Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

2616 - Hàng không Bikini Việt nam

Phương Thảo (VNTB) 


Bà Nguyễn thị Phương Thảo Tổng giám đốc (CEO) hãng hàng không Vietjet Air đã từng tuyên bố : “Chúng tôi muốn đưa đến một thông điệp, hành khách của chúng tôi, nhân viên của chúng tôi hay là mọi người có quyền mặc mọi thứ mà người ta thích, người ta thấy hạnh phúc. Người khác có thể thích hay không thích nhưng tôi thấy vui, tôi thấy hạnh phúc.”

Năm 2012 là bộ lịch tiếp viên hàng không “trong bộ bikini mát mẻ để phát tặng rộng rãi cho các hành khách và các đối tác thân thiết của mình như một món quà đầu xuân năm mới”. Truyền thống này được tiếp tục các năm sau đó và có lúc được thay thế bằng hình ảnh của dàn người mẫu được thuê.

Vietjetair cũng từng cho nhân viên trong chuyến bay khai trương đường bay TP. HCM – Nha trang mặc trang phục bikini nhảy nhót từng từng trong khoang hành khách của máy bay. Tháng 8 năm 2012 Vietjet Air đã “bị Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) phạt 20 triệu đồng vì đã tổ chức một sự kiện nằm ngoài phạm vi hoạt động được cấp phép của hàng không dân dụng.”

Hãng hàng khôn giá rẻ Vietjet Air sử dụng người mẫu bikini trong chiến dịch PR.
Vietjet đã “ nhờn luật ” khi trên chuyến bay mang số hiệu VJ8931 khai trương đường bay từ TP.HCM đi Singapore năm 2014, Hãng hàng không VietJet Air một lần nữa phát huy truyền thống với màn múa bikini của tiếp viên.

Đại diện hãng máy bay cho biết: “Tiếp viên của chúng tôi luôn tươi trẻ, mục tiêu của chúng tôi là mang tới cho khách hàng những trải nghiệm thú vị, mới mẻ. Cuốn lịch bikini chỉ là một trong rất nhiều những hoạt động thú vị khác của chúng tôi.” 

Dù bị phản ứng nhiều năm qua nhưng lịch bikini vẫn được phát hành bởi Vietjet Air hài lòng với bộ lịch bởi theo lời đại diện của hãng thì “ Lịch của chúng tôi đương nhiên có giấy phép văn hóa chứ. Chúng tôi chưa nhận được bất cứ phản hồi tiêu cực nào từ các cơ quan quản lý cũng như của khách hàng.”

Có lẽ Vietjet Air đã thành công trong việc tạo cá tính đặc biệt với cụm từ “hãng hàng không bikini” với khách hàng dễ tính từ trước đến giờ. Nhưng đỉnh điểm của sự bất bình trong dư luận có lẽ là sự kiện “chiêu đãi màn trình diễn thiếu vải ” dành cho đội tuyển U23 và quan chức liên đoàn bóng đá và bộ trên chuyến bay từ Thường Châu về Hà Nội. 

Nổi như cồn 

Bà Nguyễn thị Phương Thảo thường được biết đến như nữ tỷ phú tự lập đầu tiên của Đông Nam Á và người ta chỉ nhớ nhờ “ hàng không bikini” trong những năm gần đây mà bà CEO Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành tỷ phú.

Với sự kiện Vietjet Air lợi dụng chuyến trở về của U23 để đánh bóng hình ảnh và quảng cáo thương hiệu, hãng máy bay của nữ tỷ phú Việt nam được Forbes xếp hạng 55 thế giới này cũng không bị báo chí nước ngoài bỏ qua. 

Tờ Sputnik của Nga viết Vietjet Air đã có một món quà đặc biệt cho “ đội bóng dành huy chương bạc châu Á của Việt nam” đó là “ được thưởng màn múa bikini”. 

Vụ bê bối này được mô tả là “màn trình diễn gợi dục trên máy bay” hoặc “ hoạt động PR rẻ tiền” để chào mừng đội bóng thua cuộc trên đường từ Trung quốc trở về nhà, hay là “ phá hỏng chiến thắng” của U23. 
Bà Nguyễn thị Phương Thảo và quan điểm bikini
Sau hoạt động đánh bóng tên tuổi trên, Tổng giám đốc Vietjet Air đã xin lỗi một cách miễn cưỡng. Gọi là miễn cưỡng vì “ tôn chỉ bikini” đã gắn liền với hình ảnh của Vietjet Air trong nhiều năm qua khi người phát ngôn của hãng từng tuyên bố về bộ lịch bikini nhằm “ quảng bá Việt nam như một điểm du lịch cũng như là tăng vé bán cho hãng” hay bà CEO cũng đã khẳng định tiếp viên mặc bikini là “tăng cường hình ảnh trong văn hoá bảo thủ Việt nam.

CEO Nguyễn Phương Thảo không giấu diếm tham vọng “ trở thành một hãng bay quốc tế mà không phải chỉ là môt hãng bay nội địa” khi trả lời phỏng vẫn Forbes. Nhưng hình ảnh bikini lại không thể phù hợp với mọi điểm đến mong đợi. 

Hàng không Châu Á: không Bikini hoặc Váy ngắn

Việc Vietjet sử dụng bộ lịch bikini năm 2018 được tờ báo Hongkong bình luận rằng “ dù có thể làm cho tim đập mạnh hơn, nhưng dùng tình dục để bán vé máy bay dường như không thể tiến được vào các quốc gia Hồi giáo.

Tháng 8/2017, khi có tin Việt nam và Indonesia đang thương thảo về việc mở đường bay đến Jakarta, đại sứ Indonesia tại Việt nam đã lật đật xác nhận công khai rằng tiếp viên hàng không của Vietjet sẽ không mặc bikini vì không phù hợp với văn hoá Hồi giáo. 

Tiếp viên hãng hàng không Malaysia gặp rắc rối vì váy xẻ
Hai hãng bay giá rẻ Airasia và Firefly của Malaysia cũng đã gặp vấn đề về trang phục tiếp viên hàng không hồi cuối năm 2017 khi nhân viên hàng không mặc bộ trang phục có váy ngắn và có đường xẻ trên đầu gối. Ngay lập tức các nhà lập pháp đã cho rằng đây là trang phục “ quá lộ liễu”, mang tính “ kích dục hành khách” và hơn hết là tạo ấn tượng sai lầm về đất nước Malaysia.

Ở Nhật năm 2014, hãng Skymark Airlines Inc. đưa ra bộ đồng phục mới với váy hơi quá ngắn cũng đã gây bất bình cho nhân viên phục vụ bay vì theo họ đồng phục này gây trở ngại cho công việc và có thể dẫn đến việc bị quấy rối tình dục. 

Hàng không Bikini Âu Mỹ 

Nhiều người vẫn lầm tưởng Âu Mỹ phóng khoáng, nên cứ muốn quảng cáo bikini ở đâu và ra sao cũng được nhưng không phải như vậy. 

Viện dẫn về chiến lược bikini này, hãng Vietjet cho rằng đây không phải là điều mới mẻ vì trên thế giới đã có các trường hợp tương tự như hãng hàng không Mỹ Southwest Airlines đã làm trong những năm 1970 tức là cách đây non nửa thế kỷ. 

Trang phục lúc bấy giờ của Southwest không phải là bikini, chỉ là giày ống cao, quần ngắn nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi trong xã hội Mỹ. Hãng hàng không Texas sử dụng chiến thuật “ tình dục bán vé – sex sells seats” khi xác định phục vụ đa số khách hàng đi máy bay là nam giới. 

Trong năm 2009, hãng này lại tiếp tục cho in hình một cô người mẫu trong trang phục bikini nằm bên hông máy bay và lại có nhiều chỉ trích vì không phù hợp cho khách hàng gia đình và mang tính phân biệt giới tính, gợi dục. 

Ryanair là hãng hàng không giá rẻ của Ái Nhĩ Lan cũng không ít lần gây sốc cho người châu Âu vì những bộ lịch hay quảng cáo có hình các nữ tiếp viên trong trang phục bikini. Ryanair bắt đầu cho in lịch có hình các tiếp viên mặc bikini từ năm 2008 và mỗi năm họ lại cho ra một bộ lịch khác nhau.

Năm 2011, hãng này đã hạ cánh trúng vùng nóng của Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo ( ASA) khi cho quảng cáo phi hành đoàn và vé máy bay giá rẻ bằng các bức ảnh lấy ra từ bộ lịch của năm; các hình ảnh này được cho là “ phân biệt giới tính” và “ hạ thấp phẩm giá phụ nữ.” 

Hãng hàng không Southwest Air
Các bức ảnh lịch gợi cảm có in kèm tên của tiếp viên hàng không cùng với hàng chữ “ vé và tiếp viên nóng bỏng ” theo ASA có thể làm cho người ta liên tưởng đến các hành vi có tính dục. “ Dù rằng các phụ nữ trong quảng cáo biết rõ việc họ làm” nhưng ASA vẫn cho rằng khi quảng cáo đăng trên báo quốc gia sẽ gây ra “ sự xúc phạm lớn”

Một tiếp viên hàng không – cô Ghada – đã mở đầu chiến dịch thu chữ ký cho thỉnh nguyện thư trực tuyến phản đối chiến dịch quảng cáo này và đã thu hút được 5,000 người ủng hộ. Chiến dịch quảng cáo trên báo chí bằng các hình ảnh mát mẻ gây nhiều tranh cãi này cuối cùng đã bị ASA cấm.

Tuy nhiên Ryanair không chịu dừng lại mà tiếp tục truyền thống phát hành lịch bikini và cả đồ lót vì theo Robin Kiely – phát ngôn viên của hãng bay – thì họ không thấy có gì là “ hạ thấp nhân phẩm phụ nữ khi những người này tự nguyện dù rằng theo lời của Ryanair số tiền thu được từ việc bán lịch sẽ được sử dụng cho mục đích từ thiện thu được lên đến cả trăm ngàn đô la mỗi năm. 

Năm 2014 bộ lịch bikini 12 tờ của họ lại bị cấm. Ryanair miễn cưỡng ngưng phát hành và sẽ cố gắng thay thế việc phát hành lịch bằng một hoạt động khác để quyên góp tiền từ thiện thành công như khi phát hành lịch. Tổng Giám đốc (CEO) hãng bay Michael O'Leary cho rằng lịch bikini không còn phù hợp với hình ảnh mới của hãng đó là gia đình đầm ấm. 

Bình đẳng giới tính

Các hình ảnh quảng cáo của Vietjet Air không tôn trọng phụ nữ. Họ đã đạt được tần suất đề cập cao, trong truyền thông có lẽ đó là một sự thành công, nhưng hiệu quả lại không phải là hình ảnh tích cực khi Vietjet bắt đầu chiến dịch bán hàng triệu vé máy bay giá 0 đồng nhằm nâng cao nhận thức về thương hiệu ngay sau khi được truyền thông liên tục đề cập và nằm trong tâm bão dư luận.

Tờ Financial Times đánh giá chủ nghĩa phân biệt giới tính được dung nạp rộng rãi ở quốc gia cộng sản cai trị, mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ lãnh đạo các công ty cao cấp. CEO Vietjet từng nói về bình đẳng giới rằng "Khi mình cho đi với tất cả cái tâm hay với sự bao dung của người phụ nữ, sự dịu dàng và nhân văn của mình thì hy vọng mọi người sẽ nhìn nhận, tất nhiên là bằng cả những nỗ lực của mình về mặt chuyên môn nghề nghiệp, nhờ đó chúng ta sẽ đi đến sự bình đẳng." 


Dấu ấn của sự bao dung, dịu dàng và nhân văn của người phụ nữ không thể tìm đâu ra trên các tấm lịch của các cô gái mặc trang phục bốc lửa trong các vị trí mang tính mời gọi và giải trí cho giới mày râu dễ tính. Sự dịu dàng ân cần của phụ nữ cũng không thấy đâu trong màn ôm ấp, nhảy múa ồn ào trên lối đi máy bay. 

Hình ảnh người đẹp mặc bikini có thể thu hút một bộ phận hành khách nam giới nhưng còn vợ, bạn gái của các hành khách này chắc chắn không hài lòng chút nào. Với khách quốc tế cũng sẽ có thể dẫn đến một sự ngộ nhận khi chiến thuật “ Sex sells seats” này cũng ngầm dẫn rằng du lịch Việt nam là du lịch tình dục như Thái lan đã từng làm trước đây. 

Người mẫu mặc bikini và màn trình diễn thiếu vải cuối tháng giêng vừa rồi đã trả vị trí của người phụ nữ hiện này vào chỗ của quá khứ là “ nguồn mua vui” cho nam giới mà không phải là cá thể cần được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Không ai cấm quảng cáo bikini hay nội y nhưng đó là việc của các hãng nội y, áo tắm. Không ai cấm hình ảnh các cô gái nằm ngồi đầy gợi dục, nhưng đó là việc của các câu lạc bộ tình dục hoặc báo khiêu dâm. 


Âu Mỹ nói không với quảng cáo hàng không bikini, các quốc gia châu Á cũng không chấp nhận. Còn Vietjet Air với CEO là một phụ nữ đã từng ở tây nhiều năm khi nào mới nhận ra rằng sử dụng hình ảnh phụ nữ trong trang phục thiếu vải là một sự tiến hoá ngược, thiếu tôn trọng khách hàng- nhất là phụ nữ và trẻ em, và đề cao bất bình đẳng về giới? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét