Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

2723 - Dự án Long Phú 1 đã rút đơn xin tài trợ từ US ExIm Bank

Phạm Phan Long, PE (Viet Ecology Foundation)


Dân cư Long Phú sẽ lo lắng về tình huống có thể sẽ xấu nhất

Người viết sau khi gởi bài “Đây là lằn đỏ để đoạn tuyệt với nhiệt điện than tại Việt Nam” trên diễn đàn VOA, đã nhân danh Viet Ecology Foundation liên lạc với US ExIm Bank bày tỏ mối quan tâm và khuyến cáo ngân hàng này không nên tham dự vào dự án nhiệt điện than xả ô nhiễm và gây nguy hại ở Việt Nam. Thêm vào là phân tích chiến lược về bất lợi quốc tế cho Hoa Kỳ (HK) nếu HK giúp ngân hàng Nga thoát bế tắc tại Long Phú trong khi Liên Hiệp Quốc đang áp dụng biện pháp trừng phạt Nga vì quân đội Nga đã xâm lăng vào lãnh thổ Ukraine.

Viet Ecology vừa nhận được thư trả lời của đại diện Exim Bank (xem đính kèm cuối bài viết), theo đó dự án Long Phú đã tự rút đơn xin tài trợ nên US ExIm Bank sẽ đóng lại không cứu xét hồ sơ này nữa. Nếu thế sân chơi Long Phú sẽ bị bỏ trống sau khi Âu Châu từ chối tài trợ và Hoa Kỳ ngừng cứu xét. Tình huống thiếu vốn này của Petro Vietnam sẽ rất thuận lợi cho ngân hàng AIIB, Asian Infrastructure Investment Bank của Trung Quốc (TQ) bước lên thảm đỏ mang tiền đầu tư thêm vào nhiệt điện than Việt Nam; dĩ nhiên với thiết bị, kỹ thuật, chuyên gia và nhân công của họ.

Nếu đây là lộ trình độc nhất còn lại, lãnh đạo Long Phú sẽ vay từ TQ thì đây là tình huống xấu nhất dân cư trong vùng, trước nhất vì cơ bản dù có thực hiện đúng theo thiết kế kỹ thuật và vận hành đúng theo quy trình, thì theo tường trình VOV ngày 21, tháng 9, 2016: “Trung tâm điện lực Duyên Hải có tổng công suất khoảng 4.400MW, gồm 4 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tua-bin ngưng hơi truyền thống. Khi đi vào vận hành, trung tâm này sẽ tiêu thụ 39.000 tấn than/ngày đêm. Theo đó, sẽ phát thải xỉ than 13.000 tấn/ngày đêm; do vậy, nguy cơ ô nhiễm không khí và nước thải là rất lớn. Hơn nữa, lượng tro xỉ này hoàn toàn chưa có phương án xử lý hiệu quả, chủ yếu được chôn lấp. Đến nay, đã có 31ha trong số 100 ha bãi chứa xỉ của Trung tâm được lắp đầy!”[1]

Thực tế đã cho thấy các xí nghiệp TQ và Đài Loan có lịch sử xây dựng và vận hành xí nghiệp không an toàn và không theo đúng tiêu chuẩn và luật pháp ở Việt Nam (VN). Hãy xét qua một chuỗi những sự việc không thể chấp nhận lại liên tiếp đã xảy ra với các nhà thầu và chủ đầu tư Trung Quốc sau đây:

Năm 2011, kỹ nghệ bauxite Tân Rai đã để hoá chất chảy thoát ra ngoài nhà máy khiến nước sông đen, cá chết và cây cỏ bị huỷ hoại.

Năm 2014, nước bùn đỏ độ kiềm ăn mòn cao từ xí nghiệp Tân Rai theo mưa tràn ra ngoài đến khu nông nghiệp cư dân.

Năm 2014, hàng trăm chuyên viên TQ đã VN vào làm việc lậu cho dự án Duyên Hải 1 không có phép [2].

Năm 2015, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận do TQ thầu đã xả khí thải và xỉ thải ra khu dân cư và quốc lộ khiến dân cư biểu tình trên 20 km đường phản đối kéo dài trên 30 tiếng.

Năm 2016, nhà máy Fornosa Đài Loan (cũng là Tàu) xả nước thải không xử lý theo ống ngầm ra biển gây ô nhiễm chết 70 tấn cá trải dài trên hai trăm km duyên hải.

Sau đó Formosa đã phải đóng cửa sửa chữa để tái vận hành, nhưng lại để nổ cháy lớn ngay trong nhà máy.

Formosa còn đánh tráo quy trình kỹ thuật đệ trình từ cốc khô thành ướt để bớt chi phí thiết và năng lượng và “thuyết phục” được phép từ chính quyền cho làm sai quy trình.

Formosa vận động đặc ân tăng giới hạn ô nhiễm lên trên ngưỡng cho phép 255% nhờ đặc cách họ được điều chỉnh theo ham lượng oxygen tham chiếu 15% thay vì tiêu chuẩn 7%.

Mới đây, có những công dân phản đối Formosa lại bị trả thù lãnh những bản án tù nặng nề trên 10 năm.

Năm 2016, khi xây dựng nhà máy nhiệt diện Duyên Hải 1 nhà thầu TQ đã gây úng ngập và bệnh tật cho dân cư [3], phát tán bụi than trên ruộng và vẫn chưa tìm được giải pháp chôn xỉ thải.[4]

Năm 2017, nhà máy giấy Lee & Man bên sông Hậu đã mất kiểm soát ô nhiễm cho tro bụi, nước thải và tiếng ồn từ nhà máy thất thoát ra ngoài tác động vào dân cư.

Ngoài ra công ty JA Solar của TQ năm ngoái đã ngang nhiên khởi công xây nhà máy ở Bắc Giang khi chưa đệ nạp báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Đã có nhiều tiếng nói báo động trong nước nhưng chưa thấy chính phủ Việt Nam chứng tỏ khả năng kiểm soát được các xí nghiệp TQ, các chuyên gia bộ Tài nguyên Môi trường chưa chứng tỏ có kiến thức rà soát quy trình kỹ thuật, hiệu quả các thiết bị kiểm soát ô nhiễm và an toàn nhà máy của TQ, hay khả năng tư pháp áp đặt quy luật buộc họ nghiêm túc tuân thủ luật Việt Nam, tôn trọng an toàn dân cư bảo vệ môi trường. Ngay nhóm nghiên cứu dự án150 triệu USD, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé còn bị TSKH Nguyễn Ngọc Trân ngờ vực là làm và chia báo cáo ra hai giai đoạn là âm mưu “gài” Thủ Tướng phóng lao để phải theo lao [5].

Những báo cáo ĐTM trong nước đều là tài liệu bí mật không công bố ra ngoài cho dân cư tiếp cận và cơ hội tìm hiểu và phản hồi; hội đồng thẩm định ĐTM không tiếp xúc với dân và dĩ nhiên không do dân cử; cố vấn nghiên cứu ĐTM do chủ thầu chọn, chủ thầu trả tiền và dĩ nhiên quyền quyết định kết luận trong báo cáo phải thuận lợi nhất theo đơn đặt hàng của chủ thầu. Trong tình trạng nặng mâu thuẫn quyền lợi, thiếu vắng khả năng check and balance, chuyên gia không độc lập đó, sẽ không bao giờ quyền lợi dân cư và xã hội được tôn trọng bảo vệ. Chính quyền vô hình chung biến thành đồng loã, công cụ nếu không nói là thuộc hạ cho các nhóm lợi ích thao túng và giúp xí nghiệp trốn thoát trách nhiệm khi bị lộ tẩy. ĐTM của Duyên Hải 1 cũng theo tường trình VOV nói trên [1] có những sai sót sau:

“PGS.TS Lê Anh Tuấn phân tích: "Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL có nhiều lổ hổng. Thứ nhất là do các quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Thứ hai, lổ hổng của người soạn thảo cái đó và người phê duyệt. Mình để cho các nhà máy đó tự làm, không có cơ quan giám định độc lập, để phản biện. Bản thân các báo cáo đánh giá tác động môi trường có những lỗi về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, một số kết quả cố tình làm nhẹ đi."

Sự khinh thường luật lệ và chức trách Việt Nam của nhà thầu TQ đã không cần phải che dấu:

‘Ông Phạm Anh Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, qua thẩm định 3 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch phát triển ngành năng lượng tại ĐBSCL, một số nhà máy phải lập lại đánh giá tác động môi trường: “Chủ dự án không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong quá trình quản lý, không biết dùng công cụ gì mặc dù đã phạt họ!?”.

Trước bế tắc có tính hệ thống đó, người trong nước gần như tất cả đều biết rất rõ những điều bất cập ấy. TS Nguyễn Xuân Tụ đã khai bút thách thức cả dân tộc lên tiếng khi viết khảo luận “ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ CỦA MỘT CÔNG DÂN” vào năm 1993 như sau:

“Vậy nên tôi nghĩ rằng, là một người Việt Nam có giáo dục, có văn hoá, không ai có thể cho phép mình tảng lờ, dấm dúi trong xó kiếm ăn một mình, mà phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của ý thức trách nhiệm và trí tuệ!”[6]

Hiện nay đã có nhiều trí thức và ký giả tryền thông mạnh dạn lên tiếng theo sự thôi thúc của trí tuệ và lương tri khi thẳng thắn viết là: Nhiệt điện “đốt cháy” tâm can người dân ĐBSCL[7]. Đúng thế vì Long Phú 1 hay Duyên hải 1 chỉ là những giai đoạn đầu cho 14 dự án than tổng cộng 18.000 MW sẽ tràn vào ĐBSCL tác hại họ. Chính quyền địa phương như Bạc Liêu và Long An đã có nhiều dấu hiệu đang lắng nghe tiếng dân và trí thức xin chính phủ huỷ bỏ nhiệt điện than cho họ [8]; Duyên Hải 1 đã phát hành thông tin cập nhật về nhà máy cho dân cư [9]; dân chúng đã vượt sợ hãi và tham gia tích cực các thảo luận trực tiếp vào vùng cấm địa chính sách trước đây phải tránh hết sức né e dè. Người viết tin vào tinh thần dân tộc Việt Nam đang trên đà chuyển hướng và viết bài này để đánh dấu bước ngoặt phải bước tới vì sự sinh tồn cho hàng chục triệu cư dân trên diễn đàn Voice of America tiếng Việt tại Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét