Ánh Liên (VNTB)
Sau khi tượng đài được quy hoạch, lần này Nghĩa trang tiếp tục được bơm tiền Ngân sách để các cán bộ an nghỉ một cách trọng thể.
Một góc nghĩa trang Mai Dịch - nghĩa trang cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam. |
Nghĩa trang cán bộ cao cấp: nghìn tỷ
Sáng 1.2, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nghĩa trang Yên Trung sẽ phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước. Nguồn vốn dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước.
Trước đó, Hà Nội đã có nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy) là nơi an táng các lãnh đạo cấp cao.
Thủ đô có quy hoạch nghĩa trang cán bộ, địa phương cũng không chịu thua |
Cùng với Nghĩa trang, Nhà tang lễ Quốc gia mới được xây dựng tại huyện Hoài Đức sẽ phục vụ cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, người có công với cách mạng.
Không chỉ Hà Nội, tại Bình Định [1], Đồng Nai [2], Kiên Giang,… cũng tiến hành xây dựng nghĩa trang cán bộ trung và cao cấp.
Như vậy, sau tượng đài, Nghĩa trang tiếp tục là đối tượng được Ngân sách ưu ái bơm tiền.
Nghịch lý?
Tượng đài hay nghĩa trang nếu qua quan điểm của quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước thì đó là thể hiện sự 'ghi ơn/ ghi công'.
Nhưng liệu điều này có nghịch lý không? Khi mà nguồn tiền dành cho người sống đang bị bóp lại, nhỏ giọt,...? Khi đất nước đang còn thiếu nhiều đường xá, bệnh viện, trường học; các dự án cơ sở hạ tầng giao thông; các dự án khoa học – công nghệ đang cần sự đầu tư và vẫn đangngày đêm kêu gào đói vốn…
Không đâu xa, tại Tp. Hồ Chí Minh – nơi đang bị ngập vì triều cường do vỡ đê vẫn đang trong tình trạng cầu cứu Chính phủ, Quốc Hội về giải ngân dự án Metro, nếu không sẽ dẫn đến giãn tiến độ, kiện tụng, tranh chấp, lãng phí vốn ODA, ảnh hưởng ngoại giao Việt – Nhật.
Cơ sở hạ tầng giao thông đang đói vốn thì ngân sách lại được dùng để chi cho nghĩa trang cán bộ? |
Nhưng Quốc Hội Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang gặp khó, và không thể phê duyệt yêu cầu từ chính quyền Tp. Hồ Chí Minh. Lý do: nợ ODA hiện tại đã vượt quá khả năng chỉ trả của quốc gia.
Điều đó cho thấy, trong giai đoạn ngân sách hiện nay, tiết kiệm được đồng nào thì hay đồng đó, và ngân sách phải dụng để kích thích nền kinh tế (tái đầu tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, chi tiêu nghiên cứu sản xuất,...) chứ không phải đầu tư cho 'người chết'.
'Cướp cơm người sống, bồi dưỡng người chết'
Để có tiền bổ sung nguồn ngân sách, Nhà nước gia tăng truy thu và đặt ra nhiều thuế phí mới, trong đó có cả việc thu thuế đặc biệt với trà, cà phê uống liền giống như với rượu (một mặt hàng xa xỉ). Trước đó, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác ngành thuế năm 2018, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường mở rộng cơ sở thuế, đặc biệt là những ngành kinh doanh mới như: bán hàng qua mạng, Uber, Grab. Ngoài ra, trong phương án đề ra tại Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính trình, thì 'những người tăng thu nhập do thâm niên, chuyên môn phải chịu một khoản thuế nữa'.
Thực trạng 'cướp cơm người sống, bồi dưỡng người chết' càng cho thấy tính chất bất bình đẳng, thiểu tầm nhìn trong phát triển quốc gia của cơ chế hiện tại.
Và nó không khác gì câu chuyện thời phong kiến, khi đang thời loạn lạc vẫn bắt con dân đắp tiền, phu dịch mà xây lăng tẩm cả.
Ngay cả ‘lăng tẩm’ của thời hiện đại, người dân có quyền đặt câu hỏi làm sao xác định được 'chuẩn cán bộ' để có suất vào nghĩa trang cao cấp này? Những vị quan tham quyền, cố vị; những người khi còn ngồi ghế tại vị đã tham nhũng ngân sách thông qua chính sách, chủ trương của mình, những người đề ra chỉ đạo - chủ trương làm cản trở sự phát triển của đất nước (như ông TBT Đỗ Mười - người 'đánh tư sản mại bản' rất nhiệt tình, làm mất gốc phát triển kinh tế tại miền Nam sau năm 1975) nhưng giờ đây, khi mất đi, những vị cán bộ này được lo cho an nghỉ cuối cùng một cách chỉnh chu nhất - đây không phải là sự mâu thuẫn, bất bình đẳng sao? Hay là vì khi chết, những cán bộ trung – cao cấp lại hóa thành những ‘người tử tế’ cả?
'Cần, kiệm, liêm, chính': học ai, dạy ai?
Nghĩa trang dành riêng cho cán bộ trong thời kỳ ngân sách khó khăn có phải là sự băng họai về mặt đạo đức và yếu kém trong quản lý quốc gia? Bởi nó đối nghịch với các chuẩn mực ‘Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư’ mà nhiều đời lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên truyền như là nền tảng đời sống mới, là phẩm chất đạo đức cách mạng của người Cộng sản.
Giờ đây người đề xuất, kẻ phê duyệt đã thực thi bao nhiêu phần trăm chuẩn mực nêu trên?
Quan điểm lãnh đạo là đầy tớ của nhân dân, phải ăn cùng dân, ở cùng dân, và làm với dân đã được bao nhiêu vị soạn thảo quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, ủng hộ quy hoạch nghĩa trang nhìn nhận nó một lần đúng đắn trong dời? Và tại sao khi chết lại xây nghĩa trang cao cấp [*] cho riêng cho mình dưới danh nghĩa 'đền ơn đáp nghĩa'?
Tác giả cũng muốn chất vấn bà Chủ tịch Quốc Hội – Nguyễn Thị Kim Ngân; ông Tổng Bí thư ĐCSVN – Nguyễn Phú Trọng; ông Chủ tịch nước – Trần Đại Quang; ông Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc; những người thường xuyên dâng hoa và báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; những người có rất nhiều lần đăng đàn nói về vẻ đẹp cách mạng thời đại Hồ Chí Minh,… rằng: liệu những đảng viên cao cấp, những lãnh đạo đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam có ai đã thực hành đúng đường lối cách mạng của ông cụ (Chủ tịch Hồ Chí Minh), người sinh thời luôn lên án sự sa hoa, lãng phí, người mà trong Di chúc của mình đã muốn ‘thi hài được đốt đi, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét