và văn hoá cổ quý giá của đất nước này bị tiêu diệt. Nhiều học giả và giáo sư bị đánh đập chôn sống bởi chính các học sinh và sinh viên của mình, mà ngày hôm qua họ chỉ mới làm nhiệm vụ nhỏ bé là theo dõi và ghi chú về trường học của mình.

Rất nhiều bậc cha mẹ đã khóc và nói rằng họ đã thiếu dứt khoát và tri thức để ngăn con em mình tham gia các đội học sinh được giao quyền hành động ấy.

Một khi môi trường giáo dục bị chi phối bởi những hoạt động không thuần tuý giáo dục, mà nặng về răn đe và trừng phạt, tức môi trường của trẻ em đã bị xoá mờ ranh giới của trừng giới và học đường.

Có thật sự các ngôi trường Việt Nam cần phải giao việc và quyền, khác với tôn chỉ của mình, cho các học sinh?

Ở thế kỷ 21, việc mơ ước rằng các ngôi trường trên đất nước này chỉ có giáo dục – và thuần tuý giáo dục mà thôi – có phải là một điều quá nhiêu khê?

https://nhacsituankhanh.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét