Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Bãi nhiệm và bổ nhiệm thần tốc: vai trò lịch sử của Quốc hội khóa 13



Trong khi tôi đang tìm cách trả lời câu hỏi: “Giả định rằng, việc bầu cử chức danh lãnh đạo chủ chốt lần này chỉ là bầu cho Quốc hội khóa 13 và bầu cho nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 13, nhiệm kỳ 2011-2015; trong trường hợp này Quốc hội 13 có vi phạm luật pháp không?”, thì đọc được tin trên báo Tuổi trẻ ngày 9/4 về “​Kết quả Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ”, giới thiệu 27 thành viên của chính phủ mới do ông Nguyễn Xuân Phúc cầm đầu (ta có thể gọi là chính phủ Nguyễn Xuân Phúc).


Điều đáng ghi nhận trong bài báo này là ở chỗ chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được gọi là “chính phủ hiện tại” và chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được gọi là “chính phủ đầu nhiệm kỳ”. Như vậy, hàm ý đã rõ: chính phủ hiện tại là “chính phủ cuối nhiệm kỳ”. Cụm từ này, “chính phủ cuối nhiệm kỳ”, dĩ nhiên không mang vẻ tươi sáng nên bị tránh không nhắc đến cũng là điều dễ hiểu.

Cá nhân tôi xem đó là một dấu hiệu tích cực, dấu hiệu của việc Quốc hội 13 và chính phủ mới có quan tâm đến ý kiến bình luận của nhân dân. Điều này cần được ghi nhận.

Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục xem xét việc Quốc hội 13 bầu toàn bộ nội các của chính phủ mới trong mấy ngày vừa qua có vi phạm luật pháp không?

Trước khi đi vào phân tích, để tránh hiểu lầm, tôi xin nói rõ rằng tôi không phải là một chuyên gia về luật, tôi chỉ tìm hiểu luật pháp ở phạm vi mà bất kỳ công dân nào cũng có thể tìm hiểu, và vì thế những phát biểu này dựa trên những kiến thức sơ đẳng về luật, phổ quát cho tất cả mọi người. Nói điều này để mong rằng sẽ có những phân tích sâu hơn, ở các tầng mức chuyên môn sâu và rộng hơn, của những người am hiểu luật pháp, những phân tích như vậy sẽ rất hữu ích cho cả chính phủ Việt Nam và cho cả người dân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Các luật sư và các chuyên gia về luật có một vai trò vô cùng quan trọng trong một xã hội đang được quản lý bằng nghị quyết chứ không phải bằng luật, như xã hội của chúng ta.

Và tôi cũng xác định rất rõ rằng, những phân tích dưới đây của tôi dựa trên những thông tin được truyền thông chính thống cung cấp. Cụ thể là thông tin về việc bãi nhiệm ba chức vụ chủ chốt và hai phó thủ tướng cùng với 18 bộ trưởng. Đồng thời không có một thông tin nào về lý do khiến họ bị bãi nhiệm. Vậy có thể xem họ không có sai phạm gì, họ không làm gì đáng phải bị bãi nhiệm. Điều này được khẳng định bởi việc: một số người bị bãi nhiệm lại được bầu để giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống quyền lực, như các ông Trần Đại Quang, Đinh La Thăng. Đồng thời tôi KHÔNG thấy có một thông tin nào nói về việc các lãnh đạo cao cấp bị miễn nhiệm có đơn xin từ chức kèm theo các giải trình về các sai phạm hoặc yếu kém của mình.

Cũng xác định thêm là ở đây tôi không phỏng đoán về lý do tại sao Quốc hội làm như vậy, tôi chỉ muốn tìm hiểu xem Quốc hội làm như vậy có đúng luật pháp hay không mà thôi.

Cho dù Hiến pháp (điều 70) có quy định Quốc hội có quyền “bãi nhiệm, miễn nhiệm” các chức danh lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội bầu ra, thì việc Quốc hội 13, vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của mình, đột nhiên bãi nhiệm một loạt các chức danh cao cấp (không chỉ là ba vị trí quyền lực cao nhất, mà kèm theo đó là 18 bộ trưởng và hai phó thủ tướng) vẫn khiến cho người dân bàng hoàng và tự hỏi rằng không hiểu luật pháp có cho phép làm như vậy hay không, và cho phép làm như vậy với điều kiện nào?

Câu hỏi là:  Quốc hội được quyền “miễn nhiệm, bãi nhiệm” các chức danh do Quốc hội bầu ra, tuy nhiên Quốc hội có được làm việc đó một cách vô điều kiện không, hay là chỉ trong những điều kiện được quy định cụ thể thì Quốc hội mới được quyền làm điều này?

Dĩ nhiên, Hiến pháp sẽ không quy định cụ thể. Tôi đành tìm đọc “Luật tổ chức Quốc hội” (luật mới nhất, vừa ban hành đầu năm 2016) để tìm câu trả lời. Thật đáng ngạc nhiên, điều luật về quyền bãi nhiệm, cách chức các chức vụ chủ chốt cũng chỉ ghi một cách ngắn gọn như trong Hiến pháp. Tôi trích nguyên văn dưới đây:

“Điều 11. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó.”

Như vậy, điều luật này quy định quyền của Quốc hội, nhưng không quy định các điều kiện để giới hạn quyền này. Thông thường, phải có lý do thì những người lãnh đạo mới có thể bị bãi nhiệm hay cách chức, và thường là phải phạm một hoặc nhiều lỗi rất quan trọng, hoặc năng lực quá yếu kém gây hại cho công việc chung… thì mới bị bãi nhiệm. Lô-gic tất yếu phải là như vậy, bởi vì nếu Quốc hội có quyền cách chức lãnh đạo không cần lý do thì chính phủ sẽ loạn, xã hội sẽ loạn.

 Cái mà tôi tìm kiếm là thông tin cho biết các lãnh đạo cao cấp sẽ bị bãi nhiệm hay cách chức trong điều kiện nào. Không có những thông tin như vậy. Phải chăng điều 11 này của “Luật tổ chức Quốc hội” cho phép Quốc hội sử dụng quyền của mình một cách vô giới hạn, một cách bừa bãi, không cần lý do? Và cứ hễ lúc nào muốn thì Quốc hội đều có thể bãi nhiệm hay cách chức ngay lập tức, không cần xem xét, không cần bằng chứng…? Và như vậy Quốc hội có thể bãi nhiệm hay cách chức cách lãnh đạo kể cả khi họ đang làm rất tốt công việc của họ, khi họ không phạm lỗi gì cả?

Điều này thật khó tin. Bởi nếu đúng như thế thì sẽ loạn thật. Vì thế tôi phải tìm hiểu thêm, và rất may là trên website của Quốc hội, trang giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, có một đoạn như sau về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, trích nguyên văn:

« Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm. Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó. »

Như vậy, nội dung đoạn văn này cho thấy, để có thể miễn nhiệm một lãnh đạo cao cấp, thì người đó phải rơi vào tình trạng không được Quốc hội tín nhiệm, nghĩa là người đó phải có sai phạm hoặc yếu kém năng lực…, dù không nói cụ thể nhưng rõ ràng là người bị bãi nhiệm phải làm gì đó khiến cho Quốc hội không còn tín nhiệm nữa. Và như vậy thì hoàn toàn hợp lý. Quốc hội không thể bãi nhiệm một người nếu người đó đang làm tốt công việc và đang được tín nhiệm cao.

Quốc hội khóa 13 bằng việc bãi nhiệm và bổ nhiệm vừa tiến hành, đã rơi vào một mâu thuẫn mà không một lo-gic nào của luật pháp có thể giải thích được. Nghĩa là Quốc hội 13, bằng mâu thuẫn này đã vô hiệu hóa luật pháp.

 Một cách cụ thể, mâu thuẫn đó là:

1/Dù báo chí chính thống không dám phân tích, nhưng việc bãi nhiệm hơn hai mươi thành viên cao cấp của chính phủ khiến cho dân chúng hiểu rằng các thành viên này đã có những vi phạm thuộc dạng trầm trọng khiến Quốc hội mất tín nhiệm, mất tín nhiệm đến mức, dù chỉ còn tồn tại có vài tháng, nhưng trong cuộc họp cuối cùng của mình, Quốc hội 13 đã phải bãi nhiệm các lãnh đạo cao cấp đó.

2/Tuy nhiên, nhiều người trong số những người bị bãi nhiệm lại được chính Quốc hội bầu vào các vị trí cao hơn, quan trọng hơn. Như vậy có nghĩa là họ được Quốc hội tín nhiệm cao.

Vừa mất tín nhiệm, vừa được tín nhiệm cao!!! Sao kỳ quá vậy???

Thế này thì phải lẩy thơ Tú Xương mà cảm thán rằng: “Có luật nào như luật ấy không?” Hoặc “Có Quốc hội nào như Quốc hội ấy không?”. Hay như một nhà báo đã không kìm được mà than lên rằng: “Sao Quốc hội không bãi nhiệm nhân dân luôn đi!!!”.

Quốc hội 13 làm sao giải thích cho dân chúng hiểu được mâu thuẫn này, một mâu thuẫn về mặt luật pháp?

Nhiều người đã phân tích các hậu quả của việc bãi nhiệm và bổ nhiệm vừa qua của Quốc hội 13, và chắc giới phân tích sẽ còn bàn đến dài dài. Ở đây, tôi chỉ nêu thêm một điểm, liên quan đến những gì tôi nói trên đây.  Hệ thống luật pháp của Việt Nam rất bất cập, với các quy định thiếu rõ ràng, và điều này khiến cho hiến pháp hay luật pháp sẽ dễ dàng trở thành công cụ trong tay những người có quyền lực nhằm phục vụ cho mục đích riêng của họ, khi họ cần. Quốc hội khóa 13 đã đưa ra một bằng chứng cho điều này, bằng chứng mà giờ đây họ không thể bác bỏ. Họ dựa vào cái thế họ là cơ quan lập pháp, họ dựa vào điều 70 của Hiến pháp và điều 11 của Luật tổ chức quốc hội (cả hai điều đều quy định quyền của Quốc hội nhưng không có quy định giới hạn và định chế của quyền này), tự cho phép mình tạo ra những mâu thuẫn về mặt luật pháp, những mâu thuẫn không thể giải quyết.

Liệu người dân Việt Nam, những người yêu dân chủ, yêu luật pháp, yêu sự công bằng, quý trọng phẩm giá có phải chờ đợi rằng, nếu bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục được Quốc hội 14 bầu lại làm chủ tịch Quốc hội, thì CÓ THỂ (tôi nhấn mạnh để nói rằng đây chỉ là một giả thiết mà thôi), dưới sự lãnh đạo của bà, Quốc hội Việt Nam sẽ vượt qua mọi giới hạn cho phép của luật pháp? Bởi vì bà Kim Ngân đã dám làm những điều mà trước bà chưa một Chủ tịch quốc hội nào dám làm, kể cả ông Nguyễn Sinh Hùng, và làm những điều đó ngay những ngày đầu tiên nhậm chức. Chưa bao giờ có một Chủ tịch Quốc hội nào dám điều hành Quốc hội làm cái việc miễn nhiệm cùng lúc, trong một thời gian cực ngắn (chỉ trong vài ngày), hơn hai chục thành viên cao nhất của chính phủ mà không cần lý do, không cần truy xét, không cần bằng chứng, không cần cái tối thiểu nhất là lấy phiếu tín nhiệm. Bà Chủ tịch Quốc hội mới quả là có bản lĩnh phi thường. Và trong lịch sử Việt Nam cũng chưa có Quốc hội khóa nào dám làm một việc như thế. Quốc hội khóa 13 quả là rất bản lĩnh trước pháp luật, không hề biết sợ luật pháp.

Việc bãi nhiệm, bổ nhiệm nhân sự cao cấp vừa rồi của Quốc hội 13 sẽ dẫn đến một số khả năng sau đây, dĩ nhiên chỉ ở dạng giả thiết:

1/ Quốc hội khóa 14, nếu là một Quốc hội nghiêm túc, sẽ phải xem xét và ban hành lại Hiến pháp và các bộ luật, trong đó có cả Luật tổ chức Quốc hội vừa được ông Nguyễn Sinh Hùng ký, ban hành và có hiệu lực mới chỉ từ ngày 1/1/2016. Phải xem xét lại, bởi vì rõ ràng bên cạnh việc quy định các quyền, cần có các quy định về điều kiện để thực hiện các quyền đó. Bởi nếu giữ tình trạng hiện nay, không có các điều luật hạn định điều kiện thực hiện các quyền thì quyền lực sẽ trở nên vô giới hạn. Điều này dẫn đến giả thiết thứ hai.

2/Nếu Quốc hội khóa 14 hoàn toàn tuân thủ những gì đã được sắp đặt, thì: tiền lệ vừa được Quốc hội 13 tạo ra sẽ là cơ sở cho những rối loạn luật pháp, và kéo theo là những rối loạn xã hội. Bởi vì sẽ có thể xảy ra một lần nữa, hoặc nhiều lần nữa, những việc tương tự. Khi nào Quốc hội thích, không cần lý do, không cần có thời điểm thích hợp, là có thể bãi nhiệm hàng loạt và bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cao cấp. Vậy cần chờ đợi là trong 5 năm của nhiệm kỳ Quốc hội 14, rất có thể mỗi năm sẽ có một lần bãi nhiệm và bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp. Tại sao không? Đã có Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội làm hậu thuẫn, đã có Quốc hội 13 đặt tiền lệ!!!

Dĩ nhiên, giả thiết chỉ là giả thiết mà thôi. Chúng ta thực sự đang ở một thời điểm mà không ai có thể chắc chắn về điều gì. Và nếu các rối loạn xảy ra thì đó chưa hẳn đã là điều xấu. Nhiều quy luật đã chứng minh rằng trật tự mới chỉ được thiết lập sau các rối loạn. Và rất có thể việc Quốc hội 13 tạo tiền đề cho các rối loạn tiềm tàng là nằm trong chủ ý của những chính trị gia tài năng, nếu ta muốn nhìn vấn đề từ góc độ tích cực.

Paris, 10/4/2016

Nguyễn Thị Từ Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét