Quốc hội Hoa Kỳ
Trước bầu cử Quốc hội Việt Nam tháng 5 này, BBC điểm qua về
quyền ứng cử và hiện tượng ứng viên độc lập tại Mỹ, Anh, Singapore và Trung
Quốc.
Các nước này có thể chế chính trị khác nhau và ứng viên độc
lập ở các nước có truyền thống dân chủ dài hơn chưa chắc đã có cơ hội thắng cử
cao hơn các nước độc đảng.
Hoa Kỳ
Trang của Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ ghi rõ bất cứ ai
đóng đủ 5000 USD tiền riêng hoặc tiền hiến tặng là có quyền làm thủ tục ra
tranh cử vào các vị trí cấp liên bang.
Điều quan trọng là nhu cầu gây quỹ nên công tác đầu tiên của
một ứng viên là đăng ký lập ra ủy ban tranh cử để thu hút tiền.
Điều quan trọng thứ nhì là giành được sự ủng hộ của một
trong hai đảng chính: Dân chủ hoặc Cộng hòa.
Trong hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ, ứng viên của đảng thứ
ba (third party) và ứng viên độc lập (independent) có ít cơ hội trúng cử ở bất
cứ cấp nào.
Dù họ không bị hai đảng lớn kiểm soát hoặc dùng bất cứ thủ
tục nào để loại trừ, việc thiếu ngân quỹ là một cản trở lớn cho ứng viên độc
lập.
Ngoài ra, chế độ bỏ phiếu cho bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cũng
bị phê phán là thiên vị hai đảng lớn.
Người được sự ủng hộ của một trong hai đảng này nghiễm
nhiên có tên trong lá phiếu trên cả nước.
Đây là lý do Donald Trump 'về với màu cờ' Cộng hòa và
Bernie Sanders nhận vào danh sách đảng Dân chủ dù cả hai ít có liên hệ sâu
nặng với các đảng này.
Còn ứng viên độc lập, kể cả khi là tỷ phú, phải tự lo
việc lấy chữ ký ở cả 51 tiểu bang, và đây là điều khó có thể đạt được.
Trong bài trên Washington Post tháng 3/2016, Peter Ackerman
và Larry Diamond nhắc lại phong trào 'Americans Elect' (2012) đòi thay đổi
luật để ứng viên độc lập hoặc đảng thứ ba vẫn có tên trên phiếu bầu.
Cuộc vận động thu hút được 2,6 triệu chữ ký ở 41 tiểu
bang nhưng xem ra hiện chưa có kết quả.
Anh Quốc
Luật bầu cử Anh yêu cầu khi điền đơn đăng ký ra tranh cử, ứng
viên phải chọn là đại diện cho một đảng chính trị, hoặc là ứng viên độc
lập, không đảng phái.
Thủ tục đăng ký tranh cử vào một trong 650 ghế dân biểu quốc
gia (United Kingdom) gồm ba bước:
- Nộp khoản phí 500
bảng Anh mà toàn bộ sẽ được bồi hoàn nếu nhận được trên 5% phiếu cử tri tại địa
hạt ra tranh chức dân biểu địa phương hoặc cấp quốc gia - nghị viện ở Anh,
Scotland, Wales và Bắc Ireland;
- Đăng ký với ủy ban
bầu cử nơi ra tranh cử. Nếu ứng viên sống ở nước ngoài thì cũng cần chọn ra
tranh chức vụ gì, ở đâu trong Liên hiệp Vương quốc Anh. Quá trình đăng ký cũng
là lúc kiểm tra để xem ứng viên có đủ tiêu chuẩn hay không. Người vị thành
niên, đang thi hành án tù không được ứng cử;
- Bổ nhiệm đại
diện (agent) để giúp quản lý giấy tờ liên lạc với ủy ban bầu cử, nhận quỹ hiến
tặng, và giúp giám sát quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu.
Luật Anh có văn bản rõ để hỗ trợ, hướng dẫn các ứng viên
độc lập ở trang 'Standing as an independent candidate' ( link tại đây).
Các bước cho ứng viên thuộc các đảng chính trị tại Anh cũng
tương tự như cho ứng viên độc lập nhưng phần xác nhận tiêu chuẩn phải có mục
ghi rõ đảng nào đồng ý cho người tranh cử làm đại diện.
Ứng viên của đảng chính trị cũng được sự hỗ trợ của đảng
mình trong việc làm công tác vận động, giám sát phiếu bầu...
Sau ba bước này, các ứng viên tại Anh đều tự do vận động để
cử tri bỏ phiếu cho họ theo danh sách ứng cử viên công bố cho mỗi địa hạt.
Đôi khi một đảng có thể để tên hai ba ứng cử viên của mình
cho cùng một địa hạt để tăng cơ hội giành phiếu, ở cấp quốc gia hoặc địa
phương.
Vào ngày 5/5/2016, cử tri London đi bỏ phiếu chọn người đại
diện vào 36 đơn vị dân cử, và cách thức ứng cử, vận động và bỏ phiếu cũng
tương tự như bầu cử cấp quốc gia.
Việt Nam có hội nghị cử
tri để thanh lọc các ứng viên trước ngày đầu phiếu
Anh Quốc không có hội nghị cử tri do chính quyền tổ chức để
đánh giá ứng viên độc lập như tại Việt Nam trước ngày bỏ phiếu.
Singapore
Luật Singapore công nhận quyền của các ứng viên độc lập,
kể cả người gốc nước ngoài.
Năm 2015, ông Samir Salim, công dân Ấn Độ sau nhập tịch
Singapore ra tranh ghế dân biểu hạt Butik Batok nhưng thua phiếu, mất khoản lệ
phí 14500 đô la Sing.
Theo luật Singapore, ứng viên độc lập có toàn quyền ra ứng
cử, và sau khi nộp lệ phí có thể tự tổ chức các nhóm vận động cho bản thân
mình.
Báo chí Singapore hồi tháng 9/2015 cũng chú ý nhiều đến ông
Samir Salim, người ra tranh cử với khẩu hiệu 'Làm việc ít giờ để sống hạnh
phúc hơn'.
Chừng 20 người ủng hộ ông đã tiến hành vận động ủng hộ ứng
viên này nhưng ông không tổ chức một cuộc mít-tinh lớn nào mà chỉ tập trung
vào thu hút phiếu trên mạng xã hội.
Quốc hội Singapore
hiện do Đảng Nhân dân Hành động nắm giữ
Hiện Nghị viện Singapore nằm trong tay đa số nghị sỹ
thuộc Đảng Nhân dân Hành động (PAP - 83 ghế), bên cạnh thiểu số 6 nghị sỹ
thuộc đảng Công nhân (Worker Party -WP).
Các ứng viên độc lập dù thoải mái ra tranh cử cũng không
có nhiều cơ hội chiến thắng, theo báo chí châu Á.
Lý do là người Singapore muốn chọn những ai có kinh nghiệm
quản lý, cầm quyền, và ứng viên phải được bộ máy đảng hỗ trợ.
Trung Quốc
Dù Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm toàn bộ hệ thống chính trị
từ năm 1949, hiến pháp nước này công nhận đa đảng vì viết rằng "các đảng
phái chính trị, các tổ chức xã hội đều phải coi trọng Hiến pháp".
Hiến pháp 1982 trong Mở Đầu viết Đảng Cộng sản “lãnh đạo với
mục tiêu dẫn dắt Trung Quốc trong công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”
nhưng không buộc các ứng viên vào cơ quan dân cử phải là đảng viên CS.
Chẳng hạn hồi 2011, chừng trên 100 ứng viên độc lập, gồm
nông dân, công nhân, sinh viên, giáo sư đại học đã ra tranh cử quốc hội.
Luật bầu cử Trung Quốc không cho các hoạt động vận động
thu hút phiếu cử tri ngoài phố như ở Đài Loan, Hong Kong, nhưng cũng không cấm
vận động trên mạng Internet và đã có người thành công.
Hồi năm 2003, luật sư Từ Chí Dũng và nhà hoạt động xã hội
Nhiếp Hải Lượng đều trúng cử vào hội đồng thành phố Bắc Kinh với tư cách độc
lập.
Còn tại Phổ Sơn, tỉnh Quảng Đông, hai ông Quách Hoả Giai (59
tuổi) và Lý Hữu Châu ̣(37 tuổi) đã trúng cử vào ghế đại biểu hội đồng thành phố
năm 2011.
Ông Quách, người từng kiện chính quyền thành phố ra tòa, đã
thắng ứng viên Đảng Cộng sản 2000 phiếu.
Con số người ứng cử độc lập cho đến kỳ bầu cử 2011 là vài
nghìn người, theo bài trên tạp chí Time (31/10/2011).
Luật Trung Quốc ghi rõ ai trên 18 tuổi, không thi hành án,
và thu thập được 10 chữ ký ra có thể ra tranh cử.
Số người trúng cử còn rất ít nhưng hiện tượng ứng cử độc
lập với nghị trình nhắm vào các vấn đề xã hội, môi sinh, đất đai, nữ quyền...đang
có đà.
Cứ 5 năm một lần chừng 2 triệu chức vụ ở các cấp địa
phương Trung Quốc được bầu lại bằng phiếu bầu trực tiếp.
Khi còn tại nhiệm, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói thời điểm
'chưa chín muồi' để các ứng viên ngoài Đảng Cộng sản ứng cử và trúng cử vào
các chức ở trung ương nhưng ông khuyến khích việc này ở địa phương.
Mục tiêu là để xã hội có thể "giám sát tốt hơn"
bộ máy hành chính cấp tỉnh, huyện, theo ông Ôn Gia Bảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét