Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

2729 - Chuyện lạ: Việt Nam tính số kiều hối 2017 theo năm… âm lịch?

Phạm Chí Dũng - Cali Today
Nếu vào năm 2017, kết quả thống kê GDP bình quân trong năm lên tới 6,7% của chính phủ “kiến tạo” của Thủ tướng Phúc đã tạo nên một hiện tượng “lạ” trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nguyên suy trầm mà đã bị rất nhiều người nghi ngờ là “số liệu giả”, thì đầu năm 2018 lại có một chuyện lạ khác xảy ra: giá trị kiều hối “bỗng dung” tăng vọt lên đến 10 tỷ USD, theo một đại diện (không nói tên hoặc giấu tên) của Ngân hàng nhà nước và được báo chí nhà nước dẫn lời:
“Tình hình hiện rất khả quan, lượng kiều hối năm nay về tăng vọt. Cụ thể, theo thống kê tính đến hết năm 2017, kiều hối đổ về tăng tới 10,4% so với năm 2016” – đại diện Ngân hàng nhà nước “tiết lộ” vào ngay 10/2/2018.
Công bố hoàn toàn không chính thức trên xảy đến sau khi xuất hiện dư luận đặt nghi ngờ về việc “Việt Nam không dám công bố kiều hối năm 2017?” (https://www.voatiengviet.com/a/pew-kieu-hoi-giam/4236244.html).
Một chuyện lạ khác là cơ quan thống kê (Tổng cục thống kê Việt Nam) đã như thể cố ý chây ì trong việc báo cáo kết quả giá trị kiều hối năm 2017. Bởi sau tháng Giêng năm 2018 và mãi cho đến nay, vẫn chẳng có một con số thống kê nào được một cơ quan nào công bố về kết quả kiều hối mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã “hút” được từ gần 4 triệu “khúc ruột ngàn dặm” ở hải ngoại.
Con số kiều hối duy nhất được công bố từ đầu năm 2017 đến cuối năm chỉ là Sài Gòn thu hút lượng kiều hối 5,2 tỷ USD. Ngoài ra chẳng có gì hơn.
Cũng bởi cái lẽ khó nói ấy, một ít tờ báo đảng muốn tô hồng thành tích chỉ đành dựa vào phỏng đoán của vài chuyên gia nhà nước về “tình hình kiều hối năm nay và những năm sau rất lạc quan”, nhưng lại không khẳng định được con số cụ thể nào về kiều hối 2017.
Còn nhớ vào năm 2015 khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm cũ còn chưa kết thúc. Tổng cục Thống kê cũng thường rất mau mắn công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết thúc tháng Sáu hàng năm.
Nhưng đến năm 2016, khi giá trị kiều hối về Việt Nam chỉ có 9 tỷ USD, giảm đến 35% so với đỉnh cao 13,5 tỷ USD của năm 2015, hệ thống tuyên giáo cùng các báo đảng Việt Nam đã bớt hẳn việc tô vẽ về “thành công của Nghị quyết 36”, tức bản nghị quyết ra đời từ năm 2003 về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, mà đã khiến cho bà con Việt kiều nhiệt tình “cống hiến cho quê hương”.



Kiều hối thực về Việt Nam trong năm 2017 là dưới 9 tỷ USD? Ảnh: Cali Today

Gần đây, một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5 – 6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi USD ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho “kiều bào ta” yên tâm gửi tiền về…
Thậm chí ngay cả “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” – một động tác do đảng cầm quyền ở Việt Nam chỉ đạo cho Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, cũng không thể khiến người Việt hải ngoại được thuyết phục. Kết quả của hội nghị phải tổ chức đến hai lần này là khá thảm hại: lần đầu vào tháng 4/2017 đã phải hoãn lại do chẳng có nhà văn hải ngoại nào hồi âm cho gần 50 thư mời của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh được gửi đi, còn lần thứ hai tuy được báo cáo là “tổ chức thành công” nhưng Hội Nhà văn Việt Nam lại giấu biệt danh sách các “nhà văn hải ngoại” tham dự. Kiều hối về Việt Nam cũng vì thế vẫn ngậm đắng nuốt cay…
Vậy thì nguồn cơn đặc biệt nào đã khiến cho giá trị kiều hối 2017 tăng vọt đầy bất thường theo “tiết lộ” của một đại diện (giấu tên) của Ngân hàng nhà nước?
Trong một bản tin về kiều hối 2017, báo Tiền Phong mô tả “Những ngày áp Tết, kênh dẫn vốn ngoại tệ quan trọng là kiều hối 2017 cũng chảy về dồn dập tăng tới 10,7% so với năm 2016”.
Cách mô tả trên có vẻ cho thấy nếu quả thật “kiều hối dồn dập đổ về Việt Nam” thì dòng chảy đó diễn ra vào khoảng thời gian gần tết nguyên đán năm 2018 – theo đúng quy luật Việt kiều về quê ăn tết và mang ngoại tệ về, cùng nhiều người Việt ở hải ngoại gửi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam. Đó là khả năng dễ diễn ra nhất.
Theo khả năng trên, việc Tổng cục Thống kê và Ngân hàng nhà nước cố ý không công bố giá trị kiều hối 2017 trong năm và cả trong tháng Giêng năm 2018 là do các cơ quan này nhận thấy nếu công bố, giá trị kiều hối 2017 là quá ít ỏi và sẽ khiến ảnh hưởng tiêu cực đến ‘thành tích của chính phủ kiến tạo”, do vậy các cơ quan này buộc phải chờ đến thời gian gần tết khi dòng ngại tệ đổ về thì mới “tính gộp” vào kết quả của năm 2017 để số kiều hối 2017 tăng vọt và do đó “đạt thành tích lớn”.
Nếu điều được gọi là “phương pháp thống kê” trên là một sự thật, có thể hiểu rằng các bộ ngành kinh tế của Việt Nam đã khá thường nhập nhèm, đánh lận con đen giữa các số liệu về kinh tế tại những khoảng thời gian “chồng lấn” như giai đoạn giao thời giữa tết tây và tết ta.
Cũng có thể hiểu là kể từ năm 2018, cách tính của Tổng cục Thống kê đã chuyển từ việc thống kê trong năm dương lịch sang… năm âm lịch, tức “tính gộp” lượng kiều hối trong cả năm 2017 với kiều hối trong tháng Giêng năm 2018 với nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét