Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay (Nguyễn Bính)
Khoảng cách từ Kuala Lumpur đến Singapore, có lẽ,
cũng chỉ bằng đoạn đường Sài Gòn/Đà Lạt là cùng. Bởi vậy thay vì
chạy ra phi trường, tôi phóc đại lên một cái xe đò cho nó đỡ hao xu.
Chuyến đi tuy hơi lâu nhưng thú vị. Đã quen với những
con đường chật hẹp của Cambodia, hoặc lỗ chỗ ổ gà (cùng với bụi
mù) của Myanmar nên quốc lộ thênh thang và phẳng lì ở Malaysia khiến
tôi ngạc nhiên không ít. Trông cũng tân kỳ y như hệ thống freeway của
California vậy. Chỉ có điều khác là xe lao vun vút qua những cánh
rừng nhiệt đới thâm u, hoang dại, hay những rừng kè ngút ngàn mà
nhìn từ trên không tôi cứ ngỡ là dừa.
Tuyệt nhiên không thấy bóng một cha nội cảnh sát, hay
công an giao thông nào cả nhưng BOT thì có chớ. Qua ba trăm KM đường
dài, tài xế phải trả phí hai lần – mỗi lần 5 RM, gần 2 U.S.D – nhưng
họ chà thẻ nên không có cái vụ đếm tiền lẻ, và dựng bảng (“Cấm
Ngừng Quá 5 Phút”) như ở quê mình.
Tính ra thì cứ trung bình 100 KM quốc lộ thì giới xe
đò phải trả thêm cho nhà nước Mã Lai thêm 65 xu (theo đơn vị Mỹ Kim)
dù đã đóng thuế lưu hành. Tuy nhiên, số tiền phụ thu này đã được chi
dùng hết sức đàng hoàng và rõ ràng nên không có gì để phàn nàn
cả.
Quốc lộ rộng đến sáu làn. Dải phân cách mọc đủ
thứ loài hoa nhưng tôi chỉ nhận ra được hoa phượng đỏ, chen lẫn với
phượng vàng, và hoa giấy. Hoa giấy tuy không tàn nhưng trông có nét
buồn buồn ngay từ khi vừa hé nhụy. Giữa nắng chiều vàng hanh mà nhìn
mầu xác pháo thì ngay đến cả tôi – một anh già ham chơi và nát rượu
– cũng thoáng bâng khuâng vì nỗi nhớ nhà.
Mẹ cha ơi đừng đợi
Chiều nay con chưa về
Chị ơi thôi đừng đợi
Chiều nay em không về
(tnt - 1980)
Không thấy cổng chào (“WELCOME TO SINGAPORE”) nên chả
rõ là xe đã thực sự đi vào phần đất của Tân Gia Ba tự lúc nào nhưng
tôi vẫn cảm được là không khí Tết mỗi lúc một gần thêm – sau từng
cây số. Khác với ở Kuala Lumpur, phần lớn dân Singapore là người Hoa
(hoặc gốc Hoa) nên Chinese New Year được chuẩn bị kỹ càng và rình rang
hơn hẳn.
China Town, tất nhiên, đỏ rực. Chùa Tầu mầu mè hoa
hoè và khói hương nghi ngút, đã đành; chùa Chà (kế đó) cũng trưng
bầy đèn lồng, cùng với hàng chữ chúc mừng – “Wishing All A Happy & Properous Lunar
New Year” – và cũng đông đúc tín đồ
không kém.
Sri Mariamman Temple, ngôi chùa Chà cổ nhất trong khu
Phố Tầu ở Tân Gia Ba. Ảnh chụp tháng 2 năm 2018
Thế mới biết là người Ấn có một không gian tâm linh
rất rộng, và rất “sính” chuyện hội hè đình đám. Tết Nguyên Đán lại
hay trùng hợp với Lễ Hội Ngày Mùa (Pongal Festival) kéo dài đến bốn
ngày của họ: từ 14 đến 17 tháng Giêng.
Khác với Little Sài Gòn ở California, Little India ở
Singapore lúc nào cũng lúc nhúc người. Bombay hay New Delhi, tôi đoán,
chắc cũng đông đúc đến vậy là cùng. Ngó mà chóng mặt luôn.
Đã vậy, tôi còn lạc bước đến “thánh địa” này đúng
vào lúc người ta đang làm lễ tạ ơn Mẹ Thiên Nhiên (Mother of Nature) hay
Thần Mặt Trời (The Sun God) gì đó. Họ bầy ra những cảnh tượng lạ
lùng chưa từng thấy. Nguyên cả một tập thể người rồng rắn vừa đi
vừa thực hành những nghi lễ truyền thống vô cùng lạ mắt, và hơi kỳ
dị. Thêm cái đám du khách hiếu kỳ bao quanh, hay rùng rục theo sau,
tạo nên cả một rừng người.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi có mặt ở Singapore
nhưng chưa bao giờ thấy cảnh sát của Đảo Quốc này xuất hiện nhiều
đến vậy. Dù vậy, họ phải vô cùng chật vật mới giữ cho đám đông
không làm tắc nghẽn giao thông.
Đ...mẹ, ở Việt Nam mà tràn ra đường lễ lạc kiểu
này thì chắc chết, chết chắc. Súng nổ như không. Những kẻ sống sót
– tất nhiên – sẽ đều phải ra toà về tội “gây rối trật tự công cộng,”
chớ chả phải chuyện đùa đâu. Cái chính phủ của Đảo Quốc Sư Tử này
– rõ ràng – đã không “quản lý” được cái đám dân ngụ cư (chỉ chừng
vài trăm ngàn người) gốc Ấn. Dường như có sự tỷ lệ thuận giữa tự
do dân chủ và phồn thịnh. Nhờ vào sự “buông lỏng quản lý” nên
Singapore có lợi tức đầu người cao nhất/nhì thế giới, còn xứ sở
của tôi thì ngược lại!
Dù mới cuối tháng Giêng nhưng cái nóng nhiệt đới và
cái đám đông hừng hực hơi người vẫn khiến tôi hơi ngột ngạt. Thay vì
đón xe buýt, tôi vẫy Taxi về nhà trọ cho nó đỡ phiền. Tôi về khu Đèn
Đò Geylang nên bác tài nheo mắt:
Đi kiếm gái hả?
“Đang mệt thấy bà đây, gái với gú cái gì – cha
nội?” Tôi chỉ nghĩ (thầm) vậy thôi chứ cũng ráng gượng cười cho nó
qua chuyện, khỏi phải giải thích lôi thôi. Đến tuổi tôi thì có lẽ
không ai còn đủ can đảm cho một cú sexual adventure nữa. Đây là cách
phiêu liêu hứa hẹn rất nhiều phiền toái mà (chắc chắn) cũng chả
hứng thú gì.
Theo cách nhìn của những kẻ cầm quyền thì khu vực
đèn đỏ nào cũng đều là nơi ... phức tạp, cần phải được canh chừng.
Với riêng tôi thì Khu Đèn Đỏ Quốc Tế Geylang chỉ là nơi tập trung của
những cô gái kém may mắn nhất ở Đảo Quốc giàu sang này. Giữa một
trung tâm thương mại phồn thịnh mà họ lại không có gì để bán, ngoài
thân xá. Tôi cũng “đứng về phe nước mắt” nên chỉ quen sống kề cận
với những kẻ bất hạnh mà thôi.
Không phải mọi phụ nữ Việt Nam trôi dạt đến Geylang
đều làm gái cả. Không ít người vì tuổi tác, hay vì không đủ “vốn
liếng trời cho” nên phải làm công việc nặng nhọc hơn, và lợi tức
cũng khiêm tốn hơn nhiều. Họ đi bán giấy chùi miệng và lau tay.
Thực khách ở Singapore không ai cần giấy nhưng họ vẫn
vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền lẻ với những kẻ không may
ở nước láng giềng, qua hình thức bán/mua. So với dịch vụ xuất khẩu
lao động rất nhiêu khê, tốn kém, phải cầm cố nhà cửa, và bị lường
gạt đều đều thì “thương vụ” bán giấy (rất lương thiện này) quả một
là phát kiến thần tình, rất đáng được hoan nghênh.
Điều đáng tiếc là đồng bào của tôi lại không được
“hoan nghênh” mãi mãi – theo như ghi nhận gần đây của nhà báo Huy
Phương:
“Báo chí lại loan tin, những người Việt Nam, đồng bào của
chúng ta, từ Sài Gòn đến phi trường Changi, Singapore, bị từ chối nhập cảnh,
nói rõ ra là bị đuổi về.
Singapore là một trong 48 quốc gia mà người mang thông hành
Việt Nam vào không cần thị thực, nhưng lần này mặc dù có đầy đủ giấy tờ tùy
thân, nhiều hành khách Việt Nam, phần lớn là phụ nữ, vẫn bị nhà chức trách
Singapore từ chối cho vào xứ của họ...
“Chính quyền Singapore cũng không hề nói lý do họ không cho
những người Việt này vào nước họ, nhưng cái lý do này thì những người trong cuộc,
hay toàn thể ‘khúc ruột ngàn dặm’ trên khắp thế giới đều biết rõ, đều cảm thấy
xấu hổ và đau lòng.”
Dân Tân Gia Ba, rõ ràng, đã oải. Họ không còn đủ kiên
nhẫn và bao dung với những kẻ khốn cùng (không vốn liếng, không ngoại
ngữ, không nghề nghiệp) cứ tiếp tục đến mãi từ một nước (Độc Lập -
Tự Do - Hạnh Phúc) láng giềng!
Thảo nào mà khác hẳn với hồi tôi đến khu đèn đỏ
Geylang vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, bây giờ người Việt ở đây
gần như chả còn ai cả. Đợi ngày mai đỡ mưa và đỡ mệt, tôi phải đi
kiếm đồng bào mình với được. Có thể là những đứa cháu gái của tôi
đã di chuyển qua một khu vực khác chăng? Chớ không lẽ tôi phải ăn tết
mình ên ở Chiêu Nam Đảo hay sao? Mà
Tết thì tới nơi rồi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét