Nếu 2017 là năm khởi động cho sự nghiệp “bán vốn nhà nước” bằng “thắng lợi bất ngờ” bán vốn tại Sabeco (Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) được đến 5 tỷ USD, năm 2018 sẽ mang tính “cao trào” của sự nghiệp này – như một xác nhận chính thức của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp ngày 31/1/2018 của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp năm 2017.
Cuộc họp trên cũng đưa ra một số con số tổng kết: “Trong năm 2017, cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách Nhà nước đạt 144.577,44 tỷ đồng, gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao”.
Chi tiết đáng mổ xẻ là giá trị bán vốn nhà nước lên đến gần 145 ngàn tỷ đồng trong năm 2017 là cao hơn nhiều lần so với giá trị bán vốn nhà nước của năm 2015 và 2016.
Vì sao lại có hiện tượng bán vốn nhà nước ồ ạt vào năm 2017?
“Cái khó ló cái khôn” – ông bà đã dạy. Cuối 2015 là thời điểm bĩ cực của ngân sách quốc gia – một trạng huống mà bộ trưởng kế hoạch và đầu tư khi đó là Bùi Quang Vinh phải tán thán “ngân sách chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”. Cùng lúc, hàng loạt chính quyền địa phương như Bạc Liêu, Cà Mau có nguy cơ vỡ nợ…
2015 đã mở màn cho tương lai “vỡ nợ ngân sách quốc gia”.
Vào cuối năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ đạo các bộ ngành “nghiên cứu thực hiện” việc bán đường, bán cảng, bán sân bay…, nhưng cho tới nay kế hoạch này vẫn chưa đâu vào đâu, đơn giản là vì chưa có ai mua.
Tuy nhiên, vào những năm 2015 và 2016, tình hình thu ngân sách vẫn chưa thật sự rơi vào xu hướng xấu, số thu vẫn đều đặn tăng đến 8-9% so với sự toán, bất chấp báo chí nhà nước gào thét “sức dân và doanh nghiệp đã cạn”.
Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Phúc đã phải chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp khủng như Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT…
Rõ là ông Phúc “ló cái khôn” khi nhận ra rằng rút tiền từ cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp lớn là chóng vánh và thuận lợi nhất.
Đến năm 2017 thì tình hình khác hẳn. Thu ngân sách năm 2017 đã lần đầu tiên, sau nhiều năm, không những không tăng so với dự toán đầu năm mà còn bị sụt đến hơn 3% so với dự toán. Trong đó, không chỉ phần thu từ dân bị giảm mà thu từ khối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước cũng giảm mạnh, cho thấy quả thực “sức dân và doanh nghiệp đã cạn”.
Đến lúc này, không còn cách nào khác, phải bán, bán và bán.
Thế nhưng sau khi bán sạch những cổ phần ngon ăn và màu mỡ nhất tại các doanh nghiệp, chính quyền Việt Nam sẽ còn gì để bán?
Nhiều chuyên gia gần gũi nhà nước cũng tình thật về tình trạng cạn kiệt nguồn lực ở Việt Nam.
Đã có một giải đáp cho ẩn số trong phương trình “chính phủ sẽ bán đến khi nào?”: tại kỳ họp quốc hội tháng 10 -11 năm 2017, một quan chức trong Ủy ban ngân sách quốc hội đã tán thán rằng “Cứ bán như thế này thì đến nhiệm kỳ sau chẳng còn gì để bán nữa!”.
“Nhiệm kỳ sau” là vào khoảng năm 2021. Nhưng một số chuyên gia nhà nước đã ước tính rằng với đà bán doanh nghiệp nhà nước như hiện thời, “deadline” sẽ co ngắn lại, có thể vào năm 2019 hoặc 2020.
Sau sự thất thủ của cổ phần nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn, lẽ đương nhiên những doanh nghiệp này sẽ rơi vào tay các tập đoàn lớn, trong đó hẳn có mặt nhiều kẻ con ông cháu cha và nhóm quan chức “tham nhũng chính sách”. Nhưng đó rất có thể là những “con bò sữa” cuối cùng mà Chính phủ còn để bán.
Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế đang phải đối mặt với một tương lai cực kỳ nan giải: tìm đâu ra “nguồn lực” để bán vào những năm 2020 và trong vài năm sau đó, để ngân sách không bị vỡ nợ?
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại. Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao Chính phủ phải tìm cách “bán mình” tại một số tập đoàn được xem là “bò sữa” luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Kết quả thu ngân sách chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017, nếu không tính tới phần “bán mình”.
Ngay từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính – một cơ quan chuyên “kiến tạo” vô số sắc thuế bổ lên đầu dân theo cách “bóc lột dân ta đến tận xương tủy”, vẫn “cắm đầu” lao theo đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12%, cùng nhiều loại thuế khác.
Trong khi đó, các nhóm lợi ích xăng dầu, điện lực, BOT… tiếp tục “dây máu ăn phần” bằng các chiến dịch tăng giá bất tận và mượn chính sách cùng sự “bảo kê” của giới quan chức chính phủ để “đè đầu cưỡi cổ” dân chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét