Thế hệ về sau sẽ trả... lời?
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Không chỉ có Trung Quốc mà toàn cầu đều rơi vào một chu kỳ
tăng trưởng chậm, được gọi là “trạng thái bình thường mới,” hay “tân thường
thái.” Vì sao lại như vậy?
Có thể là do chuyển dịch nhân khẩu khi dân số của nhiều quốc
gia tăng chậm làm số người cao nhiên chiếm tỷ trọng lớn hơn so với dân số trong
tuổi lao động. Theo định nghĩa, cao niên là tốn kém vì nhu cầu hưu liễm và y tế
vượt quá khả năng đóng góp thuế khóa. Nhưng dù có dân số trẻ hơn nhiều nước Âu
Á, Hoa Kỳ cũng gặp đà tăng trưởng thấp cho nên yếu tố nhân khẩu không giải
thích được tất cả. Chúng ta phải tìm nguyên nhân ở điều gì khác...
Các ứng cử viên đang xin phiếu cho các chức vụ dân cử từ thấp
lên cao chưa nói gì đến hiện tượng ấy, nhưng nếu đắc cử, họ sẽ phải tìm giải
pháp...
Nhìn trong thật ngắn hạn, với thời khoảng dưới một năm, thì
người ta đã thấy chiều hướng đáng ngại là mức lời của doanh nghiệp tại Hoa Kỳ
sút giảm, đo lường ở tiêu chuẩn tiền lời chia cho một cổ phiếu hay “earning per
share” và điều ấy báo hiệu nạn suy trầm ngay trước mắt. Nhưng vấn đề lại trầm
trọng hơn vì không giới hạn vào nước Mỹ và trong đoản kỳ mà là một hiện tượng rộng
lớn tích lũy từ nhiều năm nay. Hiện tượng ấy là mức vay mượn quá lớn của các nền
kinh tế giàu mạnh nhất.
Người ta lạc quan nói rằng “đi vay là để tiêu sớm.” Nếu tiêu
dùng đúng chỗ thì việc vay mượn là cái đòn bẩy sẽ tạo ra nhiều của cải hơn và khách
nợ có thừa khả năng thanh toán món nợ. Ðây là khái niệm đòn bẩy hay “leverage.”
Nhưng nếu vay quá nhiều thì có khi đòn bẩy bị gẫy, và kinh tế suy sụp, nguyên
nhân của hiện tượng “tân thường thái.”
Bài này sẽ xoáy vào chuyện nhức đầu vì kinh tế cũng là chính
trị.
Từ nhiều năm qua, người ta thấy Ngân Hàng Trung Ương của bốn
nhóm kinh tế có sản lượng cao nhất là Âu Châu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản
đã tung ra nhiều biện pháp tín dụng và tiền tệ như hạ lãi suất và ào ạt bơm tiền
để kích thích kinh tế. Trong số này, loại biện pháp bất thường nhất là Ngân
Hàng Trung Ương hạ lãi suất gần tới số không như Hoa Kỳ, hoặc còn dưới số không
như Âu Châu và Nhật Bản, cũng được áp dụng. Nhưng kết quả là sự thất vọng, và hậu
quả bất lường là trừng phạt tiết kiệm với lãi suất âm còn dẫn tới nghịch lý là
nâng mức tiết kiệm bằng tiền mặt thay vì giúp cho tài hóa lưu thông nhiều hơn
và nâng cao sản xuất.
Khi một số chuyên gia kinh tế đề nghị thu hồi và không cho
lưu hành các tờ giấy bạc có mệnh giá cao thì đấy không chỉ là biện pháp chống
khủng bố hay các tổ chức ma túy mất cơ hội dùng bạc mặt cho tội ác. Họ cũng muốn
giải trừ phản ứng tiết kiệm! Chuyện ngược đời của “tân thường thái.”
Trong khi các Ngân Hàng Trung Ương lớn nhất như Fed của Mỹ,
European Central Bank (ECB) của Âu Châu, Bank of Japan (BoJ) của Nhật và
People's Bank of China (PBoC) của Tầu còn bần thần thì nhiều trung tâm nghiên cứu
lại chỉ ra một hiện tượng bất thường hơn nữa: nếu không kể các khoản nợ ngoài bảng
kết toán tài sản, tổng số nợ công và tư của bốn khối kinh tế ấy đều lên tới mức
báo động.
So với Tổng Sản Lượng Nội Ðịa GDP thì từ năm ngoái, trái khoản
công tư của Tầu là 350%, của Mỹ là 370%, của khối Euro là 457% và của Nhật là
615%. Khi kinh tế quốc dân mắc nợ nhiều như vậy thì mọi biện pháp tiền tệ cổ điển
hay bất thường đều bị vô hiệu hóa và hậu quả là tăng trưởng sút giảm, nhẹ thì bị
suy trầm, nặng hơn thì bị suy thoái. Và nếu cả bốn đầy máy kinh tế mạnh nhất của
thế giới đều bị suy thoái thì đấy là khủng hoảng.
Trở lại chuyện Hoa Kỳ, các chính trị gia và ứng viên trong
cuộc tranh cử tổng thống và lưỡng viện Quốc Hội lẫn các chức vụ dân cử ở địa
phương đều phải giải quyết bài toán này sau khi đắc cử. Nhưng trước hết, tình
hình nghiêm trọng tới mức nào?
Năm qua (2015), tổng số nợ ngoài khu vực tài chánh tăng mạnh
hơn đà tăng trưởng sản xuất, gấp 3.5 năm lần. Phân giải khối nợ này, ta có bốn
loại là 1) nợ của các hộ gia đình, 2) nợ của doanh nghiệp, 3) nợ của chính quyền
liên bang và 4) nợ của các chính quyền tiểu bang và địa phương, mà loại nào
cũng có vấn đề.
Thứ nhất, trong khối nợ của các hộ gia đình, nếu khoản nợ
gia cư có giảm thì các loại nợ không thế chấp lại tăng. Nói nôm na là tín dụng
cho tiêu thụ, như để mua xe hay mua bằng thẻ nhựa đã tăng. Và nạn vỡ nợ tăng mạnh
khi các cơ quan tài chánh như ngân hàng và công ty tín dụng nới lỏng điều kiện
tài trợ. Theo Ngân hàng Dự trữ New York thì loại tín dụng thứ cấp, sub-prime
auto loans, đang lên tới mức cao nhất kể từ 10 năm nay. Ta không quên tín dụng
thứ cấp là cho vay với tiêu chuẩn dễ dãi để giúp dân nghèo dễ mua nhà là một
nguyên do của bong bóng trên thị trường gia cư khiến kinh tế khủng hoảng khi
bóng bể vào các năm 2006-2007.
Thứ hai, trong loại nợ của doanh nghiệp thì tăng số tổng cộng
năm ngoái lên tới 793 tỷ mà tín dụng cho nhu cầu đầu tư chỉ tăng có 93 tỷ.
Doanh nghiệp vay nhiều không để cho sản xuất - nên kinh tế tăng trưởng thấp -
mà nhắm vào mục tiêu tài chánh, như mua lại cổ phiếu, nâng mức lời chia cho cổ
đông. Loại tín dụng tài chánh này không yểm trợ sản xuất và góp phần làm giảm
thất nghiệp mà chỉ là chia chác quyền lợi cho thiểu số có tiền. Mà chiều hướng ấy
tăng mạnh từ năm năm qua. Hậu quả xã hội là dân Mỹ than vãn về nạn bất bình đẳng,
thậm chí bất công, khiến các ứng cử viên khai thác lập luận mị dân như Nghị Sĩ
Bernie Sanders hay tỷ phú Donald Trump được nhiều người ủng hộ dù hai ứng cử
viên này chưa hề nói đến nguyên nhân hay giải pháp.
Khi nhớ tới chuyện ngắn hạn là doanh lợi xí nghiệp có giảm -
một chỉ dấu tiên báo nạn suy trầm năm nay - ta có thể thấy hai mối nguy dồn làm
một. Chuyện thứ ba còn đáng ngại hơn.
Năm ngoái, nợ của chính quyền liên bang tăng thêm 781 tỷ Mỹ
kim trong khi sản lượng kinh tế chỉ tăng có 550 tỷ và cao hơn số bội chi ngân
sách liên bang (là 478 tỷ). Chi tiết chuyên môn ấy báo trước mối nguy của gánh
nặng công trái (nợ của khu vực công quyền). Theo cơ quan nghiên cứu độc lập
Congressional Budget Office của Quốc Hội Hoa Kỳ, trong 11 năm tới, tổng số nợ của
chính quyền liên bang sẽ thêm 30 ngàn tỷ, so với khối nợ vào đầu năm nay là
tăng 10 ngàn tỷ. Nguyên nhân là nhu cầu tài trợ của quỹ An Sinh Xã Hội,
Medicare và Obama Care. Trong mươi năm tới, thể nào kinh tế cũng có thể bị suy
trầm, trung bình thì sáu bảy năm lại gặp một lần, lần cuối là vào năm 2009. Nếu
kinh tế suy trầm, nguồn thu nhờ thuế khóa sẽ giảm và ngân sách liên bang càng bị
bội chi nặng.
Cho tới nay, các chính trị gia đều tránh nhắc tới ba hố nợ
Social Security, Medicare và Obama Care vì phải nêu ra giải pháp kém vui làm mất
phiếu. Vào năm tới, tổng thống và Quốc Hội tân cử sẽ đối mặt với thực tế này.
Thứ tư, núi nợ liên bang ấy không kể tới loại nợ của các tiểu
bang và chính quyền địa phương, tổng cộng là gần ba ngàn tỷ Mỹ kim. Các địa
phương cũng mạnh tay đi vay và từng nơi phải thanh toán các khoản hưu liễm sẽ
tăng vì chuyển dịch dân số - nạn lão hóa. Ðấy là hoàn cảnh đã nhãn tiền của các
thành phố Chicago, Philadelphia, Houston hay các tiểu bang như Illinois,
Pennsylvania và Connecticut. Thanh toán như thế nào? Thì dăm ba năm nữa sẽ lại
tăng thuế, cắt tiền hưu bổng hoặc giảm chi ngân sách. Viễn ảnh đó có thể tác động
đến tình hình bầu cử tại các địa phương nhưng ít khi xuất hiện trên trang nhất
của mặt báo.
Và xin nhắc lại: tình trạng ngặt nghèo ấy không thu gọn vào
Hoa Kỳ nếu ta nhớ đến trái khoản cũng rất lớn của Trung Quốc, Âu Châu và Nhật Bản.
Chúng ta gặp hiện tượng lạ là lãnh đạo các nước đều tránh nói về nạn “tân thường
thái,” và tiếp tục ru ngủ quần chúng bằng khẩu hiệu. Vì vậy, phản ứng hậm hực
và giận dữ của cử tri Hoa Kỳ có khi lại là điều hay.
Cách ngôn ở đây là đi vay là để tiêu sớm, mà có thể dẫn đến
tiêu vong khi đòn bẩy bị gẫy.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét