Anh Vũ - RFA
Hồi đầu tháng 10 năm 2015, gần 1.500 nhà bè, nhà nổi của người
Việt tại tỉnh Kampong Chhnang đã di dời khỏi nơi neo đậu sang vị trí mới.
Cộng đồng người Campuchia gốc Việt là dân tộc thiểu số đông
đảo nhất ở Campuchia. Cuộc sống của họ hiện nay ra sao và gặp phải những khó
khăn gì?
Gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo “Tiềm năng và phân bố của người Việt ở nước
ngoài” do Học viện Ngoại giao công bố, hiện tại cộng đồng người Campuchia gốc
Việt có khoảng 156 ngàn người, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh phía Đông giáp với
VN, tại thủ đô PhnomPenh và tỉnh SiamReap. Đây là cộng đồng người thiểu số lớn
nhất ở Campuchia.
Chị Huệ, một Việt kiều là chủ nhân của một Văn phòng du lịch,
tại khu vực Sisowath Quay, thủ đô Phnompenh cho chúng tôi biết về cuộc sống của
chị hiện nay:
“Bây giờ cuộc sống ở bên này khó khăn lắm, không như ngày
trước đâu, thu nhập tiền lương cũng không cao. Hiện nay người dân ở đây họ
không thích mình, vì cuộc sống của họ rất là khó. Với tôi, tôi chỉ muốn qua đây
được sinh sống hợp lệ, hòa đồng với mọi người, đừng để mọi người ghét hoặc xa
lánh. Nói thật, cũng có nhiều người VN qua đây làm những điều không tốt, nên
tôi không muốn như thế.”
Trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng cộng đồng Việt kiều tại
Campuchia vẫn luôn gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau. Tại chợ Oxay, nơi tập trung đông
đảo người Việt, chị Liên một người nội trợ lấy chồng người Campuchia chia sẻ:
“Bọn tôi sống ở Campuchia, nhưng người VN mình ở đây thương
yêu nhau lắm, cũng bởi vì người VN ở đây không thương nhau thì ai thương?”
Theo chị Huệ cho biết, gần đây trước tình trạng những người
VN sang đây tìm việc làm quá đông, nên người dân Campuchia tỏ ra không thích
người Việt, vì họ cho rằng những người này đã giành công việc kiếm sống của họ.
Vì thế những Việt kiều ở đây cũng bị kỳ thị. Chị Huệ bày tỏ:
“Trước đây 20 năm thì thấy người dân họ sống hòa đồng với
mình lắm, nhưng 2-3 năm trở lại đây thì họ không thích mình nữa nhưng không biết
vì lý do gì? Do không thích mình, nên đi đến đâu họ cũng không hòa đồng với
mình lắm. Vì vậy tôi hạn chế đi ra đường và cố gắng nói tiếng Campuchia để họ
khỏi kỳ thị mình. Nhưng chỉ nhìn cái mặt mình là họ biết ngay mình là người VN.
Khổ như vậy đó.”
Chị Trâm, một người bán hàng tạp hóa ở chợ Oxay xác nhận với
chúng tôi:
“Bây giờ thì sự kỳ thị hơi bị rõ ràng, có một số người
Campuchia khuyên tôi không nên nhận là người Việt Nam.”
Theo VnExpress ngày 18/3/2016 cho biết, theo báo cáo của Cảnh
sát quốc gia Campuchia, từ đầu năm đến nay nước này đã trục xuất 1.069 người Việt
trong số gần 1.400 người nước ngoài, trong nỗ lực siết chặt quản lý người nhập
cư.
Chị Huệ cho rằng, tâm lý bài Việt đã có từ rất lâu ở
Campuchia, nhưng gần đây người dân Campuchia tỏ ra bất bình, vì người VN sang
Campuchia làm ăn không có giấy tờ, nhưng họ được tự do làm ăn và đi lại quá thoải
mái. Đó chính là lý do khiến nhà chức trách Campuchia đã phải thay đổi chính
sách và siết chặt quản lý. Điều đó có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của Việt kiều:
Chị nói:
“Trước đây thì không sao, nhưng 2-3 năm trở lại đây họ thì
thay đổi chính sách, họ bắt buộc những người VN không có giấy tờ phải đóng tiền
visa cho Campuchia 290 USD/năm, còn những người không có passport thì họ bắt và
đưa về nước. Vì thế tôi ở bên đây từ năm 1993, xin đổi lại cái Chứng minh thư
ND mới, nhưng họ không cho.”
Đại sứ Quán VN tại Campuchia không quan tâm?
Theo trang tin tức của Giáo hội Công giáo Á châu cho biết,
những người gốc Việt ở Campuchia không có giấy tờ nên không thể tiếp cận việc
làm, học hành và các nguồn lực quốc gia. Điều đó đã khiến cho cộng đồng này bị
cô lập và hết sức nghèo khổ qua nhiều thế hệ. Vì không có giấy tờ, nên họ không
có quyền sở hữu đất, nên không được bồi thường khi bị thu hồi đất.
Một phụ nữ Việt Nam trên chiếc ghe ở làng nổi tỉnh Kampong
Chhnang, khoảng 90 km về phía Đông Bắc của Phnom Penh năm 2013.
Trả lời thông tín viên Quốc Việt của RFA, ông Châu Văn Chi,
Chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt nhận định:
“Đối với bà con người Việt đang sinh sống hợp pháp tại
Campuchia, đa số họ có nơi sanh đẻ tại Campuchia lâu đời. Tính tới thời điểm
này, bà con đó đều được chính quyền địa phương thừa nhận. Nếu mà nói không hợp
pháp thì làm sao bà con sinh sống ở đây được. Trong việc cấp giấy tờ, thì còn một
số họ chưa được cấp quốc tịch. Nhưng vẫn có giấy xác nhận để bà con sống hợp
pháp.”
Nói về sự quan tâm của Đại sứ Quán VN tại Campuchia, chị Huệ
bày tỏ:
“Mình đến đó (ĐSQ) nhiều khi không còn việc gì nữa thì người
ta mới hỏi mình vài ba câu thôi, còn những gì khó khăn khúc mắc thì mình đi đến
đó họ không tiếp mình. Có nhiều người nói với tôi, khi đến Đại Sứ Quán, các ông
ngồi trong, mình ngồi ngoài nhưng họ không tiếp mình.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới tham tán Nguyễn Mạnh Cường,
phụ trách công tác cộng đồng thuộc Đại sứ quán VN tại Campuchia nhưng không nhận
được sự trả lời.
Việc học hành của con em Việt kiều cũng hết sức khó khăn, đa
phần các em chỉ được học trong những ngôi trường VN. Chị Huệ nói:
“Con tôi vì bố cháu là người Campuchia nên cháu được đi học ở
trường Campuchia. Còn đối với người Việt khác thì con em họ chỉ được học ở trường
Việt nam từ lớp 1đến lớp 5 thôi. Có người bảo tôi rằng, nếu muốn học tiếp thì
phải về VN.”
Điều đáng mừng là con em của Việt kiều ở Campuchia đa phần vẫn
nói được tiếng Việt, chị Liên cho biết:
“Các con tôi học ở trường của Campuchia và về nhà cũng nói
thì nói tiếng Campuchia. Nhưng vì nghĩ mình là người VN nên chúng tôi cũng cố dạy
cho các cháu nói tiếng Việt để giữ gốc Việt. Hồi cháu mới biết nói tiếng Việt
là cháu nói được câu ‘tôi yêu VN’.”
Cũng như về mặt giáo dục, chị Huệ cho biết Việt kiều ở
Campuchia không được nhà nước đảm bảo về mặt y tế cũng như vấn đề chữa trị bệnh.
Chị nói:
“Không có bảo hiểm hay cái gì hết, bệnh viện bên này chúng
tôi không đi, vì đến đó họ không tiếp mình. Ở đấy họ đối xử với người dân nước
họ còn không ra gì, huống chi mình là người VN? Vì thế mỗi khi có đau ốm, bệnh
hoạn gì thì chúng tôi đi về VN để chữa bệnh.”
Theo chị Huệ thì các sinh hoạt văn hóa truyền thống, như lễ
tết và tôn giáo trong cộng đồng người Việt ở Campuchia được vẫn duy trì thường
xuyên, tại đây có nhiều nhà thờ và các chùa chiền của người Việt. Nói về các
nguyện vọng của mình, chị Huệ bày tỏ:
“Vì tôi có gia đình ở bên này nên chỉ mong nhà nước VN công
tâm, cấp cho giấy tờ để tôi có thể sống với gia đình và con cái, để khi có chuyện
gì xảy ra thì chúng tôi có giấy tờ để có thể được người ta giúp đỡ.”
Đến nay vẫn chưa có số lượng chính thức người Việt sinh sống
và làm ăn tại Campuchia cụ thể là bao nhiêu người. Nhưng theo thông tin chính
thức từ chính phủ của ông Hun Sen người Việt ở Campuchia chỉ có khoảng 95.000
người. Còn đảng đối lập và các tổ chức dân sự độc lập ở Campuchia cho biết con
số người Việt ở Campuchia có thể lên đến 4 triệu người, theo họ phần lớn những
người Việt ở Campuchia là những người nhập cư bất hợp pháp và không có giấy tờ
rõ ràng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét